Kỹ năng 26/07/2022

Nam giới và phong cách sống “Làm chủ tài chính”

Bài Tuan Anh

“Đàn ông xây nhà, Đàn bà xây tổ ấm” - quan niệm của người xưa đã khẳng định vai trò gánh vác gia đình với những sức ép tài chính cho cánh mày râu. Thời nay, liệu những áp lực tài chính của nam giới có thay đổi khi bình quyền nam nữ ngày càng được chú trọng trong xã hội văn minh? Cuộc trao đổi giữa ELLE Man và chuyên gia tài chính Jolie Hướng Dương chỉ ra nhiều điểm thú vị xoay quanh chủ đề này.

Phóng viên (PV): Hoạch định tài chính cá nhân, nhất là tài chính cá nhân cho nam giới, là một câu chuyện thú vị. Chị nghĩ như thếnào về điều này?

Hoạch định tài chính cá nhân thú vị với tất cả mọi người, không chỉ riêng nam giới. Nó là một kỹ năng sống rất quan trọng, cần được phổ biến rộng rãi hơn. Hoạch định tài chính cá nhân là một quá trình xác định mục tiêu tài chính của cá nhân và gia đình, phân tích hiện trạng tài chính và đưa ra các giải pháp thực hiện mục tiêu tài chính đã đề ra.

PV: Vậy điều thú vị khi hoạch định được tài chính cá nhân là gì, thưa chị?

Đó chính là “sự rõ ràng”.

1. Mục tiêu rõ ràng. Chúng ta thường hay bị mơ hồ giữa khái niệm “trạng thái” và “mục tiêu”. Ví dụ: một anh chàng nói là “tôi muốn tự do tài chính”, đó chỉ là trạng thái mong muốn của bản thân. Nhưng khi lập được kế hoạch tài chính, anh ấy sẽ biết rõ “tôi muốn xxx tiền thu nhập thụ động tại năm tôi xx tuổi thông qua việc sở hữu xx bất động sản/doanh nghiệp/ cổ phiếu… hoạt động hiệu quả”. Mọi thứ rất rõ ràng, có thể đo đếm được.

2. Hiện trạng tài sản rõ ràng. Đây chính là khoảnh khắc chúng ta thường nhận ra là “mình chưa có gì”, “mình có rất nhiều tài sản”, “tài sản của mình đang được phân bổ chưa an toàn”, “tài sản của mình chưa được khai thác hiệu quả”, “tài sản của mình đang không được quản lý”…

3. Phương án hành động rõ ràng. Có trong đầu thì sẽ có trong tay. Khi mục tiêu đã rõ ràng thì chúng ta mới đi tìm giải pháp. Lúc này, giải pháp đến từ khắp nơi: học tập, trải nghiệm, tư vấn… Người không lập kế hoạch thường bị cuốn vào các giải pháp mới, luôn thấy thiếu và luôn mải miết đi tìm. Trong khi đó, người có lập kế hoạch sẽ bình tĩnh lựa chọn, đo lường, cải tiến các giải pháp và tìm kiếm kiến thức mới trong tâm thế bình an và chủ động.

Một điều thú vị nữa là chúng ta sẽ có xu hướng đạt đến trạng thái “tài chính thịnh vượng”, nghĩa là một người đã biết dùng tiền để tạo ra tiền, có thu nhập thụ động, biết dùng tiền của người khác để tạo ra tiền cho mình. Hơn nữa, họ đã tự do trong tâm trí, bước sang dùng tiền tài để mang lại hạnh phúc cho mình và cho người khác, thực hiện những sứ mệnh tốt đẹp.

Điều thú vị khi hoạch định được tài chính cá nhân là sự rõ ràng. (Ảnh: Unsplash)

PV: Nam giới nên tiếp cận với khái niệm tài chính cá nhân từ khi nào? Ở mỗi độ tuổi, mục tiêu tài chính của nam giới sẽ thay đổi như thế nào và nên thay đổi ra sao?

