Rất nhiều người trên thế giới không để tâm đến kỹ năng quản lý tài chính. Đến khi bắt đầu chịu rèn luyện kỹ năng này, họ đã hình thành nhiều thói quen sử dụng tiền không tốt khó có thể sửa đổi. Lí giải cho vấn đề này, chuyên gia cho rằng vì vẫn chưa có hệ thống chính thức nào để dạy mọi người cách quản lý chi tiêu.
Thế nên, bạn chỉ có thể trau dồi bằng cách tự học. Trong khi đó, có vô số tác động của cuộc sống ảnh hưởng đến vấn đề tiền nong của bạn. Kết quả cuối cùng, bạn chới với và hình thành những thói quen quản lý tài chính không hiệu quả.
Song, nên nhớ rằng: Quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng cụ thể. Bạn có thể học được kỹ năng đó, giống như học lái xe hoặc học đá bóng. Chuyện chúng ta cần làm là phải vượt ra ngoài các rào cản văn hóa, thứ đang ngăn cản chúng ta thoải mái nói về chuyện tiền nong.
ELLE Man giới thiệu với đấng máy râu mọi thứ từ các công cụ để giúp bạn tiết kiệm chi phí cho đến cách khắc phục những trở ngại tâm lý ngăn chúng ta học cách quản lý chi tiêu ngay từ đầu.
Vì sao chúng ta quản lý tài chính quá kém?
Có rất nhiều lý do dẫn đến việc quản lý tài chính kém. Bạn không thể đổ lỗi cho một điều gì cụ thể, bởi nó bắt nguồn từ tập hợp rất nhiều điều khác nhau. Song, môt lý do cơ bản mà hẳn ai cũng gặp phải: những rào cản của văn hóa, xã hội.
Ngay từ bé, bạn đã được dạy rằng tiền bạc là một chủ đề đáng sợ. Không được đề cập đến vấn đề tiền nong trong cuộc trò chuyện, vì đó là điều cấm kị, nhạy cảm. Thật bất lịch sự khi hỏi người khác họ kiếm đươc bao nhiêu tiền, và để dành bao nhiêu trong số đó.
Đó là tất cả những gì chúng ta biết về tiền nong khi chưa trưởng thành. Bạn có thể quan tâm việc chi tiêu, nhưng không được chia sẻ nó với bất cứ ai. Thế nên, thật khó khi tìm hiểu hay trau dồi một kỹ năng nào khi không ai nói về nó một cách công khai. Cũng chính vì thế mà phần lớn người không biết cách quản lý tài chính sao cho hiệu quả.
Tóm lại, tất cả những điều này làm cho người ta dễ dàng “ngó lơ” vấn đề quản lý tài chính, khiến nó ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Vậy làm sao để khắc phục nó?
Cách hiệu quả nhất là hãy tự hỏi bản thân bạn vì sao bạn muốn quản lý tài chính thật tốt!
Các chàng trai muốn đi du lịch nhiều hơn? Hay muốn chuyển vào căn hộ của riêng bạn? Đó là những vấn đề cuộc sống liên quan mật thiết đến vấn đề tiền nong. Vậy, đặt câu hỏi cho chính bản thân là việc phải làm trước nhất nếu bạn muốn cải thiện kỹ năng quản lý tài chính của mình.
Hãy tìm ra một động lực của bản thân bạn. Từ đó, bắt đầu thực hiện quản lý chi tiêu bằng các bước bài bản. Chẳng hạn như bạn muốn mua nhà với giá tiền như thế. Trong 5 năm, bạn muốn tích góp đủ số tiền ấy. Hãy vạch ra cho mình được một mục tiêu và cứ thế đuổi theo mục tiêu ấy.
Cách đơn giản nhất khi bắt đầu rèn luyện kỹ năng quản lý tài chính là thực sự viết xuống mọi thứ bạn chi tiêu. Hầu hết chúng ta nghĩ rằng việc viết lại chi tiêu mỗi ngày quá… cực khổ và không cần thiết! Song, nếu đợi khoảng 1 tháng sau, bạn sẽ thấy ngạc nhiên với chính bản thân mình. Nhiều người không ngờ họ lại hoang phí tiền vào những thứ vô bổ như vậy trong khi bản thân không hề hay biết.
