Trong cuộc sống, sẽ có nhiều giai đoạn bạn muốn thay đổi công việc với nhiều lý do khác nhau: Do áp lực, vấn đề về lương thưởng, hoặc bạn muốn tìm kiếm cho mình một cơ hội mới. Một sự thay đổi, nhất là trong công việc, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu cách lập kế hoạch cho bước chuyển mình trong sự nghiệp này.
1. Lập bảng đánh giá trên phương diện cá nhân
Để bắt đầu hành trình, bạn cần xem xét lại những cảm nhận của mình về công việc hiện tại, cách nó tác động lên sự hài lòng của bạn. Viết ra các chủ đề và sự kiện đáng chú ý trong suốt quá trình làm việc và cách bạn cảm nhận về chúng. Đồng thời, hãy đặt ra nhiều câu hỏi về quan điểm đồng thuận hoặc không đồng thuận, tích cực và tiêu cực, sau đó trả lời cặn kẽ, đọc lại câu trả lời của bạn. Từ những điều này, bạn sẽ có bức tranh sơ bộ về thế nào là một công việc sẽ khiến bạn hài lòng.
Trong lúc này, bạn tiếp tục đánh giá về các kỹ năng, giá trị và sở thích liên quan đến công việc. Hãy cân nhắc những lần khiến bạn thành công và xác định những kỹ năng nào đã góp phần cho sự thành công của bạn,
2. Quyết định xem bạn có muốn thay đổi công việc hay không
Trong khi khám phá về bản thân và ý nghĩa của công việc, bạn cũng nên xác định mức độ thay đổi mà bản thân muốn trong sự nghiệp của mình. Đối với một số người, việc chuyển đổi nghề nghiệp có thể là bắt đầu lại trong một ngành nghề hoàn toàn mới, bên cạnh đó, một số người lại tìm kiếm vị trí mới trong cùng lĩnh vực.
Quyết định những điều tốt nhất cho bạn nghĩa là sử dụng bảng đánh giá ở bước một, quyết định phân khúc nghề nghiệp và lĩnh vực nào sẽ đáp ứng tốt được nhu cầu của bạn.
3. Tập trung suy nghĩ về nghề nghiệp
Để hiểu rõ về lựa chọn nghề nghiệp, hãy suy nghĩ về lĩnh vực nào có thể phù hợp với kỹ năng và giá trị của bạn. Nếu bạn thấy khó khăn trong việc tìm kiếm một nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu, hãy hỏi người có chuyên môn. Bạn sẽ tìm kiếm được sự hướng dẫn dưới hình thức tư vấn nghề nghiệp, hiểu thêm về tính cách và mức độ phù hợp với lực lượng lao động đang phát triển hiện nay.
4. Nghiên cứu những công việc tiềm năng phù hợp
Sau khi thực hiện các bước trên, phạm vi đã bắt đầu được thu hẹp lại, bạn sẽ thấy được những công việc tiềm năng và bắt đầu nghiên cứu sâu hơn. Một cách để nghiên cứu đó là tiến hành thu thập thông tin từ những người trong lĩnh vực mà bạn cảm thấy tiềm năng.
5. Lên kế hoạch hành động
Kế hoạch hành động nghĩa là xác định mục tiêu rõ ràng và các mốc thời gian để hoàn thành mục tiêu đó. Đến thời điểm này, bạn đã thu hẹp phạm vi nghề nghiệp và có sự nghiên cứu, vậy đây là lúc bạn nên cân nhắc nên làm gì cần thiết để đạt được mục tiêu đó.
Hãy cân nhắc về việc thu nạp thêm kiến thức, chứng chỉ nghề nghiệp, hoặc tham gia những sự kiện có liên quan để nắm bắt thêm cơ hội.
6. Đổi mới chính mình
Trước khi bắt đầu nộp đơn xin việc mới, bạn cần trải qua giai đoạn xây dựng lại thương hiệu cá nhân. Điều này đặc biệt quan trọng khi chuyển đổi nghề nghiệp, vì kinh nghiệm hiện tại có thể chưa phù hợp với mục tiêu mới nếu thiếu kế hoạch rõ ràng.
Hãy xác định rõ những kỹ năng, kinh nghiệm nào từ công việc hiện tại có thể giúp bạn nổi bật hơn trong vai trò mới. Sau đó, trình bày chúng một cách rõ ràng và thuyết phục trên sơ yếu lý lịch của bạn. Đồng thời, đừng quên cập nhật danh thiếp, các trang mạng xã hội cá nhân, hoặc hồ sơ trực tuyến để tạo dựng một hình ảnh chuyên nghiệp và mới mẻ, phù hợp với định hướng nghề nghiệp mà bạn hướng đến.
7. Sử dụng mạng lưới của bạn
Hãy liên hệ với những chuyên gia mà bạn tin tưởng để tìm lời khuyên. Bạn có thể làm điều này qua tin nhắn, cuộc gọi hoặc thư điện tử. Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm thêm về cơ hội nghề nghiệp thông qua việc làm tình nguyện viên hoặc thực tập sinh. Điều này sẽ giúp bạn đánh giá được mức độ phù hợp của bản thân với công việc dự kiến, và cũng bổ sung thêm cho bạn nhiều kinh nghiệm để trở thành ứng viên sáng giá.
8. Xem xét trình độ học vấn và phát triển kỹ năng mới
Nếu bạn đang cân nhắc chuyển sang một lĩnh vực mới đòi hỏi bằng cấp hoặc chứng chỉ tương đương, bạn phải tìm kiếm những khoá học để bổ sung thêm kinh nghiệm. Các nguồn tài liệu trực tuyến cũng sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc hiểu sâu hơn về nghề nghiệp mà bạn mong muốn.
Nếu bạn vẫn đang làm việc, hãy tìm kiếm cơ hội ngay trong công việc hiện tại để có được những kỹ năng cần thiết để thay đổi nghề nghiệp. Việc nắm bắt như vậy rất hữu ích, nhưng phải nhớ ghi vào sơ yếu lý lịch của mình.
9. Duy trì động lực bằng cách theo dõi tiến trình của bạn
Đôi khi, thay đổi nghề nghiệp có thể mất nhiều thời gian. Bằng cách theo dõi tiến trình của bạn, ghi nhận mọi điều lớn nhỏ ở các mốc thời gian, sẽ giúp bạn cảm thấy ý nghĩa và có thêm động lực.
____
Bài: An An
Tham khảo: indeed