Vì sao Venom được khán giả yêu thích nhưng lại là “con ghẻ” của giới phê bình?

Bài Tuan Anh

Chỉ trong vòng 6 năm, chuỗi phim về người ngoài hành tinh Venom đã ra mắt tới phần thứ 3. Nhiều nhà phê bình chỉ trích kịch bản loạt phim kém chất lượng nhưng điều này không ngăn cản được sự yêu thích của công chúng lẫn thành công về mặt thương mại của “Venom”. Hiện tượng này đặt ra câu hỏi thú vị: Tại sao lại có sự khác biệt lớn như vậy giữa sự đón nhận từ giới phê bình và khán giả?

 

1. Công thức thành công bất ngờ của Venom

 

Năm 2018, khi phần phim Venom đầu tiên chính thức ra mắt trên toàn cầu, bộ phim bị giới phê bình đánh giá không mấy tích cực, phim chỉ đạt 31% trên Rotten Tomatoes và 35 điểm trên Metacritic. Phần phim tiếp theo, Venom: Let There Be Carnage (2021) cũng chỉ đạt 57%. Phần 3 Venom: The Last Dance (2024) cũng lặp lại kịch bản tương tự khi nhận được 37% điểm cà chua thối, một kết quả không mấy khả quan.

venom
Venom – một hiện tượng thú vị trong địa hạt phim siêu anh hùng. (Ảnh: Tư liệu)

Bất chấp cái nhìn kỳ thị của giới phê bình, Venom chiến thắng ngoạn mục trong lòng khán giả với số điểm cao chót vót trên Rotten Tomatoes. Phim ghi nhận số điểm lần lượt cho ba phần phim là 80%, 84%, 81% từ các Popcornmeter và thắng lớn trên chiến trường phòng vé.

 

Do Ruben Fleischer đạo diễn, Venom (2018) đã trở thành cú hit phòng vé bất ngờ lớn nhất năm 2018. Phim đã ghi nhận doanh thu mở màn ấn tượng nhất trong tháng 10 năm đó với 80 triệu đô la và thu về 855 triệu đô la từ kinh phí sản xuất chỉ 100 triệu đô la. Phần 2 dù lép vế hơn nhưng Sony vẫn lời khủng khi Venom: Let There Be Carnage (2021) thu về hơn 506 triệu USD toàn cầu.

 

Sang phần 3 – phần phim được cho là lời tạm biệt của siêu ác nhân này cũng gặt hái thành tích tương đối ấn tượng khi mở màn với hơn 51 triệu USD. Tính tới ngày 04/11, phim thành công chinh phục hơn 317 triệu USD toàn cầu.

phim anh hùng
Venom được giới phê bình và khán giả đón nhận với hai thái độ rõ rệt. (Ảnh: Tư liệu)

Ban đầu, được giới thiệu là một bộ phim phản anh hùng tối tăm và táo bạo, nhưng Venom nhanh chóng được cả nhà phê bình lẫn khán giả nhìn nhận như một bộ phim hài về tình bạn hoặc một tác phẩm rom-com độc đáo.

 

Câu chuyện xoay quanh mối quan hệ giữa Eddie Brock (Tom Hardy) và Venom, hai kẻ thất bại trong thế giới riêng của mình được xây dựng như một cặp đôi với nhiều cuộc tranh cãi đầy giải trí. Phim mang tới một loạt tình huống hài hước được cài cắm một cách tự nhiên, từ những cuộc cãi vã không hồi kết đến những khoảnh khắc ngốc nghếch khi Eddie phải làm quen với việc chia sẻ cơ thể của mình với một sinh vật lạ.

 

Không chỉ đơn thuần là sự đồng hành, mối quan hệ giữa Eddie và Venom còn là một hành trình khám phá bản thân. Khán giả chứng kiến sự trưởng thành của Eddie, từ một phóng viên thất bại trở thành một người có trách nhiệm hơn khi nhận thức được giá trị của mối liên kết đặc biệt với Venom.

 

Đối với những người chưa quen thuộc với thế giới truyện tranh, nguồn gốc của nhân vật Venom luôn gắn liền chặt chẽ với Người Nhện. Trái ngược với hình ảnh của một siêu anh hùng hoàn hảo, Venom đại diện cho sự mâu thuẫn, những vấn đề nội tâm và cảm xúc phức tạp. Khi được chuyển thể lên màn ảnh, nhân vật này đã được xây dựng lại để trở thành một hình ảnh dễ đồng cảm hơn. Khán giả không chỉ nhìn thấy một con quái vật hung ác mà còn cảm nhận được sự cô đơn, khao khát được chấp nhận và một tâm hồn đang vật lộn giữa thiện và ác.

 

Với một phong cách tiếp cận khác biệt, Venom không đơn thuần là câu chuyện về một kẻ xấu, mà còn là hành trình khám phá bản thân, sự tìm kiếm danh tính và tình bạn. Công thức này thành công giúp quái vật ngoài hành tinh tạo được dấu ấn riêng và biến Venom thành mảnh ghép dù lạc quẻ đầy thú vị trong bức tranh rộng lớn của vũ trụ siêu anh hùng.

