Ngày Trái Đất 2018: Nhìn lại 7 vấn đề môi trường đáng quan tâm nhất năm qua

Bài ELLE Team

Chúng ta đang bước vào năm thứ 48 của Ngày Trái Đất vào ngày 22/04. Để kỷ niệm Ngày Trái đất 2018, Google đã đặt biểu tượng trang chủ của mình là đoạn video ngắn của Jane Goodall – một Tiến sĩ bảo vệ môi trường nhằm kêu gọi mọi người cùng chung tay để bảo vệ hành tinh xinh đẹp này.

Khi Thượng nghị sĩ Gaylord Nelson khai sinh ra ngày Trái Đất vào năm 1970, ông đã hy vọng có thể biến môi trường thành một trong những vấn đề đáng được quan tâm hàng đầu vào thời điểm ấy. Sau nhiều thời gian và nhiều hành động đấu tranh, cuối cùng luật môi trường đã được ban hành nhằm cắt giảm lượng chất thải sinh hoạt và công nghiệp vào môi trường đất, nước và khí tại nước Mỹ lúc bấy giờ.

Sau 48 năm, vấn đề môi trường trở nên phức tạp và đặt ra cho con người nhiều bài toán mang tính thách thức hơn trong công cuộc bảo vệ nó. Và dưới đây là 7 vấn đề môi trường đáng quan tâm nhất trong năm qua khi người ta nhìn lại từ ngày Trái Đất 2018 này.

1. Ô nhiễm từ chất thải nhựa thật sự nghiêm trọng

Một trong những câu chuyện môi trường ảm đạm nhất năm qua là hình ảnh một con cá nhà táng nặng 6 tấn chết trên bờ biển phía nam Tây Ban Nha với 29 ký rác thải nhựa trong dạ dày. Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về lượng chất thải từ nhựa mà con người đổ ra biển mỗi năm.

ngay trai dat 2018 - ELLE Man 2
Một con cá nhà táng nặng 6 tấn chết trên bờ biển phía nam Tây Ban Nha.
Ảnh: EspaciosNaturalesMur
29 ký rác thải nhựa đã được tìm thấy trong dạ dày của con cá này. Ảnh: EspaciosNaturalesMur
29 ký rác thải nhựa đã được tìm thấy trong dạ dày của con cá này.
Ảnh: EspaciosNaturalesMur

Chất thải nhựa được xem một trong những cuộc khủng hoảng toàn cầu về vấn đề môi trường. Theo một nghiên cứu năm 2015, trung bình con người đổ từ 4.8 đến 12.7 tấn chất thải nhựa ra biển mỗi năm. Và dự kiến đến năm 2050, khối lượng rác thải từ nhựa sẽ nhiều hơn cả khối lượng cá ngoài đại dương.

Nhựa tổng hợp có thời gian phân huỷ rất lâu, có khi lên đến vài thế kỷ. Chính vì vậy, chất thải từ nhựa như bao bì, ống hút, túi xách vẫn nằm trong môi trường đất, nước và âm thầm tác động nghiêm trọng đến môi trường và sự sống. Theo một thống kê, khoảng 32% chất thải nhựa đi ngược vào dạ dày của động vật như chim, cá,… Và điều này cũng không loại trừ khả năng chất thải nhựa đi vào chính cơ thể chúng ta khi ăn phải những động vật đó.

Trung bình con người đổ từ 4.8 đến 12.7 tấn chất thải nhựa ra biển mỗi năm. Ảnh: Barcroft Media / Getty Images
Trung bình con người đổ từ 4.8 đến 12.7 tấn chất thải nhựa ra biển mỗi năm.
Ảnh: Barcroft Media / Getty Images

Theo một nghiên cứu tổng hợp, tổ chức phi lợi nhuận Orb Media đã tìm thấy sợi nhựa xuất hiện trong 83% mẫu nước uống trên toàn thế giới. Họ cũng tìm thấy sự xuất hiện của microplastic (những hạt nhựa có kích thước nhỏ dưới 5mm) trong 93% các mẫu nước đóng chai được kiểm tra (bao gồm cả Dasani và Aquafina).

