Dune 2: Thấy gì từ cuộc phiêu lưu ở hành tinh Arrakis?

Bài Tuan Anh

Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Frank Herbert, do Denis Villeneuve đạo diễn, “Dune 2” kể câu chuyện về Paul Atreides, một công tước trẻ mang số phận lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống lại đế chế quân phiệt đang tìm cách khai thác và thống trị hành tinh sa mạc Arrakis. Bộ phim không chỉ mở ra một chuẩn mực, tượng đài mới trong dòng phim Sci-fi (khoa học viễn tưởng), mà còn là một cuộc khám phá phức tạp và nhiều sắc thái về các chủ đề đa dạng như chính trị, tôn giáo, môi trường, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc… a

 

Dune 2 đi sâu hơn vào các chủ đề này khi Paul gia nhập Fremen – những người bản địa ở Arrakis và tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo, lịch sử của họ, đồng thời đối mặt với lời tiên tri về vận mệnh của chính mình.

dune 2
Dune 2 là một cuộc khám phá phức tạp và nhiều sắc thái về các chủ đề đa dạng.

Đức tin là sự cứu rỗi nhưng cũng có thể là sự diệt vong  dune 2

 

Phần hai của Dune phần lớn tập trung vào người Fremen, về lối sống, niềm tin và khát vọng của họ, cũng như mối quan hệ của họ với Paul và những người theo anh. Bộ phim cho thấy người Fremen có một nền văn hóa phong phú và phức tạp như thế nào, dựa trên sự cân bằng giữa sự sống và tâm linh, giữa truyền thống và cách tân, giữa cá nhân và cộng đồng. Người Fremen có sự hiểu biết độc đáo và sâu sắc về hệ sinh thái cũng như lịch sử của Arrakis, điều đó được thể hiện qua ngôn ngữ, nghi lễ và những truyền thuyết của riêng họ. 

 

Ở đây, người Fremen không phải là một nhóm nguyên khối và đồng nhất mà là một xã hội đa dạng, năng động, có các phe phái, quan điểm và lợi ích khác nhau, đôi khi xung đột nhưng hơn hết, họ không có giai cấp và bình đẳng về cả giới tính. Người Fremen không phải là những nạn nhân thụ động và sẵn sàng phục tùng mà là những cá nhân tích cực, quyết đoán, có lý tưởng và mục tiêu riêng. Minh chứng là họ không mù quáng đi theo Paul ngay từ ban đầu mà luôn dõi theo anh nghiêm túc, thận trọng, kiểm tra lòng trung thành, trí tuệ và khả năng lãnh đạo của anh. Cộng đồng Fremen là một cộng đồng người bản địa trung thành, sẵn sàng tử vì đạo và họ bất tuân với Đế quốc. 

 

Nhưng dù thông minh, quả cảm và sáng suốt bao nhiêu, người Fremen vẫn là quân cờ trong một đại kế hoạch kéo dài hàng thế kỷ.

xứ cát
Thông minh, quả cảm và sáng suốt, người Fremen vẫn chỉ là quân cờ.

Tộc Harkonnen không quy phục được Fremen bằng súng đạn, máy móc nhưng Bene Gesserit lại có thể, thậm chí theo một cách nhẹ nhàng, len lỏi và thẩm thấu hơn: thần quyền. Bene Gesserit là một tổ chức bí ẩn gồm những người phụ nữ duy trì những câu chuyện, thao túng huyết thống và lập “kế hoạch trong kế hoạch” để di chuyển các quân cờ quanh bàn chính trị nhằm mang lại lợi ích cho họ. 

 

Tôn chỉ của hội Bene Gesserit nói rằng: “Tôn giáo giống như hình ảnh của người lớn đối với trẻ nhỏ… Và lời răn bất thành văn tối hậu luôn phải là ‘Ngươi không được phép chất vấn!”’, bởi chỉ cần chất vấn, chỉ cần hoài nghi, đó sẽ là kẻ bội đạo.

 

Hội nữ tu Bene Gesserit là hình ảnh thu nhỏ của một tổ chức nhân danh đạo đức, làm giả tôn giáo. Họ đem những người truyền đạo đi xuyên những cơn bão cát và thêu dệt trên đất Arrakis huyền thoại về Đấng cứu thế được gọi là Lisan al Gaib. Họ xây dựng Đấng cứu thế là tiếng nói từ bên ngoài, tức một người ngoại lai và vì thế khi Paul đặt chân tới lãnh thổ Fremen, anh nghiễm nhiên là ứng cử viên số một của ngôi vị “thánh sống”. Nhân danh việc phục vụ nhân loại, Bene Gesserit đang sử dụng tôn giáo cho mục đích mị dân, ngu dân, như Chani nói trong cuốn tiểu thuyết: “Lời tiên tri này là cách họ bắt chúng ta làm nô lệ.”

dune 2
Bene Gesserit là hình ảnh thu nhỏ của một tổ chức nhân danh đạo đức, làm giả tôn giáo.

