Tạp chí 26/08/2017

Nhà thông minh – Xu hướng tất yếu của công nghệ

Bài ELLE Team

[ELLE Man tháng 6/2017] Nhà thông minh từng nổi lên như một xu thế trong những năm 2013-2014 nhưng nó đã không thể cất cánh vì nhiều lý do khác nhau. Sự xuất hiện trí tuệ nhân tạo và các trợ lý ảo đã mang nó trở lại trong năm 2016 và đặc biệt là 2017 với một phương thức giao tiếp hoàn toàn mới: giọng nói.

Nhà thông minh – xu hướng tất yếu

nha-thong-minh-elle-man-4

Khi điện thoại thông minh đang dần trở nên bão hòa, thiết bị đeo ngày càng lạc hậu thì các nhà sản xuất điện tử buộc phải nghĩ ra những thiết bị, những dịch vụ khác nhằm thu hút nhiều người dùng hơn. Nhà thông minh được chọn vì nó giúp chúng ta có cuộc sống tiện nghi, hiện đại, không chỉ cho gia chủ mà còn để gây ấn tượng với những vị khách ghé thăm. Báo cáo từ MarketsANDMarkets cho biết tổng giá trị thị trường nhà thông minh sẽ đạt khoảng 122 tỷ đô la Mỹ trong năm 2022, trong đó gần một nửa là các thiết bị do người dùng tự vọc phá (DIY).

Tiềm năng là vậy nhưng nhà thông minh đã từng thất bại một lần. Trong giai đoạn sơ khai, mỗi nhà sản xuất lại đưa ra một tiêu chuẩn khác nhau với tính tương thích gần như bằng không. Điều này gây ra rất nhiều bất tiện cho người dùng, không chỉ trong việc cài đặt, trải nghiệm mà còn trong cả việc sử dụng. Hãy hình dung chúng ta phải vào ứng dụng của Philips để mở đèn, vào phần mềm Samsung để điều khiển tivi hay mở quạt bằng app Logitech, những trải nghiệm rất tệ, không thân thiện và hoàn toàn không có tính kết nối với nhau.

nha thong minh - elle man 2

Amazon Alexa: kẻ thay đổi thị trường

Alexa là trợ lý ảo do Amazon tạo ra, nó cũng tương tự như Siri trên iPhone hay Google Assistant trên điện thoại Android, có khả năng phản hồi với giọng nói mà người dùng đưa ra. Ban đầu, Alexa không được tạo ra để điều khiển nhà thông minh nhưng “thầy phù thủy” Jeff Bezos, với tầm nhìn xa mong muốn hợp nhất tất cả các thiết bị lại, đã cho phép chúng ta trò chuyện với Alexa để điều khiển các thiết bị trong gia đình bất kể nó do ai sản xuất. Lúc này, Alexa sẽ đóng vai trò như một quản gia trong nhà, bạn chỉ việc ra lệnh và Alexa sẽ tự động nhắc nhở các thiết bị còn lại làm việc.

Một cách bất ngờ, người ta không còn cần phải truy cập vào ứng dụng của iRobot để bắt con robot hút bụi đi dọn dẹp nhà cửa nữa, không cần phải vào ứng dụng của Schlage để yêu cầu mở cửa nữa. Tất cả chỉ bằng giọng nói: “Alexa, clean my house” , “Alexa, open main door”. Việc giao tiếp bằng giọng nói mở ra một hướng đi hoàn toàn mới cho thế giới nhà thông minh, mặc dù trước đó người ta tưởng nó đã chết yểu hay chỉ là một quả bom xịt, giống như những thiết bị đeo.

Sự thành công của Alexa đã làm các nhà sản xuất khác phải “nóng mặt”, họ buộc phải dồn toàn lực để gia nhập thị trường trước khi quá muộn, và đó là lý do Google Home hay Apple HomePods được ra mắt. Chúng đều là các loa thông minh có khả năng trò chuyện với người dùng, lắng nghe các lệnh và đưa ra phản hồi tương ứng.

 

Thị trường rộng mở

Thành công của Alexa cũng như Google Asisstant hay Siri đã đồng thời kéo theo sự xuất hiện của nhiều nhà sản xuất gia dụng khác nhau, giúp thị trường đa dạng hơn và cũng sôi động hơn. Thay vì chỉ tập trung phát triển cho một nền tảng duy nhất như trước đây, các công ty này có thể làm ra hàng loạt những sản phẩm mà họ thích, sau đó kết nối nó vào hệ thống đám mây của Amazon hay Google để có thể điều khiển bằng giọng nói qua Alexa hay Google Home, loại bỏ được rất nhiều chi phí nghiên cứu phát triển trong khi vẫn tăng được tính tương thích giữa các nền tảng, các thiết bị với nhau.

Thậm chí, ngay cả Xiaomi, một công ty vốn có tiếng bảo thủ bán rất ít các thiết bị ra thị trường quốc tế (trừ điện thoại), cũng buộc phải thay đổi chính sách của họ, hỗ trợ Alexa hay Google Assistant trước khi xâm nhập vào thị trường Mỹ.

nha thong minh - elle man 3

Không chỉ dừng lại ở đó, các thiết bị nhà thông minh còn tự động học tập theo thói quen của người dùng để đưa ra các phản hồi tương ứng. Chẳng hạn, khi bạn có thói quen bật điều hòa rất lạnh vào buổi trưa thì bộ điều khiển nhiệt độ trung tâm sẽ tự động làm điều này cho chúng ta dựa vào những thông tin, những kiến thức mà nó truy cập trong quá khứ. Hay khi bạn thích đèn phòng khách tự động sáng vào buổi tối, trí tuệ nhân tạo sẽ học và phân tích thói quen này của chúng ta, sau đó tự động điều chỉnh cho phù hợp với thói quen của chủ nhà.

Kết luận

Nhà thông minh tràn ngập ở tất cả các triển lãm công nghệ lớn trên thế giới vào năm nay. Với xu hướng này, bạn gần như không cần phải quan tâm đến việc hoạt động trên nhiều thiết bị khác nhau hay các ứng dụng khác nhau của nhiều nhà sản xuất. Tất cả những gì bạn cần làm là nói, là sử dụng ngôn ngữ – cách chia sẻ tự nhiên nhất của chúng ta. Hiện tại, Google Assistant là trợ lý ảo duy nhất hỗ trợ tiếng Việt, Alexa hơi cục bộ và hỗ trợ nhiều dịch vụ nước ngoài, còn Siri thì vẫn rất sơ khai.

Bài Hoàng Sơn (Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man, Ảnh tư liệu)

cùng chuyên mục

No more