Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 21: A-COLD-WALL*

Bài ELLE Team

Trong 3 năm ngắn ngủi, Samuel Ross - người thành lập ra A-COLD-WALL* - vào một mùa Thu năm 2015 đã được đề cử cho giải thưởng danh giá của LVMH. Chỉ trong thời gian ngắn như vậy mà logo thương hiệu này đã ghi dấu ấn khắp các đường phố tuần lễ thời trang lớn trên thế giới. Vậy Samuel Ross là ai? Điều gì đặc biệt khiến Samuel Ross cũng như là A-COLD-WALL* lại được chú ý đến như thế?

Trong bài viết tìm hiểu về logo thương hiệu lần này, ELLE Man chúng tôi xin giới thiệu một thương hiệu có tuổi đời rất trẻ trong làng thời trang thế giới – A-COLD-WALL*. Có lẽ khi nhắc đến A-COLD-WALL*, nhiều bạn đọc sẽ thấy hẳn rất lạ lẫm và cũng tò mò lí do tại sao chúng tôi lại chọn thương hiệu này. Hãy cùng tìm hiểu lý do cũng như tìm hiểu về logo thương hiệu của A-COLD-WALL* nhé!

Logo thương hiệu A-COLD-WALL hình đầu tượng

Samuel Ross được sinh ra ở Brixton, bờ nam nước Anh trong một gia đình di cư thế hệ thứ hai từ Benin, Tây Phi. Sau đó được chuyển đến Wellingborough, một thị trấn khá nghèo nơi mà anh bắt đầu bán đồ Nike giả tại đây. Sau này, anh chọn theo học ngành thiết kế đồ họa tại Đại học De Montfort, Leicester và chọn công việc đầu tiên của mình là nhà thiết kế đồ hoạ cho công ty bán lẻ giá thấp Wilkinson. Ngành thời trang là một viễn cảnh khá xa vời với Samuel; bởi vào thời điểm ấy, thế giới thời trang được tô vẽ và chi phối bởi “những kẻ mộng mơ” như McQueen và Galliano. Không mấy ai muốn làm những món đồ thời trang thức tế phù hợp với giới trẻ nước Anh lúc bấy giờ.

Logo thương hiệu A-COLD-WALL Chân dung nhà sáng lập A-COLD-WALL* Samuel Ross
Chân dung nhà sáng lập A-COLD-WALL* Samuel Ross (Ảnh: Slam Jam Socialism)

Cũng trong thời gian tại Wilkinson, Ross đã đăng tải các thiết kế của mình để khoả lấp đi sự nhàm chán trong công việc hằng ngày. Thật may sao, với con mắt nghệ thuật của người sáng lập Off-White – Virgil Abloh đã nhanh chóng phát hiện ra tài năng trẻ triển vọng này. Ông nhanh chóng thuê Samuel Ross vào làm trợ lý của mình những năm 2014. Điều này đã đưa Ross trở lại London và giúp anh định hình nên chính con người anh của ngày hôm nay.

Vào năm 2015, dưới cảm hứng lớn từ những thành công của người thầy Virgil Abloh, Samuel Ross đã bắt tay vào tạo dựng thương hiệu A-COLD-WALL* dành riêng cho mình. Thương hiệu đã được anh miêu tả với tạp chí của Vouge là “một dự án nghệ thuật dựa trên những khám phá về văn hoá đa sắc tộc tại Anh Quốc”.

Logo thương hiệu A-COLD-WALL Hình ảnh thân thiết của Virgil Abloh và "người thầy" Samuel Ross bắt tay nhau
Hình ảnh thân thiết của  Samuel Ross và Virgil Abloh (Ảnh: Getty Images)

Với cái tên A-COLD-WALL*, Samuel Ross giải thích: “Toàn bộ xã hội chúng ta đều đặt nền tảng từ những bức tường. Từ một đứa trẻ sống trong khu ổ chuột chạm tay vào bức tường đá cuội lạnh lẽo, cho đến một đứa trẻ sống nhung lụa cũng đã từng chạm tay lên tường đá cẩm thạch đắt tiền. Đó là sự cộng hưởng, sự kết nối dưới hình ảnh ẩn dụ – bức tường, một rào cản, một ngại vật lớn mà mọi người đều phải trải qua ít nhất một lần trong đời.”

