inside out 2
Ra mắt lần đầu vào năm 2015, Inside Out được coi là một trong những tác phẩm thành công nhất của Pixar trong thập kỷ qua. Bộ phim thu về 858 triệu USD tại phòng vé toàn cầu, giành giải Oscar cho Hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất và đạt số điểm ấn tượng 98% trên Rotten Tomatoes. Tỏa sáng nhờ tái hiện một vũ trụ sống động, giàu trí tưởng tượng nơi cảm xúc được hữu hình hóa với hình hài, giọng nói, suy nghĩ riêng biệt… giờ đây, gần một thập niên, khán giả lần nữa được tái hòa mình vào thế giới mê hoặc của những cảm xúc.
1. Trưởng thành không có nghĩa phải trở nên hoàn hảo inside out 2
Trong lần trở lại này, cô bé Riley đã chạm mốc mười ba tuổi, chính thức bước chân vào thế giới đầy biến động của tuổi thiếu niên. Tuổi dậy thì luôn mở đầu bằng một mớ hỗn độn, nó khiến những chiếc áo ta yêu thích ngắn đi, sự nhạy cảm tăng cao, cảm xúc lẫn lộn, mùi cơ thể và những chiếc mụn trên gương mặt… Cũng lúc này, cô bé chuẩn bị tham dự trại khúc côn cầu với ước mơ gia nhập đội Firehawks danh tiếng và nỗ lực gây ấn tượng với thủ lĩnh của họ – Valentina Ortiz nhằm tìm kiếm sự đảm bảo cho tương lai cô độc khi không còn hai người bạn thân nhất vào kỳ học tới.
Tuy nhiên, trên hành trình tìm kiếm sự công nhận và thuộc về, Riley cũng vô tình gạt bỏ tình bạn giữa họ và cả chính mình. Song song, Trụ sở chính phải đối mặt với biến động lớn khi một đội phá dỡ đến để chuẩn bị cho tuổi dậy thì. Cùng với quá trình chuyển đổi này là sự xuất hiện của những cảm xúc mới: Xấu Hổ, Chán Nản, Ganh Tỵ và Lo Âu.
Inside Out 2 về cơ bản mô tả cuộc chiến giữa hai thế giới: thế giới thực và thế giới trong tâm trí. Tại đó, Vui Vẻ và Lo Âu đại diện cho hai thái cực đối kháng lẫn nhau, tranh đấu nhau để cầm quyền điều khiển Trụ sở. Trong khi Vui Vẻ cố gắng ngăn chặn những ký ức đen tối, xấu xí của Riley để nuôi dưỡng trong cô bé niềm tin về lòng tốt, sự tử tế thì Lo Âu lại điều khiển thông qua việc gieo rắc hoài nghi và sợ hãi, tạo ra cảm giác kém cỏi và lấy đó là động lực thúc đẩy Riley tìm thấy phiên bản tốt hơn. Lo Âu ủng hộ quan điểm rằng áp lực là nhân tố mấu chốt tạo nên thành công của con người, con người sẽ không thể nào tốt hơn khi nghĩ mình tốt hơn người khác.
Điều thú vị là Lo Âu và Vui Vẻ mặc dù đại diện cho những phạm vi cảm xúc đối lập nhưng lại phản ánh lẫn nhau một cách sâu sắc. Cả hai tranh nhau uốn nắn Riley theo tầm nhìn chủ quan của mình, nhưng lòng nhiệt thành của họ vô tình làm trầm trọng thêm cuộc sống trong giai đoạn thay đổi vốn đầy thăng trầm của Riley và cũng vô tình bóp nghẹt quyền tự chủ của cô bé.
Khi Lo Âu trở nên thái quá, cảm xúc này dần biến Riley thành cái vỏ đơn thuần của con người Riley trước đây. “Chỉ cần chơi khúc côn cầu giỏi sẽ có bạn bè”, “Chỉ cần thích những thứ họ thích sẽ có bạn bè”… là những nỗ lực của cô bé để đạt được sự chấp nhận của người khác và ngày càng đẩy Riley rời xa bạn bè, gia đình và chính mình. Nhưng ta phải là chính mình như thế nào khi ta vẫn chưa tìm thấy Hình Dung Về Bản Thân? Ta cần nỗ lực để trở thành một người ta mơ ước hay nỗ lực để là chính mình? “Ta” quan trọng hơn hay “người mà ta sẽ trở thành” quan trọng hơn?… là những câu hỏi mà bộ phim đặt ra khiến người xem suy ngẫm.
Đi qua mọi cung bậc cảm xúc, Riley nhận ra điều quan trọng hơn tất thảy là phải hạnh phúc trước, rằng bản chất của việc trưởng thành, không có nghĩa là ta phải trở nên hoàn hảo, thành ai đó thật “chất”, thật “ngầu” mà chỉ là trở nên tốt hơn ta của ngày hôm qua một chút. Không sao cả khi ta yếu đuối, không sao cả khi ta ích kỷ, không sao cả khi ta có những ý tưởng tào lao, khi ta “báo đời” một chút hay “cà khịa” một chút… vì chẳng có ai trên đời là hoàn hảo cả.
Sự Lo Âu cũng có vẻ đẹp riêng của nó
Trong Inside Out 2, Lo Âu được xây dựng như một nhân vật phản diện trung tâm. Cô gái nhỏ con, nổi bật với vẻ ngoài màu cam rực rỡ, mái tóc buộc chỏm trên đầu cùng tính cách đầy nghị lực, quyết đoán. Màu cam của cô tượng trưng cho sự lo lắng và e ngại thường trực về tương lai. Bất chấp vai trò đối nghịch này, Lo u vẫn khơi gợi sự đồng cảm từ người xem.
