Bộ truyện manga nào bạn nên đọc ngay trong năm 2023?

Bài Tuan Anh

Nếu nghĩ manga chỉ dành riêng cho trẻ em, thì 4 bộ truyện ấn tượng với nội dung vô cùng cuốn hút sau đây rất có thể sẽ làm thay đổi suy nghĩ của bạn.

Trong những năm gần đây, xu hướng đọc truyện manga bắt đầu quay trở lại. Nếu bạn đang tìm kiếm tác phẩm thú vị để bắt đầu sở thích này, hãy cùng ELLE Man tìm hiểu qua bài viết sau.

1. Truyện manga “Slam Dunk” – Takehiko Inoue

Từng là ký ức của nhiều thế hệ bạn đọc, Slam Dunk là bộ manga lấy chủ đề thể thao, kết hợp với các yếu tố hài hước cũng như thanh xuân vườn trường. Bộ truyện xoay quanh Hanamichi Sakuragi – chàng trai nóng nảy, ngổ ngáo, và quan trọng hơn là từng thất tình đến… 50 lần. Bởi lẽ cô gái sau cùng đã từ chối cậu vì thích người khác trong đội bóng rổ, dẫn đến cậu đã từng có rất nhiều thành kiến với bộ môn này.

Dù vậy khi lên cấp 3, khi gặp cũng như “say nắng” Haruko – cô nàng rất thích bóng rổ và cũng thấy được tiềm năng của cậu, thì Hanamichi đã bị lôi kéo để gia nhập vào đội bóng của trường Shohoku. Từ thời khắc đó, cậu trai cục xúc ban đầu đã yêu bóng rổ từ lúc nào không biết, trong suốt quá trình gắn bó với những đồng đội khác.

Bộ truyện Slam Dunk. (Ảnh: Fanpage NXB Kim Đồng)

Nói về nội dung, bài học quan trọng nhất mà bộ truyện đã mang lại được đó là thông điệp mỗi người đều có một thiên tư riêng, và nếu nỗ lực vươn đến đỉnh cao, thì thành công là chắc chắn đạt được. Không phải là một tác phẩm khai thác năng lực siêu nhiên, cũng không phải là tài năng bộc phát, với bộ truyện này, ta thêm hiểu rằng chỉ có quá trình rèn luyện chăm chỉ, tin tưởng vào những đồng đội… mới giúp ta đến đỉnh cao.

Ra đời gần 3 thập kỷ, đã được chuyển thể thành anime series và tháng 4/2023 này là movie, điều giữ được sự cuốn hút ở Slam Dunk chắc hẳn là sự kịch tích trong những màn thi đấu thể thao, cũng như yếu tố hài hước trong câu chuyện cá nhân của nhân vật chính. Điều này có được là bởi tác giả cũng từng là một cầu thủ bóng rổ, nên nét vẽ của bộ truyện này mang đến cảm giác chân thật và đầy khỏe khoắn. 

2. Alice in Borderland – Haro Aso

Tạo nên “cơn sốt” trong thời gian qua với mùa thứ 2 của live action trên Netflix, Alice in Borderland suốt 10 năm qua vẫn chứng minh được sức hút của mình. Thuộc đề tài sinh tồn vốn rất quen thuộc trong văn hóa đại chúng Nhật Bản, bộ manga này có thể khiến ta cảm thấy kinh hãi cũng như hồi hộp qua từng chặng đường, nhưng đằng sau đó là những bài học vô cùng đáng giá.

Được lấy cảm hứng từ tác phẩm văn chương kinh điển Alice ở xứ sở diệu kỳ của Lewis Carroll, Alice in Borderland xoay quanh nhân vật Arisu cũng như hành trình đến với “đường biên giữa hai thế giới” – đời thực và không lối thoát. Là một học sinh cuối cấp phổ thông, Arisu không có động lực và chỉ biếng nhác ở nhà với những bộ game. Sau lần vô tình chứng kiến pháo hoa rực rỡ nở trên bầu trời, cậu và các người bạn bỗng thấy thế giới khác đi, khi chỉ còn lại những người sẽ phải sinh tồn để giành lấy được sự sống.

Alice In Borderland đang được phát hành bởi NXB Trẻ. (Ảnh: Fanpage Truyện tranh NXB Trẻ)

Thoáng qua thì tác phẩm này gợi đến cảm giác tương tự Battle Royale từng gây ám ảnh rất nhiều năm trước. Tuy thế bằng nét vẽ đẹp, chau chuốt, đi đến tận cùng của những chi tiết… thì tất cả những sự u ám của cuộc đấu tranh sinh tồn, cũng như diễn biến tâm lý của từng nhân vật đã được khắc họa một cách sáng rõ. Đây là bộ truyện thích hợp cho những độc giả ham thích phiêu lưu và luôn chờ đón những điều bất ngờ.

Tuy vậy xét về nội dung, Alice in Borderland cũng mang đến bài học riêng về việc trân quý cuộc sống, cảm giác hạnh phúc khi được là mình, cũng như mỗi một cá nhân có thể mạnh mẽ, trưởng thành từ những nỗi đau đến mức độ nào… Qua đó, hành trình tha thứ, bao dung cũng được truyền tải một cách nhẹ nhàng và đầy tha thiết.

