Từ “Saltburn”, ta thấy gì ở làn sóng phim châm biếm văn hóa thượng lưu?

Bài Tuan Anh

Sự phổ biến ngày càng gia tăng của những tác phẩm châm biếm văn hóa thượng lưu là dấu hiệu của một xu hướng phản ảnh sự phân tầng giai cấp và của cải, đồng thời mở ra một dòng chảy lớn trong lĩnh vực nghệ thuật để các nhà làm phim tiếp tục dấn thân bóc tách chân dung những người giàu có.

 

 

Đề tài châm biếm giới siêu giàu lên ngôi

 

Oliver Quick (Barry Keoghan) là một cậu sinh viên thiên tài, được nhận học bổng tại một trường nội trú danh giá. Trong thế giới đầy rẫy “cậu ấm cô chiêu”, những người đến trường nhờ phụ cấp như cậu nghiễm nhiên thuộc về tầng lớp dưới đáy học đường. Nhưng không ai biết nỗi ám ảnh của Oliver về ánh sáng xa hoa ở Saltburn, về vẻ đẹp, sự tinh tế, hào nhoáng, quyến rũ của tòa lâu đài và những bữa tiệc thâu đêm. Oliver, trong hình hài của một cậu thanh niên nhỏ bé, có vẻ hiền lành và ngây thơ bắt đầu hành trình âm thầm mà thảm khốc để chinh phục thế giới thượng lưu hào nhoáng.

 

Saltburn lấy bối cảnh vào những năm đầu 2000, tái hiện bầu không khí mang âm hưởng thập kỷ Y2K đem đến câu chuyện thảng thốt và phức tạp về nghịch lý giữa kẻ giàu và người nghèo, một câu chuyện ngụ ngôn thời hiện đại của sói xám và cừu non. 

saltburn
Saltburn, một trong những bộ phim châm biếm văn hóa thượng lưu.

Chủ đề trong Saltburn hay những bộ phim phê phán đạo đức, châm biếm giới siêu giàu, chủ nghĩa tư bản không  mới. Bộ phim lớn đầu tiên khắc họa chủ nghĩa tư bản dưới góc nhìn giễu nhại là tác phẩm kinh điển Modern Times (1936) của huyền thoại Charlie Chaplin. Đây là bộ phim đầu tiên của Charlie sau năm năm “ngủ đông” vào những năm 1930, cũng câu chuyện ngụ ngôn về chủ nghĩa tư bản, khi sự tự động hóa, dây chuyền lắp ráp đã biến con người thành nô lệ cho máy móc. 

 

Ra mắt năm 2019, Parasite là bộ phim đương đại nổi bật hàng đầu trong đề tài này và là sự khám phá táo bạo của Bong Joon Ho về bất bình đẳng giai cấp, phác thảo hình hài của cấu trúc đã định hình thế giới: Sự chênh lệch giàu nghèo. Bộ phim là một vở hài kịch đen theo chân một gia đình nghèo đang tìm cách “kí sinh” trên một gia đình giàu có. Parasite đã trở thành cái tên thay đổi cục diện của ngành giải trí Hàn Quốc khi thành công thu về 263,1 triệu USD tại phòng vé và giành Giải Oscar cho Phim hay nhất năm 2020. 

 

Trong cùng năm, Knives Out thu về 311,9 triệu USD toàn cầu. Bộ phim lấy bối cảnh ở Massachusetts, tại nhà của một văn sĩ bí ẩn cực kỳ thành công – một người không may đã qua đời. Trong di chúc để lại, ông ta đã dành toàn bộ tài sản kếch xù cho một nữ y tá trẻ. Từ đây, mở ra một chuỗi phức tạp và mâu thuẫn leo thang khi cô gái trẻ phải đối mặt với sự săn đuổi của các thành viên gia đình trong khi cái chết của nhà văn quý tộc vẫn còn là một ẩn số. Knives Out là bộ phim Mỹ, là một bức tranh biếm họa về xã hội của xứ cờ hoa, tái hiện bầu không khí của điện ảnh Gothic và khắc tạc bản chất tham lam tột cùng của con người trước tiền bạc. Những định kiến ​​và đặc quyền mà các thành viên gia đình tranh giành, đấu đá lẫn nhau bởi vậy cũng mang chất Mỹ riêng. 

