Review “Bên trong vỏ kén vàng”: Hành trình tìm lại cái tôi đã mất

Bài Tuan Anh

Thoạt nhìn, “Bên trong vỏ kén vàng" là bộ phim dài 3 tiếng đằng đẵng. Nhưng đằng sau đó là chiêm nghiệm của Phạm Thiên Ân về đời người qua ngôn ngữ điện ảnh đặc sắc.

Bắt đầu bằng một vụ tai nạn, kéo theo trách nhiệm của những người xung quanh, mở màn cho chuyến đi không rõ điểm dừng, có thể nói vòng đời bao gồm sự sống và cái chết được gói gọn trong tác phẩm điện ảnh đầu tay Bên trong vỏ kén vàng của đạo diễn Phạm Thiên Ân. Với thời lượng 3 tiếng toàn những cảnh quay dài, nhịp điệu từ tốn, bộ phim đạt giải Caméra d’Or (Phim điện ảnh đầu tay xuất sắc nhất) tại LHP Cannes mang tới khán giả trải nghiệm điện ảnh mới lạ và đặt ra nhiều câu hỏi về lẽ sống. 

bên trong vỏ kén vàng
Thiện lạc lối tìm lại niềm tin (Ảnh: JK Film & Protocol)

Phát triển từ chính phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng (2019), câu chuyện mở đầu trong quán nhậu ồn ào ở Sài Gòn, nơi ba người đàn ông thảo luận những trăn trở về tương lai cùng mục đích sống. Trong khi người bạn chia sẻ ý định bỏ thành thị lên núi, Thiện (Lê Phong Vũ) lại chìm vào suy nghĩ mơ hồ của riêng mình. Anh thờ ơ với những lời mời mọc tiếp thị, tiếng chúc tụng, hò reo và cả vụ tai nạn thương tâm bên đường. 

Mãn

Hành trình tìm đức tin và những mảnh ghép cuộc đời 

Việc lựa chọn cú máy one-shot dẫn từ quán bia tới hiện trường đâm xe cho thấy sự tách biệt giữa Thiện với thế giới mình tồn tại. Ngay ở phân cảnh quán mát-xa đèn mờ, Thiện cũng ngó lơ hàng tá cuộc điện thoại mà anh gọi là từ “Thượng đế”. 

Chỉ khi biết tin Hạnh, chị dâu mình qua đời vì tai nạn, Thiện mới trở lại thực tại và gánh vác bổn phận mới: đưa linh cữu cô về quê và chăm sóc cháu trai tên Đạo. Đồng thời, Thiện cũng kiếm tìm cha bé – Tâm – người anh trai đã biệt tích nhiều năm. 

Trở về miền quê Lâm Đồng, Thiện trải qua các nghi thức tang lễ trang trọng của người Công giáo. Tại đây, anh vượt ra không gian ngột ngạt, hỗn độn, gò bó nơi đô thị nhưng chưa thể giải thoát mình khỏi tâm hồn trống rỗng, u uất. 

bên trong vỏ kén vàng
Mối tình giữa Thiện và Thảo để lại nhiều tiếc nuối (Ảnh: ITYCY)

Các cuộc gặp gỡ với Trung (em Hạnh), người lính già tên Lưu, Thảo – người yêu cũ nay đã đi tu hay nhiều nhân vật không tên khác cho Thiện dịp nhìn nhận lại năm tháng đã qua và giác ngộ nhiều điều. 

Sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, hư và thực giúp người xem suy ngẫm về ý nghĩa từng mẩu đối thoại đời thường. Với bản thân Thiện, dù bị thu hút bởi niềm tin của người khác, anh vẫn hoang mang trước việc tìm ra lý tưởng cuộc đời. Nếu ngày trước, Thiện và Thảo chia tay vì không chung tư tưởng về tín ngưỡng. Hiện tại, anh lại lảng tránh những câu hỏi ngây thơ của Đạo: “Đức tin là gì hở chú?”, “Thiên đường là đâu chú?”…

Tuy nhiên, ẩn sâu trong anh vẫn là tấm lòng thiện lương và tia hy vọng thay đổi số phận. Đó là khi Thiện chăm bẵm chú chim non và chôn cất khi nó chết, là việc anh trân trọng và khâm phục lối sống tận hiến của các nữ tu như Thảo. 

Hay sau quãng thời gian thu mình vào “vỏ kén”, anh bắt đầu mở rộng thế giới quan và đi vào quá trình tỉnh thức. Không chỉ kiếm Tâm mà Thiện còn tìm chính linh hồn đang đi lạc của mình. Như lời bà cụ ở hàng nước (NSƯT Phi Điểu): “Đến giờ cậu vẫn còn tìm nó sao?”. Một câu hỏi vu vơ nhưng xoá tan bức tường mà Thiện phòng bị. 

bên trong vỏ kén vàng
NSƯT Phi Điểu giữ vai trò quan trọng với sự tỉnh thức của Thiện (Ảnh: ITYCY)

Trải dài bộ phim là câu chuyện về mất mát và chia ly. Đó là cái chết, cuộc tình dở dang, những ngã rẽ cuộc đời đẩy ta đi xa khỏi ước mộng. Nhưng tác phẩm không chọn khai thác nỗi buồn uỷ mị mà nhìn vào mặt tích cực, khi mọi cá thể đã sống trọn đời ý nghĩa. 

Bên cạnh đó, nhìn lại chuỗi hình ảnh ẩn dụ và mối tương quan giữa các nhân vật: Mất Hạnh, Thiện còn Đạo nhưng có tìm ra Tâm không? Người xem không khỏi liên tưởng việc các cá nhân chỉ là những mảnh ghép của kiếp nhân sinh. Điều đó khiến cuộc phiêu lưu tâm linh trong phim trở nên bí ẩn và có chiều sâu hơn. 

