Sau những năm tháng cần mẫn với công việc, bạn sẽ dành dụm được một khoảng tiền tiết kiệm cho bản thân. Mỗi người sẽ có những toan tính khác nhau mà họ cảm thấy phù hợp: đầu tư kinh doanh, mua bán bất động sản, mua sắm hưởng thụ cá nhân hoặc gửi tiết kiệm ngân hàng… Với nhịp sống không ngừng như thoi, con người ta thường bị dính chặt vô vòng xoáy công việc – gia đình – xã hội. Vật chất dường như là thứ có thể giúp họ tìm thấy niềm vui khuây khỏa trong thoáng chốc. Tuy vậy, cuộc đời là giới hạn và vật chất cũng là vô thường, chúng đến rồi đi không nói lên giá trị của con người bạn. Ai cũng chỉ sống có một lần, hãy dùng những đồng tiền đó để trải nghiệm cuộc sống, đầu tư vào những gì khiến bạn có được niềm vui và an nhiên thực sự.
Nghịch lý của sự sở hữu
Một nghiên cứu kéo dài 20 năm của tiến sĩ Thomas Gilovich, giáo sư tâm lý học tại trường Đại học Cornell, chỉ ra kết luận rằng những người sở hạnh phúc và có khả năng thăng tiến công danh nhanh chóng thường không tiêu tiền quá nhiều vào vật chất. Vấn đề xảy ra khi ta tiêu những đồng tiền kiếm được vào vật chất là hạnh phúc sẽ đến, và cũng sẽ đi, một cách nhanh chóng.
Và đây là lý do vì sao:
– Khi bắt đầu làm quen với việc sở hữu vật chất, dần dà sau đó chúng trở thành một thói quen, một sự “chuẩn mực” trong cuộc sống bạn.
– Khi đã quen, chúng ta lại tăng tiến nhu cầu. Giá trị và nhu cầu mua sắm tăng lên kéo theo niềm mong mỏi cho việc đó cũng tăng lên. Rồi khi đạt được điều mình muốn, ta lại thèm thuồng một thứ mới hơn, tốt hơn.
– Tâm lý đua đòi hơn thua luôn hiện hữu trong tâm lý chung của loài người. Sự chiếm hữu là nguyên nhân tiềm ẩn và nuôi dưỡng lòng so sánh, đố kỵ. Bạn tậu một chiếc xe hơi mới, mân mê nó cho đến khi một người khác sở hữu một chiếc tốt hơn. Khi đó lòng đố kỵ nảy sinh, và mong muốn có một thứ khác hơn họ. Hãy luôn nhìn nhận một điều, trên thế giới này luôn tồn tại “thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân”.
Giáo sư Gilovich nói rằng “Một trong những kẻ thù lớn nhất của niềm hạnh phúc chính là sự thích ứng với điều kiện sống. Chúng ta mua vật chất để khiến bản thân hạnh phúc, rồi ta thành công. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc, những điều mới lạ sẽ khiến bạn hồ hởi chỉ trong thời gian đầu, đến khi làm quen với chúng, ta lại tìm kiếm điều gì đó mới mẻ hơn”.
Nghịch lý của sự sở hữu này là điều mà ta có thể giả định được rằng niềm hạnh phúc từ việc mua sắm vật chất chỉ có thể tồn tại như tuổi thọ của thứ ta sở hữu. Có lẽ trực giác của bạn nói rằng việc bỏ tiền vào một tài sản mà bản thân có thể nhìn, nghe và sờ nắm là nền tảng vững chãi để tìm kiếm giá trị sống tốt nhất, nhưng sai rồi!
Sức mạnh của việc trải nghiệm cuộc sống
Gilovich và các đồng sự nhận ra rằng việc trải nghiệm cuộc sống, điển hình như đầu tư vào những gì thuộc về tinh thần như du ngoạn, tìm hiểu danh lam, lịch sử, đọc sách, kịch nghệ điện ảnh… sẽ đem lại một niềm hạnh phúc cá nhân lâu dài hơn.