 

Theo cách này, Knives Out mang một số điểm tương đồng với Ready or Not, bộ phim ra mắt vào tháng 8 năm 2019, chỉ vài tuần trước buổi ra mắt ở Toronto của Knives Out. Đây là một bộ phim kinh dị, kể về một phụ nữ trẻ – một kẻ ngoài cuộc, bị lôi kéo vào cuộc chiến của một gia đình và rồi phát hiện ra rằng những kẻ cô tin là người tốt có thể sẽ phản bội cô ngay giây tiếp theo.

 

Tuy nhiên, khi Ready or Not coi sự giàu có và đặc quyền là một yếu tố kinh dị bạo lực thì Knives Out lại biến sự giàu có thành một trò hề. Những thành viên trong gia phả của gia đình Thrombeys đều “có vẻ” giàu có từ bên ngoài nhưng họ mục ruỗng toàn diện từ trái tim lẫn trí tuệ bên trong. Họ lặp đi lặp lại những giải pháp chỉ có lợi cho bản thân, niềm tin vào sự vượt trội của mình đến mức khiến cuộc tranh giành quyền lực trở nên thật nực cười và lố bịch.

 

Những thành công từ Parasite lẫn Knives Out đóng vai trò là cột mốc đầu tiên minh chứng cho thấy những tác phẩm mang tính chất châm biếm sự giàu có đang gia tăng trong ba thập kỷ đầu của thế kỷ 21. 

thượng lưu
Parasite và Knives Out minh chứng phần nào sự gia tăng của dòng phim châm biếm người giàu.

Sau đại dịch Covid-19, những bộ phim châm biếm sự giàu có tiếp tục được yêu thích. Được phát hành vào tháng 12 năm 2022, phần hai của Knives Out với tựa đề Glass Oution: A Knives Out Mystery đi theo con đường tương tự với tác phẩm tiền nhiệm khi tái hiện một cách tinh tế các biểu tượng truyền thông xã hội đương đại. Trong đó, một trong những nhân vật trung tâm là tỷ phú công nghệ Miles Bron, có thể khiến người xem dễ dàng liên tưởng tới biểu tượng văn hóa đại chúng Elon Musk. 

 

Các bộ phim khác ra mắt vào năm 2022 bao gồm Triangle of Sadness của Ruben Östlund và The Menu của Mark Mylod đều dành được nhiều thành tựu đáng ngưỡng mộ. The Menu, bộ phim có sự góp mặt của nữ diễn viên gốc Việt Hồng Châu cũng thành công khi thu về 79,6 triệu USD và được chấm 88% điểm từ giới chuyên môn trên Rotten Tomatoes. Triangle of Sadness lại tạo ra làn sóng tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn toàn cầu, giành giải cao nhất – Cành cọ vàng tại “thánh đường điện ảnh” Cannes. Kiệt tác của điện ảnh Thụy Điển chỉ với 15 phút trên du thuyền sang trọng cho một cảnh quay kinh điển, kết hợp hoàn hảo bởi các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” từ thời tiết hỗn loạn, hải sản, những người giàu nôn mửa và tiêu chảy… đã lột trần trọn vẹn vẻ trịch thượng, thảm bại, bản chất “trưởng giả học làm sang” của giới siêu giàu.

Triangle of Sadness và The Menu cũng là hai tác phẩm tiêu biểu có chung đề tài.

Hai năm vừa qua, màn trở lại của hai series hài đen đình đám Succession The White Lotus đều nhận được hàng loạt phản ứng tích cực, trở thành hai trong số những bộ phim thành công nhất của HBO. Trong suốt ba mùa đầu tiên, Succession đã được đề cử cho 48 giải Emmy và giành được 13 giải trong số đó. Tương tự như Succession, lượng người xem của The White Lotus đã tăng theo cấp số nhân vào năm 2022 so với phần một ra mắt vào năm 2021. 

 

Đằng sau các tác phẩm châm biếm

 

“Eat the rich” (Ăn người giàu) xuất phát từ một khẩu hiệu của nước Pháp gắn liền với chính trị chống chủ nghĩa tư bản và cánh tả. Nó có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau như một phép ẩn dụ cho xung đột giai cấp, nhu cầu phân phối của cải. Theo đó, nguyên văn của cụm từ này mang hàm ý: “Khi người dân không còn gì để ăn, họ sẽ ăn thịt người giàu”. 