“Bên trong vỏ kén vàng”: Bản tuyên ngôn điện ảnh thuần khiết

Khai thác chủ nghĩa hiện sinh và người trẻ vô định trước dòng đời, Phạm Thiên Ân làm mới lại đề tài tưởng chừng quen thuộc bằng cảm quan tinh tế, ngôn ngữ điện ảnh phong phú, đa nghĩa.  Các cảnh quay mang phong cách tài liệu. Cuộc trò chuyện được chứng kiến từ xa, tĩnh, rồi máy quay từ từ tiến vào nhân vật, triệt tiêu chuyển động máy để khán giả cảm nhận sự tự nhiên. 

bên trong vỏ kén vàng
Đạo diễn và ekip nỗ lực đưa những kỷ niệm ấu thơ ở quê hương lên màn ảnh (Ảnh: JK Film & Protocol)

Dù được cho là học hỏi các đại đạo diễn trường phái slow cinema Thái Minh Lượng, Apichatpong, Tarkovsky, Béla Tarr, Angelopoulos… Bên trong vỏ kén vàng vẫn mang rõ bản sắc Việt Nam.  Dưới góc máy chỉn chu của DOP Đinh Duy Hưng, vùng quê Lâm Đồng hiện lên với rừng cây xanh tươi, ngọn núi phủ đầy sương, ngôi làng neo nhà, tổ kén óng ả của làng nghề nuôi tằm truyền thống, những cánh bướm lung linh sau cơn mưa tầm tã. Tất cả tương phản với đời sống phồn hoa náo nhiệt và bệnh viện đông đúc ở thành phố – một cảnh ekip dày công dàn dựng. Bức tranh thiên nhiên này không được phác hoạ một cách cầu kỳ mà mang hơi thở đời sống, tự nhiên và bình dị như chính người dân nơi đây. 

Góp phần lớn vào phim còn kể tới phần âm thanh đồng điệu. Ta có thể cảm nhận sự giao hoà của đất trời ngay ở những cuộc hội thoại đều đều lẫn khoảnh khắc tĩnh lặng nhất. Đó là tiếng gió, tiếng suối chảy tưới mát tâm hồn, tiếng gà gáy, tiếng đồng hồ tích tắc trong đêm, tiếng chuông nơi giáo xứ, giọng phát thanh viên trên bản tin thời sự… Tất cả khiến người xem dần quên đi ý niệm thời gian, cùng nhân vật chìm vào cõi mơ thực. Trải nghiệm tác phẩm thuộc dòng “phim thôi miên”, khán giả như được tham gia một khoá thiền định. Ba tiếng tưởng lâu, không cao trào, ít tình tiết nhưng lại khiến người ta tập trung vào từng khung hình khi được xem cuốn băng thu trọn đời người. 

Trong những cảnh quay dài bất tận, góc máy độc đáo và dàn cảnh khéo léo cũng mang tới sự đặc sắc. Nhưng đôi khi cái đẹp lại đến từ sự tình cờ. Thí dụ như cảnh Thiện lao xe vào màn sương mù mịt sau đêm say. Cuối cảnh quay bất ngờ có một ánh đèn pha rọi sáng. Đạo diễn so sánh “Phía cuối con đường sẽ luôn có luồng sáng, đưa chúng ta bước sang thế giới khác”. 

bên trong vỏ kén vàng
Đạo diễn và ekip nỗ lực đưa những kỷ niệm ấu thơ ở quê hương lên màn ảnh (Ảnh: JK Film & Protocol)

Bên cạnh đó, nhiều bộ phim thời nay mang tính công nghiệp, rập khuôn, phụ thuộc vào việc cắt ghép, thì điện ảnh nguyên thuỷ lại đề cao tính chân thực và để tạo ra từng khung hình là cả quá trình nghiên cứu, căn chỉnh thậm chí chờ đợi chỉ để đổi lấy 1 khoảnh khắc lên hình. Như việc Bên trong vỏ kén vàng phải kiên trì hàng tuần để săn được mây mù cho một cảnh phim. 

Cũng như ở bộ phim dày chất liệu tôn giáo này, người xem không cần phải hiểu Đạo mới thấm và tác giả tự để ngỏ câu trả lời về đức tin cho ta tự cảm nhận.  

Và đúng là “Hãy để phim dẫn lối”. Bản phim hoàn chỉnh khác rất xa kịch bản đầu. Đó cũng là hành trình tu dưỡng, tự nhận thức của Phạm Thiên Ân sau quá trình làm phim. Thông qua phim, Thiên Ân cũng dành sự tri ân cho điện ảnh thuần khiết dù đưa vào chi tiết rất ý nhị và tiết chế như cách anh gọi “điện ảnh là ơn gọi đời tôi”.  

Điểm đáng tiếc là một số câu thoại còn mang tính rời rạc, diễn giải, làm giảm đi sức hút và bầu không khí kỳ bí của phim. Thời lượng bộ phim là thách thức với khán giả đại chúng. 

Đạo diễn Phạm Thiên Ân từng chia sẻ trong buổi công chiếu “Chỉ cần vượt qua một phần ba thời lượng phim, bạn sẽ thấy thú vị”. Dù thích hay không, chỉ cần giữ tâm thế mở lòng, Bên trong vỏ kén vàng chắc chắn để lại trong lòng người xem nhiều câu hỏi và suy nghĩ khi rời rạp. 

10

__________

Bài: Phạm Hằng 

No more