Kỹ năng 16/01/2023

Chìa khóa giúp bạn phát triển kỹ năng lắng nghe và truyền đạt

Bài Tuan Anh

Lắng nghe và truyền đạt là hai phương thức có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bạn không thể chia sẻ nếu không nắm bắt tâm lý đối phương. Ngược lại, sẽ khó đưa ra quan điểm đúng đắn nếu bạn thiếu sự thấu hiểu. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu chìa khóa để phát triển hai kỹ năng trên.

Việc lắng nghe và truyền đạt giỏi là hai kỹ năng không chỉ giúp bạn xây dựng mối quan hệ vững chắc trong tình yêu, mà còn cả công việc và cuộc sống hàng ngày.

Terri Orbuch – tiến sĩ, nhà tâm lý học chuyên về các mối quan hệ chia sẻ: “Điều quan trọng là bạn phải nhận ra luôn có hai vai trò trong cuộc trò chuyện: Một bên đang nói, và bên còn lại đang chủ động lắng nghe. Nếu bạn muốn cải thiện kỹ năng giao tiếp, bạn cần học cả hai vai trò.”

21

1. Kỹ năng để trở thành một người lắng nghe tốt

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Để lắng nghe tốt hơn trong một mối quan hệ, bạn hãy sử dụng ngôn ngữ cơ thể linh hoạt hơn. Tiến sĩ Terri Orbuch giải thích rằng bạn phải lắng nghe bằng cơ thể mình. Cách bạn di chuyển, nơi bạn nhìn và cách bạn ngồi hoặc đứng,… mọi thứ đểu bộc lộ cách bạn chăm chú như thế nào.

Nếu bạn muốn đối phương cảm thấy bản thân đang chủ động lắng nghe, hãy cân nhắc các ngôn ngữ cơ thể sau:

– Nhìn thẳng vào mắt đối phương

– Hướng người về phía đối phương

– Tránh sử dụng điện thoại và những thứ gây xao nhãng khác khi đang trò chuyện

– Sử dụng các biểu cảm khuôn mặt biểu thị sự trấn an, thấu hiểu

Ảnh: Unsplash

Tập trung lắng nghe  là chìa khóa

Bí quyết để trở thành một người biết lắng nghe là tập trung vào những gì người khác đang nói với bạn. Nó có vẻ đơn giản, nhưng thật sự thì khác. 

Bạn có thể bắt đầu bằng cách loại bỏ những phiền nhiễu có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung vào đối phương. Điều đó bao gồm tắt máy tính, TV và chuyển điện thoại về chế độ im lặng.

Đừng tranh luận

Tham gia vào cuộc đối thoại không chỉ là trả lời lại hoặc chuẩn bị lời đáp của riêng mình dựa trên những gì đối phương đang nói. Một kỹ năng chủ động lắng nghe quan trọng khác bạn cần biết là tạm dừng con người thích tranh luận trong đầu bạn.

Susan Heitler, tác giả của cuốn sách “Sức mạnh của hai người: Bí mật của một cuộc hôn nhân bền chặt và yêu thương” cho biết: “Những người tranh luận lắng nghe để chứng minh rằng họ đúng và người kia sai.”

Làm thế nào để biết bạn là người thích tranh luận hay biết lắng nghe? Thông thường, người thích tranh luận sẽ có xu hướng bắt đầu câu trả lời của họ bằng câu “Đúng rồi, nhưng…” hoặc “Tôi biết, nhưng…”. Thậm chí, có thể sẽ xuất hiện những câu trả lời “nhưng” ngầm, bằng cách bỏ mặc cuộc trò chuyện. Sử dụng sự im lặng hoặc thờ ơ, hoặc bất kỳ hành vi độc hại nào khác, cũng có thể là một dạng “nhưng” ngầm.

Người thực sự biết lắng nghe phải kiềm chế những phản ứng và diễn giải dựa trên cảm xúc của chính họ, đồng thời phải cố gắng hiểu được bản chất của những gì người nói trình bày.

Ảnh: Unsplash

Biết cách diễn giải lại

Tóm tắt những gì đối phương đang nói để đảm bảo rằng bạn đang nghe “những gì đối phương muốn bạn nghe”. Nhưng diễn giải không phải là lặp lại như một cỗ máy, nó bao gồm cách bạn hiểu và xác nhận lại với người nói xem điều đó có chính xác không.

Đồng thời, hãy nhận thêm thông tin về những điểm bạn chưa rõ và gửi thông điệp rằng bạn đang tích cực lắng nghe và xem xét những gì được truyền đạt.

