Thú chơi 04/07/2023

Art Toy: Từ đồ chơi trở thành xu hướng đắt đỏ

Bài Tuan Anh

Art Toys - Đồ chơi nghệ thuật, hay còn là đồ chơi thiết kế riêng, đang thu hút ngày càng nhiều người sưu tập hơn. Đó là loạt tác phẩm mô hình lấy cảm hứng từ người, động vật hay nhân vật văn hoá đại chúng làm từ vật liệu như nhựa, nhựa vinyl, gỗ, nhựa và kim loại khác nhau. Chúng được tạo ra bởi những nghệ sĩ, nhà thiết kế và họa sĩ minh họa thuộc nhiều lĩnh vực: Nghệ thuật đương đại, graffiti, street art, thời trang, đồ họa....

Sự xuất hiện của những “đồ chơi” Art toy này bắt nguồn từ năm 1995, khi nghệ sĩ Raymond Choy, người sáng lập Toys2R ở Hồng Kông  ra mắt dòng sản phẩm Qee. Xu hướng này nhanh chóng du nhập sang các quốc gia khác như: Kidrobot của Mỹ với Dunny; Medicom Toys của Nhật Bản với sản phẩm Be@rbrick; công ty Artoyz được thành lập vào năm 2003 ở Paris; Presspop (2002) ở Tokyo; và Magic Pony (2009) ở Toronto. Theo thời gian, hàng loạt các tên mới đã xuất hiện trên bản đồ thị trường Art Toy thế giới.

Ảnh: Tư liệu

Khái niệm Art Toy giờ đây không chỉ giới hạn là đồ chơi trẻ con mà nó còn được xem là một tác phẩm nghệ thuật, một sản phẩm thiết kế hay vật phẩm sưu tầm.

Art Toy: Cuộc gặp gỡ của nghệ thuật và chiến lược bán hàng

Thị trường đồ chơi sưu tập ngày càng mở rộng. Theo số liệu từ statista, doanh thu toàn cầu ước tính của thú chơi này đạt 120 tỷ USD vào năm 2023 với tốc độ CAGR là 4% trong giai đoạn 2017 đến 2023. Vì sao có sự phát triển này?

Đầu tiên, các công ty Art toy lớn đều chú trọng đầu tư sáng tạo vào các nhân vật của riêng họ với phong cách rõ ràng. Họ ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ sản xuất tiên tiến vào các sản phẩm lấy cảm hứng từ phim, truyện hay các chương trình thương mại để tạo ra những trải nghiệm mới đối với các mẫu mã quen thuộc. Song song, họ kết hợp với các nghệ sĩ và nhà thiết kế khác để cho ra mắt những sản phẩm mới độc đáo. Chính vì thế, các sản phẩm ngày càng xuất sắc hơn.

Tiếp đó, cùng với những mặt hàng được sản xuất hàng loạt, người tiêu dùng cũng bắt đầu quan tâm đến các sản phẩm độc lạ và phiên bản giới hạn. Chiến lược này kích thích tâm lý khao khát muốn sở hữu của người chơi và thúc đẩy các nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm độc đáo và nổi bật về mặt hình ảnh trên các chất liệu và kích thước khác nhau. Hơn thế nữa, các phiên bản giới hạn càng cổ, càng hiếm thì giá trị của chúng càng tăng. Vì thế, thú vui sưu tập Art toy trở thành một hình thức đầu tư siêu lợi nhuận như đối với hầu hết các sản phẩm nghệ thuật khác. 

Một ví dụ điển hình là dòng sản phẩm “No Future Companion” do KAWS và họa sĩ minh họa người Nhật Hajime Sorayama đã hợp tác tạo ra. 500 bức tượng nhỏ bằng chrome đen đã được phát hành vào năm 2008, phiên bản chrome bạc (ảnh) vào năm 2009 được bán lẻ với giá US$980 (khoảng 1.323 đô la Singapore) và sau đó chúng được định giá hơn 32.000 đô la Singapore tại một cuộc đấu giá.

No Future Companion Black (KAWS x Hajime Sorayama), 2008
32 × 20 × 20 cm

Bên cạnh đó, sự phát triển tột bậc của mạng xã hội cùng các nền tảng mua sắm trực tuyến là cột mốc quan trọng trong ngành công nghiệp Art Toy. Sau thế hệ các nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế như Jeff Koons, Takashi Murakami, Ron English, Franz Kozik và Jason Freeny, những nghệ sĩ đáng chú ý thuộc thế hệ tiếp theo Kaws, Joan Cornella, Hebru Brantley, Matt Gondek, Cote Escriva, Steven Harrington, Whatshisname, Emilio Garcia, WizardSkull và Abell Octovan…cũng đang gặt hái được nhiều thành công. Sức hút của những nghệ sĩ này, không chỉ ở chất lượng tác phẩm của họ, mà một phần nhờ vào sự kết nối của cộng đồng người hâm mộ và sản phẩm qua mạng xã hội và kênh mua sắm khiến người mua dễ dàng sở hữu tác phẩm hơn. Dòng Art toy cuối cùng do Kaws tung ra với với ba phiên bản màu khác nhau đã cháy hàng chỉ sau 3 phút rưỡi với doanh số hàng nghìn sản phẩm. 

