Nhiều người cho rằng tức giận là một cảm xúc tiêu cực. Bạn viện dẫn nhiều lý do khác nhau để tránh tức giận: Tức giận khiến bạn làm những việc ngu ngốc mà không thèm nghĩ đến hậu quả. Dĩ nhiên, nếu để sự tức giận chi phối, bạn sẽ dễ thất bại trong công việc. Vậy sao không nghĩ đến việc làm chủ nó để đi tới sự thành công?
1. Động lực phát triển
Có lẽ bạn hay nghe người ta nói “biến đau thương thành sức mạnh”. Trên thực tế, sự phẫn nộ tự bản thân nó là một dạng năng lực tích cực và là một nguồn động lực to lớn. Tức giận sẽ khiến bạn vượt qua rào cản hay khó khăn để đi đến thành công.
Trong một nghiên cứu, người tham gia được thông báo về mục tiêu họ phải hoàn thành. Một số người được cho tiếp xúc với những khuôn mặt giận dữ. Kết quả cho thấy: Những người này mong muốn hoàn thành mục tiêu hơn phần còn lại.
Như vậy, nếu được sử dụng có chừng mực thì sự phẫn nộ sẽ khiến bạn cảm thấy mạnh mẽ và khao khát chinh phục mục tiêu đề ra.
2. Lạc quan
Nghe thì hơi trái khuấy nhưng người giận dữ với người vui vẻ có cùng một điểm chung: Sự lạc quan.
Một nghiên cứu về nỗi sợ khủng bố được tiến hành sau sự kiện 11/9. Những người trải qua cơn phẫn nộ dự đoán những cuộc tấn công như thế sẽ ít hơn trong tương lai, một kiểu tâm lý “qua cơn bĩ cực sẽ đến hồi thái lai”. Những người khác thì khá bi quan về tương lai: Họ cho rằng bọn khủng bố sẽ không dừng lại ở đó.
3. Cải thiện các mối quan hệ
Khi bạn bị ai đó xử ép, sự phẫn nộ là một phản ứng tự nhiên. Đó cũng là cách bạn chống đối sự bất công. Nhưng xã hội lại bảo tức giận thì nguy hiểm và chúng ta nên giấu nó đi.
Dù vậy, kìm nén cơn giận không phải lúc nào cũng nên. Nếu bạn cứ chịu đựng mãi, người bạn kia sẽ không biết họ đã làm gì sai. Và họ cứ tiếp tục. Rốt cuộc, các bạn sẽ chẳng đi đến đâu.
Hãy tức giận, để hiểu nhau hơn chứ không phải kìm nén rồi dẫn đến bất hòa.
4. Cơ hội kiểm điểm bản thân
Một nhóm người Nga và người Mỹ được hỏi về ảnh hưởng của cơn tức gần đây nhất với họ. 55% khẳng định tức giận đã dẫn đến kết quả lạc quan. 28% người nhờ tức giận mà sau cơn tức giận đó họ lại được dịp nhìn lại những sai phạm bản thân. Nếu bạn hiểu vì sao bạn tức giận, bạn sẽ học cách cải thiện cuộc sống của mình.
5. Giảm thiểu bạo lực
Tức giận vừa là bước đệm đến bạo lực mà cũng vừa là cách giảm thiểu bạo lực. Tức giận là tín hiệu xã hội cho thấy tình huống cần được giải quyết. Khi những người khác nhận được tín hiệu này, trong một mức độ nào đó thì họ sẽ cố gắng “hạ hỏa” tình hình.
Nếu bạn vẫn chưa tin, hãy tưởng một thế giới không có sự phẫn nộ – nơi người ta không cách nào thể hiện mình bị đối xử bất công. Họ sẽ làm sao, nhảy thẳng đến bạo lực?
6. Nghệ thuật thương thuyết
Bạn có thể sử dụng sự tức giận để đạt được điều mình muốn. Nghiên cứu chỉ ra rằng, bạn phải nhượng bộ một người giận dữ nhiều hơn so với một người vui vẻ.
Nhưng như thế không có nghĩa là bạn tha hồ tức giận và giành lấy mọi thứ bạn muốn. Sự phẫn nộ sẽ phát huy tối đa trong trường hợp bạn đang áp đảo trong khi đối phương có quá ít lựa chọn.
Kết
Không phải tức giận lúc nào cũng xấu và vui vẻ lúc nào cũng tốt. Hãy nhớ rằng, đây là kiểu cảm xúc khó kiểm soát nhất trong các loại hình cảm xúc. Tức giận sẽ có ích nếu bạn biết cách sử dụng nó để dẫn đến sự thành công.
Xem thêm
Khi stress có thể trở thành người bạn thân
8 thói quen tốt vào buổi sáng của người thành công
___
Phúc (Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man. Nguồn tham khảo: Psychology Today)