Những cánh mày râu đam mê những chuyến đi phượt, khám phá những danh lam thắng cảnh hay chinh phục những con sông, ngọn núi hùng vỹ. Đó không chỉ là đam mê mà còn là trải nghiệm mà ai cũng nên thử qua một lần trong đời. Leo núi là cuộc hành trình khám phá những vách núi treo leo, những hang động hùng vỹ và hoang sơ, mang lại cảm giác phiêu lưu mà ta khó lòng từ chối nếu có cơ hội thử thách.
Nhân đây, ELLE Man mách nhỏ cho cánh mày râu những tip nhỏ trong việc chuẩn bị đồ leo núi để có một cuộc hành trình chinh phục ngoạn mục cho bản thân. Những tip này chỉ nên áp dụng cho việc leo núi thông thường và đi rừng thôi nhé, không nên áp dụng cho việc leo những vách núi đá cheo leo hay vượt sông đâu đấy.
1/ Thời gian leo núi
Quý ông nên lập một chế hoạch và chuẩn bị chu đáo cho chuyến hành trình của mình, đặc biệt là đối với những chuyến leo núi đòi hỏi quyết tâm cao như Fansipan. Còn những chuyến đi ngắn ngày và đơn giản hơn, bạn có thể đi leo núi vào thời gian thuận tiện trong năm. Nếu đi Fansipan, hoặc dài ngày, vất vả, bạn nên đi từ tháng 11 đến tháng 4, khi thời tiết khô ráo.
Nếu cánh mày râu vẫn muốn đi vào các tháng khác thì cần chuẩn bị nhiều hơn để đối mặt với thời tiết ẩm ướt, trơn trượt, muỗi vắt và những hiểm nguy khác. Thời tiết đẹp ảnh hưởng rất lớn (50-60%) đến sự thú vị của chuyến đi, đến chất lượng ảnh chụp, sức khoẻ, độ nguy hiểm. Thời tiết mưa, ẩm ướt làm tăng đến 70% khả năng trượt ngã; 90% sự khó chịu, 30% tốc độ di chuyển. Bạn cũng nên tìm hiểu về tuyến đường, địa hình, độ dài… để tính thời gian cho hợp với sở thích của mình.
2/ Chuẩn bị đồ leo núi
Các bạn nên chú ý việc chuẩn bị đồ leo núi còn tùy thuộc vào thời tiết nữa đấy, ví dụ nhé:
Ngày khô khác hẳn với hành trang ngày ướt;
– Đường có sẵn, hay đường băng rừng
– Hành trang cho nam khác với nữ;
– Thời gian đi: 2,3 hay 4 ngày;
– Loại hình chuyến đi: đi không guide, không porter, hay đi có trợ giúp (nhiều hay ít).
– Sức khoẻ của bạn: cơ bắp, khả năng chịu rét, chịu khát, chịu bẩn…
Ngoài ra hành trang bạn mang theo chuyến đi leo núi phải có tính dự phòng. Có nghĩa là bạn phải dự phòng khi mưa, khi lạc, khi ngã chảy máu, khi lạc đường, khi tối trời, khi bị ốm…
2.1. Giày, dép, găng, bọc
Nên đi giày là chủ yếu. Dép chỉ dùng khi phải lội suối và đi trong lán trại.
Khi chọn giày phải lưu ý chọn kích cỡ vừa chân, có đế mềm và gai bám đường, bền, không nặng quá, không dễ bị ướt, thích hợp với địa hình. Giày đi leo núi thích hợp nhất là loại bằng da, cao cổ (cao hơn mắt cá chân một chút), có gai bám bằng cao su (bám đá tốt hơn đế nhựa mềm), buộc dây. Tiêu chí ‘bền – bám đường’ nên đặt lên trên.
Giày chống nước
Không gì khó chịu hơn là giầy bị thấm nước vào trong và trời lạnh. Giày chống nước giúp bạn có thể lội qua các vũng nước nông, khoảng 5-15cm, tuỳ thuộc vào lớp da đệm bên dưới dây buộc liền với thân giày đến đâu. Để chống nước, lớp da của giày được tráng một lớp keo chống nước.
Giày da thường cũng chống nước vào khá lâu, nhưng khi bị ngâm nuớc lâu thì da bị thấm nước bên ngoài và trở nên nặng hơn. Nhiều người sử dụng cách bọc giày để chống ướt , đấy cũng là một cách rất hay và tiết kiệm chi phí.
