“One Piece 2023” và nỗ lực thay máu dòng phim live-action của Netflix

Bài Tuan Anh

Sự thành công vượt xa kỳ vọng của "One Piece" đã phá vỡ lời nguyền chết yểu của loạt phim chuyển thể anime thành live-action Netflix.

Với hơn hai thập kỷ phát triển câu chuyện và số lượng tập đáng kinh ngạc (hơn 1020 tập anime và hơn 100 tập manga gốc), One Piece đã trở thành một di sản tầm cỡ trong thế giới Anime, đồng thời biến Eiichiro Oda tác giả “khổng lồ”. Tham gia chuyển thể một bộ manga mang tính biểu tượng là thách thức không hề nhỏ, nhưng sự bùng nổ của One Piece ở thời điểm hiện tại là minh chứng cho thấy nỗ lực viết lại lịch sử phim chuyển thể live-action thành công của Netflix.

one piece
One Piece 2023 thành công chấm dứt chuỗi “ngã ngựa” của dòng phim chuyển thể live-action (Ảnh: Netflix)
Đi

Netflix và lịch sử làm phim live-action đầy biến động

Có đủ lý do để khiến người hâm mộ anime sợ hãi và nghi ngờ khi nghe tin một bộ phim sẽ có phiên bản live-action do Netflix sản xuất. 

Năm 2017, Netflix đã phát hành một bộ phim live-action dựa trên manga Death Note. Mặc dù bộ phim nhận lại hầu hết đánh giá là tiêu cực, nhận điểm cà chua thối, nhưng phần tiếp theo vẫn được công bố và đang được phát triển. Trong cùng năm, Ghost in the Shell cũng gây tranh cãi dữ dội khi vướng phải phong trào white wash (tẩy trắng) và phân biệt chủng tộc. Trước đó, Dragonball Evolution cũng nhận về số điểm đáng xấu hổ và bị xem là gạt bỏ mọi giá trị của bộ manga gốc đình đám.

Năm 2021, Netflix thử sức trở lại với loạt phim sci-fi (khoa học viễn tưởng) Cowboy Bebop. Bản live-action này dù có phần nhỉnh hơn so với Death Note khi nhận 60% điểm từ khán giả và 46% điểm Tomatometer, nhưng các phản hồi nhìn chung đều trái chiều và dẫn đến việc dịch vụ phát trực tuyến phải hủy buổi chiếu một tháng sau khi công chiếu. 

netflix
Cowboy Bebop live-action của Netflix bị khán giả “ném đá” là thảm họa 2021. (Ảnh: Netflix)

Phản ứng dữ dội đối với Cowboy Bebop là lời cảnh báo rằng bản chuyển thể của One Piece sẽ phải đối mặt với nhiều cây bút phê bình. Nhưng với Eiichiro Oda trong vai trò nhà sản xuất điều hành, bộ phim chỉ được công bố phát hành sau khi được chính cha đẻ của bộ truyện chấp thuận. Chặng đường đưa live-action One Piece ra ánh sáng cũng là sự phát triển và duy trì mối quan hệ cộng sinh giữa chính tác giả và đoàn làm phim, giữa bộ phim và nguyên tác gốc của nó.

Becky Clements, chủ tịch của Tomorrow Studios cho biết: “Mục tiêu của mọi người là đảm bảo rằng khi xem bộ phim, bạn sẽ nghĩ đây là phiên bản live-action của manga”. One Piece có bộ ba đạo diễn luân phiên, mỗi người chỉ đạo hai tập liên tiếp trước khi chuyển quyền cho phần tiếp theo. One Piece tốt hơn đáng kể so với Cowboy Bebop trong việc duy trì sự cân bằng giữa chuyển thể một cách trung thực tài liệu nguồn và tạo ra bản sắc riêng với hình ảnh tươi sáng, đầy màu sắc. 

Thay đổi đáng chú ý trong cách kể chuyện hàm súc từ “One Piece”

Nhìn lại bộ phim chuyển thể gần nhất năm 2021, khi Cowboy Bebop vô tình cho phép anime “chơi đùa” với nhiều thể loại phim khác nhau như Space Opera (chính kịch không gian), Western (viễn tây), phim Noir cổ điển… ông lớn Netflix dường như bày tỏ tham vọng thêu dệt và theo đuổi phong cách kể chuyện này nhưng không thành công vì một lý do: “nó hoàn toàn trái ngược với những gì anime làm!” (Theo đánh giá của CBR). 

Các sự kiện xảy ra trong phim bị nhận xét là lặp đi lặp lại nhưng ở dạng chuyển động chậm. Chúng không được làm phức tạp hay thú vị hơn mà chỉ dài hơn như để kể một nửa câu chuyện trong thời gian gấp đôi. Kết cục là bộ phim trở nên thiếu tập trung và mất đi tính nhất quán.

