Nhân vật 05/05/2018

Arsene Wenger: Khi tình yêu là thứ duy nhất tồn tại

Bài ELLE Team

Tình yêu của Arsene và Arsenal đang dần đi đến hồi kết. Rồi đây người ta sẽ chỉ còn thấy cảnh một ông giáo già tóc bạc ăn mừng cuồng nhiệt trong những thước video trên Youtube và sẽ còn rất lâu nữa thì vết thương chia ly này mới có thể nguôi ngoai.

Ngoại hạng Anh rồi sẽ chứng kiến một cuộc chia tay lịch sử sau Sir Alex Ferguson, đó sẽ là cái ngày mà những con tim yêu Arsenal sẽ rỉ máu vì sự ra đi của Arsene Wenger – một cái tên, một con người, một tượng đài, một huyền thoại.

Một người mẫn cán!

Vị HLV người Pháp đến từ Stasbourg, thủ phủ của Alsace, giáp với biên giới Đức ở miền Đông nước Pháp. Hoạt động kinh tế nông nghiệp cùng hoạt động tâm linh gắn chặt vào chân giá trị của Thiên Chúa giáo, đó là nơi chứng kiến những cuộc giao tranh ác liệt giữa Pháp và Đức ở Thế Chiến thứ II. Cha mẹ Wenger tận dụng những đống sắt vụn từ những chiếc thiết giáp để mở một cửa hàng sửa chửa xe hơi, tối họ kiếm thêm bằng việc mở một quán rượu. Arsene Wenger thì dành phần nhiều tuổi thơ mình ở đó – nơi biến ông trở thành một chuyên gia tâm lý. Từ lúc lên 5 tuổi, Wenger đã tiếp xúc đủ loại người, đủ loại hành vi tàn nhẫn mà con người đối xử với nhau khi họ bất đồng quan điểm, một sự thật rằng nó đã tôi luyện ông trở thành một người có sức chịu đựng bền bỉ kinh ngạc và một thái độ dửng dưng trước những lời chỉ trích dè biểu.

Cậu nhóc Arsene Wenger lắng nghe những vị khách bàn luận về bóng đá, nghe họ nói về đội hình xuất phát và cách dụng nhân tài của những huấn luyện viên trong đám đông ồn ào đang mượn hơi rượu ngoài kia. Chính ông sau này cũng thừa nhận rằng đã học được rất nhiều từ những câu chuyện đó từ phương pháp huấn luyện, chiến thuật, nhân sự cho đến tâm lý cầu thủ. Năm 13 tuổi, ông đã bắt đầu tranh luận với một vị huấn luyện viên trường của CLB FC Duttlenheim và ông nhận ra rằng, để bắt đầu sự nghiệp huấn luyện thì cần phải bắt đầu từ vị trí một cầu thủ.

Arsene Wenger - ELLE Man - 1

Giáo sư Arsene thời trẻ (bên phải). Ảnh: Daily Mail

Arsene Wenger bắt đầu chơi bóng và bước chân đầu tiên của ông đặt đến là CLB Mutzig ở vị trí tiền vệ trung tâm – nơi mà niềm đam mê về chiến thuật được nung nấu và chảy trong huyết quản. Chơi bóng bằng chân chưa bao giờ là một thế mạnh của ông, thay vào đó ông tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về chiến thuật, cách sắp xếp đội hình. Năm 1973, Arsene Wenger chuyển đến Mulhouse chơi bóng và theo học tại Đại học Tổng hợp Strasbourg. Năm 1976, Wenger được đến Uruguay tham dự giải Vô địch sinh viên thế giới. Công việc của ông năm ấy là thu dọn dụng cụ tập luyện, góp ý vào hệ thống chiến thuật và pha trò cười sau những buổi tập mệt mỏi. Ông thừa hiểu rằng sự thành công trong một tập thể không chỉ phụ thuộc vào kinh nghiệm chơi bóng. Năm 28 tuổi, Arsene Wenger kết thúc sự nghiệp “quần đùi áo số” không mấy đáng nhớ, nhưng đó là sự khởi đầu cho một sự nghiệp huấn luyện huy hoàng.