Vai trò của Lo Âu trong câu chuyện rất quan trọng, vì nó đại diện cho một thế lực gần như đối kháng tìm cách bảo vệ Riley khỏi bị tổn hại nhưng cũng vô tình phá hoại thế giới tinh thần của cô bé khi cầm quyền kiểm soát Trụ sở. Điều khiến Lo Âu khác biệt so với những cảm xúc khác được giới thiệu trong phim là chiều sâu và sự phức tạp trong cách khắc họa tính cách của cô ấy. Trong khi những cảm xúc khác phần lớn được xác định bởi những đặc điểm cơ bản của chúng như Vui Vẻ tượng trưng cho hạnh phúc, Buồn Bã tượng trưng cho bi thương… thì Lo Âu được miêu tả là một nhân vật đa diện và năng động với những động cơ, nỗi sợ hãi và khao khát riêng của mình.
Lo Âu – được Maya Hawke nhân cách hóa với năng lượng sống động, là hiện thân của nỗ lực không ngừng nghỉ của Riley để thành công và hòa nhập. Sự hiện diện của Lo Âu trong tâm trí Riley phản ánh mong muốn mãnh liệt của cô là tuân theo những kỳ vọng của xã hội và đáp ứng các tiêu chuẩn thành công được biết đến. Trong cuộc chiến giành lấy ý thức về bản thân của Riley, Lo Âu tiến hành trục xuất Vui Vẻ và những cảm xúc nguyên bản khác, tìm cách định hình lại niềm tin và nhân sinh quan của Riley để phù hợp với khát vọng được cộng đồng chấp nhận của cô.
Cuộc đấu tranh nội tâm của Riley vượt ra ngoài những cảm xúc đơn thuần; nó bao gồm toàn bộ hệ thống niềm tin của cô, biểu hiện dưới dạng những chùm ánh sáng đại diện cho các giá trị cốt lõi và nhận thức về bản thân của cô bé. Lo Âu đã trở thành chất xúc tác cho sự trưởng thành và thay đổi bên trong Riley, thúc đẩy cô bé đối mặt với nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn của mình để tiến về phía trước. Nhưng cũng là Lo Âu, nếu không được kiểm soát sẽ khiến chúng ta tự bào mòn gốc rễ cá nhân, tính thiện và sống một cuộc sống đầy bất an…
Hơn thế, đan xen với hành trình về nhà của năm cảm xúc ban đầu, cuộc chiến diễn ra trong tâm trí Riley phần nào phản ánh cuộc xung đột phổ quát mà thanh thiếu niên phải đối mặt khi bước chân vào giai đoạn khám phá bản thân, sai lầm, lạc lối, định hình bản sắc và tìm về nguồn cội – nơi mà mình thuộc về.
3. “Lớn lên” thật đáng sợ nhưng…
Với Inside Out 2, các nhà làm phim đã khéo léo tận dụng nỗi nhớ hoài niệm của chú voi Bing Bong từ bản gốc bằng cách tạo nên các tình tiết đào sâu hơn vào những bí mật sâu kín nhất của Riley. Lần này, khán giả được giới thiệu một loạt nhân vật đầy màu sắc sống trong những thế giới riêng tư của cô bé.
Đó là Lance Slashblade – một kiếm hiệp trong trò chơi điện tử cấp hai kỳ quặc; Bloofy – một nhân vật 2D màu hồng được yêu thích bởi Riley của lứa tuổi mầm non và Pouchy – một chiếc túi có khuôn miệng rộng bên trong chứa đầy thuốc nổ. Đan xen những cảm xúc phức tạp và những nhân vật ngoại vi với sự hài hước, hóm hỉnh này là cách Inside Out 2 tìm thấy dư âm ngọt ngào của tuổi thơ ngây giữa những bất an của thời niên thiếu.
Tuy nhiên, sự hiện diện của loạt nhân vật tuổi thơ không tạo được cộng hưởng cảm xúc sâu sắc như Bing Bong từng làm trong phần phim gốc. Điều đã giúp Bing Bong trở thành một trong những nhân vật hoạt hình vĩ đại nhất của Pixar là số phận bi kịch nhưng tất yếu của chú voi hồng. Số phận ấy phản ánh xu hướng chung của thế giới hậu tuổi thơ là loại bỏ những điều huyền ảo và cảm xúc viển vông để theo đuổi lý trí và thực tế. Ở Inside Out 2, vẫn là những nhân vật năng động và ngây ngô của thời thơ ấu nhưng chưa được khai thác đủ “chạm” để có thể mang tới cảm giác thổn thức như hình ảnh Bing Bong biến mất trong Bãi Chứa Ký Ức, bỏ ngỏ giấc mơ lái chiếc xe Dream bay đến cung trăng.
Dẫu thế, cuộc hành trình của những cảm xúc trong phân đoạn này đóng vai trò như một lời nhắc nhở sâu sắc rằng mặc dù việc đánh mất tuổi thơ ngây ngô có thể là điều không thể tránh khỏi, nhưng nó không phải là không mang tới những hy vọng. Như một câu thoại của Vui Vẻ: có lẽ khi con người trưởng thành, những niềm vui sẽ dần ít đi. Lớn lên tức là sức nặng của trách nhiệm và kỳ vọng có thể làm lu mờ những niềm vui đơn giản đã từng định nghĩa cuộc sống của chúng ta, kéo theo vô số thách thức, áp lực khiến chúng ta cảm thấy choáng ngợp và lo lắng. Nhưng trách nhiệm “người lớn” cũng mang đến cơ hội để trân trọng hạnh phúc, giúp ta nhận ra có được niềm vui thật không dễ dàng và việc chấp nhận những cung bậc cảm xúc khác nhau khi trưởng thành là điều cần thiết.
_______
Bài: Hoàng Thúy Vân