Hơn thế nữa, một trong những chiến lược ấn tượng nhất thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường Art Toy toàn cầu là sự ra đời của “Blind Box” – chiếc hộp ngẫu nhiên mà bạn không biết mình sẽ nhận được món đồ chơi nào cho đến khi mở hộp. Ý tưởng về “Blind Box” bắt nguồn từ thuật ngữ “Fukubukuro (福袋),” có nghĩa là “túi tài lộc” Nhật Bản trong những năm 80 và trở thành xu hướng phổ biến trên toàn thế giới nhất là ở Trung Quốc. Theo Jing Culture & Commerce, từ năm 2018 đến 2019, doanh số các hộp Blind box đến từ các nhà sản xuất khác nhau đã tăng 600%. 

Sức hấp dẫn đầy ma lực của Blind box nằm ở trải nghiệm thu thập, bất ngờ, tương tác trao đổi, giao dịch vật phẩm giữa người chơi để hoàn thành đủ bộ sưu tập.

Mỗi hộp Blind Box – hộp ngẫu nhiên, chứa một nhân vật khác nhau. Người chơi có thể mua lẻ hoặc mua trọn bộ để có thể sưu tập đủ các mẫu trong series (Ảnh: Tư liệu)

Xu hướng này có sớm nở tối tàn tại Việt Nam?

Cộng đồng Art toy Việt Nam bắt đầu nhen nhóm hoạt động từ những năm 2017. Từ hai năm trở lại đây, khi việc tiếp cận với các sản phẩm quốc tế được dễ dàng hơn, lượng người yêu thích loại hình này tăng đột biến. 

Thảo Nguyễn- Founder của Toyist Zone chia sẻ: “ Ở Việt Nam, những hộp Blind Box rất được ưa chuộng vì chúng phân bố rộng rãi, dễ tiếp cận, giá thành hợp túi tiền, nhất là các nhân vật SkullPanda, Dimoo, Hirono, Ozai, MiMi, Molly. Thường một hộp Blind Box có giá dao động từ 250.000 – 400.000 VNĐ tuỳ nhân vật. Những người chơi sưu tập lẻ có thể mua từ 4-6 hộp của nhiều serie khác nhau, nhưng đối với những ai thích sưu tập trọn bộ họ sẵn sàng chi số tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 VNĐ cho một set 10-12 nhân vật.   

Art toy hút fan ở tạo hình nhân vật, chi tiết hoàn thiện, màu sắc, nội dung của series và cả độ hiếm nên những thời điểm ra mắt sản phẩm mới doanh số cũng tăng lên rất nhiều”.

Bên cạnh những thương hiệu art toy quốc tế quen thuộc như  BE@RBRICK, XXRAY, Funko, KAWS, Pop Mart… cũng có những tác phẩm gây nhiều sự chú ý của các nghệ sĩ trẻ đến từ các concept store “made in Vietnam” như Bakia toys, Oleander Workshop, CƠM HỘP, Wind Bay Studio, Phòng Nhai, The O Room… 

Chú Tễu múa lân (Oleander Workshop) năm 2020 lấy cảm hứng từ nghệ thuật múa rối nước. (Ảnh: Tư liệu)

Các sản phẩm Art toy Việt Nam hầu hết đều lấy cảm hứng từ văn hoá dân gian hay đời sống Á Đông, chúng được làm thủ công tỉ mỉ với số lượng vô cùng ít ỏi, đề cao hiệu ứng nghệ thuật hơn là lợi ích kinh tế. 

BAKIA TOYS, cha đẻ của dòng sản phẩm Gene 1 và Bakia Chubby cho biết số lượng sản phẩm bán cao nhất một tháng khoảng 80-100 bé. Mỗi sản phẩm của Bakia đều nhấn mạnh tính Unique (độc đáo), Original (nguyên bản) và Commercial (thương mại) với cảm hứng từ văn hoá và trải nghiệm của chính nhà thiết kế trong công việc và cuộc sống nên không cần chạy theo mẫu mã để cạnh tranh với các nhãn hàng quốc tế.

Bakia Genesis Chubby (BAKIA TOYS), 2020
Kích thước: cao 9cm với 6 parts và 5 khớp xoay cơ thể.

Tuy sáng tạo và chất lượng có thể sánh ngang với các sản phẩm nước ngoài, nhưng vì nhiều lí do như điều kiện sản xuất, chiến lược truyền thông và bán hàng… những tác phẩm này vẫn bị bó hẹp trong cộng đồng fan trong nước.

Chia sẻ về tương lai cộng đồng Art toy Việt Nam, BAKIA TOYS lạc quan: “Thị trường trong nước còn khá tiềm năng nhiều tiềm năng, nhất là trong những năm tới khi thế hệ vàng lớn lên cùng Pop Culture như 9x,2k ở độ tuổi tài chính ổn định, họ sẵn sàng chi trả cho đam mê của mình”

“All art are toys, all toys are art.” – Michael Lau 

Art Toy  biến khái niệm đồ chơi thời thơ ấu trở thành sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật. Art toy là tấm gương phản chiếu về con người, cuộc sống, quan điểm, cảm xúc và tất cả những gì xoay quanh chúng.  Người ta ko “chơi” chúng đơn thuần, họ khai mở, tiếp xúc, thu thập, trưng bày, kết nối, trao đổi. Và bằng một cách thần kì, art toy biến mỗi chúng ta – những người lớn mang tâm hồn trẻ thơ trở thành một nhà sưu tầm nghệ thuật. 

“Có thể trong một vài năm tới, trend Art toy sẽ giảm nhiệt, nhưng sẽ luôn có những người chơi trung thành và người chơi mới tìm đến chúng” Thảo Nguyễn chia sẻ thay cho lời kết.

________

Bài: Thanh Ngô

cùng chuyên mục

No more