Comic Strip Việt: Giàu tiềm năng nhưng thiếu bệ đỡ

Bài Tuan Anh

Comic Strip là một khái niệm vừa quen vừa lạ đối với độc giả Việt Nam. Quen vì người ta có thể từng bắt gặp rất nhiều lần những mẩu tranh vẽ hài hước trên nền tảng mạng xã hội như facebook. Lạ là vì chúng ta vô tình tiếp cận mà không biết những mẩu truyện đó có thể đến từ những tác giả Việt. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu sự phát triển mạnh mẽ của loại hình giải trí thú vị này.

Comic Strip là một loại hình truyện tranh bao gồm những mẩu truyện tranh ngắn, hài hước với lời thoại tiết chế. Comic strip đã hình thành và phát triển ở phương Tây từ thập niên 30 của thế kỷ trước. Đó là những bức tranh biếm hoạ, những câu chuyện ngắn được phát triển với ý tưởng hài hước, vẽ trên giấy và được xuất bản trên các tờ báo địa phương. Dần dần, khi thời đại số phát triển, báo giấy được thay thế bởi mạng xã hội thì comic strip cũng không ngoại lệ. Facebook, Instagram, Tweeter, các trang web và nền tảng đọc truyện online… đều là những mảnh đất màu mỡ để Comic Strip nở rộ.  

Comic Strip Việt bắt đầu xuất hiện từ những năm 2011. Rất nhiều tác giả Việt nắm bắt xu hướng và xây dựng phong cách, dấu ấn nhân vật riêng biệt cho mình. Thỏ Bảy Màu, Mèo Mốc, Gia Đình Gãi Ngứa, Gia Đình Ngộ, Đầm Lầy, Thăng Fly Comic … không còn là trang truyện hài hước mà còn là nơi các tác giả cập nhật cho người đọc những thông tin và xu hướng “hot” nhất. 

“Thỏ Bảy Màu” – chú thỏ với vẻ ngoài đáng yêu nhưng tính nết có phần thẳng thắn, giang hồ. Đến với “Thỏ Bảy Màu” để nhận được những lời khuyên vô cùng “hữu ích” về nhân sinh quan và cuộc sống. (Ảnh: Thỏ Bảy Màu)
12

Bên cạnh việc định hình cá tính nhân vật, các tác giả trẻ đều nỗ lực thổi hồn văn hoá Việt vào trong sản phẩm của mình. Gia Đình Gãi Ngứa là một ví dụ điển hình. Nếu ai đã từng biết đến những nhân vật anh Zo, chị Na … của Quang Nino chắc chắn đều nhìn thấy bản thân đâu đó trong những mẩu chuyện hài hước nhưng không kém phần hoài niệm. 

Tuyển tập “Vùng quê tuổi nhỏ” – Tuyển tập kí ức tuổi thơ của rất nhiều độc giả Việt với căn nhà xưa của ông bà, với những món ăn dân dã và cả những trò nghịch ngợm thuở nhỏ. (Ảnh: Gia Đình Gãi Ngứa)

Khi được hỏi về chất Việt Nam – yếu tố làm nên thương hiệu của Gia Đình Gãi Ngứa, Quang Nino chia sẻ: “Mình cũng như hầu hết mọi người, sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ tuổi thơ mà từ đó ta trưởng thành. Khi lớn lên, mình cũng ra đời đi làm như bao người, sống với hiện tại và cuốn theo guồng quay cuộc sống. Thế nhưng hoá ra những cái Việt Nam, những cái tuổi thơ trong mỗi người chỉ bị giấu đi, kiểu cất sâu trong góc tủ chứ nó không mất đi. Mình luôn cố gắng tái hiện từng bối cảnh, món ăn, câu nói đậm chất Việt trong tác phẩm của mình. Và mình luôn thấy may mắn vì đã một tuổi thơ đẹp ở chính đất nước này”.

Đối với chú Mèo Mốc, tác giả Đặng Quang Dũng cũng tạo ra nhân vật của mình từ những quan sát và chiêm nghiệm trong cuộc sống, những ký ức và niềm yêu thích thuở ấu thơ: “Mình nghĩ với bất cứ người sáng tác nào, cảm hứng từ đời sống cá nhân luôn quan trọng, bên cạnh những nguồn cảm hứng từ các tác phẩm văn học, điện ảnh của người đi trước. Từ cùng những chất liệu cuộc sống, mỗi người lại có cách tiếp cận khác nhau. Ví dụ, tập truyện tranh “Ly & Chũn – Tết là nhất, nhất là Tết!” đã được sáng tác trên nền tảng những kỷ niệm về quê ăn Tết của mình, nhưng được thể hiện dưới lăng kính kỳ ảo, thoả mãn trí tưởng tượng của trẻ em, và giải đáp được những thắc mắc về phong tục tập quán của độc giả.”

Bộ Truyện “Đừng chơi nối chữ với dân Hà Tĩnh!” khắc họa nét đẹp ngôn ngữ địa phương Việt Nam qua góc nhìn hài hước của chú Mèo Mốc. (Ảnh: Mèo Mốc)

Vị trí nào cho truyện tranh Việt?

Sinh sau đẻ muộn, truyện tranh Việt bắt đầu phát triển khi thị phần truyện tranh trong nước đã bị chiếm lĩnh bởi truyện tranh nước ngoài. 

