Những bộ phim chiến tranh Việt Nam hay nhất

Bài Tuan Anh

Phim chiến tranh không chỉ có đạn pháo và người lính cảm tử, đó còn là câu chuyện về một dân tộc, về nhiều thế hệ và cả những vấn đề phức tạp về mặt đạo đức, lòng yêu nước và các số phận đầy trăn trở phía sau chiến tuyến. Điều này đã thu hút nhiều nhà làm phim vĩ đại trên thế giới như Spielberg, Tarkovsky, Fellini… cũng là dòng chủ lưu của điện ảnh Cách mạng Việt Nam một thời với nhiều đạo diễn huyền thoại như Hải Ninh, Hồng Sến, Đặng Nhật Minh…

 

Và nhân “Đào, Phở và Piano” trở thành một trường hợp điện ảnh vừa thú vị, vừa hy hữu khi khuynh đảo thị trường chiếu bóng phim Việt, hãy cùng ELLE Man điểm lại một số tác phẩm cùng chung đề tài chiến tranh Việt Nam được đánh giá cao bởi công chúng và giới phê bình.

Review

1. Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972) phim chiến tranh

 

Được thực hiện trong thời điểm quân đội Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm mang tầm vóc của một thiên sử thi hào hùng về cuộc kháng chiến vệ quốc của nhân dân. Bộ phim dựa trên sự kiện có thật ở làng cát Gio Linh, tái hiện cuộc đối đầu giữa nhân dân làng cát mà dẫn đầu là chị Dịu (Trà Giang) và quân đội của Việt Nam Cộng hòa do Trần Sùng (Lâm Tới) chỉ huy.

 

Với hai tập phim kéo dài gần ba tiếng đồng hồ, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm gây ấn tượng bởi nghệ thuật dàn cảnh công phu của đạo diễn Hải Ninh, những đại cảnh hoành tráng và dụng công trong hành trình “điện ảnh hóa” chất anh hùng của chiến binh vệ quốc, tinh thần quật khởi của những người dân nghèo đi theo cách mạng, đan xen câu chuyện xót xa về thân phận con người thời chiến.

 

Gần một thập kỷ kể từ Chị Tư Hậu (1963), Trà Giang đã tiến một bước dài trong sự nghiệp diễn xuất và trở thành tượng đài của điện ảnh Cách mạng Việt Nam, đồng thời là diễn viên đầu tiên của Việt Nam giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Moscow năm 1973 cho vai diễn chị Dịu.

2. Em bé Hà Nội (1974)

 

Sau Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, bộ đôi biên kịch – đạo diễn Hoàng Tích Chỉ – Hải Ninh tái hợp tác với một tác phẩm cùng chung đề tài chiến tranh mang tên Em bé Hà Nội. Bộ phim theo chân Ngọc Hà, một cô bé mười hai tuổi đang di tản về vùng quê lánh nạn. Khi nghe tin mẹ và em gái bị bom Mỹ chôn vùi dưới phố Khâm Thiên, em quyết định ngược đường trở lại Hà thành tìm bố – một chiến sĩ tên lửa.

 

Xuyên suốt bộ phim là chuỗi những hồi ức đan xen hiện tại của cô bé Ngọc Hà, về niềm hạnh phúc nhỏ nhoi mà xa vời khi gia đình vẫn còn đông đủ, về khát vọng được tới trường và ước mơ về ngày hòa bình. Hình ảnh con phố Khâm Thiên hoang tàn, đổ nát hiện lên sống động đối nghịch với những kí ức ngọt ngào của Hà, đã tô đậm sự tàn nhẫn của chiến tranh.

phim chiến tranh

3. Mẹ vắng nhà (1979) phim chiến tranh

 

Lấy bối cảnh ở vùng sông nước Nam Bộ, Mẹ vắng nhà là những thước phim lắng đọng về cuộc sống gia đình chị Út Tịch (Ngọc Thu) và năm đứa con nhỏ. Là một chiến sĩ Cách mạng, chị Út thường xuyên đi vắng, lên đường tải lương cho bộ đội, để lại mấy chị em ở nhà. Trong đó, cô chị lớn nhất chưa tới mười tuổi.

 

Bộ phim tái hiện thành công bầu không khí thân thương của một mái ấm dù thiếu vắng cha mẹ. Hình ảnh những đứa trẻ sống dựa dẫm nhau, tìm thấy niềm vui từ những củ khoai, củ lạc, câu chuyện mẹ đi đánh giặc của chị cả Bé… đã mang tới nhiều khoảnh khắc xúc động cho khán giả. Mẹ vắng nhà xuất sắc đoạt giải Bông sen vàng năm 1980 và hai giải thưởng quốc tế tại LHP Moscow (Nga) và Karlovy Vary (Tiệp Khắc).

