Review phim Bát Bách – Vị cứu tinh của điện ảnh Trung Quốc trong đại dịch

Bài ELLE Man

Bộ phim chiến tranh sử thi Bát Bách của đạo diễn Quản Hổ đã trở thành một hiện tượng hiếm thấy khi dẫn đầu doanh thu toàn cầu năm 2020. Trong một năm đầy khó khăn khi đại dịch Covid làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền công nghiệp điện ảnh toàn thế giới, Bát Bách trở thành “cứu tinh” của điện ảnh Trung Quốc khi đem về doanh thu 468,8 triệu USD trên toàn thế giới.

Mặc dù là cú hit lớn của phòng vé, tựa phim Bát Bách (The Eight Hundred) lại có quá trình ra mắt không hề dễ dàng. Ban đầu, bộ phim được chọn để chiếu mở màn cho LHP Quốc Tế Thượng Hải năm 2019. Nhưng trước khi LHP diễn ra, bộ phim đột ngột phải rút với “lý do kĩ thuật”. Ngày phát hành của bộ phim cũng bị lùi lại không rõ thời hạn. Phải đến hơn một năm sau, ngày 21/8/2020, bộ phim mới được ra mắt công chúng và gây tiếng vang lớn cả trong thị trường nội địa Trung Quốc và quốc tế.

Bộ phim chiến tranh sử thi Bát Bách gây ấn tượng với cuộc chiến hào hùng của 800 binh sĩ Trung Hoa trong cuộc kháng chiến chống Nhật.

Với kinh phí đầu tư lên tới 80 triệu USD, bộ phim đã tái hiện lại chân thực, hoành tráng và quy mô về trận chiến giữ kho Sihang (Tây Hàng Thương Khố) của 800 binh sĩ Quốc Dân Đảng trước sự tấn công của Phát Xít Nhật tại Thượng Hải năm 1937. Xây dựng trên nền sự kiện lịch sử có thật, bộ phim là khúc anh hùng ca về sự quả cảm, tinh thần anh dũng, lòng yêu nước, tự tôn dân tộc của những người lính Trung Hoa khi quyết tử thủ, bảo vệ phòng tuyến cuối cùng trước quân Nhật.

Từ trước đến nay, nền điện ảnh Trung Quốc vốn ghi dấu ấn đậm nét với khán giả qua những bộ phim mang đậm tính lịch sử. Các sự kiện lịch sử dân tộc đã từng là mạch nguồn cảm hứng chính trong những bộ phim của các đạo diễn thế hệ thứ 5 như Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu. Đến với thế hệ đạo diễn thứ 6 mà Quản Hổ là một cái tên tiêu biểu, những biến động lịch sử của quá khứ đã không còn là đề tài thế mạnh. Tuy nhiên, với tựa phim Bát Bách, Quản Hổ đã chứng minh rằng thế hệ của ông cũng có thể tạo ra những bộ phim sử thi vô cùng thành công, vừa kế thừa tính dân tộc từ thế hệ trước, vừa cho thấy sự bắt kịp xu thế với độ hoành tráng sánh ngang bom tấn Hollywood.

Đạo diễn Quản Hổ đã mất 10 năm ròng rã để thực hiện Bát Bách nên ta có thể thấy sự tỉ mỉ, chỉn chu và đầu tư trong từng phân cảnh của bộ phim. Toàn bộ phim được quay bằng máy quay kỹ thuật số 3D hiện đại để đem lại những khung hình chất lượng nhất cho khán giả. Những đại cảnh hoành tráng về các trận đánh lớn, bối cảnh quy mô, hiệu ứng sống động là điểm sáng đáng khen. Bát Bách có thể xem như là lời đáp trả của điện ảnh Trung Quốc tới các bộ phim bom tấn hoành tráng của Hollywood, khẳng định rằng nền điện ảnh nội địa cũng hoàn toàn có thể làm ra những bộ phim quy mô như vậy .

Khung cảnh cuộc sống đời thường ở tô giới được đạo diễn Quản Hổ xây dựng vô cùng tỉ mỉ, công phu.

Bệnh cạnh việc tái hiện lại khung cảnh cuộc chiến, đoàn làm phim cũng đã xây dựng một cách công phu hình ảnh cuộc sống của dân thường ở tô giới phía bên kia sông, đối diện với kho Sihang khói lửa. Điều này đã tạo nên sự tương phản sâu sắc giữa hai thế giới: một bên là thiên đường của cuộc sống hoà bình, thịnh vượng, một bên là địa ngục của chiến tranh và bom đạn. Tô giới bên sông vừa là giấc mộng đẹp đẽ đối với những người lính, vừa là động lực để họ xả thân chiến đấu. Chính bởi sự đối lập này mà tinh thần, ý chí và lý tưởng cao đẹp của những người lính được khắc hoạ càng thêm sâu sắc.

Bát Bách quy tụ dàn diễn viên thực lực đông đảo và không có nhân vật chính dẫn dắt mạch phim. Thay vào đó, tất cả các nhân vật đều là một mảnh ghép trong tổng thể câu chuyện. Đây có lẽ vừa là điểm mạnh, vừa là điểm yếu của phim. Việc đặt các nhân vật ngang hàng nhau giúp cho đạo diễn Quản Hổ có thể tạo nên một bức tranh phong phú, phức tạp và đa chiều về số phận những người lính. Tuy nhiên, càng về cuối phim, câu chuyện cá nhân của từng nhân vật dần trở nên mờ nhạt, chung chung, lỏng lẻo và thiếu điểm nhấn. Việc ôm đồm này vô tình khiến bộ phim thiếu sự dụng công đào sâu tâm lý, khiến cho câu chuyện của các nhân vật lướt qua màn ảnh mà không để lại ấn tượng mang đậm dấu ấn cá nhân cho khán giả.

Dàn diễn viên trong phim đều có màn hoá thân trọn vẹn, đem lại những cảm xúc chân thực cho khán giả.

Xuyên suốt 2 tiếng rưỡi đồng hồ, đạo diễn Quản Hổ liên tục trình diễn những phân cảnh chiến tranh hào hùng và bi tráng. Trong sự khốc liệt của bom đạn, những tinh thần bất khuất, những lý tưởng cao đẹp ngời sáng dễ dàng gây xúc động không chỉ đối với người dân Trung Quốc mà còn với cả khán giả quốc tế. Tuy nhiên việc trải dài những phân cảnh bi tráng suốt bộ phim cũng khiến cho cảm xúc của khán giả khó được đẩy lên cao trào ở hồi cuối. Tương tự như nhiều bộ phim mang màu sắc tuyên truyền của điện ảnh Trung Quốc, Bát Bách quá tập trung khai thác sự kiêu hùng cuộc chiến với các đại cảnh chiến đấu xuất hiện dày đặc mà lơ là việc đào sâu những số phận cá nhân của con người. Đây cũng là một điểm yếu đáng tiếc của bộ phim.

Nhìn chung, Bát Bách vẫn là một tựa phim đáng xem của điện ảnh Trung Quốc. Trên trang phê bình phim Rotten Tomatoes, bộ phim hiện đang nhận được đánh giá 86%. Đạo diễn Quản Hổ đã cho thấy sự nỗ lực và tài năng của mình với một bộ phim sử thi chiến tranh hoành tráng, đầu tư. Với sự chỉn chu, Bát Bách rất xứng đáng có được những con số choáng ngợp về doanh thu ở phòng vé nội địa Trung Quốc lẫn trên toàn thế giới.

Review

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Nguyên Minh

No more