Kỹ năng 29/01/2023

Kỷ luật tự giác: Phương pháp tích cực giúp bạn thay đổi bản thân

Bài EM Digital Editor

Một trong những cách thay đổi bản thân tốt nhất là nâng cao sự kỷ luật tự giác. Tuy nhiên, kỹ năng trên hoàn toàn không dễ dàng để tập luyện. Hãy để ELLE Man gợi ý cho bạn một số phương pháp để chúng ta có thể cải thiện cách quản lý bản thân trong tương lai.

Tính kỷ luật tự giác là một trong những điều cần thiết để bạn có thể thay đổi bản thân và tránh xa những cám dỗ hay sự mất tập trung. Nhưng làm thế nào để có thể xây dựng và duy trì được đức tính này? ELLE Man sẽ đưa ra những gợi ý giúp bạn phát triển tính tự kỷ luật dành cho bản thân mình.

Phong

1. Kỷ luật bản thân là gì?

Kỷ luật bản thân được định nghĩa rộng là sự kiểm soát có ý thức, nhằm hướng tới kết quả thành công bằng cách vượt qua các trở ngại.

Một trong những nhà khoa học đi đầu trong nghiên cứu về tự kiểm soát bản thân là Angela Duckworth. Ông định nghĩa nó là khả năng ngăn chặn những phản ứng mạnh mẽ trước những cám dỗ không cần thiết, nhằm tập trung phục vụ mục tiêu cao hơn. Sự lựa chọn như vậy không phải là tự động mà đòi hỏi nỗ lực có ý thức của mỗi người.

Có câu nói rất nổi tiếng của Lão Tử rằng: “Biết người khác là thông minh; biết mình là trí tuệ đích thực. Thạo người khác là sức mạnh; làm chủ được bản thân mới là sức mạnh thực sự.” Câu nói này khai thác ý nghĩa của tính kỷ luật tự giác. Đó là kiểm soát suy nghĩ và hành vi của bản thân, khiến chúng phù hợp với chính mình, trong cả công việc và đời sống xã hội.

Trong nghiên cứu của Duckworth & Seligman vào năm 2005, các nhà khoa học đã phát hiện ra sự tự điều chỉnh (tương tự như tính kỷ luật tự giác) không chỉ dự đoán kết quả học tập mà còn dự đoán học sinh sẽ cải thiện điểm số trong suốt năm học. Ngoài ra, những đứa trẻ có mức độ kỷ luật tự giác cao ở trường mầm non và tiểu học thường ít vấn đề về sức khỏe và có tài chính cá nhân tốt hơn.

Ảnh: Unsplash

2. Cách để cải thiện tính kỷ luật tự giác nhằm thay đổi bản thân

Kỷ luật tự giác là một kỹ năng và bất cứ ai cũng có thể phát triển nó. Nhưng bạn cần thực hành liên tục, đồng thời đòi hỏi sự kiên nhẫn và tử tế với chính mình. Dưới đây là một số cách giúp bạn thành công:

Học cách nhận biết để thay đổi bản thân

Mỗi ngày, bạn hãy đưa ra quyết định về cách sống của mình: ăn gì, đi ngủ khi nào, hoặc liệu bạn có nên gửi tin nhắn tiêu cực hay không. Chúng ta có thể tránh những cám dỗ hoặc nhượng bộ chúng.

Ví dụ: Mọi người thường nói bạn không nên đi siêu thị khi bụng đói, bởi khi đó bạn có nhiều khả năng mua thực phẩm ít dinh dưỡng, đồ ăn vặt hoặc thực phẩm giàu calo khác. Bạn có thể rèn luyện tính kỷ luật bằng cách không mua đồ ăn vặt khi đói, hoặc thậm chí không đến tạp hóa, siêu thị. Mục tiêu của việc làm trên là nhận thức được những gì phù hợp với bạn và thực hiện chúng thường xuyên nhằm tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống.

Ảnh: Unsplash

Tìm ra lý do tại sao bạn làm điều đó

Khi bạn tìm thấy lý do tại sao mình muốn làm điều gì đó , bạn có thể nhắc nhở bản thân về mục tiêu mình đang hướng tới khi gặp khó khăn.Điều này giúp chúng ta duy trì kỷ luật tự giác ngay cả khi bị ép buộc.

Triển khai một kế hoạch

Nếu không biết mình đang làm gì, bạn dễ bị chệch hướng. Để tránh điều này, hãy tạo một outline các bước hành động rõ ràng mà bạn dự định thực hiện hàng ngày hoặc hàng tuần cho đến khi đạt được mục tiêu của mình. Cho dù bạn muốn phát triển những thói quen tốt và giảm những tính xấu hay học một kỹ năng mới, thì việc tạo một kế hoạch rõ ràng sẽ giúp bạn đạt được thành công.

Ảnh: Unsplash

Thay đổi bản thân từ việc nhỏ

Có câu nói nổi tiếng: “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Bây giờ bạn đã có một kế hoạch, hãy thực hiện bước đầu tiên.

Hãy bắt đầu từ từ , đừng cố gắng làm mọi thứ trong một tuần, vì nó có thể khiến bạn cảm thấy choáng ngợp và thậm chí từ bỏ kế hoạch.

Loại bỏ những cám dỗ

Loại bỏ những cám dỗ sẽ tác động mạnh mẽ đến khả năng bạn đạt được thành công. Trong tâm lý học, có một lý thuyết gọi là “sự cạn kiệt bản ngã”, nói rằng sức mạnh ý chí là một nguồn tài nguyên có hạn và chúng ta chỉ có một “kho chứa” tài nguyên tinh thần hữu hạn để chống lại những cám dỗ. Mỗi ngày, bạn sử dụng sức mạnh ý chí của mình để chống lại những cám dỗ cho đến khi “hồ chứa” cạn kiệt.

Ví dụ: Nếu bạn không muốn uống ba tách cà phê trước bữa trưa, sau đó bạn ngăn bản thân nổi giận với đồng nghiệp và không ăn vặt trước bữa tối, thì khi ngày kết thúc, bạn sẽ có ít nguồn năng lượng để chống lại những cám dỗ khác. Vì vậy, nếu muốn loại bỏ những cạm bẫy xung quanh, bạn hãy tăng cường những thói quen tốt như uống nước lọc nhiều hơn trước bữa trưa, mỉm cười với sếp nhiều hơn để tạo nên điều tích cực cho bản thân.

Ảnh: Unsplash

Hãy phân chia thời gian

Với phương pháp Pomodoro, bạn chia nhỏ thời gian làm việc của mình như sau: làm việc liên tục trong 25 phút và sau đó nghỉ 5 phút, mỗi lần như vậy là một Pomodoro. Sau bốn Pomodoro, bạn có thể nghỉ dài hơn 20 phút. Phương pháp này hiệu quả vì thời gian đủ dài để hoàn thành công việc, nhưng không quá dài khiến bạn cảm thấy kiệt sức.

7

____________

Bài: Vĩnh Khang

Tham khảo: Psychology Today

No more