Du lịch 17/06/2023

Ẩm thực đường phố Sài Gòn: Sự giao thoa của nhiều nền văn hóa

Bài Tuan Anh

Ẩm thực đường phố Sài Gòn chính là sự hội tụ thú vị giữa nhiều nền văn hóa khác nhau. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu qua bài viết sau.

Sự giao thoa của văn hóa từ Đông sang Tây đã tạo cho ẩm thực đường phố Sài Gòn sự đa dạng từ ngàn đời nay. Vào thời gian trước những năm 1975, rất nhiều món ăn nổi tiếng, mang đậm hương vị Sài Gòn được bày bán đầy trên các nẻo đường, con phố ở Sài Gòn. Ngày nay, với sự du nhập của nhiều nền văn hóa khác nhau và cả sự phát triển của xã hội, ẩm thực đường phố Sài Gòn đã trở nên ngày càng đa dạng với rất nhiều món ăn được biến tấu phong phú, đặc sắc trong hình thức, hương vị và cả cách chế biến. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu một số món ăn đường phố được nhiều du khách biết đến.

Những

1. Bánh mì 

Được biết, bánh mì là một trong những món ăn được du nhập vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc, sau đó được biến tấu cho hợp khẩu, trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực đường phố của người Sài Gòn nói riêng và người Việt Nam nói chung. Đặc biệt, đây còn món ăn vinh dự lọt vào danh sách 24 món bánh mì ngon nhất thế giới. 

Món ăn vinh dự lọt top 24 món bánh mì ngon nhất thế giới (Nguồn ảnh: Internet)
Bánh mì Sài Gòn chính là sự hòa quyện cân bằng giữa các nguồn nguyên liệu (Nguồn ảnh: Internet)

Món ăn được nhiều người lựa chọn bởi độ tiện lợi, hương vị thơm ngon của các thành phần khi hòa quyện vào nhau. Đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa chiếc bánh mì nóng giòn, lớp nhân có các loại rau như hành ngò, dưa leo, cà rốt ngâm chua đan xen với nhiều nguyên liệu phong phú khác là thịt heo quay, giò chả, cá hộp, trứng chiên,… tùy theo nhu cầu của người mua. 

2. Ẩm thực đường phố Sài Gòn: Hủ tiếu

Món hủ tiếu sẽ nhiều phiên bản đa dạng khác nhau như hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Triều Châu hay hủ tiếu Mỹ Tho. Dù ở phiên bản nào, mỗi loại đều mang đến hương vị riêng biệt, không thể so sánh và trộn lẫn. Một số người dân gốc Sài Gòn nói rằng những xe hủ tiếu gõ đã xuất hiện trên đường phố từ trước năm 1975. 

Tô hủ tiếu thơm ngon với nhiều nguyên liệu đa dạng (Nguồn ảnh: Internet)

Là món ăn đường phố thu hút cả những tầng lớp bình dân lẫn thượng lưu từ xưa đến nay, hủ tiếu chính là món ăn mang đậm giá trị văn hóa ẩm thực Việt – Hoa. Với hương vị thanh ngọt của nước dùng được ninh từ xương hòa quyện với sợi hủ tiếu được làm từ gạo cùng các nguyên liệu như bò viên, thịt lát, giò heo, xí quách, trứng cút,.. được thêm vào tùy theo ý thích của khách hàng. 

Những xe hủ tiếu gõ đã đi vào đời sống người dân Sài Gòn (Nguồn ảnh: Interntet)

3. Ẩm thực đường phố Sài Gòn: Cơm tấm

Nhắc đến ẩm thực đường phố Sài Gòn, ta không thể bỏ qua món cơm tấm. Có một câu nói nổi tiếng như sau “Người Sài Gòn ăn cơm tấm như người Hà Nội ăn phở”. Quả vậy, bởi vì đây chính là món ăn rất phổ biến và là một phần không thể thiếu của ẩm thực nơi này. Từ nửa đầu thế kỷ XX, khi Việt Nam tiến hành quá trình đô thị hóa, món cơm tấm trở nên phổ biến tại khu vực Nam Bộ, nổi bật là Sài Gòn.

Món ăn còn là biểu trưng cho nhịp sống sôi động của người dân Sài Gòn (Nguồn ảnh: Internet)

Vào ngày 01/08/2012, Tổ chức kỷ lục Châu Á đã công nhận kỷ lục Châu Á về giá trị ẩm thực của cơm tấm Sài Gòn cùng 9 món ăn đặc biệt khác tại Việt Nam. Sự kết hợp của những hạt gạo tấm dẻo thơm vừa phải, nước mắm chua ngọt, đồ chua, mỡ hành, các món mặn như sườn, bì, chả, trứng làm thỏa mãn vị giác của thực khách khi thưởng thức.

4. Phá lấu 

Được mệnh danh là đặc sản của dân Sài Thành, chẳng biết từ bao giờ, món phá lấu bắt đầu trở thành đồ ăn vặt, ăn sáng hay có thể thay thế cho các bữa chính trong ngày. Nếu trước năm 1975, những chiếc xe chở phá lấu là ký ức nằm trong trí nhớ của những con người Sài Gòn, thì ngày nay món ăn này càng được phổ biến rộng rãi và được nhiều người biết đến. 

Món phá lấu ngày nay được chế biến với nhiều nguyên liệu đa dạng (Nguồn ảnh: Internet)

Khi xưa, người Tiều sẽ sử dụng các loại thịt heo, thịt gà hay thịt vịt dư thừa trong quá trình chế biến để nấu phá lấu. Nhưng đến ngày nay, món phá lấu được biến tấu để phù hợp với khẩu vị của du khách trong và ngoài nước. Ở Sài Gòn, người ta sẽ dùng thêm những bộ phận của heo, bò, vịt như lưỡi, tai, ruột, bao tử để chế biến. Món ăn này được ăn kèm bánh mì, mì gói, cơm hay cháo và được nhiều người Sài Gòn ưa chuộng. Nếu muốn ăn phá lấu chuẩn vị người Tiều, bạn có thể thưởng thức tại những khu Chợ Chợ Lớn tại Sài Gòn hay một số hàng quán ở quận 3, quận 4, quận 5, quận 6,… 

Phá lấu được ăn kèm với bánh mì hay mì gói (Nguồn ảnh: Internet)

5. Bột chiên

Là một món ăn vặt phổ biến tại Sài Gòn, tuy nhiên bột chiên lại có nguồn gốc từ Trung Quốc. Bột chiên của người Hoa sẽ được chiên phồng ngập dầu, không cho thêm trứng và được rắc thêm cải xá bấu (củ cải muối thái sợi) để ăn kèm. Nếu muốn thưởng thức bột chiên chính gốc người Hoa, bạn có thể tìm đến Khu Chợ Lớn ở Sài Gòn. 

Bột chiên được ăn kèm với đồ chua và nước chấm đi kèm (Nguồn ảnh: Internet)

Còn với bột chiên Sài Gòn, người ta đã có một số biến tấu trong công thức chế biến. Nguyên liệu khá đơn giản với miếng bột chiên thơm lừng trong dầu nóng, trứng, ăn kèm với đu đủ bào sợi, hành lá và chấm với nước tương đã được pha chế. Tuy chỉ là một món ăn đơn giản, dễ thực hiện nhưng hương vị của bột chiên rất kích thích vị giác và phù hợp thưởng thức vào những ngày mưa lạnh tại Sài Gòn. Món ăn này được bán cả ngày tại các hàng quán trên vỉa hè hay những quán ăn trải dài khắp đường phố Sài Gòn. 

5

______________

 Bài: Gia Hân

No more