4. Cánh đồng hoang (1980)

 

Cánh đồng hoang kể về cặp vợ chồng trẻ với một đứa con nhỏ mới vài tháng tuổi. Tuy nhiên, họ không chỉ là những nông dân bình thường mà còn là đôi giao liên có nhiệm vụ đưa cán bộ qua đồng, tránh tai mắt của quân đội Mỹ.

 

Được cầm trịch bởi đạo diễn Hồng Sến, kịch bản viết bởi nhà văn Nguyễn Quang Sáng, bộ phim đan cài nhiều tình tiết kịch tính đã thành công thâu trọn tinh thần hồn hậu, hào sảng của người dân Nam Bộ. Cánh đồng hoang đồng thời được xem là một trong hiếm hoi các bộ phim Việt thể hiện được sự trọn vẹn từ khâu biên kịch đến đạo diễn, từ quay phim đến âm nhạc cùng diễn xuất của hai ngôi sao điện ảnh một thời Lâm Tới và Thúy An.

phim chiến tranh

5. Biệt động Sài Gòn (1984 – 1986) phim chiến tranh

 

Biệt động Sài Gòn lấy cảm hứng từ câu chuyện của những chiến sĩ biệt động trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Loạt phim dài bốn tập lần lượt mang nhan đề: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giôngTrả lại tên cho em. Cùng với loạt phim tình báo khác là Ván bài lật ngửa từng trở thành hiện tượng những năm 1980, bốn tập phim kể trên vừa độc lập vừa có liên kết chặt chẽ với nhau đã tạo nên một con sốt vé cả trong Nam lẫn ngoài Bắc.

 

Bộ phim tô đậm tinh thần anh dũng, mưu trí và sự hi sinh của những chiến sĩ biệt động hoạt động trong lòng địch. Đan xen giữa các phân cảnh hành động căng thẳng là những trường đoạn tâm lý phức tạp của nhân vật đã đem tới một bộ phim đầy thuyết phục. Cùng sự chỉn chu trong dàn cảnh, bám sát nguyên mẫu có thật và sự cố vấn của đạo diễn Hải Ninh, thiếu tướng Trần Phụng, anh hùng Nguyễn Cụ,… bộ phim tránh được hạn chế hư cấu, phóng đại hay mang chất ngụ ngôn “thiện thắng tà”.

6. Cỏ lau (1992)

 

Cỏ lau được lấy cảm hứng từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Minh Châu, đặt bối cảnh trên mảnh đất Quảng Trị khô cằn từng là nơi mà nhiều người lính ngã xuống thời chiến trận. Sau này, chính tại vùng đất này mọc lên rất nhiều cây cỏ lau – loài cỏ dại tươi tốt và mãnh liệt sức sống.

 

Trong phim, Lực là một người lính sinh ra trên mảnh đất nắng gió của thành cổ. Trong cuộc chiến tranh ác liệt, anh phải tập kết ra Bắc, để lại Thai – người vợ trẻ cùng người cha già của mình ở lại. Vì nhiều lý do, Thai nghĩ chồng đã tử trận và quyết định đi bước nữa sau nhiều năm suy sụp. Bi kịch ập đến khi họ gặp lại nhau lúc chiến tranh kết thúc. Lực trở về quê hương, anh tìm lại ngôi nhà của mình, thấy di ảnh anh trên bàn thờ và phần nào hiểu được câu chuyện của vợ lẫn cha anh.

Đặt các nhân vật trong một tình thế trái ngang, đạo diễn buộc họ lần nữa đối mặt với cuộc chiến thảm khốc không kém khói lửa đạn bom. Đó là cuộc chiến cam go bên trong mỗi con người, cuộc đấu tranh day dứt để đi tìm sự hòa giải, chữa lành và những chọn lựa.

 

Bộ phim kết thúc với hình ảnh Lực và Thai đứng trên bãi cỏ lau cạnh hòn núi Tử Sĩ – ngày trước gọi là núi Vợ Chồng. Những cánh rừng cỏ lau tươi tốt mọc trên mồ chôn của hàng ngàn người lính trở thành một hình ảnh ẩn dụ chua xót, một “nhân vật” có tính biểu tượng cao xuyên suốt bộ phim cùng với dư âm thấm đẫm nỗi buồn.

