Kỹ năng 15/03/2022

Tips chăm sóc và làm sạch giày chạy bộ đúng cách

Bài ELLE Team

Bụi, mồ hôi và các chất bẩn còn bám đọng lại trên đôi giày của bạn sau những quãng đường chạy bộ không những gây mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến các chức năng hỗ trợ vốn có của giày. Bảo quản và làm sạch giày bằng những tips mà ELLE Man gợi ý sẽ giúp bạn tăng độ bền và độ mới cho đôi giày chạy bộ của mình.

Giày chạy bộ nếu không được chăm sóc và vệ sinh đúng cách sẽ rất dễ bị hư hỏng, thậm chí ảnh hưởng đến hiệu quả tập luyện và sức khỏe của bạn. Do đó, bạn đọc hãy cùng ELLE Man đến với những tips bảo dưỡng giày chạy bộ đúng cách dưới đây.

Tips

Tips tăng “tuổi thọ” cho giày chạy bộ

1. Vệ sinh giày với tần suất hợp lý

Tips chăm sóc và làm sạch giày chạy bộ đúng cách
Ảnh: Malik Skydsgaard/Unsplash

Một đôi giày bẩn không được làm sạch kịp thời sẽ là nơi trú ngụ của rất nhiều vi khuẩn có hại và gây mùi hôi ở chân, đồng thời cũng làm cho phần cao su ở đế giày nhanh hỏng. Tần suất giặt giày phụ thuộc vào thời gian biểu chạy bộ của bạn, tuy nhiên bạn nên giặt giày chạy bộ ít nhất 2 lần/tháng để đảm bảo độ bền và độ mới của giày. Ngoài việc giặt giày thì bạn cũng nên vệ sinh giày chạy bộ mỗi ngày bằng cách sử dụng khăn lau giày thể thao, đây là cách nhanh chóng để bạn loại bỏ bụi và vết bẩn bám trên đôi giày của mình.

2. Không làm sạch giày chạy bộ bằng máy giặt

ve sinh giay chay bo dung cach - Run Trails
Ảnh: Run Trails

Cách hoạt động của máy giặt sẽ làm giày của bạn nhanh bong keo, nặng hơn nó có thể làm cho phom giày bị biến dáng, rách lớp vải lưới hoặc bung đường chỉ khâu. Giặt giày bằng máy giặt làm mất đi đáng kể khả năng hỗ trợ vốn có của giày chạy bộ đối với đôi chân của bạn, thậm chí tệ hơn là có thể bạn sẽ phải mua một đôi giày mới.

3. Lưu ý đến mùi khó chịu của giày chạy bộ

lưu ý mùi của giày - Road Runner Sports
Ảnh: Road Runner Sports

Những đôi giày bốc mùi luôn khiến mũi của chúng ta phải “cảm thán”! Bởi được dùng để phục vụ cho hoạt động thể thao, giày chạy bộ sẽ rất dễ có mùi khó chịu do mồ hôi và bụi bẩn. Để đôi giày của bạn luôn sạch sẽ, ngoài vệ sinh thường xuyên bạn nên sử dụng những sản phẩm hỗ trợ chăm sóc giày như xịt khử mùi giày. Trừ khi nguyên nhân do cơ địa đến từ bên trong cơ thể bạn, những loại dung dịch khử mùi sẽ giúp bạn loại bỏ tận gốc nguyên nhân gây mùi một cách hiệu quả.

4. Cất giữ giày ở nơi thích hợp

phơi giày ở nơi thoáng mát - Cody Fitzgerald/Unsplash
Ảnh: Cody Fitzgerald/Unsplash

Nơi bảo quản giày cũng là một yếu tố rất quan trọng quyết định tuổi thọ đôi giày chạy bộ của bạn. Hãy để giày ở những nơi thoáng khí và trong nhiệt độ phòng. Một lưu ý nữa mà bất kỳ nhà sản xuất giày nào cũng đều “nhắc nhở” khi bạn mua giày thể thao đó là tránh để giày tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời bởi nó có thể gây phai màu, ố vàng phần đế hoặc bất cứ mảng màu trắng nào trên giày của bạn. Đối với những đôi giày được sử dụng thường xuyên như giày chạy bộ, bạn không nên cất nó trong hộp không có lỗ thoáng khí hoặc túi kín sẽ khiến cho giày dễ bị mốc và vi khuẩn tích tụ.

5. Sử dụng giày chạy bộ đúng mục đích

ve sinh giay chay bo dung cach - Sports Performance Advantage
Ảnh: Sports Performance Advantage

Có nhiều kiểu dáng giày chạy bộ với thiết kế khác nhau để phục vụ cho mục đích chạy khác nhau. Với những địa hình không bằng phẳng, gồ ghề đất đá thì giày chạy đường mòn có độ bám cao, mũi giày với chức năng bảo vệ mu bàn chân sẽ phù hợp; còn đối với những địa hình bằng phẳng như đường nhựa thì giày chạy bộ thông dụng với khả năng nâng đỡ sẽ giúp cho chân của bạn thoải mái hơn. Sử dụng giày chạy bộ đúng mục đích và nhu cầu không những kéo dài tuổi thọ cho giày mà còn giúp bạn bảo vệ đôi chân, hạn chế chấn thương và cho hiệu quả tập luyện tốt hơn.

7

 

Các bước làm sạch giày chạy bộ đúng cách

Giống với làn da của chúng ta, trên chất liệu của những đôi giày cũng có những lỗ gọi là “lỗ chân lông”. Khi những “lỗ chân lông” này bị bít kín bởi bụi bẩn thì giày sẽ mất đi khă năng lưu thông khí và “yếu” hơn dưới tác động của thời tiết. Đó là lý do tại sao chúng ta nên vệ sinh và giặt giày đúng cách, việc này giúp cho bạn thoải mái hơn trên những cung đường chạy bộ của mình.

ve sinh giay chay bo dung cach - Sports Performance Advantage
Ảnh: Sports Performance Advantage

Bước 1: Tháo dây buộc và đế lót giày (nếu có thể tháo rời) ra khỏi đôi giày của bạn. Dây giày thường một trong những bộ phận bẩn nhất bởi chúng tiếp xúc trực tiếp với bụi bẩn, bằng cách tháo rời từng phần bạn có thể làm sạch kỹ càng hơn.

Bước 2: Hòa nước ấm với dung dịch giặt giày chuyên dụng và ngâm giày, dây giày, đế lót vào dung dịch này trong vài phút.

Bước 3: Tiếp đến, bạn dùng bàn chải (bàn chải đánh răng cho những phần “mỏng manh” như bề mặt lưới) đánh sạch giày, dây giày và đế lót giày. Sau đó tiếp tục ngâm và dùng lực đánh lại lần nữa. Có những vết bẩn cứng đầu không thể loại bỏ dù bạn đã cố gắng dùng hết sức có thể, hãy yên tâm là dù không thể làm sạch hoàn toàn vết bẩn thì nó cũng không ảnh hưởng gì đến quá trình chăm sóc giày của bạn.

Bước 4: Phơi khô giày ở những nơi khô thoáng, râm mát và tránh nắng trực tiếp từ mặt trời. Bạn cũng có thể dùng giấy báo hoặc khăn giấy nhét vào bên trong giày, cách này giúp hút nước để giày khô nhanh hơn.

Bạn

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Hoàng Oanh

No more