Hầu hết các tác giả Việt đều bắt tay vào sáng tác và phổ biến các tác phẩm của mình như một đam mê trước khi trở thành nghề chính.

“Page được lập ra vào tháng 7/2014, lúc đó là mình có chuyện làm suy sụp tinh thần rất nhiều, nên mình quyết định lập page vẽ truyện cười, hy vọng làm mọi người vui thì mình sẽ vui theo. Mình đặc biệt có niềm đam mê với vẽ truyện tranh từ nhỏ nên vẽ cũng như là sở thích, thú vui của bản thân.” – Ngộ Sam, cha đẻ của “Gia đình Ngộ” chia sẻ. 

Dù trải qua nhiều khó khăn trên hành trình “làm nghề” nhưng hiện tại các tác giả trẻ Việt đều gặt hái cho mình những thành công nhất định. 

Sở hữu lượng fan và follow khủng trên fanpage, comic Việt Nam dần dần trở thành cơ hội kiếm tiền của các tác giả trẻ thông qua việc trở thành cầu nối của các doanh nghiệp, nhãn hàng với cộng đồng mạng. Việc mở rộng thị trường sản phẩm phái sinh dựa trên truyện tranh hay xuất bản truyện giấy cũng mang lại nguồn thu không nhỏ.

Sau 10 năm Mèo Mốc đã cho ra mắt được gần 20 tập truyện tranh, có tổng số lượng xuất bản đạt nửa triệu bản in, trong đó có nhiều tập sách đã được tái bản đến lần thứ 15. Gần đây tuyển tập “Mèo Mốc Black Book vol 3” đã bán hết 5000 bản chỉ sau 2 ngày phát hành và được tái bản ngay lập tức. 

Sở hữu 2 truyện tranh ngắn đã được xuất bản, Thỏ Bảy Màu cho ra mắt nhiều video phim ngắn với sự đầu tư vào nội dung và hình ảnh. thu về hàng triệu lượt xem trong thời gian ngắn, viral khắp mạng xã hội. Mới đây, dự án phim hoạt hình dài tập Con Thỏ đã trở thành phim hoạt hình đầu tiên gọi vốn cộng đồng thành công tại Việt Nam với 1,3 tỷ động, vượt mốc mục tiêu 1,2 tỷ. 

“Thần Bài Miền Tây” Bộ phim hoạt hình Tết của Thỏ Bảy Màu đạt top 1 trending chỉ sau 4 ngày công chiếu. (Ảnh: Youtube)

Dù đạt được những thành tựu nhất định, nhưng còn quá sớm để chúng ta có thể kỳ vọng vào một nền công nghiệp truyện tranh như các quốc gia như Mỹ, Nhật, Hàn…

Ngộ Sam nói: “Tỉ lệ các bạn đọc truyện tranh ở nước mình còn thua với những nước như Nhật, Hàn. Trong khi đó về văn hóa, du lịch, lịch sử, ẩm thực ở nước mình cũng rất đa dạng và có nhiều thứ để khai thác. Nếu có thể mở rộng được thị trường và khiến các bạn quốc tế yêu thích truyện tranh Việt thì điều đó cực kỳ tuyệt vời”

Gia Đình Ngộ với các nhân vật lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Việt. (Ảnh: Fanpage Gia Đình Ngộ)

Trong sự kiện Asian Festival Children’s Content tổ chức tại Singapore vào tháng 6 năm nay, Việt Nam đã giới thiệu những tác phẩm truyện tranh, sách tranh do họa sĩ Việt Nam thực hiện và nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ cộng đồng người yêu sách và các đơn vị phát hành sách quốc tế.

“Bọn mình vẫn kỳ vọng các đơn vị trong nước sẽ chủ động hơn trong việc giới thiệu các tác phẩm của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Dù chưa nhiều tiền lệ, sự hỗ trợ và cởi mở của các đơn vị xuất bản trong nước, nhất là trong vấn đề tác quyền chuyển ngữ hay tác quyền sách điện tử, sẽ đẩy nhanh quá trình thương mại hoá tác phẩm Việt Nam ở các nước khác, nhất là đối với các tác giả đã có định hướng quốc tế.” Mèo Mốc chia sẻ về sự kiện.

Tác giả Mèo Mốc

Comic Strip nói riêng và truyện tranh Việt Nam nói chung đang sở hữu nhiều yếu tố để bứt phá: nguồn tư liệu phong phú trong văn hoá và cuộc sống, tác giả trẻ tâm huyết, sức sáng tạo dồi dào, sự ủng hộ hết mình từ cộng đồng fan hâm mộ trong nước… Khi đối với nhiều quốc gia, truyện tranh được xướng tên như loại hình nghệ thuật thứ 8 thì Comic Việt vẫn bị bó hẹp trong khoảng trời riêng của mình. 

Còn quá sớm để hy vọng vào một tương lai truyện tranh Việt Nam có thể tìm được chỗ đứng trên trường quốc tế nhưng không có gì là không thể xảy ra. Nếu những độc giả Việt tiếp tục ủng hộ các tác giả trẻ và các tác phẩm xuất sắc, những người làm văn hoá nỗ lực đưa hình ảnh Việt Nam trong mỗi trang truyện vượt ra khỏi biên giới thì từng bước một, mỗi chúng ta đều có thể trở thành cầu nối đưa truyện tranh Việt đi xa hơn. 

12

__________

Bài: Thanh Ngọc

No more