Review “Đào, Phở và Piano”: Hà Nội hào hoa rực sáng trên nền bom đạn

Bài Tuan Anh

Ra mắt khán giả vào dịp Tết Nguyên Đán 2024 và chỉ chiếu duy nhất tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, bộ phim "Đào, Phở và Piano" bất ngờ trở thành hiện tượng tại phòng vé lẫn trên mạng xã hội. Tác phẩm được đặt hàng bởi Nhà nước, với đề tài lịch sử, đã thành công chạm tới khán giả nhờ câu chuyện cảm động về con người và tinh thần Hà Nội trong cuộc chiến vệ quốc.

 

Đào, Phở và Piano được thực hiện và chắp bút bởi đạo diễn Phi Tiến Sơn. Phim được rót kinh phí hơn 20 tỷ đồng hoàn toàn từ ngân sách Nhà Nước. Lấy bối cảnh những ngày kháng chiến từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 tại Hà Nội. Đào, Phở và Piano đưa người xem ngược về những ngày khói lửa của quân và dân Thủ Đô trong cuộc chiến vệ quốc. Bằng thủ pháp kể chuyện phi tuyến tính, bộ phim đã khắc họa bức tranh về con người Hà Nội thời chiến và câu chuyện tình yêu say đắm giữa anh lính tự vệ Văn Dân ( Doãn Quốc Đam thủ vai) và cô tiểu thư Hà Thành ( Cao Thùy Linh thủ vai).

Từ

Tâm hồn con người Hà Nội trong “Đào, phở và piano”

 

Qua những khung hình duy mỹ, được chăm chút tỉ mỉ, Hà Nội xưa hiện lên đan xen giữa khung cảnh đau thương của chiến tranh và những thời khắc thanh bình, vàng son đầy hoài niệm. Cách kể chuyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại càng khắc sâu lên sự tàn phá của chiến tranh lên thủ đô, làm nổi bật sự đối lập giữa vẻ điêu tàn bởi đạn bom và sự tấp nập của đô thành thời bình.

đào phở và piano
Tạo hình của các nhân vật trong “Đào, Phở và Piano”

Trên nền chiến tranh khốc liệt, bức tranh về số phận, con người Hà Nội được khắc họa rõ nét. Hà Nội khói lửa năm ấy có chuyện tình quyến luyến của anh cảm tử quân tên Văn Dân và cô tiểu thư Hà thành tên Thục Hương; có một người họa sĩ già luôn khao khát vẽ được một bức tranh để đời; có chàng chiến sĩ cất công mang một cành đào về chiến lũy bởi “anh em trên chiến trường Tết này cũng thèm một cành đào đẹp”; có một ông Phán tây say mê hát ả đào nhưng nặng lòng với đất nước; có một vị cha xứ lánh đời nhưng sẵn sàng tác hợp cho tình yêu đôi lứa trong thời loạn lạc, có vợ chồng gánh hàng phở nán lại để nấu một bát phở ngon cho những người đồng hương còn ở lại; có cậu bé đánh giày luôn sục sôi tinh thần chiến đấu,…

 

Những thân phận thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội hiện lên với những câu chuyện riêng nhưng đều sở hữu chung một tâm hồn phong phú và tinh thần lãng mạn, hào hoa. Bom rơi lửa đạn không làm phai bạc cốt cách của những con người biết yêu, biết rung cảm, thưởng thức cái đẹp, biết giữ được một đời sống nội tâm thi vị trước sự khắc nghiệt của cuộc chiến. Những người lính trên chiến trường khốc liệt vẫn mong có được một cành đào đẹp ăn Tết, vẫn lặng người lắng nghe cô tiểu thư Hà Thành đàn một khúc piano dìu dặt. Ông phán Tây vẫn thưởng thức cái đẹp của nghệ thuật Tây phương và đau xót thay sao những người Tây ở cái xứ này lại tàn độc đến thế. Cái đẹp và những rung cảm vì cái đẹp vẫn rung lên ngay giữa buổi loạn lạc.

Những khung hình thơ mộng, duy mỹ là điểm sáng của phim.