Trải nghiệm cuộc sống sẽ trở thành một phần của bản thân bạn
Bởi những kinh nghiệm đó sẽ trở thành một phần nhân định bản thân bạn trong cuộc sống, mà nhân định thì không thể bị xét theo khía cạnh sở hữu vật chất tầm thường mà chúng là những thứ vô hình tích lũy được từ những việc chúng ta đã làm, những kiến thức mà ta đã học, những điều ta đã thấy, những nơi chúng ta đã đi qua. Mua một món đồ công nghệ cao không làm thay đổi nhận thức hay giá trị của bạn, nhưng những bài học trải nghiệm từ kiến thức hay những chuyến hành trình sẽ tăng thêm giá trị bản thân.
“Trải nghiệm là phần quan trọng và lớn hơn nhiều so với những của cải vật chất”, giáo sư Gilovich nói. “Bạn có thể thật sự thích những thứ hữu hình, bạn có thể nghĩ rằng chúng sẽ gắn kết với cuộc đời chúng ta nhưng dù sao sự thật thì chúng luôn là những vật ngoài thân. Ngược lại, kiến thức và trải nghiệm cuộc sống là một phần không thể tách rời. Cuộc đời và thế giới quan hiện tại của bạn chính là kết quả của cuộc sống, trải nghiệm và những tri thức”.
Sự đố kị và so sánh sẽ bớt đi
Chúng ta không so sánh kinh nghiệm trong cuộc sống như cách ta thường làm với vật chất. Một nghiên cứu khác từ Đại học Harvard đưa ra câu hỏi: “Liệu bạn chấp nhận một mức lương cao nhưng vẫn thua các đồng nghiệp của mình hay là một mức lương thấp nhưng vẫn cao hơn họ?”, đa phần không thể trả lời một cách xác đáng.
Nhưng khi họ được hỏi một câu tương tự liên quan đến thời gian kì nghỉ, hầu hết mọi người sẽ chọn cho mình một kì nghỉ phép dài cho dù thời gian kì nghỉ có ngắn hơn của những đồng nghiệp khác. Bởi vì khá khó để định lượng giá trị tương quan giữa hai trải nghiệm khác nhau trong cuộc sống, nên con người cảm thấy mọi thứ dường như dễ dàng và vui vẻ hơn khi không có cơ sở để đố kị.
Sự mong đợi sẽ xuất hiện, giá trị sẽ còn mãi
Giáo sư Gilovich còn chỉ ra rằng việc mong đợi của những niềm khám phá trải nghiệm sẽ tạo ra sự thích thú và hân hoan, trong khi việc mong mỏi sở hữu vật chất chỉ khiến bạn trở nên thiếu kiên nhẫn. Việc trải nghiệm các khía cạnh của cuộc đời như học hỏi kiến thức mới, ngao du tới một vùng đất mới lạ, gặp gỡ những con người mới… giúp ta luôn phấn kích từ khi vừa lập kế hoạch cho đến khi chặn đường hoàn thành. Cũng bởi vì những khoảnh khắc chỉ xảy ra một vài lần trong đời nên chúng sẽ trở những giá trị hồi ức được trân quý mãi mãi.
Củng cố niềm tin chắc chắn cho nghiên cứu này
Gilovich và các đồng sự của ông không phải là nhóm duy nhất tin tưởng vào điều đó. Giáo sư Elizabeth Dunn từ trường Đại học British Colombia cũng có cùng suy nghĩ như vậy, và bà cũng đã cho rằng niềm hạnh phúc có được từ vật chất chỉ là “puddles of pleasure” – (tạm dịch: vũng nước nhỏ của niềm vui). Hay nói cách khác, thứ hạnh phúc này chỉ xuất hiện tạm bợ rồi “bốc hơi” nhanh chóng, chỉ khiến chúng ta càng thêm tham lam, ích kỷ và đố kỵ. Những điều này lại là nguồn cội của khổ đau (đã rất nhiều lần được nhắc đến trong giáo lý của các tôn giáo lớn trên thế giới). Chỉ có những gì thuộc về tinh thần và tri thức sẽ đi cùng chúng ta mãi đến hết cuộc đời.
—
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Bài viết: Đức Nguyễn – Tham khảo: Interpreneur – Hình ảnh: tư liệu