Venom được xây dựng với tính cách phức tạp hơn trên màn ảnh. (Ảnh: Tư liệu)

Sự phân cực trong nhận thức của khán giả và giới phê bình

 

Vậy tại sao Venom lại gây ra sự chia rẽ giữa giới phê bình và khán giả? Đơn giản là vì các nhà phê bình đánh giá bộ phim qua lăng kính nghệ thuật, trong khi khán giả tìm kiếm trải nghiệm giải trí thuần túy.

 

Giới phê bình thường có tiêu chí nghiêm ngặt hơn khi đánh giá phim, dựa trên các yếu tố như cốt truyện, sự phát triển nhân vật, chất lượng diễn xuất và khả năng truyền tải thông điệp. Họ thường tìm kiếm chiều sâu và sự đổi mới trong cách kể chuyện.

 

Ngược lại, khán giả đại chúng thường đến rạp với mong muốn giải trí, tìm kiếm những trải nghiệm vui vẻ và những nhân vật mà họ có thể đồng cảm. Họ thường không quan tâm đến giá trị nghệ thuật hay thông điệp sâu xa; mục tiêu của họ đơn giản là tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ tại rạp chiếu phim. Venom vừa hay lại là một trong những bộ phim ồn ào, ngớ ngẩn và mang đến một trải nghiệm điện ảnh độc đáo cho những ai thích sự hài hước kỳ quái dù có phần phi logic.

 

Với nhiều người xem, Venom mang lại tiếng cười, hành động mãn nhãn thông qua mối quan hệ hài hước giữa Eddie Brock và Venom – điều mà họ coi trọng hơn so với các yếu tố nghệ thuật hay nội dung sâu sắc. Công thức này khá tương đồng với nhiều tác phẩm khác từ Vũ trụ Điện ảnh Marvel – “phân xưởng” nơi mà những bộ phim như Thor, Ant-ManGuardians of the Galaxy cũng đều lấy tông hài hước làm chủ đạo.

venom
Kể về phản anh hùng tối tăm và táo bạo, phim duy trì giọng điệu hài hước. (Ảnh: Tư liệu)

Trong khi giới phê bình thường là những người am hiểu về điện ảnh, có kiến thức chuyên môn và có xu hướng tiếp cận một bộ phim với góc nhìn phân tích, thì khán giả thông thường lại có xu hướng cảm nhận một cách trực tiếp và chủ quan hơn. Điều này dẫn đến việc khán giả có thể dễ dàng bỏ qua những thiếu sót trong kịch bản hay sự không nhất quán trong tông điệu nếu bộ phim mang lại cho họ sự giải trí và trải nghiệm tích cực. Ngược lại, giới phê bình lại có thể bị cuốn vào những thiếu sót đó, dẫn đến những đánh giá tiêu cực.

 

Thêm vào đó, trong thời đại mà các bộ phim siêu anh hùng đang chiếm lĩnh phòng vé, khán giả đã trở nên quen thuộc với những mô hình câu chuyện anh hùng chính nghĩa quen thuộc. Còn quái vật Venom, với tính cách lố bịch và hài hước, đã thu hút sự chú ý của một lượng lớn khán giả, những người có thể không quan tâm đến những thiếu sót trong nội dung hay cách xây dựng nhân vật.

 

Venom thành công trong việc tạo ra một không gian an toàn cho khán giả khám phá những khía cạnh tối tăm của nhân vật, mà không cần phải lo sợ về những quy tắc thông thường của thể loại siêu anh hùng. Sự hài hước nhẹ nhàng, không hề gượng ép, đã tạo ra không khí thoải mái và thư giãn cho khán giả, điều mà nhiều bộ phim siêu anh hùng khác thường thiếu.

 

Với doanh thu ấn tượng và sự ủng hộ từ khán giả, Venom chứng minh rằng, mặc dù có sự chỉ trích từ giới chuyên môn, nhưng một bộ phim vẫn có thể thành công nếu nó đáp ứng được nhu cầu và sở thích của khán giả. Điều này không chỉ làm nổi bật sự khác biệt trong cách tiếp cận mà còn phản ánh một thực tế rằng, đôi khi, thành công thương mại và chất lượng nghệ thuật không hoàn toàn tương thích với nhau.

venom
Venom vẫn trở thành một phản anh hùng được yêu thích bất chấp đánh giá của giới phê bình. (Ảnh: Tư liệu)

Sau ba phần và mang về thành công phòng vé ấn tượng như hiện tại, Venom đã chứng minh sức hấp dẫn của mình không thua gì những phản anh hùng khác như Deadpool, Joker hay Harley Quinn. Với tổng doanh thu dự kiến hơn 1,7 tỷ USD cho toàn series, Venom đã mang lại cho Sony niềm tin vững chắc để tiếp tục xây dựng vũ trụ điện ảnh xoay quanh các đối thủ của Người Nhện trong tương lai.

_____

Bài: Hoàng Thúy Vân

No more