Công cụ nào là “người bạn” giúp quản lý tài chính?
“Cây bút và tờ giấy.” – Kristin Wong, tác giả của quyển sách Get Money: Live the Life You Want, Not Just the Life You Can Afford trả lời.
Kristin Wong không cần sử dụng công cụ gì quá cao siêu. Trong thời đại công nghệ không ngừng phá vỡ giới hạn như hiện tại, Kristin vẫn giữ thói quen sử dụng quyển sổ bỏ túi và cây bút để ghi lại số tiền chi tiêu. Bên cạnh đó, cô chia sẻ rằng cô còn ghi chú những thứ muốn mua kèm với cảm giác của cô khi muốn tiêu tiền vào món đồ đó.
Một thời gian sau nhìn lại, cô nhận ra đã có nhiều lúc, cô tiêu tiền một cách bốc đồng, nông nổi. Dần dần, nó trở thành một thói quen khó có thể sửa đổi.
Bạn phải sống chung với nó suốt đời, hoặc nỗ lực hết sức để thay đổi nó.
Nói về nhưng công nghệ ứng dụng vào việc quản lý tài chính, Kristin Wong cũng có ý kiến riêng của mình.
“Tôi là một người hâm mộ lớn của Mint, đây cũng là lựa chọn phổ biến nhất bởi vì nó có rất nhiều tính năng thú vị giúp bạn dễ dàng theo dõi chi tiêu của mình. Ngoài ra, dù chưa bao giờ sử dụng Expense OK và ExpenseKeep, nhưng tôi đã nghe nhiều lời khen ngợi và khuyên nên sử dụng 2 ứng dụng này.
Bên cạnh đó, Wirecutter được New York Times đánh giá cao và là app quản lý tài chính đáng để thử. YNAB cũng tương tự như vậy.” – Kristin Wong chia sẻ.
“Quản lý tài chính là quản lý thói quen”, bạn đã nghe đến điều này chưa?
Vậy câu hỏi đặt ra là: “Làm sao để xây dựng thói quen tiêu tiền tốt hơn?”. Thay đổi thói quen đồng nghĩa với việc thay đổi cả những suy nghĩ thường ngày, tâm lý chi tiêu của bạn.
Giả sử bạn đang ở một nhà hàng và bạn thấy thực đơn của họ nổi bật một loại hamburger phô mai trị giá 20$. Bạn nghĩ rằng: “Whoa, ai lại chi tận 20$ cho một cái cheeseburger cơ chứ?”
Sau đó, bạn thấy một chiếc bánh burger khác với giá 15$ và bạn nghĩ rằng đó là một giá “hời”. Không do dự, bạn mua ngay chiếc bánh thứ hai.
Song, nó thực sự không “hời” như bạn tưởng. Đó là một mánh khóe thường thấy trong kinh doanh, buôn bán, và điều này ảnh hưởng đến suy nghĩ và cả thói quen tiêu tiền của bạn. Thế nên, lời khuyên được đưa ra là: kiểm soát các quyết định chi tiêu nhiều hơn, kĩ càng hơn để không rơi vào bẫy của những người kinh doanh.
Ngoài ra, coupon – voucher (các phiếu, mã giảm giá) cũng là cái bẫy nhiều người mắc phải. Đừng nghĩ rằng những nhà kinh doanh phát hành coupon – voucher để chịu lỗ. Chẳng ai buôn bán mà lại chấp nhận phần thiệt thòi về mình bao giờ. Có chăng chỉ là bạn đang bị lừa bởi tâm lý mua hàng bằng coupon hay voucher đó thôi.
Nhiều khảo sát, nghiên cứu đã được tiến hành về vấn đề này. Kết quả thu được là: mọi người thường chi nhiều tiền hơn khi họ sở hữu phiếu giảm giá mua hàng. Tâm lý mua hàng “hời” khiến cho nhiều người muốn mua sắm nhiều hơn nữa.
Muốn thay đổi những thói quen cũ này thì phải xây dựng những thói quen mới. Việc hiểu được tâm lý, cảm xúc của bản thân khi mua sắm là điều quan trọng để rèn luyện kỹ năng quản lý tài chính trở nên tốt hơn.