Quyết không từ nan

Tại Strasbourg ông làm HLV cho đội dự bị và kiêm luôn nhiệm vụ trinh sát đối thủ. Trong chiếc vô địch quốc gia Pháp 1979 của Strasbourg – danh hiệu lớn duy nhất cho đến nay của CLB – có sự đóng góp không nhỏ của Arsene Wenger. Ông thường lái xe cả trăm dặm để quan sát, ghi chép tỉ mỉ về các đối thủ và thường chỉ trở về lúc 2 giờ trước khi trận đấu bắt đầu. Sau đó ông đến làm trợ lý huấn luyện tại Cannes. Những đồng nghiệp của ông kể lại ông thường ở lại một mình trong đêm để nghiên cứu đủ loại băng hình về chiến thuật bóng đá. Năm 1987, ông đến dẫn dắt Monaco. Đó là khi Arsene Wenger còn là một gã đàn ông ăn mặc luộm thuộm bừa bộn, sống trong căn hộ 3 phòng chỉ có tivi và đầu đĩa là thứ tài sản quý giá nhất.

Arsene Wenger - ELLE Man - 2

Ảnh: Arsenal.com

Arsene Wenger, thành thật mà nói, dành cả thanh xuân chỉ để nghiên cứu chiến thuật. Một câu nói nổi tiếng của ông vẫn khiến cho người ta thán phục bởi niềm đam mê quá chói chang như ánh mặt trời chín Ngọ: “Chỉ có phút đầu tiên sau khi thức dậy vào buổi sáng là tôi không nghĩ về bóng đá, từ phút thứ hai trở đi, những sơ đồ chiến thuật bắt đầu xuất hiện.”. Arsene Wenger có vẻ giống như một nhà sư khổ hạnh hơn là một HLV, ông dành cho thứ tín ngưỡng của mình một sự tôn sùng tuyệt đối cùng một niềm tin bất diệt đậm chất triết lý.

Arsene Wenger không ngừng thu nạp vào đầu mình một cách không ngừng nghỉ những kiến thức về chính trị, tôn giáo, triết học, kinh tế. Ông có cả một kho sách về tiểu sử của các giáo hoàng, các chính trị gia và những nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới. Đó cũng là nguồn gốc của biệt danh “Giáo sư”. Arsene Wenger, cuối cùng, cũng đưa Monaco đến với chức vô địch Pháp năm 1988. Sau đó ông tiếp tục tìm kiếm những thử thách mới tại xứ sở hoa anh đào, ông đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện đội Nagoya Grampus. Ông lao vào đội bóng yếu nhất đất nước, bắt tay xây dựng một đội bóng theo niềm tin và triết lý của riêng mình.

Chỉ xương rồng mới sống được trong sa mạc

Arsene Wenger - ELLE Man - 3

Ảnh: Arsenal.com

Ở Nhật ông học được nhiều bài học ý nghĩa về tính nhân văn mà đáng nói trong số đó là sự lắng nghe và chịu đựng của bản thân. Để thông hiểu ngôn ngữ Nhật quả là một điều vô cùng khó khăn, loại ngôn ngữ có cấu trúc ngữ pháp phức tạp và đặc biệt những người bản xứ thường mất đến 14 năm để thuộc lòng 2,000 ký tự trong bản chữ Kanji. Một số nhà báo Nhật mắng Wenger là ‘’đồ vô dụng’’, tuy vậy ông vẫn tiếp họ vào sáng hôm sau vì ông không hiểu thứ ngôn ngữ họ nói. Nagoya muốn sa thải phiên dịch của Wenger vì ông cố tình bỏ qua những chi tiết khiếm nhã nhằm vào vị HLV người Pháp. Nhờ điều này, Wenger đã có được cơ hội hiểu rõ hơn về sức mạnh truyền thông và tìm cách ứng phó với nó và cách dễ nhất là ngó lơ chúng. Bỗng dưng cuộc đời bớt đi gánh nặng, chỉ cần tập trung vào chuyên môn và mặc kệ những kẻ không giúp gì được cho công việc của mình.

