Nhiếp ảnh ngày nay không còn là một thú chơi xa xỉ với mọi người như lúc trước. Tuy nhiên, câu hỏi khiến nhiều anh em trăn trở là không biết nên mua combo ống kính và máy ảnh tốt, phù hợp với nhu cầu như thế nào. Điều này đã phần nào làm chùn bước đam mê của không biết bao người.
Ở thời điểm hiện tại, mọi người thường mua body máy ảnh có kèm ống kính 18-55mm để…cho tiện. Tuy nhiên, việc sử dụng ống kính 18-55mm đi kèm với máy chỉ mang lại lợi ích trước mắt, khó có thể thoả mãn thêm nhu cầu về sau của đại đa số người sử dụng. Cũng chính vì vậy mà nhiều người khi đã sở hữu thêm 1-2 chiếc ống kính nữa thì họ ít sử dụng đến 18-55mm hơn trước.
Việc chọn combo thích hợp rất quan trọng trong việc phục vụ mục đích của những người mới bước chân vào con đường nhiếp ảnh. Bởi lẽ, những hệ máy, những ống kính khác nhau sẽ cho ra chất lượng tối ưu nhất trong từng mục đích sử dụng. Bên cạnh đó, không phải ai cũng có đủ điều kiện để sắm cho mình những chiếc máy ảnh hay ống kính có thể sử dụng tốt ở mọi mục đích, nhu cầu. Vì vậy, tiêu chí của bài viết đề ra là vừa túi tiền trong mức chấp nhận được chứ không đòi hỏi quá cao về thiết bị.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tổng hợp, tham khảo, không phân chia chất lượng của các hãng sản xuất.
Chọn máy ảnh chụp phong cảnh, du lịch
Thực tế, những chiếc smartphone ở thời điểm hiện tại đang làm rất tốt về mảng chụp phong cảnh khi đi du lịch. Việc sở hữu camera góc rộng, siêu rộng, thiết bị nhỏ gọn, dễ mang vác, di chuyển đang là lợi thế của “nhiếp ảnh điện thoại”. Tuy nhiên, chất lượng hình ảnh và sự đa dụng thì những chiếc máy ảnh DSLR và Mirrorless mới là những ông chủ thật sự.
Điểm yếu đến từ khả năng phóng to ảnh của smartphone đã khiến thiết bị này trở nên lép vế so với những thiết bị chuyên dụng. Bên cạnh đó, sự ra đời của máy ảnh không gương lật (Mirrorless) đã thu gọn kích thước của những thiết bị chuyên dụng nhưng vẫn đảm bảo tốt tính năng sử dụng. Vì vậy, anh em cứ yên tâm khi lựa chọn những thiết bị nhiếp ảnh chuyên dụng mà không lo về sự cồng kềnh của những chiếc máy ảnh đời trước. Hoặc có thể nhiều người đàn ông trong chúng ta muốn thể hiện sự mạnh mẽ, cứng cáp vẫn có thể chọn những chiếc máy DSLR.
Những chiếc máy ảnh phục vụ tốt cho nhu cầu nhiếp ảnh nghiệp dư cho du lịch, phong cảnh có thể kể đến như 700D, 750D, 800D, 60D, 70D từ Canon; D3300, D3400, D3500, D5300, D5500 từ Nikon. Những chiếc máy mirrorless có thể kể đến từ Sony như Alpha A6000, A6300, Nex 5, Nex 6 hoặc XT100, XT200, X-A5, X-A7 đến từ Fujifilm. Ống kính có thể sử dụng tốt cho mục đích đã nêu cũng như sử dụng tốt trong tầm giá có thể kể đến các loại lens kit như 18-105, 18-135, 18-140,…
Nhu cầu chụp chân dung
Nhiều người thường nghĩ rằng, ống kính càng phóng to, thu nhỏ được lớn được nhiều chính là ống kính xịn. Nhưng trong trường hợp đối với chụp ảnh chân dung, dù cho những chiếc lens có khả năng phóng đại ảnh đắt tiền đến mức nào đi chăng nữa thì cũng phải “quy phục” trước sức mạnh của lens fix. Lens fix là những chiếc lens có tiêu cự cố định, hay nói cách khác là không có khả năng phóng to thu nhỏ trên ống kính, nhiếp ảnh gia thường làm việc này bằng cách di chuyển xa gần chủ thể để đạt được tỉ lệ khung hình mong muốn.
