Trong toàn bộ cuộc đời, hầu hết chúng ta đều không được khuyến khích để tự do thể hiện cảm xúc thật, và khi đó, không ít lần những người xung quanh nói rằng người hay khóc là hiện thân của sự yếu đuối và xấu hổ. Tuy nhiên, khóc, suy cho cùng, chỉ là phản ứng tự nhiên trước nỗi đau, buồn rầu hay vui sướng.
Do những định kiến vô hình đó của mọi người, chúng ta dần dà học được cách nuốt nước mắt vào trong và cư xử gắng gượng – thứ được cho là hành vi phù hợp hơn!? Nhưng không phải ai cũng “làm được” điều đó, và những người hay khóc trong rạp phim được cho là thuộc tuýp yếu đuối cảm xúc.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải bỏ ngay cái tư tưởng không có cơ sở khoa học đó ra khỏi đầu bởi vì những người hay khóc trong rạp chiếu bóng mạnh mẽ hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Cụ thể hơn, họ là những con người có khả năng thấu cảm và mang xu hướng đứng ở vị trí của người khác để nhìn nhận sự việc bằng chính thế giới quan của người đó.
Sự thấu cảm là một khía cạnh quan trọng trong trí thông minh cảm xúc, và loại năng lực này luôn được tìm thấy ở những nhà lãnh đạo thành công và uy tín. Những nhà lãnh đạo luôn hiểu rõ và họ biết cách thông cảm cho nỗi đau, tuyệt vọng hay hạnh phúc của mọi người. Họ là những con người hào phóng, lịch thiệp và tinh tế.
Chỉ khi nào đặt mình vào vị trí của ai đó, chúng ta mới có thể mở rộng tầm nhìn và hiểu rõ hơn về họ, giúp bản thân thắt chặt mối quan hệ với mọi người. Hãy nhớ lại lời của Roger Ebert: “Xem phim là chúng ta đang sống trong một cái “hộp” có thời gian và không gian riêng. Phim ảnh là cửa sổ tâm hồn của chính nó, cho phép chúng ta sống trong thế giới của người khác chứ không đơn thuần đồng cảm và giúp người xem nhìn nhận mọi việc theo quan điểm của nhân vật.”.
Do đó, nếu lần tới bạn có đi xem phim mà lỡ khóc hoặc nhìn thấy ai đó khóc thì hãy nhớ những điều này và xin đừng phán xét họ. Và hơn hết, đừng bao giờ kiềm nén những giọt nước mắt, hãy thành thật với chính bản thân!
__
Minh Phong (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, ảnh tham khảo)