 

7. Áo lụa Hà Đông (2006) phim chiến tranh

 

Áo lụa Hà Đông là bộ phim mang phong cách tự sự, kể về cuộc đời thăng trầm và sức sống mãnh liệt của cặp vợ chồng nông dân Dần – Gù (Trương Ngọc Ánh – Quốc Khánh) qua những biến động thảm khốc của lịch sử, từ cuộc cách mạng, kháng chiến chống thực dân Pháp trước năm 1954 tới những năm chiến tranh chống Mỹ.

 

Bộ phim mang màu sắc của một tác phẩm có tính biên niên ký về một giai đoạn lịch sử nhưng mục đích chính là hướng tới những người cùng khổ, những thân phận nhỏ bé bên lề xã hội. Dù nghèo khó, sinh tử kề cận, họ vẫn khát khao được sống và yêu thương nhau tới giây phút cuối cùng. Chiếc áo dài được truyền tay từ thế hệ này qua thế hệ khác trở thành kỷ vật duy nhất của gia đình nhỏ sáu người, biểu tượng thiêng liêng cho sự hy sinh, đoan trang và giấc mơ hòa bình.

Áo lụa Hà Đông được đánh giá là thoát được lối làm phim nặng tính tuyên truyền, ca ngợi như phần lớn các bộ phim chiến tranh Việt Nam. Đây là tác phẩm điện ảnh giàu tham vọng và cho thấy khả năng kể chuyện bằng hình ảnh của đạo diễn Lưu Huỳnh.

 

8. Đừng đốt (2009)

 

Là bộ phim truyện dài thứ tám của đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh, Đừng đốt mang tới những ám ảnh day dứt về thân phận nhỏ nhoi của con người trước chiến tranh, phức cảm về sự mất mát và bi kịch. Bộ phim dựa trên cuốn nhật ký cùng tên của Đặng Thùy Trâm, được nữ bác sĩ viết từ năm 1968 cho tới trước hai ngày khi chị hy sinh vào năm 1970. Quyển nhật ký được trao lại cho gia đình chị bởi một cựu binh Mỹ sau tận 35 năm kể từ khi chị qua đời. Đó là một câu chuyện cổ tích thời chiến loạn, đã gây nên những cảm xúc mãnh liệt cho khán giả.

Với Đừng đốt, đạo diễn không chỉ kể riêng câu chuyện của chị Thùy mà còn cả những câu chuyện chiến tuyến, bắt nguồn từ những suy tưởng dưới dòng chữ của một nữ y trẻ tuổi. Bộ phim không sa chân vào con đường bi lụy hóa câu chuyện nhưng vẫn để lại nhiều nỗi trăn trở cho người xem. Hình ảnh chị Thùy trên chiếc xe đạp, chân đi đôi dép cao su, ngân nga hát Bài ca hy vọng trở thành một hình ảnh giàu chất Việt Nam, giàu tính biểu tượng về ước mơ và khát vọng hòa bình…

 

9. Mùi cỏ cháy (2012) phim chiến tranh

 

Mùi cỏ cháy lấy bối cảnh chính là sự kiện Mùa hè đỏ lửa năm 1972 với trận chiến thảm khốc tại Thành cổ Quảng Trị. Bốn nhân vật chính trong phim là bốn cậu sinh viên là Hoàng, Thành, Thăng, Long. Rời ghế nhà trường, bốn thanh niên lên đường nhập ngũ năm 1971, cùng tham gia chiến đấu tại Thành cổ. Cũng mùa hè năm đó, Thành, Thăng, Long đã nằm lại dưới lòng đất thành cổ, còn Hoàng bị thương và sống sót trở về. Bộ phim kể lại dưới dòng hồi tưởng của Hoàng, khi ông đã luống tuổi và trở lại thăm trường học cũ lẫn chiến trường xưa, mang theo ký ức hoang hoải về tuổi trẻ, khát vọng dang dở của những người bạn “sống mãi tuổi 20”.

Mùi cỏ cháy đem tới nỗi buồn nhức nhối về bi kịch chiến tranh khi những thanh niên gác lại ước mơ sau quai súng, khi người đầu bạc tiễn người đầu xanh và những mối tình thanh xuân mới chớm bị dập tắt… Bộ phim được chấp bút bởi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, với cốt truyện chính dựa trên cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và sản xuất bởi Hãng phim truyện Việt Nam. Bộ phim cũng chiến thắng giải Cánh diều vàng năm 2011 cho các hạng mục quan trọng bao gồm Phim điện ảnh xuất sắcBiên kịch xuất sắc.

Từ

_________

Bài: Hoàng Thúy Vân

Ảnh: Tư liệu

No more