3. Bộ manga “Anh em phi hành gia” – Chuuya Koyama

Không như những tác phẩm trên có “tuổi đời” lâu dài, Anh em phi hành gia bảo chứng cho sức hút của mình bởi hàng loạt giải thưởng danh giá, mà trong số đó có cả giải thưởng Tezuka Osamu vô cùng uy tín. Xoay quanh bối cảnh không gian – vũ trụ, tác phẩm của Chuuya Koyama có thể nói là “độc nhất vô nhị” ở thời điểm này khi đầy sáng tạo trong việc truyền tải được nhiều câu chuyện mà ta không thể ngờ đến trong các nét vẽ.

Bộ truyện kể về anh em của nhà Mutta với ước mơ trở thành những người đầu tiên đặt chân lên đến Mặt Trăng. Trong khi anh trai Namba gặp phải nhiều những ngã rẽ trong hành trình trưởng thành, thì cậu em trai Hibito lại khá dễ dàng đạt được điều mà mình muốn. Bên cạnh thông điệp theo đuổi điều mình yêu thích, Anh em phi hành gia cũng có rất nhiều phân cảnh hài hước, cũng như lượng lớn kiến thức thực tế về vũ trụ và quá trình huấn luyện các phi hành gia.

Câu chuyện rất đời từ “Anh em phi hành gia”. (Ảnh: Fanpage Truyện tranh NXB Trẻ)

Về mặt thông điệp, bộ truyện phần nào phản ánh hiện thực về cuộc sống đương đại của người trưởng thành trong một xã hội có nhiều tiêu chuẩn, như Nhật Bản nói riêng và xã hội phương Đông nói chung. Qua đó, tình yêu dành cho công việc và sự cống hiến hết mình cũng được nhấn mạnh. Bởi lẽ khi ta sống cùng với đam mê, có đủ nghị lực… thì không còn điều gì là quá khó khăn hay có thể cản bước đường của chính chúng ta.

Tuy không lấy các cảm hứng từ thực tế như bộ Slam Dunk của Takehiko Inoue, thế nhưng trong mỗi khung tranh của bộ truyện này, tác giả Chuuya Koyama đều rất chăm chút cho từng nhân vật, từ trang phục, bối cảnh cho đến thiết bị… Tất cả đòi hỏi chuyên môn về mặt cơ khí cũng như vũ trụ vô cùng khác biệt. 

4. Chainsaw man – Tatsuki Fujimoto

Được xếp vào mục “shonen manga” dành cho lứa vị thành niên, Chainsaw Man không dành cho những độc giả trẻ hơn bởi độ bạo lực và đầy đen tối. Thuộc thể loại dark fantasy với sự kinh dị cũng như giật gân, tác phẩm lấy bối cảnh thế giới giả tưởng, nơi những con quỷ thay hình đổi dạng dựa trên nỗi sợ của con người, dẫn đến sự ra đời của một tổ chức săn quỷ đã được thành lập trên toàn thế giới.

Điểm cuốn hút đầu tiên của bộ truyện này nằm ở tính chất kinh dị và khơi gợi được những nỗi tò mò rất riêng của mỗi người đọc. Thêm vào đó, tuy khai thác “quỷ dị” có phần tâm linh, thế nhưng tác giả Tatsuki Fujimoto lại hướng đến những vấn đề có phần vĩ mô và bao quát hơn, như chiến tranh phi nghĩa, vũ khí hạt nhân… – những thứ mà cá nhân ta không thể giải quyết cũng như tác động một sớm một chiều.

Điểm sáng thứ hai là nhân vật chủ chốt Denji và bạn đồng hành Pochita có các tạo hình vô cùng độc đáo, khiến cho độc giả càng yêu thích hơn. Denji là một nhân vật đã được miêu tả vô cùng chân thật, với những bi kịch mà cậu gặp phải trong đời của mình. Tuy nhiên sau khi hòa vào làm một với Pochita, thì quá trình lớn lên, trưởng thành và rất có thể cũng là “chữa lành”, hóa ra lại rất gần gũi với mỗi chúng ta.

Ngoài ra tác phẩm được viết đa tuyến, không có nhân vật chính nào hoàn toàn cố định, mà mỗi cá tính là một câu chuyện chờ ta khai phá, trong từng manh mối, bằng chứng và các plot twist hoàn toàn bất ngờ. Không ngoa khi nói để đọc Chainsaw Man ta phải lưu ý đến từng câu thoại, vì biết đâu đó bí ẩn lại được gài cắm trong mỗi từ ngữ. Có thể nói rằng, đây là tác phẩm dành cho những người trưởng thành không chỉ về mặt nặng “đô”, mà còn chính là khả năng cài cắm, đặt để cũng như liên kết chi tiết vô cùng tài tình của Tatsuki Fujimoto.

“Chainsaw Man” – manga kinh dị nhưng hấp dẫn đến phút cuối cùng. (Ảnh: Fanpage NXB Trẻ)
Bói

____________

Bài: Tuấn Anh

No more