Nếu bạn là người trong cuộc, khả năng để nhận biết mối quan hệ độc hại sẽ vô cùng khó khăn. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu các dấu hiệu cũng như cách rời bỏ những kết nối không lành mạnh qua bài viết sau.
I. ĐỊNH NGHĨA MỐI QUAN HỆ TOXIC
Mối quan hệ toxic (hay còn gọi là mối quan hệ độc hại) là bất kỳ loại mối quan hệ nào khiến sức khỏe về mặt cảm xúc, thể chất hoặc tâm lý của bạn suy yếu hoặc bị đe dọa. Những gắn kết như vậy thường khiến bạn cảm thấy xấu hổ, bị sỉ nhục, hiểu lầm hoặc không được hỗ trợ.
Bất kỳ kết nối nào cũng có thể độc hại, bao gồm tình bạn, gia đình, yêu đương hoặc ở nơi làm việc. Chúng thường có những đặc điểm:
– Thiếu sự hỗ trợ
– Đổ lỗi, ganh đua
– Kiểm soát hành vi, thiếu tôn trọng, không trung thực.
– Gaslighting (thao túng tâm lý nạn nhân)
– Thù địch, ghen tị
– Passive – aggressive behaviors (gây hấn thụ động)
– Giao tiếp kém, tạo áp lực
II. CÁCH VƯỢT QUA MỐI QUAN HỆ TOXIC
1. Tìm kiếm một nhà trị liệu
Nói chuyện với nhà trị liệu hoặc cố vấn về hoàn cảnh của bạn và quyết định rời đi là một trong những bước đầu tiên bạn nên thực hiện. Họ có thể giúp bạn lập kế hoạch rời đi an toàn và giúp bạn giải quyết các câu hỏi hoặc mối lo ngại của bạn về quyết định của mình.
2. Chia sẻ với gia đình và bạn bè đáng tin cậy
Chia sẻ hoàn cảnh, bao gồm cả kế hoạch rời đi của bạn với gia đình cùng bạn bè. Họ có thể giúp đỡ bạn về nơi ở, hỗ trợ tinh thần và xã hội khi bạn kết thúc mối quan hệ.
3. Nâng cao lòng tự trọng toxic
Những mối quan hệ độc hại có thể tác động tiêu cực đến hệ thống niềm tin cá nhân. Bạn cần nhận thức rõ những suy nghĩ tiêu cực, niềm tin sai lệch và cách đánh giá bản thân không lành mạnh, bởi chúng ảnh hưởng rất lớn đến hành vi và quyết định của bạn.
Bạn có thể trị liệu nhận thức bản thân bằng cách thực hiện thiền, viết nhật ký,… Khi bạn tập trung nâng cao lòng tự trọng và sự tự tin, bạn sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những nhận xét tiêu cực từ người khác và có sức mạnh để rời bỏ những mối quan hệ độc hại.
4. Đảm bảo an toàn và tài chính
Tiết kiệm tiền rất quan trọng để bạn chuẩn bị cho việc kết thúc một mối quan hệ độc hại. Nếu đối tác của bạn có hành vi bạo lực hoặc đe dọa, hãy lưu lại bằng chứng về những hành vi này và xin hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Điều này rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho bạn.
5. Rời khỏi và cắt đứt mọi liên lạc
Trao đổi liên tục có thể kéo dài quá trình chữa lành của bạn. Nếu không thể hoàn toàn cắt đứt mọi liên lạc, chẳng hạn khi bạn có con chung, hãy giao tiếp trực tiếp và thảo luận về những việc cần thiết. Sau một thời gian, nếu cả hai đã lành lặn những tổn thương và thay đổi quan điểm thì bạn có thể phát triển tình bạn. Nhưng ngay sau khi chia tay, đừng cố gắng làm bạn và nhất định không có bất kỳ hoạt động tán tỉnh hoặc tình dục nào.
6. Xác định các khuôn mẫu và bài học kinh nghiệm
Không chỉ rời bỏ một mối quan hệ độc hại, bạn cần phải học hỏi từ chúng. Hãy tập trung vào quá trình hồi phục về mặt cảm xúc và tinh thần. Bên cạnh đó, bạn nên rham gia các hoạt động lành mạnh và xây dựng lại mạng lưới các mối quan hệ. Ngoài ra, sự hỗ trợ từ các chuyên gia như các nhà trị liệu, bác sĩ tâm lý có thể giúp bạn hiểu sâu hơn về bản thân, về khuôn mẫu những mối quan hệ độc hại, từ đó học hỏi và phát triển lành mạnh.
Việc rời bỏ một mối quan hệ toxic không dễ dàng. Nhưng với sự chuẩn bị, hỗ trợ và kiên trì, bạn hoàn toàn có thể vượt qua được. Hãy nhớ rằng bản thân bạn là quan trọng nhất và bạn xứng đáng được sống trong một mối quan hệ lành mạnh.
_________
Bài: Thùy Dung