Trước những số liệu thống kê này, việc cắt giảm và chấm dứt việc xả rác thải từ nhựa lại được những nhà bảo vệ môi trường quan tâm hơn bao giờ hết. Hạn chế ô nhiễm môi trường từ chất thải nhựa được xem là chủ đề chính cho Ngày Trái Đất năm nay. Một trong những chiến dịch đi đầu chủ đề này là chuyển đổi toàn bộ ống hút nhựa sang một chất liệu thân thiện với môi trường hơn. Các nhà khoa học đã khám phá ra một loại enzim có khả năng phân huy nhựa được xem là một trong những phát hiện khả quan trước tình trạng ô nhiễm chất thải từ nhựa ngày một nghiêm trọng.

2. Con tê giác trắng đực Bắc Phi cuối cùng trên trái đất đã chết

Thống kê lại những loài động vật đã tuyệt chủng được xem là một trong những hoạt động thường niên của Ngày Trái đất. Tháng 12 năm ngoái, Cục Hoang dã và Cá Hoa Kỳ cho biết Marstonia castor – một loài ốc nước ngọt rất nhỏ được tìm thấy tại bang Georgia đã tuyệt chủng. Cũng vào năm ngoái, Christmas Island Pipistrelle – một loài dơi thuộc chi dơi muỗi được tìm thấy ở bờ biển nước Úc cũng đã tuyệt chủng. Theo báo cáo từ Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên, 3 loài bò sát bao gồm thằn lằn báo đốm, thằn lằn đuôi xanh và thằn lằn đuôi dài cũng đã tuyệt chủng ở đây. Nguyên nhân do các loài động vật ăn thịt khác, nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là nhiễm bệnh chết do tình trạng ô nhiễm môi trường. Sudan, con tê giác trắng đực Bắc Phi 45 tuổi cuối cùng trên trái đất đã chết vào tháng 3 vừa qua. Một số loài khác đang ở rất gần với nguy cơ tuyệt chủng.

ngay trai dat 2018 - ELLE Man 4
Sudan, con tê giác trắng đực Bắc Phi cuối cùng trên trái đất đã chết vào tháng 3 vừa qua.
Ảnh: Ami Vitale

Các nhà bảo tồn đang cố gắng cứu loài tê giác trắng này khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Thậm chí, họ còn tạo cho Sudan một tài khoản Tinder nhằm tìm kiếm bạn tình trong suốt những năm cuối cùng. Họ cũng đã tiến hành nghiên cứu các kỹ thuật sinh sản khác, trong đó có cả thụ tinh trong ống nghiệm. Kỹ thuật này sẽ được tiến hành trên cơ thể 2 con tê giác trắng cái còn lại là Najin và Fatu.

3. Một số loài hồi sinh từ vực thẳm và sự phát hiện những loài mới

Loài ếch xanh mắt đen có tên khoa học là Black-eyed Leaf Frog đã hồi sinh từ vực thẳm khi chúng là một trong những loài động vật đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Trước đó, các chuyên gia về lưỡng cư đều không có bất kỳ hy vọng nào trong việc bảo tồn loài động vật này. Không giống như các loài ếch vùng nhiệt đới, trường hợp của loài ếch xanh mắt đen này tương tự như loài ếch Variable Harlequin cũng được hồi sinh sau một dịch bệnh nấm khiến số lượng loài giảm sút nghiêm trọng. Cá vược sọc ở vịnh Chesapeake, Hoa Kỳ cũng một trong những loài đang phục hồi số lượng.

ngay trai dat 2018 - ELLE Man 5
Black-eyed Leaf Frog đã hồi sinh từ vực thẳm khi chúng đã từng là một trong những loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Ảnh: Robin Moore

Học viện Khoa học California đã bổ sung 85 loài thực vật và động vật mới vào năm ngoái. Danh sách đó bao gồm 16 loài hoa, 1 loài chuột chù voi, 10 loài cá mập, 22 loài cá, 3 loài bọ cạp, 7 loài kiến, 13 loài sên biển, 7 loài nhện, 3 loài ong bắp cày, 1 loài san hô nước sâu và 1 loài thằn lằn.