Bạn đang thuộc kiểu Money Personality (Tính cách tài chính) nào?
Theo tiến sĩ, nhà tâm lý học tài chính Bradley T. Klontz, có 3 kiểu tính cách tài chính chủ đạo:
Trốn tránh Tiền (Money Avoidance): bạn luôn cố thuyết phục mình rằng tiền không quan trọng và bạn không quan tâm đến nó.
Địa Vị Hóa Tiền (Money Status): nghĩa là càng nhiều tiền thì địa vị trong xã hội của họ càng cao. Những người này thường có rủi ro tài chính cao vì họ thường đầu tư tài chính vào các mục đích gây ấn tượng với bạn bè và những người xung quanh họ.
Tôn thờ tiền (Money Worship): bạn nghĩ rằng có tiền là có tất cả, rằng tiền sẽ giải quyết được mọi vấn đề mà bạn đang gặp phải.
Cảnh Giác Tiền (Money Vigilance): đây là niềm tin duy nhất không có một tác động tiêu cực lớn về tài chính. Những người có quan điểm này thường không muốn chia sẽ thông tin về thu nhập hoặc tài sản của họ và họ cũng không chi tiêu quá mức. Tuy nhiên sự thận trọng quá mức về chi tiêu khiến những người này không hưởng thụ những lợi ích mà đồng tiền có thể mang lại.
Xác định được tính cách tài chính của bạn là bước đầu tiên. Sau đó mới tiến hành loại bỏ những thói quen tiêu cực và phát huy những điều tích cực trong tính cách đó.
Có thể thấy, thói quen tiêu tiền của mỗi người là khác nhau. Muốn cải thiện kỹ năng quản lý tài chính, điều quan trọng là cải thiện chính bản thân bạn. “Mối quan hệ” của bạn với tiền nong là như thế nào, chỉ mỗi bạn hiểu rõ điều đó.
Tôi đã trở thành “chuyên gia” trong kỹ năng quản lý tài chính, vậy bước tiếp theo tôi nên làm gì?
Đầu tiên, đừng bao giờ nghĩ rằng bạn đã trở thành “chuyên gia” trong lĩnh vực này. Sự học vô cùng vô tận, và việc học hỏi kỹ năng quản lý tài chính cũng thế. Tùy từng giai đoạn trong cuộc đời, những rắc rối về tiền nong lại khác nhau.
10 năm nữa, biết đâu bạn lại có những phiền muộn về tài chính khác với bây giờ? Lúc đó, bạn lại phải một lần nữa rèn luyện kỹ năng quản lý tài chính mà bạn nghĩ rằng bạn đã học nhuần nhuyễn từ lâu.
Tuy nhiên, cũng đừng quá khắt khe với bản thân.
“Đối xử tệ với tiền bạc thì mới… là con người.” – Kristin Wong hóm hỉnh nói.
Thực tế cho thấy, không ai hài lòng với số tài sản mình đang sở hữu. Con người luôn muốn có nhiều tiền hơn, và giàu có hơn thời điểm hiện tại. Vậy nên, kỹ năng quản lý tài chính là những kỹ năng cần được trau dồi suốt đời.
Đừng nghĩ sau một đêm là bạn đã học hết kỹ năng quản lý tài chính. Bởi quản lý chi tiêu hiệu quả được tạo nên từ những thói quen liên tục. Đầu tư thời gian và sức lực học hỏi từng chút, từng bước một sẽ tốt hơn là cố nhồi nhét những kiến thức sáo rỗng về quản lý chi tiêu vào đầu chỉ trong một đêm.
Cuối cùng, các vấn đề cơ bản về tài chính thực ra không quá phức tạp. Mỗi chúng ta đều có khả năng quyết định tài chính của bản thân, không liên quan đến việc chúng ta là ai hay chúng ta sở hữu bao nhiêu tiền. Một khi đã xác định được quan điểm tài chính của bản thân, việc cần làm là không ngừng trau dồi để trở nên tốt hơn.
Xem thêm:
3 mẹo quản lý tài chính hiệu quả dành cho freelancer
5 lời khuyên giúp quản lý tài chính hiệu quả cho cặp đôi
—
Uyên Ng (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, Tham khảo: Newyork Times)