Trải qua hơn 100 năm phát triển, sự sang trọng và đẳng cấp của Rolls-Royce đã được bảo chứng qua thời gian. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu lịch sử hình thành cũng như ý nghĩa logo thương hiệu Rolls-Royce!
Cuộc gặp gỡ định mệnh của Rolls và Royce
Câu chuyện của Rolls-Royce bắt đầu từ một doanh nghiệp về điện và cơ khí được thành lập bởi Henry Royce vào năm 1884. Với vốn kinh nghiệm dày dặn cùng niềm đam mê mãnh liệt, ông đã tự chế tạo ra chiếc xe đầu tiên mang tên Royce 10 vào năm 1904. Trong khoảng thời gian đó, Henry Royce đã gặp gỡ Charles Rolls – ông chủ của một cửa hàng kinh doanh xe ô tô ở London. Hai người đàn ông đã rất ấn tượng với những ý tưởng của nhau về một công ty sản xuất ô tô và hình thành thỏa thuận kinh doanh ngay sau đó.
Năm 1906, Charles Rolls và Henry Royce đã chính thức hoá quan hệ hợp tác và tạo nên công ty xe hơi với cái tên khởi thuỷ Rolls-Royce Limited.
Bước ngoặt đầu tiên trên hành trình vinh quang
Cũng giống nhiều nhà sản xuất khác, Charles Rolls đẩy những chiếc Rolls-Royce đầu tiên vào đường đua nhằm mục đích quảng bá. Những chiếc xe này khá giống với Royce 10 và không có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, một bước ngoặt lớn đã “rẽ lối” Rolls-Royce vào năm 1907 khi động cơ 6 xi-lanh xuất hiện bên trong thân xe 4 chỗ màu bạc mang tên “The Silver Ghost”.
Có lẽ Henry Royce không đặt quá nhiều tham vọng tạo để tạo nên một chiếc xe “tốt nhất thế giới” khi thiết kế Silver Ghost. Điều mà ông mong muốn là thay thế loại động cơ cũ bằng thứ gì đó đảm bảo, uyển chuyển và ít ầm ĩ hơn. Thế nhưng, với công năng và thiết kế tuyệt vời của mình, The Silver Ghost đã giúp Rolls-Royce ghi danh trên bản đồ xe hơi thế giới.
Những thăng trầm mang tính lịch sử của Rolls-Royce
Bi kịch ập đến với công ty từ rất sớm khi người đồng sáng lập Charles Rolls qua đời trong một vụ tai nạn máy bay vào năm 1910. Charles Rolls không được chứng kiến chặng đường đầy vinh quang sau đó của Silver Ghost cũng như hãng xe ông góp công xây dựng.
Năm 1921, Rolls-Royce đã mở nhà máy đầu tiên tại Mỹ do nhu cầu gia tăng sau Đệ Nhất Thế Chiến. Bối cảnh nền kinh tế lúc đó đang trên đà phát triển và bước vào “kỷ nguyên Jazz”, nơi những chiếc xe Rolls-Royce đại diện cho sự giàu có, sang trọng và đẳng cấp. Song song đó, Henry Royce cũng tham gia thiết kế động cơ máy bay và cung cấp mã lực cho một nửa số động cơ máy bay của không lực đồng minh, đưa Rolls-Royce vươn đôi cánh thép trên bầu trời.
Mười năm sau, nhà sản xuất ô tô Anh Quốc đã mua lại đối thủ Bentley khi hãng xe này không thể vượt qua cơn khủng hoảng của cuộc đại suy thoái kéo dài suốt những năm 1930. Trong 70 năm tiếp theo, xe hơi của Rolls-Royce và Bentley thường dùng chung các bộ phận giống nhau từ lưới tản nhiệt đến các chi tiết nhỏ. Thật không may, Henry Royce cũng qua đời vào năm 1933 và không được chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công ty trong thập kỷ này.
Giai đoạn những năm 1950 là thời kỳ thịnh vượng của Rolls-Royce, đánh dấu sự ra mắt của Phantom IV và cũng là khởi đầu cho mối quan hệ dài lâu giữa thương hiệu với Hoàng Gia. Độ độc nhất của Phantom IV đã được kiểm chứng khi chỉ sản xuất 18 chiếc và tất cả đều dành cho hoàng gia cũng như các nguyên thủ quốc gia danh tiếng.
Sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, Rolls-Royce đã mở rộng quy mô và đặt các nhà máy mới ở Crewe, Cheshire, Derby; đồng thời chia thành hai nhánh hàng không và xe hơi. Do đó, công ty Rolls-Royce Motors ra đời vào năm 1973 và đạt nhiều thành công với các dòng xe ăn khách như Silver Shadow II, Silver Wraith II và Corniche. Phần còn lại của Rolls-Royce tiếp tục sản xuất động cơ diesel và động cơ máy bay dân dụng.