Tôn chỉ ý niệm đằng sau thương hiệu là kể “những câu chuyện chưa kể” về những giai cấp, về địa lý, văn hoá bắt nguồn trên khắp lãnh thổ nước Anh. Đó là những câu chuyện dựa trên chính ánh nhìn của những người con được sinh ra là lớn lên tại nơi đây, đau đáu kể cho nhân loại về câu chuyện của họ, một câu chuyện đã bị kiểm duyệt và che dấu suốt những năm qua. Và điều này cũng là một trong những mục đích thứ chính của thời trang, nói lên được nỗi lòng và kể những câu chuyện cần được kể. Khi ấy thời trang sẽ không chỉ đơn thuần là thứ quần áo đẹp, mà đó là một thứ nghệ thuật vị nhân sinh. Và đó chính là câu chuyện mà A-C-W* luôn muốn kể đến mọi người.

Logo thương hiệu A-COLD-WALL bộ sưu tập look book

Các thiết kế của Ross lấy cảm hứng lớn từ tính công bằng trong hệ thống giai cấp bị áp bức tại Vương quốc Anh – đặc biệt là những tầng lớp da màu của nước Anh hiện đại, chủ nghĩa thô mộc (brutalist) và kiến trúc trong thời kỳ Victoria. Như ở bộ sưu tập Thu-Đông 2018, anh đã hợp nhất hài hoà các bảng màu được tìm thấy tại Phòng trưng bày Quốc gia cùng các hình bóng dường như được lấy cảm hứng từ các công trình xây dựng. Sự phân tầng khác biệt đó chính là thứ mà Ross luôn say mê theo đuổi, và thể hiện nó trong rất nhiều công việc của anh.

Cũng với tầm nhìn thời đại này mà anh đã trình làng những bộ sưu tập và sàn diễn đầy ấn tượng, hấp dẫn thị giác. Trong BST Xuân-Hè dành cho nam giới đầu năm 2019, anh đã cho thấy  A-COLD-WALL* đã và đang ở một trình độ cao cấp mới trong nghệ thuật. Cũng như minh chứng cho việc anh còn có thể đi xa được hơn nữa trong sự khắc nghiệt của ngành công nghiệp bạc tỉ này.

logo thương hiệu A-COLD-WALL* BST Xuân-Hè 2019 danh cho nam người mẫu phủ đầy màu xám
Hình ảnh đầy ấn tượng trong BTS Xuân-Hè tại London Fashion Week (Ảnh: Getty Images)

Và cái “dự án nghệ thuật” mà anh ấp ủ đã chuyển mình một cách mạnh mẽ để đạt được chỗ đứng trong thị trường thời trang đầy khốc liệt và “thu thập” cho mình những người hâm mộ cùng cái tên nổi tiếng như Rihanna, Nick Jonas và Jaden Smith…

Vào năm 2018, anh đã được đề cử giải thưởng danh giá của LVMH. Tuy vụt tay khỏi giải thưởng bởi Masayuki Ino của Mistlet nhưng với một thương hiệu đầy non trẻ thì đề cử đó cũng là một điều đáng ngưỡng mộ mà không phải ai cũng làm được. Cũng vào năm ngoái, anh đã giành được giải “Nhà thiết kế nam mới nổi” tại Lễ trao giải thời trang ở London. Logo thương hiệu của anh cũng xuất hiện khắp các cửa hàng uy tín thế giới như Barneys, Self Ink và Dover Street Market. Và những logo thương hiệu ấy đã tạo được những dấu ấn riêng khi cùng bắt tay với những ông lớn như Nike.