Khác với chụp phong cảnh, du lịch, chân dung đòi hỏi khả năng làm nổi bật được chủ thể trên nền background. Nói cách khác, khi chụp chân dung, thiết bị nhiếp ảnh phải đáp ứng được khả năng xóa phông “căng đét”. Chính vì thế mà những chiếc ống kính có khả năng phóng to, thu nhỏ bắt đầu tỏ ra lép vế trước những “sát thủ chân dung” như những chiếc lens fix có tiêu cự cố định nhưng lại có khẩu độ hoàn hảo trong việc thu sáng và xóa phông. Không bàn đến những chiếc Mirrorless thuộc phân khúc cao cấp của các hãng sản xuất. Dòng máy DSLR có khả năng cho những sản phẩm chân dung khá tốt trong phân khúc phổ thông và dưới phổ thông.
Vì vậy, để phù hợp với tiêu chí ban đầu đã đề ra thì những dòng máy DSLR trong tầm giá có khả năng chụp chân dung ổn đó là 60D, 70D, 77D đến từ Canon và D7100, D7000, D5600 của Nikon. Ống kính thích hợp nhất để sử dụng cho chụp ảnh chân dung có thể kể đến các loại ống kính fix thông dụng như 50mm f/1.8, 35mm /f1.8 hoặc 85mm f/1.8,…
Cho những buổi sự kiện
Nhìn chung, để chụp ảnh sự kiện hay chụp dịch vụ đòi hỏi thiết bị nhiếp ảnh tầm trung trở lên, tùy vào yêu cầu chất lượng của người sử dụng. Sự kiện ở đây có thể hiểu như thể thao, đám tiệc,… Không nhất thiết phải là những cuộc hội thảo có quy mô lớn. Bên cạnh đó, yêu cầu về chất lượng của chụp ảnh sự kiện có thể nói là nhiều hơn những mục đích khác như chân dung, phong cảnh, du lịch.
Khi chụp ảnh sự kiện, sản phẩm cho ra đòi hỏi phải thể hiện được những khoảnh khắc đáng nhớ trong sự kiện đó như cầu thủ chuẩn bị tung ra cú sút; quan viên hai họ bắt tay với nhau;…Chính vì thế, chiếc lens có khẩu độ lớn hay có khả năng xóa phông tốt là điều rất cần thiết cho những tình huống như thế này. Cho nên, lens fix là một sự lựa chọn khá là tối ưu khi sở hữu khẩu độ to, cho khả năng xóa phông, tạo hiệu ứng bokeh rất tốt. Tuy nhiên, tiêu cự cố định mang lại sự khó khăn nhất định với nhiếp ảnh gia, khiến họ không thể thuận tiện thay đổi góc độ khi chụp ảnh.
Vì thế, những ống kính với khẩu độ cố định như 17-50 , 17-105, 24-70,… Ra đời và thừa hưởng khẩu độ lớn như những lens fix và khả năng phóng to thu nhỏ đa dụng từ những chiếc lens zoom. Cũng chính vì vậy mà giá thành của những chiếc lens này khá đắt so với những chiếc lens fix, lens zoom. Tóm gọn lại, 6D từ Canon; D700 hoặc D610 từ Nikon kèm với lens 17-50 hoặc lens 28-75 sẽ là một combo lý tưởng, giá thành phù hợp với anh em có kinh phí không quá lớn.
__
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Bài viết: Phan Nguyên