Đức tin, tôn giáo với người Fremen như dòng nước với người bộ hành đang rảo bước trên hoang mạc. “Arrakis. Xứ cát. Một hành tinh sa mạc.” – Đó là nơi mà nhân vật Stilgar nói rằng ngay cả giọt nước mắt cũng không được lãng phí. Đó là nơi những con tàu xâm lược với công nghệ vượt trội đang thu hoạch nguyên liệu thô, bắt người dân làm nô lệ và sử dụng các nguồn tài nguyên quý giá như nước chỉ để nuôi những cây thiêng thay vì làm dịu cơn khát của 20 người lao động bản địa. Người Fremen cần đức tin để tiếp tục sống nhưng rồi cũng vì đức tin mà đổ máu. Họ mất đi quê hương, người thân trong bàn tay kẻ thù, cuối cùng sống chìm trong những cơn bão cát và đợi một Đấng cứu nhân giải phóng chính mình.

 

Nhưng cũng tại đây, Chani là một cư dân điển hình tiệm cận với sự “tiến bộ”, văn minh hơn của vùng đất Bắc Arrakis, trái ngược với “những người theo trào lưu chính thống miền Nam”, mà điển hình là nhân vật Stilgar – những người mù quáng tôn vinh Paul là đấng cứu thế cũng như chiến đấu vì anh trong cuộc thánh chiến không màng sinh tử. Stilgar thậm chí chấp nhận hiến dâng mạng sống của mình để Paul có một chỗ đứng trong Vòng tròn. Liên hệ tới hiện thực nước Mỹ, các bang phía Nam xứ cờ hoa cũng được cho là sùng đạo hơn phía Bắc. 

 

Trên một vùng đất được nuôi nấng bởi những lời tiên tri và truyền thuyết, Chani lại là nhân vật đại diện cho chủ nghĩa hoài nghi tôn giáo. Cô hiểu các câu chuyện tôn giáo có thể phục vụ lợi ích của những người nắm quyền như thế nào bằng cách củng cố các thứ bậc quyền lực và “mã hóa các hành vi nhân danh lòng sùng mộ trung thành”. 

dune 2
Chani là nhân vật đại diện cho chủ nghĩa hoài nghi tôn giáo.

Trong cuốn tiểu thuyết gốc, nhân vật Chani là một phụ nữ ít dè dặt và cô ủng hộ Paul phần đa mọi việc. Nhưng trong bộ phim, Chani kiên quyết không tin vào vận mệnh tiên tri của Paul. Cô tin rằng huyền thoại về sự xuất hiện của đấng cứu thế là một thủ đoạn của kẻ thực dân nhằm mục đích kìm hãm những người thuộc địa tìm đến tự do và giải phóng. Cô muốn chiến đấu bên cạnh Paul, cùng anh tham gia bảo vệ xứ cát với tư cách bình đẳng, ngang hàng nhau chứ không phải người dẫn đường, người sẽ cai trị cộng đồng Fremen bằng niềm tin mù quáng về những truyền thuyết được rao giảng qua hàng ngàn năm.

 

Chani là nhân vật giữ vị trí quan trọng trong phim, một cô gái Fremen quả cảm, thông minh, dám yêu, dám buông bỏ và kiên định với lý tưởng riêng của mình. Khi ngày càng trở nên rung động hơn với Paul, tình yêu của cô dành cho người dân của mình bị thử thách. Chani phải đối mặt với một cuộc chiến nội tâm không kém phần cam go: mối tình lãng mạn cá nhân và sự bất an ngày càng tăng về đức tin mà Paul lẫn Lệnh bà Jessica gieo rắc trong tâm trí người Fremen. Cô đóng vai trò như một chiếc la bàn đạo đức, níu kéo những giấc mơ ngày càng xa vời của Paul và kìm lại phần người bên trong anh không bị nhấn chìm giữa cuộc thánh chiến.