Logo thương hiệu A-COLD-WALL người mẫu nam măc đồ trắng

Về chiến lược kinh doanh của mình, Ross đã đủ sắc sảo để cho ra mắt dòng thời trang đường phố có giá thấp như Polythene Optics, có giá dao động trong khoảng £40 (~1.200.000 VND). Ấn tượng hơn nữa, tập đoàn Tomorrow London Holdings gần đây đã mua một số cổ phần đáng kể của A-COLD-WALL*, có nghĩa là logo thương hiệu này sẽ không chỉ được xuất hiện tại Anh, mà là những nơi cao cấp xa xỉ hơn như Ý.

“A-COLD-WALL* không chỉ là một dự án thời trang đường phố, mà là cả một nền văn hóa đương đại _ Samuel Ross”

Ý nghĩa logo thương hiệu  A-COLD-WALL*

logo thương hiệu A-COLD-WALL*

Logo thương hiệu A-COLD-WALL* được thiết kế theo phong cách monogram kết hợp giữa chữ cái đầu của tên thương hiệu và biểu tương tối giản. Typeface cho A-C-W* là font chữ san-serif Helvetica Bold quen thuộc. Điều này tạo cho logo thương hiệu những nét vừa cổ điển nhưng vẫn đầy hiện đại, mạnh mẽ và phù hợp thời đại. Về phần hình ảnh biểu tượng tối giản cho ẩn dụ “bức tường” trong tên của thương hiệu này.Logo thương hiệu A-COLD-WALL bộ sưu tập mẫu nữ mặc áo khoác đen nam mặc áo khoác xanh

Người ta nói rằng thường những thế hệ nhập cư đầu tiên-hoặc thứ hai luôn được người thân của họ dặn rằng: “Con phải làm việc gấp đôi thì mới đi được nửa chặng đích”.

Ý tưởng rập khuôn rằng giáo dục và an ninh là một phần thiết yếu nhất trong cuộc sống, vì vậy các nghề truyền thống như y học, pháp luật và kỹ thuật luôn là cái đích đến mà bao bậc cha mẹ luôn muốn con mình đạt được. Nhất là với những xã hội và tầng lớp giai cấp còn thấp cổ bé họng cần tiếng nói cho riêng mình. Nên vậy bất cứ ngành nghề nào ít liên quan đến các thành tích học tập như nghệ thuật hay giải trí đều không được ủng hộ, và thường nghĩ là dành cho những người thuộc giai cấp cao hơn. Nhưng may thay, với những người như Samuel Ross, tư tưởng này đang dần được thay đổi.

Logo thương hiệu A-COLD-WALL người mẫu nam da đen măc đồ beige

Đơn cử cho việc trích dẫn Olivia Singer – biên tập viên của Vogue Anh Quốc: “Samuel là minh chứng sống yêu thích của tôi trong ngành công nghiệp thời trang: rằng nếu bạn có tài và bạn làm việc chăm chỉ, thì bạn sẽ thành công bất kể xuất phát điểm của bạn là gì”.

Với một xã hội đầy những xung đột mang tính chính trị, và mâu thuẫn văn hoá đa sắc tộc như hiện nay, thì tiếng nói của những người như Samuel Ross là một điều cần thiết. Anh không chỉ thể hiện tiếng nói của tầng lớp lao động của người da đen chỉ riêng nước Anh mà còn là của toàn thế giới. Khi một người hiệu bắt đầu với suy nghĩ vị nghệ thuật như vậy, thì chắc chắn thương hiệu trường tồn cùng dòng chảy thời gian và tìm được chỗ đứng cũng như tiếng nói cho mình trong ngành công nghiệp thời trang thế giới.

Xem thêm:

Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 20: Louis Vuitton

Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 19: Comme des Garçons

Tổng hợp: Katelyn (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man. Kham khảo: Vogue, GQ)

No more