Một loài ong ký sinh với chân trước có gai và nhiều loài gấu nước cũng được tìm thấy ở một bãi đậu xe tại nhật Bản. Các nhà khoa học cũng công bố họ đã tìm thấy một loài khỉ mới trong suốt 90 năm qua có tên khoa học là Pongo tapanuliensis, hay còn gọi là đười ươi Tapanuli. Tuy nhiên, loài khỉ này cũng chỉ có khoảng 800 cá thể hiện đang sinh sống trên đảo Sumatra, Indonesia và nằm trong danh sách cần bảo tồn.

4. Khối băng Greenland đang tan nhanh hơn chúng ta tưởng tượng

Hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất ấm lên dẫn đến hiện tượng băng tan ở 2 cực là một trong những biến đổi môi trường nghiêm trọng đe doạ trực tiếp đến sự sinh tồn của nhân loại. Các vùng cực của Trái Đất đang ấm dần lên nhanh gấp 2 lần so với tốc độ ấm lên trung bình của Trái Đất. Các nhà khoa học tại Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết tốc độ băng tan ở Bắc Cực vào năm ngoái đạt mức nhanh nhất trong vòng 1.500 năm trở lại đây. Họ cũng đã nhìn thấy sự xuất hiện của một cơn sóng nhiệt tại Bắc Cực vào giữa mùa Đông.

Greenland được biết đến là khối băng lớn thứ hai trên thế giới, sau khối băng Nam Cực. Ảnh: Joe Raedle / Getty Images
Greenland được biết đến là khối băng lớn thứ hai trên thế giới, sau khối băng Nam Cực.
Ảnh: Joe Raedle / Getty Images

Greenland được biết đến là khối băng lớn thứ hai trên thế giới. Các nhà khoa học cho biết, năm ngoái, khối băng này đột nhiên tan chảy nhanh hơn 80%. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy khối băng Greenland đang có tốc độ tan chảy nhanh nhất trong vòng 400 năm trở lại. Việc toàn bộ khối băng Greenland tan chảy sẽ khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao thêm 6 mét. Các sông băng ở Vườn quốc gia Denali cũng tan chảy nhanh gấp 60 lần so với 150 năm trước. Những số liệu thống kê này cho thấy tác động của biến đổi khí hậu không phải từ từ và dần dần như nhiều người vẫn nghĩ.

5. Cỏ biển đang mọc lại ở vịnh Chesapeake 

Vịnh Chesapeake được biết đến là cửa sông lớn nhất ở Mỹ và cùng là một trong những cửa sông bị ô nhiễm nhất trong nhiều thập kỷ. Một lượng lớn phân bón và chất thải từ các nông trại, hoạt đông chăn nuôi gia cầm khiến môi trường nước vùng vịnh ô nhiễm nghiên trọng. Chính điều này khiến cho cuộc sống của động thực vật dưới nước bị diệt vong. Vấn đề ô nhiễm tại vịnh Chesapeake nghiêm trọng đến mức chính quyền nơi này phải đưa ra biện pháp để hạn chế ô nhiễm. Cuối cùng, Chesapeake giờ đây không còn là vùng vịnh chết như trước đây nữa. Bằng chứng nổi bật nhất là sự phát triển lại của thảm cỏ biển với tổng diện tích bao phủ hơn 17.000 ha, đây là diện tích bao phủ cao nhất ở Chesapeake trong gần nửa thế kỷ nay.

ngay trai dat 2018 - ELLE Man 7
Cỏ biển ở vịnh Chesapeake.
Ảnh: Jonathan Lefcheck

 

6. Chưa bao giờ chuẩn bị sẵn sàng trước thiên tai

2017 được xem là một năm kinh khủng ở Mỹ khi phải hứng chịu hàng loạt những trận thảm hoạ thiên nhiên. Cơn bão Maria đổ bộ vào vùng biển Caribbean với sức gió 150 dặm/ giờ và lượng mưa lên hơn 900mm vào năm ngoái đã tàn phá 80% cơ sở hạ tầng điện lực và gây ra tình trạng mất điện lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ cho 3,3 triệu cư dân Puerto Rico. Vụ cháy rừng tồi tệ nhất xảy ra ở California và cơn bão Harvey quét qua Texas với lượng mưa lớn nhất từng được ghi nhận cho một cơn bão cũng khiến những khu vực khác của nước này bị ảnh hưởng nặng nề. Theo thống kê, thiên tai trong năm 2017 đã gây thiệt hại ít nhất 306 tỷ đô trên khắp nước Mỹ, khiến nó trở thành một năm thiệt hại nhiều nhất trong lịch sử quốc gia này. Và các nhà nghiên cứu tiên liệu rằng những cơn mưa xối xả, những cơn bão lớn sẽ tiếp tục xâm chiếm và trở nên tồi tệ hơn khi nhiệt độ trung bình cứ tiếp tục tăng dần sau mỗi năm.