Dần dần mọi người nể phục con người Wenger và rồi Nagoya đã có một bước tiến vượt bậc nhờ vào lối chơi tấn công đẹp mắt. Trong 11 trận liên tiếp họ giành chiến thắng đến 10 trận, kết thúc mùa giải ở vị trí Á quân và thậm chí Arsene Wenger còn giúp CLB vô địch cúp Hoàng Đế. Tháng 3 năm 1996, Nagoya dưới sự dẫn dắt của ông đã vô địch luôn cả Siêu cúp Nhật Bản. Mùa hè năm 1996, Arsenal mời Arsene Wenger về làm việc. Ông nhận lời và sự ra đi của mình để lại muôn vàng tiếc nuối cùng sự tự hào cho người Nhật. Họ có thể hãnh diện với thế giới vì đã từng có một trong những huấn luyện viên sắc xuất nhất thế giới đến làm việc.

Người thay đổi lịch sử

Arsene Wenger - ELLE Man - 4

Ảnh: Arsenal.com

Ngày 22 tháng 9 năm 1996, cái ngày đã thay đổi lịch sử của Arsenal vì “Arsene phải dành cho Arsenal”. Ông đến đội bóng và chấm dứt văn hóa rượu chè vốn đá bám rể vào trong văn hóa bóng đá Anh, kiểm soát chế độ ăn uống và đổi mới phương pháp tập luyện. Một vị HLV có cái đầu của một giáo sư, kiến thức uyên thâm cùng tầm nhìn đi trước thời đại. Từ chiến thuật, chiến lược phát triển CLB đến xây dựng hệ thống đào tạo trẻ và tìm kiếm những viên ngọc thô, Wenger có thể nói là đầu tàu, một nhà cải cách của công cuộc cách mạng lịch sử bóng đá thế giới.

Trong mùa giải đầu tiên 1997/98, “Giáo sư” đã đưa Arsenal giành cú đúp nước Anh là Premier League và FA Cup với thứ bóng đá tấn công đẹp mắt mỹ miều đã mê hoặc biết bao trái tim Gunners ở Việt Nam kể từ khi bóng đá Anh vừa mới du nhập cho đến nay. Những bản hợp đồng chất lượng lần lượt được Wenger đem về: Dennis Bergkamp, Marc Overmars, Nicolas Anelka, … Arsenal tiếp tục giành được một cú đúp danh hiệu nữa vào mùa 2001/02. Cuối thập niên 90 đầu 2000, có thể nói ngoại hạng Anh là sân chơi riêng của Manchester United và Arsenal khi họ liên tục thay nhau vô địch giải đấu nước Anh với những con người mang tính biểu tượng trên sân như Vieira, Roy Keane; còn trên ghế chỉ đạo là Wenger, Ferguson.

Arsene Wenger - ELLE Man - 5

Ảnh: mirror.co.uk

Với con mắt nhìn người của một vị tướng đại tài, Wenger đem về pháo đài Highbury những chiến binh hạng xoàng: Fredrik Ljungberg, Robert Pires và Thierry Henry và dưới bàn tay của Wenger đã biến những viên kim cương thô trở thành những huyền thoại bằng một bản sắc chung, bản sắc Arsenal. ‘’Pháo thủ’’ trở thành đội bóng bất khả chiến bại (The Invincibles) với kỷ lục vô tiền khoáng hậu 49 trận bất bại và vô địch Premier League. Machester United thì tự hào về mùa giải 1998/99, Chelsea vui mừng chiếc cúp Premier League đầu tiên 2004/05, Manchester City thì nghẹn ngào cảm xúc với ngôi vương 2011/12. Đó những chiếc cúp vô địch tuyệt vời, nhưng tất cả dường như không thể tạo nên được kỳ tích như Arsenal mùa 2003/04 – thứ dường như là độc nhất trong bóng đá hiện đại. Nghiệt ngã thay đó là lần cuối cùng mà Wenger cầm trên tay chiếc cúp Premier League tại Arsenal.