Năm 2023, mùa đầu tiên của One Piece phần lớn theo dấu hành trình của băng hải tặc Mũ Rơm trên vùng East Blue rộng lớn. Câu chuyện tóm lược từ 95 trong tổng số 100 chương đầu tiên của manga. Mỗi nhân vật chính đều có ít nhất một tập riêng và chuỗi flashback (hồi tưởng) được lồng ghép một cách tinh ý. Các câu chuyện được sắp xếp theo trình tự hợp lý, kết hợp với việc duy trì điểm nhấn bản gốc đã khiến One Piece trở nên đặc biệt. Bộ phim đã có bước đầu tránh được cạm bẫy tham kịch tính hóa và lối kể diễn giải của loạt tác phẩm trước đó.

Cùng dàn diễn viên chất lượng, One Piece cũng đảm bảo thể hiện trung thực nguyên tác, tập trung vào các khoảnh khắc quan trọng và thể hiện tinh thần phiêu lưu của bộ phim. Đồng thời, vẫn có một số thay đổi trong cách kể chuyện để tạo sự mới mẻ và diễn biến hợp lý như: Cuộc gặp gỡ của Luffy, Zoro và Nami ở căn cứ hải quân, cuộc đấu kiếm của Zoro với Mr. 7, sự phản bội của Nami, cuộc chạm trán với Arlong tại con thuyền Baratie… Hầu hết những sự kiện nêu trên đều không xuất hiện rõ ràng trong anime lẫn manga nhưng về tổng quan, nó cũng không làm chênh lệch hướng đi của câu chuyện, thậm chí đem tới tính giải trí khá hiệu quả để tạo tiền đề để thể hiện sâu sắc cốt lõi nhân văn của bộ truyện. 

one piece
One Piece live-action lôi cuốn nhờ lối kể súc tích. Ảnh: (Netflix)

Sáng tạo nhưng vẫn trung thành với nguyên tác

Vấn đề muôn thuở của bất kỳ một bộ phim chuyển thể là sự trung thành với nguyên tác. Sau khi lần lượt nếm trái đắng với Dragonball Evolution – mượn danh manga để độc diễn một kịch bản lạc quẻ và rũ bỏ cốt truyện gốc cùng Death Note – bộ phim gây chấn động cho khán giả bởi sự xem thường nguyên tác khi cố gắng biến nhân vật chính thành một gã hề ẩm ương với loạt cảnh giết người đẫm máu,… Netflix đã bắt đầu có ý thức và nỗ lực gìn giữ bản sắc của manga, cùng sự cộng tác và giám sát của cha đẻ thương hiệu.

Trong thư phản hồi với tác giả bộ truyện, Netflix bày tỏ: “Việc tái hiện 1:1 là không điều thể, vì chuyển thể live-action không phải là sao chép mà là thể hiện. Chúng tôi muốn viết lại lịch sử chuyển thể live-action và đề ra hai mục tiêu tiên quyết: để không phản bội người hâm mộ và để chương trình được những người chưa biết đến One Piece yêu thích.” Và Netflix đã giữ đúng lời hứa của mình. 

Song song, họ cũng thành công để nhận được sự tin tưởng và trao quyền sáng tạo tự do. Tiêu biểu, việc tái hiện Phó đô đốc Garp kiên quyết ngăn cản cậu bé Luffy từ bỏ giấc mộng hải tặc của mình khác với cốt truyện gốc. Một vài đặc điểm khác biệt trong thiết kế trang phục và tạo hình nhân vật như chiếc mũi dài của Usopp, lông mày xoắn của Sanji, đôi dép của Luffy đã phá vỡ cảm giác phi thực tế và tạo hiệu quả tốt mà không làm hỏng bộ phim. Bản chất những con tàu cũng là một trong những hình ảnh biểu trưng nhất và việc xây dựng, tạo nên chúng bằng xương bằng thịt thay vì theo đuổi những lựa chọn dễ dàng hơn như CGI đã cho thấy đoàn làm phim tâm huyết với nguồn tài nguyên gốc như thế nào.

one piece
Thay đổi trong cách kể chuyện và tạo hình đã gây được dấu ấn tích cực. (Ảnh: Netflix)

Nhìn chung bản live-action One Piece là một ví dụ điển hình về việc chuyển thể thành công một bộ truyện mang tính biểu tượng, minh chứng cho nỗ lực đã thành quả ngọt của Netflix sau nhiều năm ngã ngựa. Với ba nguyên liệu chính: sự tôn trọng nguyên tác, tính sáng tạo mới mẻ cùng sự hậu thuẫn và đồng hành của tác giả, Netflix có vẻ như đã tìm thấy công thức cốt lõi để tạo nên siêu phẩm sau khi nếm trải nhiều phép thử thất bại. 

Sắp tới, Netflix vẫn còn một số dự án khác đang trong giai đoạn phát triển như Pokemon, Sword Art Online (Đao kiếm thần vực), Yu Yu Hakusho (Hành trình U Linh Giới), hay sự trở lại của Death Note… Qua màn khởi sắc của One Piece, người hâm mộ vẫn có quyền hy vọng và tin tưởng.

"One

_________

Bài: Hoàng Thúy Vân

No more