Xu hướng 09/11/2017

Khi các thương hiệu thời trang bảo vệ môi trường bằng công nghệ tiên tiến

Bài ELLE Team

Thời trang là một trong những ngành công nghiệp “góp tay" nhiều nhất trong việc huỷ hoại mẹ thiên nhiên. Do đó, các thương hiệu thời trang đang tích cực tìm ra giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường thông qua sự phát triển của công nghệ.

Không thể phủ nhận rằng hiện nay môi trường sống của chúng ta đang bị ô nhiễm trầm trọng. Từ việc bùng nổ dân số hay nhu cầu tiêu dùng tăng cao đã dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Dĩ nhiên, giảm đi phần nào sự ô nhiễm không có nghĩa rằng chúng ta đã giải quyết tối ưu vấn đề đó. Nhưng ít ra, các giải pháp đưa ra chính là sự khởi đầu đầy hy vọng cho tương lai của ngành thời trang. Sau đây là một số sáng kiến độc đáo từ các thương hiệu thời trang trong việc bảo vệ môi trường.

Những

1. Vải làm từ vỏ cam, quýt

Khi các thương hiệu thời trang bảo vệ môi trường bằng công nghệ tiên tiến

Có hơn 700,000 tấn vỏ cam, quýt được thải ra môi trường mỗi năm chỉ riêng tại nước Ý. Adriana Santanocito và Enrica Arena, một cặp đôi người Ý đã tìm ra cách khai thác “sức mạnh” từ những vỏ cam quýt dư thừa để biến chúng thành một thứ hữu dụng hơn, đó chính là vải. Cách hoạt động của phương pháp này chính là chiết xuất xen-lu-lo từ vỏ cam, biến nó thành sợi polyme và dệt thành vải.

Hơn thế nữa, vỏ được xem là một nguyên liệu miễn phí cho kỹ thuật này và có thể giúp các nhà sản xuất trái cây giải quyết được phần nào vấn đề xử lý rác thải. Cặp đôi này cũng đã góp tay cùng với thương hiệu thời trang Salvatore Ferragamo tạo ra một bộ sưu tập capsule đầy ấn tượng. Chứng minh rằng thời trang bền vững có thể là một bước đi khôn ngoan cho sự thành công của các thương hiệu thời trang.

2. Da nhân tạo

Khi các thương hiệu thời trang bảo vệ môi trường bằng công nghệ tiên tiến

Liệu công nghệ da nhân tạo có phải là câu trả lời cho hướng đi của các thương hiệu thời trang da thuộc? (Hình: orangefiber.it)

Chúng tôi biết rằng bạn thực sự bị mê hoặc bởi vẻ đẹp sang trọng và cổ điển từ các sản phẩm da thuộc, nhưng lại không đành lòng mua bởi chúng được làm từ da của các loài động vật. Hãy yên tâm, bởi công ty Modern Meadow đã phát minh ra được quá trình sản xuất da thuộc mà không cần phải sát sinh một con vật nào. Bằng việc nuôi cấy collagen, một loại protein được tìm thấy trong da động vật, và phát triển thành da nhân tạo, có tính chất giống hoàn toàn với da của động vật.

Thú vị hơn, năm vừa rồi trường đại học thời trang Central Saint Martins vừa công bố họ đang ấp ủ việc sử dụng DNA để phát triển mô da từ mẫu da thật của nhà thiết kế quá cố, Alexander McQueen. Mẫu da được nhân bản chỉ từ một sợi tóc được tìm thấy trong một sản phẩm cũ mà nhà thiết kế tài năng đã từng làm ra. Và dĩ nhiên theo lý thuyết, mẫu da này vẫn sẽ bị cháy nắng hay sạm đen nếu tiếp xúc với ánh mặt trời.

Nghe có vẻ điên rồ nhưng nếu suy xét đến vấn đề thực tế, da nhân tạo sẽ là một tiềm năng lớn giúp hạn chế sự ô nhiễm môi trường từ việc chăn nuôi động vật để lấy da. Ngành chăn nuôi gia súc không chỉ làm ô nhiễm không khí bởi lượng lớn khí thải methan từ động vật mà còn là nguyên nhân phá rừng để có diện tích cho chăn nuôi.

5

3. Các thương hiệu thời trang cùng hợp tác, biến rác thải từ nhựa thành thời trang

thuong hieu thoi trang - elle man

Chúng ta đều biết rằng việc sử dụng nhựa cực kỳ có hại đến môi trường. Hầu như khâu xử lý rác thải đối với các loại nhựa chính là đổ trực tiếp ra biển, điều này đã vô tình ảnh hưởng rất xấu đến hệ sinh thái của đại dương. Bạn có thể tìm thấy nhiều hình ảnh kinh khủng khi tra cứu về keyword “Pacific Trash Vortex” – Đảo rác thải Thái Bình Dương.