Khi tình yêu trắc trở

Arsene Wenger - ELLE Man - 6

Ảnh: Times Of Oman

Arsene Wenger đã có 1228 trận đấu sau hơn 21 năm lèo lái Arsenal. Kể từ mùa giải thần kỳ đó đã 14 năm Arsenal bị các danh hiệu ngoảnh mặc, bốn chiếc cúp FA các mùa 2005, 2014, 2015 và 2017 là không đủ để thỏa mãn sự chờ đợi mòn mỏi của các CĐV Bắc London. Thậm chí Arsenal cũng vào chung kết với Barcelona tại Champion League nhưng đó cũng là thành tích cao nhất mà CLB có thể làm được cho đến nay ở đấu trường châu lục. Những Gunners chỉ còn biết bấu víu vào những ánh hào quang lẫy lừng của quá khứ để rồi họ tuyệt nhiên quay sang hiện tại với một vẻ mặt giận dữ và căm phẫn. Và đó cũng chính là lúc cuộc tình giữa Arsene và Arsenal đi đến hồi kết.

Ở Arsenal hiện tại, Wenger không còn nhận được những “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” nữa. Để thành công đội bóng không chỉ cần một HLV tài ba mà còn cần một dàn cầu thủ kinh nghiệm, ổn định; những ông chủ thực sự hiểu bóng đá, một ê-kíp hậu cần về y tế – sức khỏe thật sự chất lượng. Sự tắc trách của những chuyên viên y tế được cho là tác nhân gây ra sự mất ổn định về thể lực của cầu thủ, các ông chủ thì chỉ giành giật nhau những cổ phần, cổ phiếu và một vài thành viên như những con sâu đang tìm cách bòn rút, đục khoét từng triệu của Arsenal. Truyền thông trở nên cay nghiệt như những họng súng sắt thép vô hồn chỉa thẳng vào Wenger trực chờ phát bóp cò. Có quá nhiều thứ vô hình chống lại vị “Giáo sư” già nhưng ông vẫn kiên cường cô độc chống trả, giúp Arsenal duy trì top 4 đều đặn qua từng mùa.

Arsene Wenger - ELLE Man - 7

Ảnh: Sky Sports

Có những cầu thủ được nâng tầm bởi Wenger nhưng rồi khi đến độ chín họ lại thẳng thừng quay lưng với người thầy đáng kính đã dùng biết bao tâm huyết tôi luyện họ. Những cái tên đó đã quá quen thuộc với những tín đồ bóng đá: Robin van Persi, Samir Nasri, Cesc Fabragas, Emmanuel Adebayor, và nói về thất bại của Wenger thì có nhiều lý do. Arsenal phải còng lưng trả những khoản nợ khi xây Emirates quá lâu để rồi chính sách “mua rẻ bán đắt” đã làm hại họ. Có thể chiến thuật của ông đã quá lỗi thời trong cái thời đại thực dụng, có thể phương pháp của ông không còn tính độc quyền, có thể vì tất cả, cũng có thể vì ông … đã già rồi.

