Khi cả thế giới vẫn đang vật lộn với việc tìm ra phương pháp giáo dục trẻ phát triển toàn diện thì từ rất lâu rồi, phụ huynh người Do Thái đã thiết lập cho mình những phương pháp dạy trẻ mang lại nhiều hiệu quả tích cực và khiến nhiều quốc gia phát triển khác phải tham khảo, học hỏi.
Xuất hiện trong chương trình Shark Tank tập 9 mùa thứ 2, bé Bống bán chè bưởi đã gây được nhiều sự chú ý của dư luận. Làm cách nào mà một cô bé 11 tuổi có thể thông minh, đối đáp giỏi và có chí hướng kinh doanh của một người lớn như vậy? Câu trả lời đã được chính mẹ của bé giải đáp trong chương trình, đó là sự học hỏi từ cách dạy trẻ của người Do Thái.
Vậy có gì ở cách phụ huynh Do Thái dạy con khiến người ta phải tâng bốc họ đến vậy? Hay tại sao một dân tộc bé nhỏ với dân số chưa bằng dân số một bang của nước Mỹ có thể có tỷ lệ nhà khoa học, tỷ phú, nhà phát minh, chính trị gia cao đến thế? Người Do Thái sống rải rác ở khắp nơi trên thế giới, nhưng đặc biệt họ vẫn luôn truyền cho nhau từ đời này sang đời khác những bí quyết để nuôi dạy thế hệ tương lai về cả tri thức lẫn nhân cách.
Nếu bạn đã hoặc chuẩn bị có con, hãy cùng ELLE Man tham khảo những phương pháp dạy con của người Do Thái dưới đây để tìm ra những hướng phát triển phù hợp nhất cho bé yêu của mình. Hoặc nếu bạn chưa, thì dưới đây cũng là những bài học bổ ích để người lớn cũng có thể học hỏi và hoàn thiện hơn nhân cách của mình.
1/ Không gì là không thể
Đối với phụ huynh của nhiều quốc gia, có hàng ngàn việc trên đời được liệt vào danh sách “trẻ con không thể nào làm được”. Không thể tự ăn cơm, không thể tự gấp chăn màn, không thể tự chi tiêu tiền bạc, hoặc thậm chí không thể ngủ một mình. Đối với phụ huynh Do thái, sẽ không có bất kỳ giới hạn nào trong những việc con trẻ có thể làm. Trừ những việc gây nguy hiểm đến tính mạng như tự lái xe, tự băng qua đường,… ra thì trẻ em Do Thái được khuyến khích làm tất cả các công việc thường nhật của người lớn.
Tính tự lập là thứ trẻ em Do Thái được bố mẹ khuyến khích ngay từ khi lên 2, lên 3. Mọi thứ các em đều sẽ được tập làm, những gì không thể làm được, các em sẽ tiếp tục được bố mẹ hướng dẫn và giúp đỡ cho đến khi có thể. Nếu nhà bếp là khu vực cấm kỵ đối với trẻ em ở Việt Nam thì trẻ em Do Thái xem nhà bếp là sân chơi hấp dẫn nơi các em có thể được tự do thử sức và tung hoành ngay từ những ngày còn bé.
Vậy cốt lõi của vấn đề để cho trẻ tự lập từ nhỏ là gì? Đó là sự tin tưởng con của các bậc làm cha làm mẹ. Và để có thể dành cho trẻ nhiều sự tin tưởng và tôn trọng hơn ngay từ những năm tháng đầu đời là một thử thách mà các bố mẹ cần rèn luyện. Hãy bắt đầu với việc tin rằng việc để cho trẻ tự làm những việc trẻ có thể làm này sẽ đem lại cho trẻ nhiều tiềm năng hơn.
2/ Đừng bao giờ ngừng đặt câu hỏi
Đứa trẻ nào cũng được sinh ra với sự tò mò về thế giới xung quanh, và đó là cách chúng ta phát triển và lớn lên. Nhưng nếu những câu hỏi đầu tiên không được giải đáp hoặc tệ hơn, bị đáp lại là: “Đừng tò mò chuyện của người lớn”, thì dần dần, những đứa trẻ ấy sẽ mất đi bản năng đặt câu hỏi, mất đi niềm hứng thú tìm hiểu thế giới, dẫn đến sự chấp nhận và ngừng phản biện.
Đối với phụ huynh Do Thái, việc một đứa trẻ càng đặt nhiều câu hỏi, càng thắc mắc về thế giới xung quanh sẽ càng tạo cho chúng nhiều cơ hội phát triển. Trẻ em Do Thái được khuyến khích đặt câu hỏi ở trường học và sẽ không chấp nhận cho đến khi nhận được một câu trả lời thỏa đáng. Bố mẹ Do Thái cũng sẽ chia sẻ những vấn đề họ gặp phải trong cuộc sống cho con trẻ, hỏi ý kiến của con và cùng con bàn luận xem cách giải quyết của vấn đề là gì. Trẻ em được tham gia vào việc tư duy và giải quyết vấn đề cuộc sống từ sớm để lớn lên sẽ đôc lập, tự chủ hơn và không mất đi ham muốn tìm tòi, khám phá cuộc sống.
3/ Con nghĩ thế nào về vấn đề này?
Một câu hỏi mà trẻ em Do Thái hay được hỏi nhất ngay từ bé chính là “Con nghĩ thế nào về vấn đề này”. Dù những ngày còn bé, trẻ sẽ không có đủ nhiều suy nghĩ cũng như có thể phát biểu ý kiến một cách đúng đắn, nhưng nếu được tập luyện, trẻ sẽ dần dần có một cách phát biểu ý kiến phù hợp nhất. Trẻ em Do Thái được khuyến khích hãy luôn bảo vệ chính kiến của mình một cách tinh tế.