Do đó, trong nỗ lực biến rác thải nhựa thành một thứ hữu dụng, Parley For The Oceans đã cùng với các thương hiệu thời trang G-star RAW, thương hiệu thể thao adidasnam ca sĩ Pharrell Williams để hợp tác tạo nên một dự án thời trang đối với rác thải bị đổ ra biển. Ra đời từ năm 2014, dự án RAW for the Oceans là một bộ sưu tập quần áo denim được tái chế từ rác nhựa ở biển.

Cũng trong năm đó, adidas cũng đã cho ra đời Futurecraft, một kiểu giày được in 3D và làm từ rác nhựa ngoài biển, đế giày cũng được làm từ chất liệu polyester tái chế. Ngoài ra, các cuộc họp tại trụ sở của adidas ở Đức sẽ không còn sử dụng các chai nước nhựa để mời khách, trong khi thương hiệu Three-Stripe cũng ngưng sử dụng túi nhựa tại các cửa hàng của hãng.

Khi các thương hiệu thời trang bảo vệ môi trường bằng công nghệ tiên tiến

(Ảnh: adidas)

4. Những chiếc áo thun được làm từ bạc hà và… bạc

Ngoài những vấn đề sinh ra từ các nhà máy hay của hàng thời trang, môi trường cũng bị đe doạ từ việc bảo quản quần áo của người tiêu dùng. Việc giặt giũ cũng đã làm hao phí nguồn tài nguyên nước và điện, đồng thời còn gây ra nguy cơ ô nhiễm nguồn nước khu vực bởi thuốc nhuộm và sợi vải trong quần áo. Để giải quyết vấn đề đó, những gì chúng ta cần đó chính là một sản phẩm có thể khử mùi, kháng khuẩn mà bạn chỉ cần giặt một lần khi nó thực sự ngả màu. Sự phát triển của công nghệ đã cho phép ngành thời trang sản xuất ra một loại vải có khả năng khử mùi hôi từ bạc hà và kim loại bạc. Bạc có cơ chế diệt khuẩn vô cùng hiệu quả, cũng như bạc hà, là sự lựa chọn hoàn toàn thân thiện với thiên nhiên.

Khi các thương hiệu thời trang bảo vệ môi trường bằng công nghệ tiên tiến

(Hình: Pantagonia)

5

5. Làm quần jean ngả màu bằng công nghệ laser

Khi các thương hiệu thời trang bảo vệ môi trường bằng công nghệ tiên tiến

(Hình: Denim Experts Ltd)

Chúng ta đều biết rằng các tín đồ thời trang luôn mang một tình yêu bất diệt đối với những chiếc quần denim ngả màu đầy cool ngầu. Và nếu như biết được quy trình làm bạc màu quần jean như thế nào, chắc hẳn bạn sẽ không thể tránh khỏi cảm giác kinh hãi. Trong quá khứ, để chiếc quần jean trông thật cũ, người ta đã dùng cách xịt cát sand-blasting, bằng việc phun một chất hoá học có khả năng mài mòn, làm những chiếc quần jean bị bạc màu và trông thật bụi bặm. Tuy nhiên, chính phương pháp này đã đe doạ mạng sống của người lao động khi họ phải tiếp xúc thường xuyên với silica ở mức độ nguy hiểm. Hợp chất silica khi tiếp xúc thường xuyên qua đường hô hấp có thể bào mòn phổi và gây ra một số căn bệnh nghiêm trọng.

Do đó năm 2010, thương hiệu thời trang denim nổi tiếng Levi’s cùng với H&M đã công bố bãi bỏ phương pháp độc hại này trong khâu sản xuất. Ngoài ra, cả hai thương hiệu thời trang cũng công bố một số kỹ thuật mới, trong đó có kỹ thuật sử dụng laser để làm bạc màu quần jean.

Biện pháp này không chỉ an toàn hơn mà còn tiết kiệm nhiều nước hơn so với kỹ thuật wash quần jean thông thường. Đặc biệt đối với các khu vực khan hiếm nước sạch như châu Á và châu Phi thì đây sẽ là một kỹ thuật đáng được trưng dụng trong khâu sản xuất.

Hãn Hào (Nguồn: Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, tham khảo: Highsnobiety, hình: tổng hợp)

cùng chuyên mục

No more