8 thói quen giao tiếp khiến mối quan hệ của bạn rạn nứt

Bài Tuan Anh

Có những thói quen tưởng chừng rất vô hại, nhưng nếu lặp đi lặp lại, nó sẽ khiến mối quan hệ tình yêu của bạn bị phá hủy. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu qua bài viết sau.

Việc giữ mối quan hệ của bạn với đối phương luôn tốt đẹp luôn cần đến kỹ năng, tình yêu và sự nhẫn nại. Sau đại dịch Covid-19, sự căng thẳng có xu hướng gia tăng khi chúng ta mất liên kết với đối phương, hoặc cả hai xảy ra nhiều xung đột hơn. Một số thói quen giao tiếp tưởng chừng vô hại nhưng lại khiến cả hai thêm xa cách. Hãy cùng ELLE Man điểm qua những điều đó qua bài viết sau.

8

1. Kiềm nén những bực bội và xung đột

Việc giữ những điều bực bội và xung đột theo thời gian sẽ khiến bạn luôn hậm hực, buồn bã. Đặc biệt hơn, đối tác của bạn hoàn toàn không biết điều đó. Thói quen này không chỉ khiến đối phương khó xử khi không biết họ đã từng làm sai những gì, mà còn gây chậm trễ trong việc giải quyết xung đột. Khi sự tức giận lên đỉnh điểm, bạn có thể nói những lời gây tổn thương sâu sắc hoặc hành xử thiếu suy nghĩ.

Việc tìm cách để nói ra những khúc mắc trong lòng trước nó trở thành trở ngại lớn là điều bạn nên làm.

Ảnh: Unsplash

2. Luôn nhắc lại chuyện quá khứ

Nếu bạn luôn ám ảnh chuyện quá khứ, hãy tìm hiểu lý do tại sao bạn bị vậy, và luôn nhắc nhở bản thân phải tiến về phía trước. Sử dụng những chuyện quá khứ để gây tổn thương đến đối phương sẽ làm cả hai mất lòng tin vào nhau.

Không ai hoàn hảo cả. Chúng ta cần biết rằng bản thân và bất kỳ ai cũng có thể mắc sai lầm. Nếu đã chọn tha thứ, bạn cần hiểu đến lúc phải tiến về phía trước.

3. Nói những từ ngữ xúc phạm

Sử dụng từ ngữ xúc phạm không chỉ đề cập đến chửi thề, mà còn bao gồm các câu nói mang tính chất cố tình khiến đối phương tổn thương. Khi thực hiện điều này, nó cho thấy sự thiếu tôn trọng rõ ràng đối với người mà chúng ta đang yêu. Đôi khi đó chỉ là lời nói lúc nóng nảy, nhưng bạn cần hiểu rằng nó không thể rút lại được.

4. Lựa chọn nói dối khi ở trong mối quan hệ

Nói dối là một trong những cách nhanh nhất để phá hủy một sự kết nối. Đôi khi chúng ta giấu thông tin nào đó để tránh làm tổn thương cảm xúc của đối phương, nhưng bạn cần hiểu rằng lòng tin là cốt lõi của tất cả các mối quan hệ lành mạnh. Không phải lúc nào cũng dễ dàng nói ra sự thật, nhưng việc xây dựng lại mối quan hệ thậm chí còn khó hơn khi lòng tin bị phá hủy.

Ảnh: Unsplash

5.  Không lắng nghe lẫn nhau

Không ai sinh ra đã biết cách lắng nghe, đây là một kỹ năng mà bạn cần học tập và phát triển. Trong tình yêu, điều này ban đầu thường thực hiện rất dễ dàng, khi chúng ta vẫn đang tìm hiểu về một người nào đó và họ có vẻ bí ẩn thú vị. Tuy nhiên, khi đã ở cạnh lâu, chúng ta có xu hướng ngừng lắng nghe cẩn thận vì cho rằng bản thân đã hiểu về đối phương.

Điều này không đúng, bởi con người luôn luôn thay đổi. Hãy luôn học cách và giữ lửa trong việc giao tiếp với đối tác.

6. Không nói ra nhu cầu của bạn

Điều này thường gặp nhiều ở nữ giới, khi họ ít khi nói ra thứ mình cần với quan niệm “nếu yêu tôi, anh ấy/ cô ấy sẽ biết”. Tuy nhiên, không có nghĩa ở nam giới không xảy ra trường hợp trên. Chúng ta cần hiểu không ai muốn phải suy luận trong tình yêu.

Mong đợi ai đó hiểu được cảm giác của bạn đồng nghĩa với việc bạn buộc họ phải chịu trách nhiệm với hạnh phúc của mình. Điều này không công bằng với cả hai. Với đối phương vướng phải thói quen giao tiếp này, bạn cần chia sẻ rõ ràng với nàng.

7. Chia sẻ vấn đề không cụ thể trong mối quan hệ

Chúng ta thường có thói quen nói những câu đại loại: “Anh/em luôn luôn…”, “anh/em không bao giờ…”. Điều này khiến cho đối phương phòng thủ và khó chịu. Trước những sai lầm của ai đó trong một mối quan hệ, bạn cần chia sẻ một cách cụ thể.

Ví dụ: Thay vì nói “Anh/em không bao giờ lắng nghe em.”, hãy nói: “Anh/em cảm thấy bị tổn thương khi em/anh nhìn điện thoại khi chúng ta đang nói chuyện với nhau”. Bằng cách nói chính xác lỗi lầm của đối phương, cả hai có thể giải quyết chúng một cách triệt để.

8. Stonewalling trong mối quan hệ

Stonewalling đề cập đến việc “đóng cửa” người kia trong một khoảng thời gian và từ chối giao tiếp. Ví dụ thường thấy của stonewalling khi hai bạn cãi nhau, một người nói “anh/em phải ra khỏi đây” hoặc “anh/em đã quá sức chịu đựng” hay đơn giản là bỏ đi. Phương pháp này giúp chúng ta bình tĩnh hơn, tuy nhiên, nếu bạn không trở lại cuộc tranh luận để tìm ra cách giải quyết, thì lâu dần nó sẽ tác động đến mối quan hệ. Stonewalling cũng khiến đối phương cảm thấy bị cô lập và thất vọng.

Khi tranh cãi lên cao, chúng ta cần nghỉ ngơi để tránh tổn thương lẫn nhau. Nhưng sau tất cả, cả hai cần phải đối mặt vấn đề càng sớm càng tốt.

Cách

_______

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Thùy Dung

Tham khảo: Psychology Today

No more