Nạn “quốc thể”

Bài Trúc Đoàn

[Tạp chí ELLE MAN - 7/201] Thi thoảng, lại rộ lên những câu chuyện về “quốc thể”. Tại thời điểm cao trào vào Facebook, nếu là câu chuyện tiêu cực thì 10 người sẽ có hết 8, 9 người rên rỉ “nhục quốc thể”, không trên status thì sẽ hiện diện ở comment.

Họ gào rú như thể chúng ta đang sống trong một xã hội khốn cùng, bi kịch không lối thoát; nếu là chuyện tích cực thì sẽ có hàng loạt status, comment kiểu: “Tự hào là người Việt Nam” trong khi họ chẳng đóng góp gì!

nghi ve quoc the 1

Năm ngoái, một anh thanh niên người Việt đi mua smartphone ở Singapore bị lừa đã quỳ xuống trước chủ cửa hàng bị quy là làm nhục quốc thể. Những bức ảnh lan truyền trên mạng về một nhà hàng nước ngoài viết bằng tiếng Việt để nhắn nhủ những khách hàng người Việt đừng bỏ thừa đồ ăn, hai du khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài bị bắt vì lấy trộm kính cũng được cho là nhục quốc thể. Và một người đi thăm gian hàng Việt Nam ở EXPO Milan 2015 về cũng lên tiếng về nhục quốc thể trước điều mà người đó cho là sơ sài, thiếu trách nhiệm trong trình bày, trang trí… của nhà tổ chức bên phía Việt Nam.

Chưa bao giờ “quốc thể” trở thành một chủ đề lớn đến như thế trong những cuộc tranh luận lúc nào cũng căng thẳng và quyết liệt trên mạng xã hội và cả trên bàn nhậu. Niềm tự hào về quốc gia, sự xấu hổ vì hành động của một ai đó làm xấu mặt đất nước trở thành một câu chuyện thời sự trên Facebook trong ít nhất một tuần, trước khi những câu chuyện mới, nhân vật mới thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận xuất hiện thay thế.

nan quoc the - vietnam expo milan 2015
Quang cảnh cổng vào khu vực triển lãm Việt Nam tại Milan Expo 2015 gây tranh cãi khi khiến người nhìn liên tưởng đến Gardens by the Bay của đảo quốc Singapore.
nan quoc the - vietnam expo milan 2015 - 1
Trang phục nam, nữ trưng bày trên các mannequin không hề là áo dài truyền thống Việt Nam.
nan quoc the - vietnam expo milan 2015 - 2
Gian hàng ẩm thực có vẻ hơi sơ sài khi thiếu vắng những “đại diện ẩm thực” tinh tế và hấp dẫn của Việt Nam như : Phở, bánh cuốn, bánh xèo, hủ tiếu, bánh canh, miến gà, chả lụa, bánh chưng, bánh giò, chè ba miền…

Một câu hỏi đặt ra, liệu thực sự chúng ta quan tâm đến thể diện quốc gia nhiều đến thế, nhạy cảm đến thế, và bất kể chuyện gì liên quan đến hai tiếng Việt Nam ở bên ngoài lãnh thổ đều có thể trở thành chủ đề nóng bỏng thu hút sự chú ý và tranh luận của rất nhiều người ư?

Thêm nữa, những cuộc tranh luận ấy liệu có dẫn đến những thay đổi cần thiết nhằm thay đổi nhận thức, thói quen và có hành động cụ thể để thay đổi một hiện trạng đáng buồn về cái gọi là quốc thể bị ảnh hưởng một cách tiêu cực không?

Câu trả lời không thực sự tích cực. Những khảo sát của cá nhân tôi trong môi trường Facebook đã cho thấy một điều mà nhiều người tham gia các cuộc tranh luận có thể không nhận ra, hoặc có nhận ra, nhưng không thực sự quan tâm đến tính thực tế của các cuộc tranh luận liên quan đến hai chữ “quốc thể”.

Họ không thực sự hiểu “quốc thể” là gì và cũng không nhận thức được rằng, vai trò của các cá nhân trong việc xây dựng một hình ảnh quốc gia là rất quan trọng. Đương nhiên, khi người ta cảm thấy niềm tự hào, tự tôn dân tộc của mình bị đụng chạm, trong khi họ cho rằng những người có trách nhiệm làm chưa đủ để bảo vệ sự tự tôn ấy của mình, họ phản ứng là điều dễ hiểu. Nhưng đổ lỗi cho một ai đó quá dễ, nhất là khi ta ngồi sau bàn phím.

Chỉ trích, mạt sát, thể hiện sự phẫn nộ của ta đối với những ai đã khiến cho ta cảm thấy tự ti khi bước ra thế giới hoặc chưa đủ dũng khí và điều kiện để ra thế giới còn dễ hơn nữa. Làm thế nào để ít nhất là không tự ti, không cảm thấy nhược tiểu và sống văn minh mới là một chuyện khó, và chuyện đó bắt đầu từ sự nhận thức của mỗi cá nhân trước tiên.

Bức

Cá nhân tôi đi nhiều nơi, sống và làm việc thường xuyên ở nước ngoài, tôi không lấy làm hổ thẹn khi hay tin một người Việt phạm pháp ở nước ngoài. Thử lật câu hỏi ngược lại, những hành vi như chặt chém, giật túi xách du khách đến thăm Việt Nam, trộm cắp, bỏ đồ ăn thừa mứa ở phạm vi trong nước, bớt xén giờ hành chính công vụ để làm việc riêng thì có xem là nhục quốc thể, là làm xấu hình ảnh quốc gia hay không?

Tôi cũng không quá tự hào khi hay tin một người gốc Việt đoạt giải thưởng quốc tế. Bởi tôi nghĩ, cái gì lạm dụng thái quá sẽ trở thành một căn bệnh trong khi bản thân chúng ta vẫn giậm chân tại chỗ, chẳng khác nào tự ru ngủ mình, “thấy sang bắt quàng làm họ”.

Tôi nói điều này, bởi đã từng chứng kiến một người bạn mình – một trí thức có bằng cấp và có uy tín trong xã hội, đã cư xử như một kẻ thiếu văn minh ở chỗ đông người ngay trên nước mình, vào đúng cái ngày mà anh vừa viết trên Facebook cá nhân một câu chuyện đầy tính giáo dục có khả năng lay động và thuyết phục người khác về lối sống, cách ứng xử văn minh kiểu Tây giữa người với người. Post đó được rất nhiều người chia sẻ và anh thì hể hả như mọi lần, khi những gì anh viết được người ta tung hô là kiểu mẫu.

Nhưng khi thuyết phục người khác cư xử tử tế trong một ảo tưởng rằng mình là người tốt và có khả năng thay đổi xã hội trong vai trò của một trí thức kiểu mẫu, anh hoàn toàn không phải là người mà người ta từng biết đến trong thế giới ảo. Những gì mà người bạn tôi thể hiện trên Facebook chỉ đơn giản là một biểu hiện của cái gọi là “hội chứng ngộ nhận của lòng tự hào” do số đông bị kích động trên mạng. Khi bị cuốn theo số đông, những người như thế dễ bị ảo tưởng bởi sức mạnh và không nhận ra được điều thực sự anh ta cần làm là gì cho bản thân mình.

Chỉ trích hay ngợi ca người khác luôn dễ, nhưng chính mình thực hiện là điều không dễ dàng, khi xét trên bản chất, mình không khác người bị chỉ trích là bao. Vậy, liệu ta có thể làm gì tốt đẹp cho mọi người nếu bản thân ta chưa đủ tốt đẹp như ta đã (ảo) tưởng là như thế?

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

No more