Có một vài con số thông thường và chưa có thống kê chính thức như sau:

Giai đoạn trước 21 tuổi: Giai đoạn chuẩn bị hành trang kiến thức, kỹ năng để tạo lập cuộc sống. Lúc này, chúng ta thường bị phụ thuộc tài chính hoặc có thể có những khoản nợ vì hầu hết hoạt động tập trung vào học tập và trải nghiệm.

Giai đoạn 21- 35 tuổi: Tích lũy vốn và năng lực sử dụng vốn thông qua việc học tập, trải nghiệm công việc. Đây cũng là thời điểm xây dựng gia đình nên áp lực kinh tế cũng khá lớn. Thời điểm này, nam giới rất dễ rơi vào bẫy “tỏ ra thành công” nếu không thấy rằng “tiết kiệm, tích lũy” là mục tiêu sống còn của giai đoạn sau.

Giai đoạn 35 – 50 tuổi: Gia tăng tài sản đã được tích lũy tại giai đoạn trước bằng kiến thức và trải nghiệm quý giá. Đây là lúc cất cánh vì đã đủ chín về nhiều phương diện.

Giai đoạn 50 – 65 tuổi: Kiến tạo an toàn tài chính và những dòng thu nhập thụ động nhờ tư duy hệ thống và chiến lược.

Giai đoạn trên 65 tuổi: Lúc này, chúng ta xứng đáng hưởng trạng thái “tài chính thịnh vượng” nhờ năng lực kiến tạo ước mơ, mang đến những điều tốt đẹp cho xã hội.

Việc chúng ta thành công về tiền tài, danh vọng ở độ tuổi nào phụ thuộc vào thời gian chúng ta “tích lũy vốn và năng lực sử dụng vốn”. Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ đã đốt cháy giai đoạn tích lũy vốn nhờ tập trung tích lũy năng lực sử dụng vốn từ rất sớm. Bằng chứng là nhiều start-up trở thành kỳ lân trong thời gian rất ngắn đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Có hay không một công thức chung, dễ áp dụng nhất để các bạn nam trẻ và cả những người đàn ông trưởng thành có thể hoạch định tài chính cá nhân một cách tốt nhất?

Mỗi cá nhân là riêng biệt, là duy nhất trên cuộc đời này nhờ những trải nghiệm sống khác nhau. Mỗi người sẽ có “mối quan hệ với tiền” rất riêng, có ước mơ riêng, có mục tiêu tài chính riêng và phương pháp hành động khác nhau. Vì vậy, sẽ không có những bản hoạch định tài chính cá nhân giống nhau về nội dung nhưng có thể giống nhau về phương pháp thực hiện. Nếu ai đó cố làm giống bạn thì xin chia buồn với người đó, vì họ sẽ luôn cảm thấy chưa là chính mình, luôn hoang mang trước những quyết định tài chính, luôn không thấy hài lòng và tất nhiên là không thể đạt được “tự do tài chính” hoặc “thịnh vượng tài chính”.

Phương pháp thực hiện thì từ đơn giản đến phức tạp, chúng ta có thể tự nghiên cứu tài liệu, tham khảo bạn bè hoặc tìm đến một chuyên gia tư vấn tài chính.

Mỗi người sẽ có “mối quan hệ với tiền” rất riêng, có ước mơ riêng, có mục tiêu tài chính riêng và phương pháp hành động khác nhau.

PV: Nam giới thường phải chịu áp lực tài chính khác với nữ giới như thế nào?

Điều này liên quan đến văn hóa vùng miền khá nhiều. Người Á Đông chúng ta cho rằng đàn ông là trụ cột kinh tế của gia đình. Vì vậy, mỗi một người đàn ông sinh ra đã tự gánh lên vai trách nhiệm phải thành công về sự nghiệp, đôi khi nó thể hiện sức mạnh và sự trưởng thành của họ.

