Theo dấu kỳ quan ở Bắc Ireland

Bài Trúc Đoàn

500km đi – về trên cao tốc Marine ở Bắc Ireland qua 5 lâu đài, một khu rừng nguyên sinh, hai thác nước, một cây cầu treo ngoạn mục và gành đá đĩa Giant’s Causeway. Điều hấp dẫn nhất của hành trình này là tôi được du ngoạn trên cung đường ven biển qua các kỳ quan bằng phương tiện quen thuộc là xe máy.

Lữ khách đến xứ mù sương Anh quốc, có quá nhiều điều để khám phá, chỉ riêng London mà nói như Tom Jones – cây viết lữ hành quen thuộc ở London – rằng: “Chán sống thì mới chán London”. Thế nên dù chưa chán London, nhưng khi quyết định chuyển hướng lên Bắc Ireland, tôi cần tìm nhiều hơn những lý do thú vị để tiêu tốn thời gian cho miền đất xa xôi này, và cung đường ven biển Coastal Way nối từ Belfast lên County Antrim, Bắc Ireland – nơi được dân chơi mô-tô phân khối lớn mệnh danh là một trong 10 cung đường ven biển đẹp nhất thế giới – chính là một hấp dẫn để tôi nhập cuộc.

Cảnh quan ngoạn mục là vẻ đẹp đồng hành suốt trên cung đường Coastal Way.
Cảnh quan ngoạn mục là vẻ đẹp đồng hành suốt trên cung đường Coastal Way.

Đáp máy bay đến Belfast từ London, đích đến cần nhất là điểm thuê xe mô-tô phục vụ cho hành trình khám phá cung đường ven biển mà theo biện minh của dân du lịch bằng xe máy là: “Lái xe hơi giống như đang xem phim, còn nài xe máy tức là đang đóng phim”. Belfast không có dịch vụ cho thuê xe máy, tôi phải tìm đến ga chính ở Belfast là Great Victoria Street theo chuyến tàu nhanh đến Lisburn – thành phố lớn thứ 3 ở Bắc Ireland, với chỉ khoảng 15 phút đồng hồ, nơi có điểm thuê xe của Phillip Mccallen, tay đua mô-tô huyền thoại của Anh hiện theo nghề phân phối và cho thuê mô-tô phân khối lớn có quy mô hàng đầu tại Bắc Ireland.

Đến lò xe của Phillip ở Portman, ngoại vi Lisburn, tôi bị sốc nhẹ bởi độ khủng của các chủng loại xe và quy mô cửa tiệm Phillip sở hữu. Phổ thông nhất là sportbike và nakedbike với công suất máy trung bình từ 1.200cc  đến 1.750cc, nếu nài mấy con xe cỡ đấy phân khối, với đủ nai nịt của bộ găng giáp, bảo vệ gối chỏ, cùng cái “nồi cơm điện” đội đầu to vật, hẳn lý tưởng cho trải nghiệm tốc độ chứ không phù hợp cho kiểu thong dong ngoạn cảnh khám phá những thú vị ở các điểm đến trên cung đường Coastal Way vốn dĩ hấp dẫn bởi vẻ đẹp đặc biệt hiếm nơi nào bì kịp. Thật may khi cuối cùng cũng tìm được con “chiến mã” phù hợp là chiếc SH150cc hiếm hoi trong lò xe, cộng với vài thủ tục ký tên đơn giản, không tiền đặt cọc, cũng chẳng cần bằng lái vì Phillip khi biết tôi đến từ Việt Nam đã trấn an cộng sự: “Tụi này sinh ra và lớn lên trên xe máy rồi nên cứ an tâm để chú ấy lấy xe đi”.

Tôi nài con xe bắt nhịp vào cao tốc nối từ Lisburn lên Belfast trong niềm hạnh phúc không hề nhỏ, bởi ngoài chuyện như đang được… “đóng phim”, tôi còn tự chủ mọi tốc độ, thời gian và điểm đến suốt hành trình. Những phố xá, nhộn nhịp giao thông trên cao tốc ở Lisburn và Belfast dần lùi xa khi bắt đầu vào tuyến đường mong đợi nhất cao tốc A2 Marine Highway cặp sát mép biển để đến với kỳ quan đầu tiên là lâu đài Carrickfergus xây dựng từ cách đây hơn 8 thế kỷ. Ở Bắc Ireland, trong tổng số 18 lâu đài và phế tích tồn tại từ thời Trung cổ thì Carrickfergus là kiến trúc đồ sộ và hoàn hảo nhất. Ở nửa đầu thế kỷ 20, lâu đài này từng được trưng dụng để trở thành kho vũ khí và nơi chứa máy bay qua hai cuộc Đệ nhất và Đệ nhị thế chiến.

Lâu đài Carrickfergus, cửa ngõ vào cung đường ven biển Coastal Way
Lâu đài Carrickfergus, cửa ngõ vào cung đường ven biển Coastal Way

Nét ấn tượng của Carrickfergus chỉ mới là khởi đầu, tôi tiếp tục qua lâu đài Glenarm, đi tiếp đến Cushendall nơi có khu rừng nguyên sinh Glenariff với hệ thống thác nước đẹp và nguyên sơ mà người bạn ở Belfast khuyên nên phải ghé bởi vẻ đẹp mượt mà của nó. Nhờ phương tiện xe máy, tôi tiếp cận gần nhất có thể vào tuyến đường mòn được dân yêu thích môn đi núi sử dụng, cộng với khoảng nửa giờ đi rừng, tôi tìm đến được thác Glenariff, kế đến là Ess-na-Crub (thác móng ngựa), cảnh quan thật ngoạn mục, nhưng hoang vắng đến độ suốt hành trình vào ra chẳng gặp vị khách nào khác.