Rolls-Royce: Bi kịch, khủng hoảng và phép màu
Để tồn tại trong cuộc khủng hoảng xảy ra vào năm 1980, Rolls-Royce buộc phải bán lại cho tập đoàn Vickers. Sau 17 năm gắng gồng nhưng không thể vực dậy Rolls-Royce, Vickers quyết định rao bán nhãn hiệu này cùng Bentley.
Ngay sau khi “lên sàn”, 3 ông lớn của Đức gồm BMW, Volkswagen và Mercedes bắt đầu một cuộc đua nhằm sở hữu “miếng bánh” béo bở mà Vickers đang có. Tới năm 1998, Volkswagen giành được Bentley và một phần nhà máy Crewe, đổi tên thành Bentley Motors Limited. Trong khi đó, BMW chỉ giữ quyền sở hữu đối với tên và nhãn hiệu để sử dụng trên xe Rolls-Royce sau khi mua lại từ Rolls-Royce plc với giá 40 triệu bảng, đồng thời hình thành cái tên mới Rolls-Royce Motor Cars. Mercedes đã thất bại hoàn toàn trong cuộc chơi.
Tranh chấp giữa BMW và Volkswagen vẫn diễn ra vài năm sau đó mới có thể đi đến thống nhất. Đến đầu năm 2003, BMW mới “danh chính ngôn thuận” xuất xưởng những chiếc Rolls-Royce đầu tiên và đưa thương hiệu này bước sang một trang mới.
Lịch sử và ý nghĩa logo thương hiệu
Không giống nhiều nhà sản xuất xe hơi khác, Roll-Royces vẫn trung thành với di sản và nguồn cội của mình khi sử dụng logo được thiết kế vào năm 1907. Mặc dù có một vài phiên bản được thiết kế lại dựa trên đặc điểm nhận diện của thương hiệu nhưng kiểu dáng và phông chữ vẫn giống so với logo ban đầu.
Giai đoạn 1906 – 1934
Một trong những logo đời đầu của Rolls Royce được thiết kế dựa trên quốc huy với 4 phần riêng biệt: góc phía trên bên trái là biểu tượng Spirit of Ecstasy, góc phía dưới bên phải là hình ảnh đôi cánh đại diện cho Nữ Thần Chiến Thắng (giống Nike), phần còn lại thuộc về truyền thống vẻ vang của dân tộc. Cụ thể, những chú sư tử gợi nhắc tinh thần dũng mãnh và biểu tượng Red Rose Of Lancaster lại lấy cảm hứng từ quốc huy Manchester.
Xung quanh được trang trí công phu với bảng màu chủ đạo là tông đỏ, thể hiện niềm đam mê và sức mạnh của Rolls-Royce. Đây là một phiên bản hoàn hảo mang sức hút tinh tế vượt thời gian.
Giai đoạn 1911 – 1920
Năm 1911, biểu tượng Spirit of Ecstasy chính thức ra đời. Đây là một thiết kế do Charles Robinson Sykes sáng tạo nên và còn mang tên gọi khác là Emily, Silver Lady hay Flying Lady.
Vào thời điểm đó, linh vật trên nắp capo không hề phổ biến nhưng bá tước John Scott Montagu – người thúc đẩy phát triển phong trào ô tô lúc bấy giờ, lại muốn nâng tầm chiếc xe của mình với một thứ gì đó độc đáo hơn. John tìm đến Charles Robinson Sykes và anh ấy đã tạo ra một bức tượng với tên gọi The Whisper. Năm 1910, Rolls-Royce đưa ra yêu cầu hợp tác với Charles Robinson Sykes để làm nên một linh vật mang tính biểu tượng cho những chiếc xe của thương hiệu. Thay vì phát triển ý tưởng với đôi cánh của Nữ Thần Chiến Thắng như đề xuất ban đầu, anh lại làm mới The Whisper và biến nó thành biểu tượng Spirit of Ecstasy như ngày nay.
Xuất hiện trên nắp capo của những chiếc xe Rolls Royce, biểu tượng Spirit of Ecstasy mô tả hình ảnh một phụ nữ trẻ với vạt áo bay trong gió và vươn mình về phía trước thể hiện sự duyên dáng, mềm mại đồng thời cũng mạnh mẽ và khao khát tự do.