Dép thì phải có quai hậu.
Găng tay có gai cao su, đây thứ buộc ‘phải có’ khi đi rừng hay leo núi, xếp trên cả dép đấy nhé.
Bọc cổ chân, gối là một đoạn ống băng đàn hồi, có tác dụng để cố định gân, dây chằng cơ khỏi bị bong hoặc dịch khỏi vị trí ban đầu.
2.2. Trang phục cá nhân
Đây là những món đồ không thể thiếu trong chuyến leo núi của bạn đấy. Nhưng đồ leo núi sẽ các đồ du lịch ở những điểm sau, bạn chú ý nhé.
Yêu cầu chung là:
– Giữ ấm khi lạnh, thoát khí nóng
– Chống trầy xước
– Dễ cử dộng
– Thấm mồ hôi,
– Chống nước
– Chống vắt, côn trùng
Quần
Bạn nên sử dụng quần đai chun hoặc có đai treo thay cho thắt lưng để quần đỡ bị tụt và bó chặt người. Vải quần nên là loại cotton, co giãn (dệt kim thì tốt) thì dễ chịu hơn nhiều.
Nếu mưa ướt, bạn nên đeo cái trùm giày cao đến bắp chân là ổn. Hoặc bạn có thể mặc quần không thấm nước. Nhưng tôi không khuyên bạn sử dụng bộ quần áo mưa có trên thị trường vì chúng rất bí hơi. Trong thời tiết mưa ẩm ướt, bạn không nên băng rừng, trừ trường hợp khẩn cấp.
Đường rậm rạp, hoặc phải băng rừng (không có đường mòn sẵn). Nên dùng quần vải dày, túm ống để đỡ bị vướng dây, gai đâm, rắn cắn. Bạn nên mang theo một quần dệt kim dày để mặc khi nghỉ lại trong lều/lán.
Áo
Khi chọn áo cho chuyến đi leo núi, bạn nên mặc 1áo lót cotton dệt kim + 1 áo ngoài cotton. Nếu trời lạnh bạn có thể khoác thêm gilê, có cổ. Mặc nhiều áo hay hơn là mặc một áo dày vì ta có thể bỏ bớt đi một cái. Số lượng áo và độ dày rất tuỳ thuộc vào từng người, bạn phải tự quyết định mình cần gì.
Nếu đi băng rừng, bạn không nên dùng áo dệt kim vì dễ bị gai đâm hơn vải dệt thôi. Xin nói thêm về chất liệu cotton. Trên thị trường có đến 70% áo thun không phải hoàn toàn cotton, kể cả loại có nhãn ghi 100% cotton (!).
Ngoài cùng bạn vẫn cần một cái áo khoác dày nhưng thật nhẹ, chỉ để khoác khi dừng lại nghỉ lâu. Và bạn vẫn nên chuẩn bị quần áo thay thế, đề phòng ngã xuống vũng nước và buộc phải thay.
Khăn quàng cổ
Cũng nên là cotton, mỏng, có tác dụng giữ ấm cổ và lau mồ hôi, ngăn côn trùng đốt. Thậm chí trong trường hợp khẩn cấp có thể dùng để lau hoặc băng vết thương. Tốt nhất là bạn nên dùng một khăn mặt cho mục đích này.
Mũ
Để che nắng, mưa và gai góc. Với đường mòn rộng thì mũ lưỡi trai là OK. Nhưng với đường băng rừng hoặc rậm rạp thì loại mũ có vành (mũ cối hoặc tai bèo) phù hợp hơn nhiều.
Balô, túi
Yêu cầu: độ bền cao, quai, dây và chốt nhựa phải chắc chắn. Vì nếu balô đứt quai giữa đường thì phiền phức cho các chàng lắm đấy. Và chỉ nên mang khoảng 5-6kg, bạn không cần balô to quá.
2.3. Nước và thực phẩm
Nước và uống nước
Cách uống nước rất quan trọng. Khi đi leo núi mồ hôi ra nhiều,bạn sẽ có nhu cầu uống nước thường xuyên. Bạn nên uống theo kiểu nhấp từng ngụm nhỏ, để trong miệng cho nước từ từ tưới xuống họng. Để có thể uống liên tục mà vẫn đi, bạn nên treo chai nước ngay trước ngực. Nếu có vòi hút ngay cạnh thì tiện nhất, không thì đục một lỗ nhỏ, bóp đáy chai cho nước chảy vào miệng.
