Sức khỏe 21/02/2023

9 chỉ số sức khỏe nam giới nên kiểm tra mỗi năm

Bài Tuan Anh

Việc kiểm tra các chỉ số sức khỏe là điều cần thiết với tất cả chúng ta. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu qua bài viết sau.

Nhiều số liệu thống kê cho thấy đa số nam giới ít kiểm tra và thăm khám sức khỏe định kỳ hơn phụ nữ, mặc dù họ có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn.

 

Dưới đây là những chỉ số bạn nên kiểm tra định kỳ để phát hiện nguy cơ mắc bệnh sớm và phòng tránh chúng. 

"Đón

KIỂM TRA SỨC KHỎE MỖI NĂM

 

1. Kiểm tra lượng đường trong máu

 

Việc kiểm tra nồng độ glucose hàng năm là bắt buộc đối với nam giới để giảm khả năng mắc bệnh. Tiểu đường, một bệnh mãn tính đặc trưng bởi lượng đường trong máu cao, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim và các biến chứng khác như tổn thương thận và rối loạn cương dương do tổn thương thần kinh. Xét nghiệm glucose hàng năm là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán bệnh tiểu đường trước khi trở nặng.

 

Nhiều nam giới được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường có thể được kiểm soát bệnh bằng chế độ ăn uống và tập luyện thể dục thể thao. Nếu tình trạng bệnh nặng hơn thì cần sử dụng thuốc uống hoặc tiêm insulin.

Ảnh: Unsplash

2. Khám da

 

Nếu gia đình bạn có tiền sử bị ung thư da, hay da của bạn bị cháy nắng nhiều, thì bạn có nhiều nguy cơ bị ung thư da. Đây là bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Bạn có thể quan sát sự thay đổi các nốt ruồi hoặc vết bớt của mình, bởi những thay đổi nhỏ cũng cho thấy nguyên nhân gây bệnh. Hãy kiểm tra da hàng năm với bác sĩ da liễu và đừng bỏ qua việc sử dụng kem chống nắng.  

 

3. Kiểm tra PSA

 

Xét nghiệm PSA (Prostatic Specific Antigen) là một xét nghiệm máu định lượng giá trị PSA, kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt, được dùng để tầm soát, chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư tuyến tiền liệt. 

 

Thống kê tại Mỹ cho thấy trong 7 người đàn ông sẽ có 1 người bị ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài ung thư da thì đây là dạng ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện bằng cách sàng lọc kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến (PSA) và khám trực tràng bằng ngón tay (DRE).

 

Tất cả đàn ông từ 50 đến 70 tuổi nên được kiểm tra hàng năm. Nếu nam giới có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt thì nhất định phải kiểm tra PSA trước năm 40 tuổi.  

Ảnh: Unsplash

 KIỂM TRA SỨC KHỎE BA NĂM MỘT LẦN

 

4. Nội soi đại tràng

 

Nội soi đại tràng là một thủ tục dành cho nam giới và nữ giới trên 50 tuổi, vì đó là thời điểm nguy cơ ung thư ruột kết tăng lên. Các yếu tố rủi ro khác bao gồm tiền sử bệnh viêm ruột hoặc chế độ ăn nhiều chất béo động vật.

 

Nếu bạn không có tiền sử gia đình mắc ung thư ruột kết thì có thể thực hiện nội soi sàng lọc tuổi 50 và định kỳ các lần tiếp theo từ 3 đến 10 năm một lần, dựa trên kết quả của lần nội soi trước.

Ảnh: Unsplash

KIỂM TRA SỨC KHỎE 4 NĂM MỘT LẦN

 

5. Kiểm tra huyết áp và cholesterol

 

Huyết áp cao là nguyên nhân số một gây đột quỵ ở nam giới và sẽ rất nghiêm trọng nếu không được kiểm soát. Cholesterol cao cũng dẫn đến các vấn đề về tim mạch, dễ bị đột quỵ. Nhiều hiệu thuốc địa phương có thể kiểm tra huyết áp của bạn mà không cần hẹn trước.

 

Đàn ông từ 20 tuổi trở lên nên kiểm tra cholesterol 3 đến 5 năm một lần, và kiểm tra hàng năm sau 50 tuổi.

 

6. Siêu âm tim

 

Nhiều nguy cơ chết người về tim mạch được phát hiện bằng xét nghiệm cholesterol đơn giản và theo dõi huyết áp, cũng như kiểm soát cân nặng.

 

Gia đình có tiền sử mắc bệnh tim, hoặc nếu bạn có lượng cholesterol tăng cao hay huyết áp cao, thì siêu âm tim là điều hết sức cần thiết.  

Ảnh: Unsplash

7. Xét nghiệm men gan

 

Xét nghiệm men gan là một trong những xét nghiệm cần thiết để theo dõi sức khỏe, phát hiện và kiểm soát các bệnh gan tiềm ẩn gây ra xơ gan, ung thư gan. 

 

Nam giới sử dụng rượu bia, thuốc lá nhiều hơn phụ nữ nên nguy cơ tổn thương gan cũng cao hơn nữ giới. Ngoài ra việc dùng các loại thuốc không kê đơn, rối loạn viêm nhiễm, rối loạn tuyến giáp, béo phì cũng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến gan.

 

8. Kiểm tra TSH

 

TSH là hormone kích thích tuyến giáp, do vậy xét nghiệm này có mục đích kiểm tra xem tuyến giáp hoạt động có bình thường hay không. Ngoài ra, nó giúp bạn chẩn đoán một số bệnh liên quan đến rối loạn chức năng tuyến giáp như suy giáp hay cường giáp. Xét nghiệm TSH còn xác định được nguồn gốc và nguyên nhân gây nên rối loạn chức năng tuyến giáp, từ đó có biện pháp ngăn chặn và điều trị kịp thời. 

 

Tuyến giáp giúp cơ thể giải phóng các hormone điều chỉnh quá trình trao đổi chất. Bất kỳ thay đổi nào của nội tiết tố cũng đều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn, dẫn đến tăng cân, mệt mỏi, sức khỏe suy giảm. Nhiều triệu chứng của suy giáp hay cường giáp thường được nam giới cảm thấy như “một phần của cuộc sống”, vì vậy bạn cần thực hiện xét nghiệm để phát hiện những bất thường.

 

9. Khám phổi

 

Ung thư phổi là loại dễ ngăn ngừa nhất trong tất cả các loại ung thư. 90% tỷ lệ người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi, số còn lại thường mắc bệnh vì tiếp xúc với khói thuốc hoặc các hóa chất độc hại. Việc biết được nguyên nhân chủ yếu gây bệnh giúp bạn dễ dàng phòng tránh.  

Ảnh: Unsplash

CÁCH DUY TRÌ LỐI SỐNG TỐT CHO SỨC KHỎE

 

Tất cả mọi người đều có thể ngăn ngừa bệnh tật với một lối sống lành mạnh. Vì vậy hãy: 

 

– Tập luyện: Tập 3 đến 4 lần mỗi tuần, trong 30 đến 45 phút. Bao gồm các bài tập tim mạch két hợp với tập tạ. 

 

– Chế độ ăn uống cân bằng: ít chất béo, kết hợp đầy đủ rau củ, trái cây, chất xơ, protein, carbohydrate phức hợp và hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đường.  

 

– Nước: cung cấp đủ nước cho cơ thể 

 

– Không hút thuốc. 

 

– Hạn chế rượu bia 

 

– Ngủ đủ giấc

Chất

___________

Bài: Thùy Dung

Tham khảo: Healthline 

No more