3 nguyên tắc khi phát biểu ý kiến trẻ em Do Thái cần lưu ý là: thành thật, tôn trọng ý kiến đối lập của người khác và không cực đoan.
Trong các cuộc hội thoại ngay từ khi còn bé, trẻ em Do Thái cũng được dạy cách làm sao để cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn và mang lại những năng lượng tích cực. Việc khăng khăng cho bản thân mình là đúng, không chịu lắng nghe ý kiến của người khác, bảo thủ, không phân tích bản chất vấn đề bị hạn chế ngay từ những ngày còn bé để trẻ lớn lên là một người vẫn biết bảo vệ quan điểm của mình, nhưng vẫn sẽ học hỏi và lắng nghe sự khác biệt từ những người xung quanh.
4/ Con vừa là tất cả, vừa không là gì cả
Nhiều nhà tâm lý học cho rằng chính suy nghĩ này là lý do cốt lỗi khiến cho người Do Thái thành công đến vậy. Trong nhận thức của những đứa trẻ Do Thái ngay từ ngày còn nhỏ, chúng không phải là trung tâm của vũ trụ, nhưng vẫn có đủ sức mạnh để làm nên những điều to lớn.
“Con vừa là tất cả” nghĩa là chỉ cần con đủ mong muốn và nỗ lực, không việc gì trên thế giới này con không thể làm được. Tất cả những gì con có sẽ do chính con tạo ra. “Con vừa không là gì cả” nghĩa là con đồng thời vẫn phải khiêm tốn, tôn trọng những người xung quanh và quý trọng những gì con đang có. Đừng để bất kỳ điều gì giới hạn con, nhưng cũng đừng nghĩ con đã hiểu hết về cuộc đời này. “Thế giới này là vì ta và do ta mà ra”, một chân lý thoạt nghe có vẻ phức tạp nhưng nếu có thể hiểu đúng, đó sẽ là tiền đề để tạo nên những cá nhân vĩ đại.
5/ Cách quản lý tiền bạc qua 5 chiếc hũ
Đừng ngạc nhiên tại sao người Do Thái có thể dạy con quản lý tiền bạc thành thạo đến vậy ngay từ khi còn nhỏ, vì họ là những người đã phát minh ra khái niệm “ngân hàng” cho thế giới này.
Trẻ em Do Thái được dạy về nguyên tắc 5 chiếc hũ ngay từ khi còn bé. Trẻ em sẽ được cho 10 đồng shekel (tiền Israel) và 5 chiếc hũ, đánh dấu theo thứ tự: hũ đựng tiền chi tiêu, hũ đựng tiền thuế, hũ đựng tiền tiết kiệm, hũ đựng tiền từ thiện và hũ đựng tiền đầu tư.
Sau đó, trẻ sẽ được mở lọ từ thiện để lấy tiền giúp đỡ người khác vào những ngày cuối tuần. Bình thuế được mở khi hết tháng. Trẻ chỉ được lấy tiền ở bình tiết kiệm khi có dịp đặc biệt như ai đó trong gia đình bị ốm. Bình đầu tư chỉ mở khi đã đầy. Trẻ sẽ có quyền tự quyết mọi chi tiêu và dùng tiền vào mục đích gì.
Ngay cả khi trẻ làm sai, phụ huynh cũng không được can thiệp bởi chúng sẽ học được nhiều hơn từ những lần thất bại. Bằng cách này, trẻ sẽ nhớ lâu hơn, sáng tạo hơn trong quá trình quyết định và chịu trách nhiệm của mình.
6/ Câu chuyện “Người được chọn”
Những ai tìm hiểu nhiều về dân tộc Do Thái và đạo Do Thái, ắt hẳn sẽ biết đến câu chuyện “Người được chọn”.
Trong đức tin của người Do Thái, dân tộc họ là “The chosen people” – những người được Chúa trời chọn lựa để truyền đạt ý Chúa, khai sáng và dẫn dắt cho các dân tộc khác. Suy nghĩ này có ảnh hưởng như thế nào đến người Do Thái? Hãy nhìn cách họ bình thản đi qua biết bao cuộc tàn sát đẫm máu, những âm mưu diệt chủng và giết hại của các dân tộc khác mà không hề tuyệt vọng, oán trách. Vì người Do Thái tin rằng Chúa Trời đang lựa chọn họ để gánh chịu những đau khổ, bất hạnh của nhân loại.
Trẻ em Do Thái được dạy rằng chúng phải luôn học hỏi và sáng tạo, không chỉ để làm giàu cho bản thân mà còn để cống hiến và phát triển nhân loại – hoàn thành sứ mệnh mà Chúa Trời đã giao cho dân tộc Do Thái. Phụ huynh Do Thái cũng dạy con khi gặp phải khó khăn hay ngang trái cũng không nên nản lòng mà hãy kiên nhẫn và tiếp tục tìm cách vượt qua, vì họ luôn có một niềm tin mãnh liệt vào Chúa cũng như nhiệm vụ mà Chúa đã lựa chọn và dành riêng cho dân tộc họ từ ngàn đời nay.
Xem thêm:
Thế hệ trẻ hiện nay ít khỏe mạnh và hạnh phúc hơn cha mẹ mình?
Philip Roth qua đời: Cái chết của người Do Thái cô đơn
—
Hạnh Nguyên(Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, nguồn tham khảo: Chicago Tribune)