Lượng nước uống dùng cho 1 ngày leo núi khoảng 1,5-2 lít (3-4 chai cỡ trung). Còn nước khi ăn uống là chưa tính. Nếu mang toàn bộ lượng nước đó (1,5-2kg) thì khá nặng, nên bạn có thể tự mang 1-2 chai 0,5 lít. Nếu cẩn thận bạn nên cho thêm một ít muối và đường gluco vào nước thì tốt.
Thực phẩm
Bạn nên mang theo các thực phẩm như socola, các loại hạt (chẳng hạn như đậu phộng), trái cây khô… Những loại thực phẩm này có trọng lượng nhẹ nhưng lại cung cấp một lượng calo rất cao, giúp tăng năng lượng cho bạn trong quá trình leo núi.
Thuốc
Cũng thuộc danh mục ‘phải có’ và rất nhiều hạng mục. Xem bảng danh mục thuốc và lựa chọn cho phù hợp và cả thuốc cá nhân nữa nhé. Và quan trọng nữa là bạn nên học cách dùng thuốc một chút.
3/ Thông tin liên lạc
Bạn có thể sử dụng ĐTDĐ ở rất nhiều nơi. Nhưng có những nơi không có sóng. Vậy sau đây là những giải pháp:
– Qui định trước cách thức liên lạc
– Qui định các điểm dừng chờ nhau, nếu đã có sơ đồ đi
– Qui định các đôi đi với nhau
– Phương tiện hỗ trợ: còi, đèn, pháo bông, đánh dấu đường…
– Tín hiệu khẩn cấp qui định trước
Chiếu sáng
Thông thường thì chúng ta không có ý định di chuyển trong đêm. Nhưng cũng có những trường hợp do nhiều nguyên nhân (đi chậm, sự cố, cấp cứu vv…) mà chúng ta phải đi 1-4 tiếng đồng hồ trong đêm. Ở khu lán trại, mặc dù có nến, chúng ta cũng vẫn phải dùng đèn pin.
Ở điều kiện bình thường bạn nên dự kiến sẽ phải dùng đèn pin khoảng 2-3g/đêm. Đèn có hai loại: dùng pin thường và ắcqui xạc. Bạn nên căn cứ vào loại đèn, thời gian chiếu sáng, mà lựa chọn đèn cho phù hợp.
Nến dùng để chiếu sáng cố định trong lán. Để nến khỏi tắt bạn có thể cắm nó vào cái cốc giấy đã cắt thủng đáy.
Máy ảnh và chụp ảnh
Các bức ảnh đẹp về chuyến đi là vô cùng quan trọng với chúng ta. Ngoài ra bạn sẽ phải vừa quan sát đường đi, vừa tìm ra những cảnh đẹp để chụp. Trong rất nhiều trường hợp, độ ẩm quá cao có thể làm hỏng máy ảnh của bạn. Chỗ để máy tốt nhất là treo trước ngực. Khi cần bạn cho luôn máy vào sát ngực để sưởi khô. Nếu cẩn thận, bạn nên có thêm một dây bảo hiểm nhỏ, hai đầu có hai móc có lẫy nối máy và móc vào ngực.
Vắt và chống vắt
Vắt luôn là nỗi khó chịu của mọi người. Vắt có loại ở mặt đất và ở trên cây. Khi bám vào da, vắt sẽ tiêm vào chỗ cắn chất chống đông máu. Cho dù bạn bắt ra thì chỗ cắn sẽ vẫn chảy máy một lúc lâu. Thường mọi người buộc túm ống quần hoặc đi giày cao cổ để chống vắt bám, nhưng vắt vẫn có thể chui vào trong! Bạn nên dùng bình xịt muỗi xịt vào mọi nơi trên quần áo, mũ, ba lô…
Hy vọng những chia sẻ trong bài viết có thể giúp các bạn chuẩn bị đầy đủ đồ leo núi cho chuyến đi của mình, và ngoài ra các bạn cần phải chuẩn bị tinh thần ứng phó những chuyện ngoài kế hoạch và phải rèn luyện thể lực một thời gian trước những chuyến đi. Chúc các quý ông sẽ có một chuyến đi leo núi đầy thú vị và an toàn nhé.
___________
Bài viết: Nguyên Trần / Nguồn: Tổng hợp / Hình ảnh: Tư liệu