ngay trai dat 2018 - ELLE Man 8
Con đường ngập lụt sau cơn bão Maria.
Ảnh: Dennis M. Rivera Pichardo / The Washington Post / Getty Images

Michael Wehner – một nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley phát biểu tại Hội nghị địa vật lý Mỹ vào tháng 12 năm ngoái rằng sự biến đổi khí hậu do con người gây ra có thể làm gia tăng tổng lượng mưa của cơn bão Harvey cho khu vực Houston lên thêm ít nhất 19%, ước tính vào khoảng 37%.

Tuy nhiên, mặc cho những điều đã xảy ra, con người vẫn trở lại với cuộc sống thường ngày mà không hề có bất kỳ sự chuẩn bị nào cho những vụ thảm hoạ khó nói trước sắp tới. 

7. Tìm kiếm một Trái Đất thứ 2 ngoài vũ trụ là việc không còn xa 

Trái đất được biết đến như hành tinh duy nhất có sự sống trong vũ trụ. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang dần dần tìm ra những hành tinh tương tự như Trái đất. Đã có một sự bùng nổ trong việc khám phá các hành tinh ngoài hệ Mặt trời từ khi Đài quan sát vũ trụ Kepler được đưa vào hoạt động năm 2009. Trong hơn 3.500 hành tinh chúng ta đã tìm thấy bên ngoài hệ Mặt trời, có hơn 2.500 hành tinh do Kepler tìm thấy.

Những hành tinh này có nhiều kích thước khác nhau, từ to lớn như sao Mộc đến bé nhỏ như Trái đất. Bằng việc tổng hợp các kết quả quan sát từ nhiều kính viễn vọng trên khắp thế giới và ngoài không gian, các nhà khoa học đã khám phá ra nhiều hành tinh hơn. Vào tháng 4 năm ngoái, các nhà nghiên cứu của dự án MEarth đã tìm thấy một hành tinh giống Trái đất có tên LHS1140b xoay quanh một ngôi sao có kích thước bằng 1/5 kích thước của Mặt trời. Nhóm nghiên cứu cho biết LHS1140b cũng nhận được một năng lượng tương tự từ ngôi sao của nó giống như Trái đất nhận được từ mặt trời. Điều này có nghĩa là có thể có nước trên bề mặt của LHS1140b.

ngay trai dat 2018 - elle man
Ảnh: NASA/Ames/JPL-Caltech

Trong báo cáo năm ngoái, hệ hành tinh Trappist-1 được xem là hệ sao lớn nhất tương tự như hệ Mặt trời mà chúng ta đã phát hiện ra. Đây được xem là cơ hội độc nhất vô nhị giúp chúng ta tìm hiểu các đặc tính của những hành tinh có khí hậu ôn hòa giống Trái đất nhưng lại xoay quanh một ngôi sao nhỏ và lạnh hơn Mặt trời. 

Những nghiên cứu này như mở ra một cơ hội sống cho nhân loại trên một hành tinh mới nếu như con người vẫn cứ tiếp tục tàn phá thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, tất cả chỉ mới là bước đầu của nghiên cứu và vì chúng ta vẫn còn gắn bó với hành tinh xinh đẹp này, vậy nên, hãy làm tất cả những gì tốt đẹp nhất để bảo vệ nơi đây. Thông điệp của Ngày Trái Đất 2018 cũng chính là điều này.

xem thêm:

Khi các thương hiệu thời trang bảo vệ môi trường bằng công nghệ tiên tiến

Bộ ảnh đẹp về cuộc sống của bộ tộc du mục biển cuối cùng

Bài viết: HÂN (Theo Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, Tham khảo: Vox, abcnews)

No more