Nhưng có một bí mật là “tại các anh cứ nghĩ thế, còn rất nhiều phụ nữ lại không nghĩ vậy”. Khi quan sát những người xung quanh và lắng nghe chia sẻ từ họ, tôi thấy rằng phụ nữ quan tâm đến rất nhiều thứ của đàn ông và tiền lại xếp sau đó rất nhiều. Và điều thú vị ở đây là “hành trình các anh kiếm tiền, cách các anh kiếm tiền, quan điểm về tiền của các anh… sẽ làm nên sự hấp dẫn với người phụ nữ chứ không phải con số mà các anh có được”.

Việc hoạch định tài chính rõ ràng giúp chúng ta trở thành người có phong cách sống, đó là phong cách “Làm chủ tài
chính”: làm chủ cảm xúc về tiền, làm chủ mục tiêu tài chính, làm chủ lộ trình và cách thức kiếm tiền… Nhờ đó, tài chính sẽ không còn là áp lực quá lớn, nó chỉ là một chuỗi công việc phải thực hiện đã được hoạch định trước trong cuộc sống này mà thôi.

PV: Gần đây nổ ra tranh cãi rằng nam giới 35 tuổi mà chưa có nhà, có xe là thất bại. Nhiều bạn nam cũng chia sẻ rằng không muốn yêu hay lấy vợ vì lo không đảm bảo được tài chính sau kết hôn. Chị nghĩ sao về điều này?Liệu có một quy chuẩn thành công nhất định dành cho nam giới? Điều này có vô hình trung gây áp lực lên thếhệ trẻ, khiến các bạn trở nên tự ti hơn, nhất là trong bối cảnh kinh tế biến động như hiện nay?

Câu hỏi này rất hay! Như tôi đã chia sẻ ở phần trên, ở giai đoạn 35 tuổi, chúng ta rất dễ rơi vào bẫy “tỏ ra thành công” bằng cách phải có nhà, có xe, có hàng hiệu… Giữa hai người cùng độ tuổi, cùng có nhà có xe, nhưng một người mua những thứ đó và xem chúng là tài sản để tạo thu nhập sẽ khác với một người mua những thứ đó để hưởng thụ mà chúng ta hay gọi là “tiêu sản”. Chúng ta vẫn nên nhớ, đây là giai đoạn tích lũy vốn và năng lực sử dụng vốn để làm nền tảng cho giai đoạn đầu tư sau này. Rất nhiều người đã bỏ trôi giai đoạn vàng này, đến khi giật mình nhìn xung quanh thấy bạn bè có tiền đầu tư, làm giàu, có lợi nhuận thụ động thì thấy mình chả có gì trong tay ngoài mấy thứ hào nhoáng bên ngoài.

Câu trả lời của tôi vẫn là, mỗi chúng ta cần phải thấu hiểu chính mình, biết mình “muốn” gì và “cần” gì, biết mục tiêu tiền tài trong tương lai là gì, hay cụ thể hơn là khi chúng ta hoạch định tài chính cá nhân rõ ràng, chúng
ta sẽ không bị dính mắc vào những áp lực không đáng có.

Xin cảm ơn những chia sẻ rất tỉ mỉ của chị!

Về chuyên gia tài chính Jolie Hướng Dương

Chị Jolie Hướng Dương có hơn 20 năm kinh nghiệm thực tế điều hành doanh nghiệp, trong đó có 5 năm làm công tác tư vấn, huấn luyện chủ doanh nghiệp và nhân sự tài chính kế toán với các sản phẩm chính gồm: Tài chính chiến lược, quản trị gia sản, tái cấu trúc doanh nghiệp, xây dựng hệ thống quản trị tài chính kế toán, tư vấn quản trị đầu tư, tư vấn Thuế, tư vấn giải pháp vốn, tư vấn kế toán, Kế toán trưởng từ xa, Giám đốc Tài chính từ xa, huấn luyện – đào tạo nhân sự TCKT…

Chuyên gia tài chính Jolie Hướng Dương

_____________

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Ngọc Anh

xem thêm

No more