 

Eat the rich đã trở thành khẩu hiệu nổi tiếng trong thập kỷ qua khi bất bình đẳng giai cấp, chênh lệch thu nhập tiếp tục gia tăng tại nhiều quốc gia. Kèm theo đại dịch toàn cầu đã kéo dãn khoảng cách giữa người giàu người nghèo, con người hiện đại không chỉ khủng hoảng về mặt vật chất mà còn đối mặt với loạt khủng hoảng tâm lý trầm trọng. 

 

Từ cuối năm 2019 đến 2021, 1% người siêu giàu ở Mỹ tăng tỷ lệ thống trị của cải lên 1,3%, trong khi phần còn lại của dân số ngày càng nghèo hơn. Theo Bloomberg, 131 tỷ phú tăng gấp đôi tài sản của họ trong thời kỳ đó. Và khi những người ở dưới đáy xã hội tiếp tục vật lộn để kiếm sống thì những người ở tầng lớp trên của xã hội đang được hưởng nhiều của cải hơn bao giờ hết. Thông qua những nhân vật hư cấu, những người bị ám ảnh với sự giàu có, các bộ phim châm biếm tầng lớp thượng lưu đã trở thành một liều thuốc an thần giúp xoa dịu cảm xúc, thỏa mãn tinh thần của tầng lớp trung lưu.

 

Cristóbal Garrido, biên kịch của Kings of the Night cho rằng: “Tất cả chúng ta đều thích nhìn thấy người giàu đau khổ. Đó là vấn đề về sự oán giận của giai cấp vô sản”. Xu hướng tâm lý này được xem là một “kiểu phẫn nộ tự cho là đúng”. Biểu hiện là con người cảm thấy thoải mái khi thấy ai đó bị chế giễu một cách công khai, nhất là khi họ cho rằng người đó có nhiều tiền hơn nhưng kém đức hạnh hơn họ. 

saltburn

Những tác phẩm giải trí phần nào xoa dịu cảm giác tội lỗi của con người khi lỡ phán xét thầm lặng, ghen tỵ thầm lặng và đôi khi có những mơ ước cực đoan về sự thất bại của người khác. Những nhân vật giàu có thường được mô tả như người tiền sử một cách hài hước. Họ như bị ngắt kết nối và sống biệt lập với thế giới thực. Họ ngây ngô, không hiểu biết gì về thế giới và có phần hèn nhát, ích kỷ. Những nhân vật giàu có nhưng kiêu căng, lố lăng và không hẳn hạnh phúc được xây dựng như trấn an người xem rằng sự bất hạnh của họ không phải là một vấn đề quá lớn lao. Thể phim này cho phép khán giả cười nhạo những người giàu có, nhưng cũng đồng thời khiến khán giả tò mò, trầm trồ, khao khát thế giới của họ. Người xem được chiêm ngưỡng một tầng lớp mà họ không thuộc về, từ những bộ đồ hàng hiệu, những tòa lâu đài tráng lệ, dinh thự trên bãi biển, trực thăng, du thuyền… và kích thích khao khát được là một phần trong thế giới đó, khao khát những gì mà mình không có.

 

Nhà phê bình Arabella Peterson trên tờ Whynow cũng đồng ý rằng nhìn chung có hai mong muốn bẩm sinh kết nối thói quen xem nội dung châm biếm giai cấp và việc sử dụng mạng xã hội của chúng ta: mong muốn được cười và mong muốn được phán xét. Anh cho rằng: “Các vở kịch, hình minh họa, graffiti, thơ ca và văn xuôi đã mở đường cho các bộ phim và phim truyền hình dài tập phát trực tuyến. Và vì giới quý tộc bị thất sủng không còn treo cổ để bị chế giễu công khai như ngày xưa nữa, chúng ta đã có Instagram để lấp đầy khoảng trống đó. Cho dù chúng ta đang ngồi sau màn hình điện thoại hay trước màn hình bạc thì sự xấu hổ và hài kịch vẫn luôn có mối liên hệ bẩm sinh với nhau.”.

 

Sự phê phán về quyền lợi ở lớp thượng lưu thông qua phim ảnh, qua những thước phim và lăng kính nghệ thuật đã được nâng lên từ hình ảnh xấu xí, thô ráp thành một thứ gì đó tráng lệ nhưng vẫn đáng để giễu nhại hơn. Mặt khác, đây cũng là một bức chân dung biếm họa cho chính bộ mặt con người hiện đại, minh chứng cho thấy xu thế tâm lý có phần cực đoan, mặt tối trong bản chất của con người và góc khuất của sự phát triển xã hội.

______

Bài: Hoàng Thúy Vân

No more