Bên cạnh đó, hãy nói với đối phương những gì bạn đồng ý và suy nghĩ của riêng bạn bằng cách sử dụng các từ “và” hoặc “đồng thời” cũng là những cách hay có thể sử dụng.

Hiểu chính xác thông điệp của đối phương

Ngoài việc hiểu những gì đối phương nói, bạn cần chắn rằng bạn hiểu họ đang cảm giác như thế nào. Hãy cân nhắc hỏi những câu hỏi như “Tôi có nghe nói rằng bạn đang cảm thấy XYZ với tôi vì cách tôi cư xử trong bữa tiệc đúng không?” Điều đó giúp người nói có cơ hội làm rõ khía cạnh cảm xúc của cuộc trò chuyện.

Kỹ năng đồng cảm để chiến thắng

Khả năng đặt mình vào vị trí của người khác và hiểu những gì họ đang trải qua, ngay cả khi đó không phải là trải nghiệm của bản thân, sẽ tạo ra một sự kết nối mạnh mẽ.

Cuối cùng, mục tiêu của việc trở thành một người biết lắng nghe là kết nối thực sự với người khác. Để làm được điều đó, bạn có thể cần phải vượt ra ngoài việc chỉ nghe những gì họ nói và nỗ lực để hiểu kinh nghiệm và quan điểm của họ.

Ảnh: Unsplash

2. Kỹ năng để trở thành một người nói hiệu quả

Chọn thời điểm thích hợp để trò chuyện

Để giao tiếp có hiệu quả, bạn cần phải cân nhắc về bối cảnh giao tiếp.

Mặc dù không hề có thời điểm nào là “hoàn hảo” để trò chuyện, nhưng bạn có thể cân nhắc tránh nói về những chủ đề quan trọng khi một trong hai người đang bận rộn với nhiệm vụ khác cần tập trung hoặc khi một trong hai người đang mệt mỏi hoặc có một ngày tồi tệ.

Đồng thời, bạn nên kiểm tra đối phương để xem liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để nói chuyện hay không. Hãy tôn trọng những gì họ nói với bạn. Đây là bước đầu tiên để có một cuộc trò chuyện hiệu quả.

Ảnh: Unsplash

Tập trung vào một vấn đề cụ thể

Bạn có nhiều điều để nói, nhưng nếu chúng không liên quan đến nhau, bạn nên chọn cách tiếp cận từng vấn đề, tránh đề cập đến tất cả cùng lúc.

Tập trung vào một chủ đề giúp đối phương phản hồi rõ ràng hờn và tìm cách thay đổi. Ngược lại, đề cập đến nhiều sự kiện cùng lúc khiến họ bối rối không biết giải quyết như thế nào.

Xác thực cảm xúc của đối phương

Cho dù bạn đang trả lời đối phương sau khi lắng nghe một cách chủ động hay muốn bắt đầu cuộc trò chuyện, điều quan trọng là phải xác thực suy nghĩ và cảm nhận của đối phương.

Điều này giống như thừa nhận rằng bạn hiểu những gì họ đang trải qua ngay cả khi bạn không đồng ý hoặc không liên quan đến bạn.

Bước tiếp theo có thể là đặt thêm câu hỏi về những lý do có thể khiến họ cảm thấy như vậy và cách bạn có thể hỗ trợ. Bạn cũng có thể bày tỏ suy nghĩ hoặc cảm nhận của mình về cùng một sự việc và cố gắng tìm điểm chung để kết nối.

Ảnh: Unsplash

Kỹ năng sử dụng dạng câu X, Y, Z

Dạng câu này bao gồm một hành vi (X), trong một tình huống nhất định (Y) và cho biết điều đó khiến bạn cảm thấy thế nào (Z).

Khi bạn sử dụng dạng câu này trong cuộc trò chuyện, người nghe có thể xác định một tình huống cụ thể, hiểu cảm giác của bạn về điều đó và biết họ cần phải làm gì.

Ví dụ, bạn có thể nói với đối phương rằng: “Khi bạn không nói ‘xin chào’ với mẹ tôi bất cứ khi nào bà đến thăm, điều đó khiến tôi cảm thấy tức giận và thất vọng.” Bây giờ họ biết rằng nói “xin chào” với mẹ của bạn là một điều quan trọng đối với bạn.

10

_____________

Bài: Duy Hoàng

Tham khảo: psychcentral

No more