Tư duy phản biện được hiểu như một kỹ năng mà bạn sử dụng để phân tích thông tin, tưởng tượng ra các tình huống ở góc nhìn tổng thể, sau đó đi đến giải pháp hợp lý. Đây được xem là một loại trí tuệ cảm xúc thúc đẩy khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả.
Trong thời điểm đa dạng thông tin, việc nâng cao khả năng phản biện sẽ giúp bạn rất nhiều trong công việc và đời sống. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu 8 tips giúp bạn phát triển loại tư duy trên.
1. Luôn suy xét khi tiếp nhận thông tin
Không có gì là sai khi bạn cho phép bản thân mình được hoài nghi. Một trong những nguyên tắc cốt lõi của tư duy phản biện là phải đặt câu hỏi và mổ xẻ những thông tin đang có sẵn. Bạn sẽ ngạc nhiên về những điều bản thân tìm thấy khi suy nghĩ thật kỹ trước khi thực hiện bất kì hành động nào.
Khi đứng trước một vấn đề, hãy dùng những lập luận, dẫn chứng, suy nghĩ logic để hỗ trợ tối đa cho ý kiến của mình hoặc phản biện những thử thách. Điều này sẽ giúp cho bạn cũng như đội nhóm tránh khỏi những thông tin không tốt và các thay đổi bất ngờ.
2. Đặt ra những câu hỏi mở phản biện
Những câu hỏi “có” hoặc “không” chỉ mang lại sự đồng tình chứ không phải là phản biện. Thay vào đó, bạn hãy đặt ra những câu hỏi mở rộng, đòi hỏi bản thân phải phân tích và suy ngẫm vấn đề.
Khi càng đào sâu vào một tình huống, bạn sẽ càng nhận định được những thành kiến tiềm ẩn, yếu tố giả định không lường trước, từ đó đi đến giả thuyết mới và tìm ra giải pháp hữu hiệu.
3. Thực hiện những nghiên cứu
Bất kể trình độ của bạn ra sao thì việc học hỏi thêm luôn là điều cần thiết. Khi chuyển đổi qua những tầm nhìn khác nhau về quan điểm cũng như thông tin, bạn sẽ có thể phát triển sự hiểu biết toàn diện khi tiếp cận một chủ đề và đưa qua quyết định sáng suốt.
4. Cân nhắc nhiều ý kiến khác nhau
Bạn có thể đang dành quá nhiều thời gian cho công việc đến mức bị mắc kẹt trong quan điểm riêng của mình, đặc biệt khi đang làm việc độc lập trong một nhóm từ xa. Vì vậy, chúng ta cần cố gắng và nỗ lực tiếp cận, lắng nghe những ý kiến và suy nghĩ khác nhau. Điều này làm bạn sáng tỏ ra nhiều thứ.
Nếu không đồng ý, hãy nhớ rằng bạn và cả nhóm đang vì mục tiêu chung. Những ý kiến khác nhau đều mang tính xây dựng, vì vậy hãy chuyển trọng tâm từ bất đồng quan điểm sang tìm kiếm giải pháp phù hợp.
5. Học cách giữ im lặng phản biện
Bạn hãy lắng nghe cuộc trò chuyện thay vì quẩn quanh với suy nghĩ của chính mình. Đó là việc chúng ta chú ý đến từng chi tiết và cho mọi người thấy bạn đang tôn trọng ý kiến của họ. Điều này sẽ giúp bạn mở mang tầm nhìn, thay đổi quan điểm, và thiết lập quy trình suy nghĩ mới.
Nếu bạn đang thảo luận ý tưởng với đội nhóm hoặc trò chuyện với riêng một cá nhân nào, hãy học cách lắng nghe, đặt câu hỏi làm rõ vấn đề và cố gắng hiểu quan điểm của người khác. Điều này giúp bạn tìm được những lỗi sai trong lập luận để cải thiện tính khả thi của các giải pháp.
6. Tính tò mò cũng cần được nuôi dưỡng
Nếu sự tò mò không đến với bạn một cách ngẫu nhiên, hãy nuôi dưỡng niềm khao khát kiến thức bằng cách tái đào tạo và nâng cao kỹ năng của mình. Bạn không chỉ có thêm khả năng mới trong sơ yếu lý lịch, mà còn mở rộng kiến thức chuyên môn, thúc đẩy bản thân đặt nhiều câu hỏi để khai thác vấn đề sâu hơn nữa.
7. Một vài trò chơi cũng sẽ bổ trợ cho tư duy phản biện
Bạn không phải chỉ phát triển tư duy phản biện tại nơi công cở. Khi nghỉ giải lao, việc chơi những trò mang tính chiến lược, như giải mã ô chữ cũng có thể kích thích não bộ giải quyết vấn đề tốt hơn.
8. Tập ghi chép những điều cần thiết
Ghi lại suy nghĩ của bạn bằng giấy và bút có thể khiến não bộ hoạt động một cách mạnh mẽ thay vì gõ bàn phím. Nếu bạn đang bế tắc và muốn suy nghĩ lại về vấn đề nào đó, hãy viết ý tưởng của mình vào giấy, khi đó việc xử lý thông tin sẽ sâu sắc hơn.
Việc ghi chép vào giấy còn có chức năng cải thiện trí nhớ. Các ý tưởng có nhiều khả năng đọng lại trong tâm trí, dẫn đến suy nghĩ thấu đáo, quyết định đưa ra cũng hiệu quả hơn.
_____
Bài: An An
Tham khảo: indeed