Giai đoạn 1911 – 1934
Logo tiếp tục thay đổi với phần chính giữa là một hình chữ nhật chứa biểu tượng chữ R kép và tên thương hiệu (Rolls ở trên, Royce ở dưới), tạo nên hình tấm khiên kiên cố. Hai bên là hai chú sư tử đang nâng tấm khiên với một tư thế dũng mãnh và hiên ngang.
Nếu như phía trên được cách điệu bởi biểu tượng đôi cánh thì phần dưới vẫn sử dụng hình ảnh Red Rose Of Lancaster như một khẳng định về sự tinh tế vượt thời gian. Cùng với đó là dòng slogan “The Best Car In The World” được đặt trên dải ruy băng kiều diễm.
Giai đoạn 1911 – 1973
Từ những năm 1930, Rolls-Royce bắt đầu sử dụng logo tối giản hơn khi lược bỏ một số chi tiết trang trí rườm rà và chỉ còn lại hình ảnh mang tính biểu tượng. Trong khoảng thời gian này, hoạ tiết monogram “RR” được đặt trong một hình bầu dục, xung quanh vẫn là biểu tượng quốc huy đại diện cho tính truyền thống. Bảng màu đã chuyển sang các khối đơn sắc, thể hiện sự chuyên nghiệp và quyền uy của thương hiệu.
Giai đoạn 1973 – 1998
Dưới sự thay đổi quy mô vào năm 1973, Rolls-Royce tiếp tục sử dụng hoạ tiết monogram “RR” cho logo của mình. Tuy nhiên người thiết kế đã biến tấu những chữ cái sang dạng 3D (three-dementional) thay vì 2D như lúc trước, và đặt chúng vào một hình chữ nhật màu xanh đậm với các góc bo tròn xung quanh.
Giai đoạn 1998 – 2020
Sau khi trở thành công ty con của Tập đoàn BMW vào năm 1998, logo thương hiệu vẫn giữ nguyên hoạ tiết monogram “RR” cùng tên “Rolls Royce” và đặt trong một hình chữ nhật. Các góc tròn xung quanh được cân đối bởi đường viền bên trong khiến cho tổng thể trở nên mượt mà và thanh lịch hơn. Bên cạnh đó, sự tinh xảo còn thể hiện qua lối pha màu “silvery gardient” khi đem lại hiệu ứng 3D cho thiết kế này. Mặc dù các đường nét có phần tinh tế và sắc sảo hơn nhưng phong cách đi cùng di sản ban đầu vẫn còn đó.
Hiện tại
Năm 2020, Rolls-Royce đã lược bỏ hoàn toàn khung hình tứ giác trên logo và chỉ giữ lại hoạ tiết monogram “RR” như một huy hiệu kim loại để trang trí xe hơi của hãng. Bên cạnh đó, Spirit of Ecstasy vẫn tiếp tục đảm đương vai trò linh vật với một phong cách bí ẩn và trừu tượng.
Một số siêu phẩm đắt giá nhất hiện nay của Rolls-Royce
1. ROLLS-ROYCE BOAT TAIL
Giá bán: 28 triệu USD
Rolls-Royce Boat Tail vừa ra mắt trong nửa đầu năm 2021 trở thành siêu xe đắt nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại, vượt qua Rolls-Royce Sweptail từng giữ kỷ lục trước đó (2017).
2. ROLLS-ROYCE SWEPTAIL
Giá bán: 13 triệu USD
Rolls-Royce Sweptail được lắp ráp thủ công và lấy cảm hứng từ những mẫu xe Rolls-Royce cổ điển hai chỗ (old-school coach) từng làm mưa làm gió trong những năm 20-30.
3. ROLLS-ROYCE HYPERION PININFARINA
Giá bán: ~2,4 triệu USD
4. ROLLS-ROYCE PHANTOM YEAR OF THE DRAGON EDITION
Giá bán: 1,2 triệu USD
5. PHANTOM DROPHEAD COUPE WATERSPEED
Giá bán: $733,000
6. ROLLS-ROYCE WRAITH BLACK BADGE
Giá bán: $770,000
7. ROLLS-ROYCE PHANTOM
Giá bán: $450,000 – $530,000
8. ROLLS ROYCE PHANTOM TEMPUS
Giá bán: ~$500,000
Rolls Royce Phantom Tempus là siêu xe sang mang cảm hứng vũ trụ, được sản xuất giới hạn 20 chiếc.
9. ROLLS-ROYCE DAWN
Giá bán: ~$356,000
10. ROLLS-ROYCE CULLINAN
Giá bán: ~$335,000
__
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Tổng hợp: Hoàng Điệp
Nguồn tham khảo: Rolls-Royce Motor Cars, Logos World, Auto Car