 

Sự hoài nghi về tôn giáo của Dune 2 có thể không phải là món lạ trên màn bạc nhưng nó được khắc họa chân thực và gần gũi, gợi liên tưởng về chủ nghĩa hoài nghi tôn giáo trong dòng chảy văn hóa đại chúng. Đó là câu chuyện và lời phê phán quen thuộc của chủ nghĩa Marxist trong Triết học khi cho rằng tôn giáo là một phương tiện kiểm soát xã hội, một công cụ được chế độ bá quyền sử dụng để củng cố quyền lực của mình và khuất phục quần chúng, “một loại thuốc phiện của nhân dân”. 

 

Lược sử Trái Đất 20.000 năm sau và “bản án chế độ thực dân”

 

Từ thế giới kỳ vĩ trong trang sách của Frank Herbert, Denis Villeneuve hình dung Dune như một góc nhìn mang tính ngụ ngôn về Trung Đông năm 1927, nơi bị tàn phá bởi những kẻ xâm lược khao khát tài nguyên dầu mỏ. Tại thời điểm đó, số lượng dầu mỏ khổng lồ của Iraq đã được san sẻ đi khắp các thị trường lớn như Anh Quốc, Hoa Kỳ, Pháp… nhưng giống như cộng đồng bản địa Fremen, người dân Iraq không nhận được bất cứ nguồn lợi nào từ chính lượng dầu được khai thác trên vùng đất của họ. Năm 1958, người Iraq nổi dậy chống lại chính quyền và giành lại quyền sở hữu sản lượng dầu mỏ quý giá. 

 

Hương dược, mặc dù không phải là sản phẩm khiến khán giả dễ dàng liên tưởng trực tiếp tới dầu mỏ nhưng là một minh chứng rõ ràng cho thấy sự phổ biến của một nguồn tài nguyên có thể là động lực phát triển của cả một quốc gia. Nó có thể giúp một đất nước trở nên hưng thịnh nhưng cũng mang về cho đất nước ấy nhiều mối hiểm họa, nhiều kẻ thù cạnh tranh. Cộng đồng Fremen sử dụng hương dược như một phần của nghi lễ, như một chất hóa học kích thích thần kinh mạnh mẽ nhưng họ không được hưởng lợi từ việc bán và phân phối nó.

 

Với Dune 2, Villeneuve đã dành tất cả sự tỉ mỉ và chỉn chu để xây dựng thế giới rộng lớn, phức tạp của bộ phim đầu tiên. Đó là một đế chế liên hành tinh được cai trị bởi nhiều gia tộc khác nhau. Mỗi gia tộc có lịch sử triều đại kéo dài hàng thế kỷ. Với những đế chế hùng mạnh, một nền kinh tế toàn cầu phức tạp. Dune khám phá một thế giới hơn 20.000 năm trong tương lai xa, khi cả Trái Đất đều bị kéo lùi về hàng ngàn năm văn minh, thiên nhiên bị tàn phá triệt để, nhân loài đã chế tạo được tàu vũ trụ, du hành không gian và đưa cư dân đến sinh sống trên những vì sao. Các dân tộc phân tán vào nhiều môi trường khác nhau, hình thành các nền cộng đồng, dân cư với văn hóa, truyền thống riêng biệt. 

Dune là một đế chế liên hành tinh được cai trị bởi nhiều gia tộc khác nhau.

Dune, cả tiểu thuyết lẫn phim truyện, có thể được xem là bản án phê phán chủ nghĩa thực dân, lên án việc thiết lập sự thống trị về chính trị và kinh tế đối với một lãnh thổ khác cũng như người dân ở đó bằng cách thông qua bạo lực, bóc lột và áp bức. Bộ phim mô tả cuộc đấu tranh thuộc địa giữa Đế quốc, chế độ liên thiên hà hùng mạnh thống trị vũ trụ và Arrakis – hành tinh khắc nghiệt, cằn cỗi nơi là nguồn cung duy nhất của hương dược. Đế quốc cùng với các đại gia tộc tranh giành quyền kiểm soát hương dược tin rằng “cai trị thì không cần trái tim” bởi thế họ xem thường các quyền cơ bản của người Fremen và thực thi quyền thống trị bằng cách xem bạo lực là một loại vũ khí.

