Tại nơi làm việc, hành vi thao túng tâm lý khó để nhận biết và thường diễn ra với nhiều hình thức khác nhau như: Thường bị đồng nghiệp hoặc cấp trên hạ thấp năng lực dù hiệu suất làm việc của bạn có tốt hay không, hoặc phủ nhận những yêu cầu chính đáng của bạn. Từ đó, bạn dần mất tự tin và thụt lùi về sau.
Làm sao để nhận biết thao túng tâm lý nơi công sở. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu qua bài viết sau.
1. Bạn thường bị thiếu sót thông tin khi làm việc
Khi cấp trên hoặc đồng nghiệp liên tục “quên” hoặc cố tình bỏ qua những thông tin quan trọng như chi tiết cuộc họp, thời hạn của dự án, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu công việc, từ đó hình thành suy nghĩ tự trách bản thân đã làm việc không hiệu quả. Từ dấu hiệu này, bạn đã bắt đầu trở thành nạn nhân của hành vi thao túng tâm lý.
Khi nhận biết được vấn đề, bạn nên chủ động dựa vào những nguồn thông tin hữu ích khác để đảm bảo không bỏ lỡ điều quan trọng nào trong công việc.
2. Giải trình về hiệu suất được đánh giá là không khả quan
Thao túng tâm lý nơi công sở có thể xảy ra từ việc gieo rắc những câu chuyện tiêu cực về hiệu suất làm việc. Đồng nghiệp hoặc cấp trên thường chê bai hiệu quả, khả năng, tính chuyên nghiệp của bạn, ngay cả khi bạn thật sự là một nhân viên làm việc có năng suất.
Lúc này, bạn cần biện hộ bằng cách đưa ra những dữ liệu cụ thể để chứng minh năng lực và phủ nhận các đánh giá, khẳng định giá trị bản thân.
3. Cấp trên, đồng nghiệp liên tục thay đổi những mong đợi công việc với bạn
Ở môi trường làm việc chuyên nghiệp, người quản lý phải nêu rõ kỳ vọng của họ để nhân viên có thể hiểu và cố gắng đạt được những mục tiêu đó. Tuy nhiên, nếu kỳ vọng đó biến chuyển liên tục mà không được báo trước, bạn sẽ gặp khó khăn ngay trong việc đáp ứng mong đợi của họ.
Để khắc phục hành vi này, bạn có thể đưa ra một mẫu giao tiếp có hiệu quả với quản lý và liên tục rà soát với họ để chắc chắn rằng bạn đang hiểu và nắm rõ những mong đợi của cấp trên.
4. Thao túng tâm lý khiến bạn không nêu được quan điểm
Thao túng tâm lý nơi công sở thường xảy ra thông qua hành động làm cho những luận điểm của bạn không có hiệu lực. Ví dụ: Bạn đang muốn bày tỏ quan điểm, hoặc muốn trao đổi để hiểu rõ được mong đợi từ sếp hay đồng nghiệp. Lúc này, họ trở nên phòng vệ, làm khó hoặc thậm chí thách thức quan điểm của bạn. Từ đó, bạn cảm thấy không thoải mái khi đề cập đến các vấn đề đó, rồi nghi ngờ bản thân và thiếu tự tin.
Trước hành vi như vậy, chúng ta nên mời một bên thứ ba tham gia và quan sát cuộc trò chuyện giữa bạn và cấp trên.
5. Thao túng tâm lý bằng sự thiên vị
Trong môi trường làm việc, sự thiên vị có thể loại trừ những nhân viên có khả năng, trình độ và hiệu suất làm việc cao khỏi các cơ hội thăng tiến và phát triển trên con đường sự nghiệp. Đồng nghiệp hay cấp trên khi thực hiện hành vi này thường đưa ra những lý do bịa đặt liên quan đến thiết sót của bạn.
6. Các quy định của cấp trên không nhất quán
Thao túng tâm lý nơi công sở xảy ra khi cấp trên hoặc đồng nghiệp không nhất quán về cách áp dụng các quy định của công ty nhằm đem lại lợi ích riêng cho họ. Ví dụ, cấp trên cho phép bạn nghỉ phép nhiều ngày, nhưng lại gọi bạn và yêu cầu có mặt ở văn phòng để hoàn thành vì dự án đến thời hạn cần hoàn thành.
Trong những trường hợp này, bạn nên ghi rõ những quy định, hay ngoại lệ và lưu lại sự đồng ý từ phía cấp trên. Như vậy, sẽ giúp bạn có nguồn tin để tham khảo và tránh bị chỉ trích vì sự không nhất quán của những người muốn thao túng.
7. Thao túng tâm lý bằng cách đổ lỗi
Nếu một dự án thất bại, thay vì tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục, thì chính bạn lại bị người quản lý buộc tội là nguyên nhân của mọi việc. Đây là ví dụ cho việc đổ lỗi ở nơi công sở.
Đầu tiên, hãy tập trung giải quyết những sai sót trong công việc chung trước cho đến khi mọi thứ ổn thỏa. Tiếp theo đó, hãy “minh oan” bằng cách tìm một bên trung gian để làm rõ, đồng thời đưa ra bằng chứng. Nếu người đổ lỗi là sếp bạn, hãy cân nhắc liệu đây có phải là môi trường công sở thích hợp để bạn làm tiếp hay không.
8. Không nghe đầy đủ những thông tin bạn cung cấp
Thao túng tâm lý xảy ra khi cấp trên hay đồng nghiệp của bạn chỉ nghe những gì họ muốn và bỏ qua những thông tin quan trọng mà bạn cung cấp trong cuộc hội thoại. Hành vi này khiến bạn nghi ngờ khả năng giao tiếp và truyền đạt của mình.
Hãy tạo những ghi chú trong cuộc họp, hoặc giao tiếp bằng văn bản để chắc chắn rằng những thông tin quan trọng đã được bạn truyền đạt, và không ai có thể bắt bẻ bạn khi có bằng chứng rõ ràng.
Thao túng tâm lý hiện nay càng lúc càng phổ biến. Dù ít hay nhiều, nó cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. Hãy thận trọng và nhận biết khi có ai đó thực hiện hành vi này, từ đó tìm ra biện pháp khắc phục phù hợp.
___________
Bài: An An
Tham khảo: indeed