Sự nền nếp và tinh thần tận hiến của những người con thủ đô

 

Chất hào hoa và sự phong phú trong tâm hồn của người Hà Nội còn thể hiện qua sự cầu kỳ, tinh tế và cẩn nghiêm giữ gìn lề lối. Tiêu biểu nhất là trong phân cảnh đám cưới giữa Văn Dân và Thục Hương vào đêm cuối cùng của cuộc chiến tại thủ đô. Trong khung cảnh đổ nát hoang tàn của chiến tranh, đôi tình nhân vẫn chuẩn bị một đám cưới nghiêm cẩn theo nghi thức Công giáo, trước sự chứng kiến của cha xứ và ông họa sĩ. Không gian đêm tân hôn cũng được chăm chút tinh tế với ánh nến, cành đào phai và tiếng nhạc da diết. Tất cả đều thể hiện sự trân trọng tuyệt đối với tình yêu, sự cẩn nghiêm với lề lối và sự cầu kỳ của những tâm hồn lãng mạn.

Đám cưới vội vã nhưng chỉn chu, trang trọng giữa khung cảnh hoang tàn của chiến tranh.

Hơn hết thảy, những con người Hà Nội trong Đào, Phở và Piano đều hiện lên với một tinh thần tận hiến vì tình yêu, lý tưởng và cái đẹp. Cặp tình nhân sẵn sàng yêu và bên nhau cho đến những giờ khắc cuối cùng; người cảm tử quân không ngại hy sinh thân mình chứ không chùn bước trước quân thù; người họa sĩ và vị cha xứ dùng máu của mình để tô thắm lá cờ đỏ sao vàng; cậu bé đánh giày khảng khái trước nòng súng của thực dân rằng cậu là người Hà Nội, người Việt Nam;… Bộ phim đã làm nên khúc tráng ca về tinh thần và cốt cách Hà Nội: hào hoa, kiêu hùng và bất khuất.

 

Những thiếu sót đáng tiếc của “Đào, phở và piano”

 

Dẫu cho Đào, Phở và Piano đã chạm tới trái tim của phần lớn khán giả với câu chuyện cảm động về con người Hà Nội, nhưng bộ phim vẫn còn đó những thiết sót đáng tiếc. Với tham vọng khắc họa một bức tranh thủ đô thời chiến đa dạng các tầng lớp, thân phận, bộ phim đã có phần ôm đồm các tuyến nhân vật. Các tuyến truyện phụ không thật sự được triển khai trọn vẹn, sắc nét. Sự liên kết, chuyển đổi giữa các tuyến truyện cũng có phần thiếu liền mạch và mượt mà.

 

Phần chuyển cảnh của bộ phim tiếp tục là một điểm đáng tiếc khi khá gấp gáp, thiếu liên kết dễ tạo ra cảm giác giật cục. Bối cảnh và kỹ xảo của tác phẩm vẫn còn một số hạn chế. Ngoài ra, bên cạnh nhiều khung hình duy mỹ, phim vẫn còn một số cảnh quay bị nhận xét là lạc lõng và không hài hòa với tổng thể. Ví dụ như những phân cảnh đặc tả tô phở được cho là giống những thước phim quảng cáo, không ăn nhập với các phân cảnh khác bởi thiếu đi chất điện ảnh.

phim chiến tranh

Tuy vậy, nhìn về tổng thể, Đào Phở và Piano vẫn là một bộ phim rất đáng xem bởi sự đầu tư về kịch bản lẫn hình ảnh và bởi sự khắc họa thành công một Hà Nội xưa hoài niệm, bi hùng, đầy khát vọng, tình yêu và sự thăng hoa của chủ nghĩa lãng mạn. Cho dù vẫn còn một số hạn chế nhưng cơn sốt hiện nay của bộ phim chắc chắn là một tín hiệu tích cực, đáng mừng với điện ảnh Việt. Hiện tượng của Đào, Phở và Piano hứa hẹn mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho dòng phim lịch sử nói chung và phim đặt hàng bởi Nhà nước nói riêng.

Review

________

Bài: Trinh Nguyễn

Ảnh: Tư liệu

No more