 

Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của nhân vật “đấng cứu thế” là một motif phổ biến trong các câu chuyện khoa học viễn tưởng, giả tưởng và siêu anh hùng. Từ Harry Potter (Harry Potter), Aragorn (The Lord of the Rings) đến Luke Skywalker (Star Wars) hay bất kỳ siêu anh hùng nào khác, người anh hùng thiên sai thường xuất hiện trong thời kỳ chiến tranh hoặc khi thế giới có sự áp bức, bất công. Và phần đa, kể cả khi chưa thực xuất hiện, họ đã được phác thảo dưới hình hài một giai thoại, truyền thuyết mà nhà văn Chúa tể những chiếc nhẫn Tolkien đã gọi là “huyền thoại có thật” hay trong Dune 2 luôn được nhắc đến dưới cụm từ “as written” (như đã viết). Nếu có điều gì khác biệt thì đó là trong Dune, người anh hùng này lại không phải người bản địa, anh ta đến từ một vùng đất khác, từ thế giới bên ngoài. Có thể thấy hình tượng nhân vật Paul khá tương đồng với Jake Sully trong Avatar khi cũng là một người ngoại tộc nỗ lực chiếm lòng tin của cộng đồng Navi và sau đó dẫn đầu người Navi chống lại thực dân.

dune 2
Dune cũng là bản án chủ nghĩa thực dân, lên án việc thiết lập sự thống trị với một lãnh thổ khác thông qua bạo lực.

Dune 2, có thể tạo ra cơ hội cho một trong những người thuộc địa đứng lên chống lại thực dân và đó sẽ là câu chuyện sử thi về người anh hùng cứu quốc nếu nhân vật chính trong câu chuyện sẽ là một người Fremen như Chani hay Stilgar. Họ sẽ chiến đấu, không phải với Paul, mà chống lại Paul và nỗ lực của anh nhằm lôi kéo họ vào những giấc mơ lẫn những lời tiên tri hoang đường mà mẹ con anh mang tới.

 

Nhưng số phận của Paul mới là câu chuyện của bộ phim. Hầu hết người xem sẽ muốn Paul trả thù Harkonnen, cổ vũ cho anh xuyên suốt hành trình để Paul giành chiến thắng nhưng chắc chắn không thích cách anh thao túng cả cộng đồng Fremen – những người đã tin tưởng xem anh như gia đình và kéo họ vào cuộc thánh chiến cách mạng nhằm trả nợ mối thù cá nhân của mình. 

 

Dune 2 vạch trần sự đạo đức giả, lòng tham và sự tàn bạo của hệ thống thuộc địa cũng như sự phản kháng, kiên cường của người dân thuộc địa. Bộ phim cho thấy cách Đế chế lẫn các đồng minh khai thác Arrakis và tài nguyên mà không quan tâm đến hệ quả môi trường, xã hội từ hành động của họ; cho thấy cách người Fremen chiến đấu chống lại quân xâm lược, sử dụng kiến ​​thức, kỹ năng, đức tin của họ để bảo vệ quê hương và danh tính của mình.

 

Dune 2 cũng đặt ra câu hỏi về Paul, người ngoài cuộc được người Fremen vinh danh là Đấng cứu thế nhưng cũng là người sẽ dẫn họ đến một cuộc thánh chiến bạo lực, đẫm máu. Anh là vị cứu tinh do Bene Gesserit rèn giũa và được người Fremen trông đợi, một vị cứu tinh được sinh ra từ thần thánh trong mắt người Fremen và đối với Bene Gesserit, anh là thành quả của nhiều thế kỷ lao động. Bằng sức mạnh của thần quyền, Paul có trong tay đội quân thiện chiến, những người cuồng tín sẵn sàng đổ máu thay anh và khi càng lún sâu vào tham vọng, quyền lực, Paul lại càng dễ sa ngã. Hàng tỷ con người sẽ vì thế mà ra đi trong thánh chiến.

Paul – vị cứu tinh da trắng được người Fremen vinh danh là Đấng cứu thế.

Chính điều này đã biến Paul trở thành một nhân vật siêu phản diện, một bạo chúa, một “vị cứu tinh da trắng” nhân danh chính nghĩa, dễ dàng gợi lên hình ảnh Mẫu quốc nhân danh “hòa bình, tự do, bác ái” để bảo hộ thuộc địa trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng theo đạo diễn Denis, đây sẽ là hình tượng nhân vật phản anh hùng mà ông chủ đích hướng đến trong phần tiếp theo.

 

Với nhiều thông điệp giàu tính nhân văn và ngoạn mục, Dune 2 đã thay máu cục diện doanh thu của ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood sau một năm 2023 nhiều biến động, đồng thời cách tân chuẩn mực của dòng phim Sci-fi đương đại, minh chứng rằng những tác phẩm giải trí theo chủ nghĩa dân túy không nhất thiết cứ phải mua vui và đẫm nước mắt. Đây cũng chắc chắn sẽ là tác phẩm được nhắc lại trong nhiều thập kỷ tới bởi những giá trị trường cửu với thời đại.

Review

________

Bài: Hoàng Thúy Vân

Hình ảnh: Tư liệu

No more