Du lich Ireland 2

Thác móng ngựa trong cánh rừng Glenariff một trong những thác nước đẹp nhất ở Bắc Ireland
Thác móng ngựa trong cánh rừng Glenariff một trong những thác nước đẹp nhất ở Bắc Ireland

Rời rừng hoang Glenariff trở lại cung đường ven biển, tôi đến được lâu đài Bally mà giờ chỉ còn lại phế tích rêu phong theo thời gian. Điểm dừng kế tiếp không thể bỏ qua là cây cầu treo đặc biệt có tên gọi Carrick-a-Rede, dịch nghĩa theo cổ ngữ Ireland là “phiến đá đánh lưới”. Cây cầu treo là lối đi duy nhất nối đất liền với các cụm đảo liền kề ngoài khơi, cách mặt biển khoảng 30m, do ngư dân tạo ra từ hơn 350 năm trước để phục vụ việc đánh bắt cá hồi khi vào mùa (từ tháng 6 – 9 hàng năm).

Cây cầu treo trứ danh Carrick-a-Rede nay được gia cố vững chãi để phục vụ du khách
Cây cầu treo trứ danh Carrick-a-Rede nay được gia cố vững chãi để phục vụ du khách

Du lich Ireland 8

Kỳ quan mong đợi nhất của hành trình là Giant’s Causeway – Di sản thiên nhiên thế giới từ 1986, nơi có hơn 40.000 trụ đá hình lục lăng xen kẽ, chồng lên nhau tạo thành một gành đá ngoạn mục với những cột trụ cao đến 12m. Về mặt địa chất, chính những phun trào của nham thạch từ hơn 60 triệu năm trước đã tạo ra Giant’s Causeway. Nhưng trong thần thoại Ireland, những phiến đá kỳ dị ấy chính do chàng khổng lồ Finn McCool tạo nên.

Những phiến đá xếp kỳ diệu ở Giant’s Causeway
Những phiến đá xếp kỳ diệu ở Giant’s Causeway

Rời gành đá đĩa, tôi đi tiếp đến lâu đài Dunluce, được mệnh danh là pháo đài của những pháo đài bởi độ kỳ vĩ của vị trí tọa lạc và khả năng phòng vệ từ những tường thành đầy kiên cố. Lâu đài này hình thành từ thế kỷ 14, và luôn khiến người lạ phải rùng mình bởi câu chuyện về một bóng ma trắng – con trai dòng họ quyền thế ở Bắc Ireland là McQuillan luôn vất vưởng, ẩn hiện quanh lâu đài, cùng thảm họa sạt lở khiến 7 người bếp thiệt mạng ở thế kỷ 17 trong một đêm giông bão, khiến lâu đài trở nên hoang phế từ đó. Tôi lang thang quanh lâu đài, chẳng gặp ma, cũng chẳng có du khách nào lai vãng, chỉ có tiếng gió rít theo nhịp sóng ì oạp vào vách đá giữa một vùng hoang vu, bao la. Nhưng phải công nhận, trong số các lâu đài ở Bắc Ireland mà tôi tiếp cận, Dunluce là lâu đài đẹp nhất.

Lâu đài Dunluce trên mỏm đá nhô ra biển khơi
Lâu đài Dunluce trên mỏm đá nhô ra biển khơi

Kết thúc chuyến đi – về kéo dài 2 ngày cho khoảng cách gần 500km để chinh phục cung đường kỳ ngoạn Coastal Way mà từng điểm đến đều mang lại những câu chuyện thú vị. Cảm giác độc hành qua vùng cảnh quan ngoạn mục ở Bắc Ireland đem lại thật nhiều cảm xúc, ấn tượng và đó là hành trình hấp dẫn nhất trong các chuyến du ngoạn bằng xe tự lái mà tôi từng trải nghiệm.

Vẻ đẹp đặc trưng với dải sóng trắng ở White Park Bay trên cung đường Coastal Way.
Vẻ đẹp đặc trưng với dải sóng trắng ở White Park Bay trên cung đường Coastal Way.

Tips

Bạn nên đi theo cung đường này vào cuối Xuân đầu Hè để tránh sương mù và những cơn gió biển mạnh.

Belfast là thành phố ăn chơi bậc nhất của Ireland, bạn nên dành riêng ở đây một ngày để ghé thăm các địa điểm ăn uống và bar.

Du lich Ireland 4
Rừng quốc gia Glenariff là một trong những địa điểm bạn rất nên ghé khi đã tới khu vực Antrim.

Có một cung đường khác là The Wild Atlantic Way (Đường vành đai dọc bờ biển) của Ireland có độ dài  2.600km, là đường vành đai biển dài nhất thế giới. Con đường này bắt đầu từ Inishowen ở phía Bắc tới thành phố xinh đẹp Kinsale ở phía Nam. Cung đường này được coi là bức chân dung phong phú của đất nước Ireland với những cảnh sắc hùng vĩ và kỳ diệu của tự nhiên, sự bình yên và đặc sắc của những ngôi làng cũng như những công trình kiến trúc đã ở lại cùng lịch sử. Điều đặc biệt khác là vì Ireland nằm ngay bậc thềm Đại Tây Dương nên cảnh sắc các vùng bờ biển liên tục thay đổi cùng với tác động của  đại dương lên đất liền.

Những

Bài và ảnh: Nguyễn Đình

No more