Hãy tưởng tượng bạn may mắn chọn được một công việc đúng chuyên môn và sở trường, bạn cảm thấy bản thân thật may mắn khi hàng ngàn người ngoài kia phải làm trái ngành hay tệ hơn không có nổi một công việc khi vừa ra trường. Bạn may mắn đấy, nhưng mọi thứ chỉ vừa bắt đầu, rồi bạn sẽ phải gặp gỡ những khách hàng “trên trời”, những người sếp không thể cho bạn cảm hứng hay không truyền thụ được điều gì, đó là chưa kể đến những đồng nghiệp không đoàn kết, lương bổng không tương xứng với khối lượng công việc hay đãi ngộ công ty không phù hợp với mong muốn của bản thân,… Đó chỉ là một vài trong hàng trăm cái khó bạn sẽ gặp. Lúc này bạn sẽ nghĩ, môi trường nào cũng sẽ có các vấn đề, và thử thách đó là để bạn tôi luyện, mở rộng giới bản thân và học cách làm quen với thực tại! Đồng ý, suy nghĩ như thế là tốt nhưng ta không có thời gian cả đời để làm quen. Bạn sẽ có 3 tháng thử việc, làm thêm nửa năm để học hỏi và quen dần, và dĩ nhiên có thể cho bản thân một năm nữa nếu quá yêu thích tính chất công việc hiện tại và ôm ấp một suy nghĩ rằng: “Nếu bỏ đi để tìm một công việc mới bây giờ, mọi cố gắng hiện tại sẽ đổ sông đổ biển hay sao?”
Một hai ngày làm việc tồi tệ không phải là nguyên nhân để bạn rời đi, nhưng nếu không có một ngày làm việc nào đem lại cho bạn niềm vui, động lực thì hãy tìm kiếm một công việc mới. Tuy nhiên đừng vội vã quyết định rời bỏ mà hãy suy xét cho kỹ, nếu 4 điều ELLE Man đưa ra trong bài viết này đúng với bạn thì cũng đã đến lúc bạn nên tô điểm lại cho CV của bản thân.
1. Uể oải mỗi sáng đi làm
Nếu mỗi đêm Chủ Nhật đối với bạn là một quãng thời gian chán chường khi phải nghĩ đến cảnh lê tấm thân mệt mỏi đến chốn làm việc vào mỗi sáng thứ 2 thì bạn thật sự phải tìm một công việc mới. Bạn phải nhớ, thời gian dành cho công việc phải là khoảng thời gian đem lại cho bạn niềm vui, cảm hứng làm việc, công việc phải là yếu tố giúp bạn có được hạnh phúc và nâng chất lượng cuộc sống. Việc bạn dành cả ngày trong tuần làm việc theo kiểu “tồn tại cho có” để mong mau mau cho đến thứ 6 rồi lại dành cả khoảng thời gian cuối tuần để chìm đắm trong cơn sợ hãi khi thứ 2 đến không phải là một cuộc đời để sống.
Hãy xác định nguyên nhân do đâu: đồng nghiệp, lãnh đạo hay chính là công việc? Dù đó là gì thì hãy ghi nhớ, đặt những câu hỏi hợp lý xoay quanh vấn đề khi phỏng vấn một công việc mới để tránh lặp lại vết xe đổ là việc cực kỳ cần thiết. Ví dụ, nếu bạn đã từng có vấn đề với đồng nghiệp hay quy trình của công ty, hãy đặt ra những câu hỏi xoáy sâu về văn hóa công ty, hoặc thậm chí đề nghị được nói chuyện với những đồng nghiệp tương lai để rút ra một vài cảm nhận ban đầu về tính cách của họ.
2. Bạn chán chường vì công việc tẻ nhạt
Không có gì tệ hơn việc hầu hết thời gian ở văn phòng của bạn chỉ dành cho bạn đếm thời gian trôi. Vì công việc quá tẻ nhạt hay bạn lỡ chấp nhận một công việc trái ngược quá nhiều với tính cách? Vấn đề đã được xác định, bạn hãy tìm một công việc mới phù hợp hơn, có nhiều cơ hội tiềm năng hơn để phát triển bản thân.
3. Môi trường làm việc độc hại
Làm việc trong một môi trường độc hại không chỉ hút cạn sức khỏe tâm trí, thể chất, mà còn cả cảm xúc của bạn, dần dà bạn sẽ mất đi niềm hạnh phúc sống thật sự. Dù nguyên nhân là gì, một người sếp hay đòi hỏi những điều quá đáng hay thiên vị, đồng nghiệp ganh đua không công bằng, công sức bỏ ra không được đền đáp xứng đáng,… thì chắc chắn bạn phải thoát khỏi đó càng sớm càng tốt để tìm một công việc mới. Đừng để tình trạng trở nên tồi tệ đến mức đêm nào cũng trở về nhà làm trong cơn tức tưởi hay “khóc thầm”.
Nhiều ý kiến cho rằng những điều đó sẽ giúp tôi luyện bạn mạnh mẽ hơn, nhưng đó là những suy nghĩ cực kì lệch lạc vì công việc cũng là cuộc sống. Cuộc sống cần hạnh phúc, để phát triển cuộc sống và công việc thì bạn cần được khen và chê rạch ròi chuyên nghiệp. Con người chỉ phát huy sở trường khi được khuyến khích!
4. Cơ hội ngàn năm có một đã đến
Bạn may mắn có một môi trường làm việc tốt, bạn đồng nghiệp và các sếp thì hết sức dễ thương, bạn cũng thích công việc hiện tại nhưng nếu có một cơ hội “ngàn năm cói một” tìm đến thì sao? Bạn sẽ quyết định như thế nào? Đó là chưa kể, nếu đã gắn bó đủ lâu, chúng ta sẽ khó có thể rời bỏ những đồng nghiệp và môi trường làm việc vốn đã rất thân quen. Nhưng nếu có một cơ hội tốt giúp bạn mở rộng giới hạn bản thân và đem lại những kinh nghiệm quý báu thì cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng.
Cánh cửa đang mở ra đó có thể đem lại cho bạn cơ hội học tập những kỹ năng mới mà bạn yêu thích, hoặc giúp bạn tô điểm thêm cho CV của bạn, hoặc đó có thể là vị trí lãnh đạo với trọng trách lớn hơn nhưng lương bổng cũng cao hơn và giúp bạn mài dũa kỹ năng quản lý,… dù đó là gì nếu xứng đáng với mong muốn của bản thân thì bạn được quyền đưa ra một quyết định “ích kỷ”. Suy cho cùng, sự nghiệp chính là phục vụ cho bản thân và tương lai của bạn.
Xem thêm:
5 biểu hiện của một văn phòng làm việc độc hại
6 câu hỏi để xác định bạn thật sự sẵn sàng nghỉ việc
—
Bài: Đức Nguyễn (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man)