Người ta xót xa khi nghĩ về một Arsene Wenger với những quyết định linh hoạt chính xác biến mất, thay vào đó là hình ảnh một ông già tóc bạc trên sân với gương mặt nhàu nát đầy nếp nhăn, hai tay ôm mặt thất vọng hay những hành động thể hiện ra ngoài sự đau khổ cùng cực của một con tim đang rỉ máu vì đã quá thất vọng. Khi thẫn thờ, khi gục xuống đau khổ, khi ngồi yên trầm lặng, trong một khía cạnh nào đó, ông đã trở thành nạn nhân của chính mình. Những thành công vang dội khi ông vừa đặt chân đến đã biến Arsenal thành một CLB ở đẳng cấp mới, một thế lực mới đi kèm với những yêu cầu cao hơn và khắt khe từ các CĐV. Nhưng rồi cũng chính họ, những CĐV, đã quay lưng với ông khi Arsenal đánh mất chính mình.

Khi chia ly cũng là vì hạnh phúc!

Arsene Wenger - ELLE Man - 8

Ảnh: World Soccer Talk

Biết bao năm qua, ông đứng trước những tấm băng gôn: “Time For Change”, “Proud of Arsene, Ashamed of Fans” hay “Wenger Out” cũng đã khiến ông ngày càng nhận ra mình sức cùng lực kiệt, nhưng rồi ông giáo già chỉ chọn cách im lặng và tiếp tục cố gắng. Càng cố gắng Arsenal lại càng tụt hậu, thế rồi Wenger ngậm ngùi quyết định ra đi, ra đi để cho tình yêu của mình hạnh phúc và để nhìn thấy cảnh những CĐV ăn mừng chức vô địch.

Ông hiểu rằng sự kiên nhẫn phần lớn của NHM Arsenal đã đạt đến giới hạn cuối cùng, nhưng đám đông ngoài kia đâu thể nào hiểu rõ những gì chất chứa đằng sau nó, đâu chỉ đơn thuần là cứ đá cứ thắng và cứ vô địch. Thật cay đắng khi chính những con người này từng tôn sùng ông hết mực nay đã quên mất Arsenal đã ở đâu trước khi ông đến. Wenger bình tĩnh mà chia sẻ: “CĐV là tuýp người dễ phản bội nhất. Họ sẽ ca ngợi bạn khi thắng và vùi dập bạn khi thua. Nhưng có một thứ bất biến, một thứ trường tồn mà tôi chắc với bạn rằng sẽ không bao giờ thay đổi, đó là: tình yêu của Wenger dành cho Arsenal”.

Arsene Wenger - ELLE Man - 9

Ảnh: mirror.co.uk

Tình yêu rồi sẽ trở thành tấn bi kịch khi trở nên mù quáng. Wenger có mù quáng không thì khó mà trả lời, chỉ biết rằng ông đã chọn cách ra đi để Arsenal có thể vực dậy – một điều mà các CĐV tin tưởng chứ chưa thể biết được. Khi mà phút chia tay cận kề, viễn cảnh mất đi Arsene sắp thành hiện thực bỗng các Gunners tìm lại được sự tôn trọng dành cho ông – người đã đến với Arsenal vì định mệnh, gắn bó với Arsenal vì tình yêu; ông sẽ được nhớ đến như một biểu tượng bất diệt của đội bóng, một con người vĩ đại đã làm thay đổi lịch sử bóng đá Arsenal, kết nối hàng triệu con tim, hàng trăm ngôn ngữ khác nhau tụ hội về một nơi, một chỗ cùng với niềm yêu thương da diết dành cho Arsenal.

Tình yêu vốn luôn rộng lượng. Tình yêu của Arsene dành cho Arsenal có mù quáng không thì không dễ trả lời. Chúng ta chỉ biết rằng trên cõi nhân sinh này mấy ai dám hy sinh cả đời mình để vun đắp một tình yêu!

Arsene Wenger - ELLE Man - 10

Ảnh: Arsene Wenger

Và một sự thật rằng, Wenger đã làm như thế, đã làm với bóng đá, đã làm vì Arsenal!

__

Minh Phong (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, ảnh tham khảo)

No more