Review “Thiếu niên và chim diệc”: Thế giới thật bất toàn nhưng cũng thật đẹp đẽ

Bài Tuan Anh

Không tham vọng trở thành một đỉnh cao khác, The Boy and the Heron (tựa tiếng việt: Thiếu niên và chim diệc), tác phẩm được xem là lời giã từ của Hayao Miyazaki với người hâm mộ, là sự đối thoại và tỏ bày của chính ông về bản chất của cuộc đời cũng như hành trình nghệ thuật và sự gắn bó với hãng phim Ghibli của mình.

 

*Bài viết “Thiếu niên và chim diệc của hãng phim Ghibli: Thế giới thật bất toàn nhưng cũng thật đẹp đẽ” có tiết lộ nội dung phim.

 

Hayao Miyazaki, một huyền thoại sống, một trụ cột của hãng phim hoạt hình Ghibli trứ danh của Nhật Bản đã trở lại với tác phẩm Thiếu niên và chim diệc trong năm nay. Lấy bối cảnh cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, cậu thiếu niên Mahito phải cùng với bố và người dì Natsuko – cũng là mẹ kế của mình – về sinh sống ở một vùng quê. Cái chết của mẹ Mahito dưới ngọn lửa trong bệnh viện Tokyo đã để lại một khoảng trống khó lấp đầy trong lòng cậu, đồng thời cũng gây ra sự khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống mới và đặc biệt, với người mẹ mới. Một ngày, sự xuất hiện của một con chim diệc biết nói kỳ lạ cũng như những bí ẩn về tòa lâu đài gần nhà đã dẫn bước Mahito vào một cuộc phiêu lưu kỳ lạ.

 

Sử dụng chim diệc, một biểu tượng cho sự kiên nhẫn và tỉnh thức trong tâm hồn, Miyazaki đã dự báo rằng hành trình của cậu bé Mahito là hành trình nhìn sâu vào chính mình, để rồi nhận ra nhiều điều trong đời sống.

ghibli
Cậu bé Mahito và chim diệc ở một cảnh trong phim. (Ảnh: Tư liệu)
5

Cuộc hành trình trưởng thành đậm chất Ghibli

 

Cũng như những bộ phim trước của Ghibli, Thiếu niên và chim diệc cũng theo chân một nhân vật trung tâm bước vào một cuộc phiêu lưu kỳ ảo. Trong cuộc hành trình tựa như giấc mơ dài ấy, nhân vật sẽ tương tác với thế giới xung quanh, với những con người mới có phần kỳ quặc để từ đó nhận ra bản chất của cuộc sống cũng như thấu hiểu chính mình.

 

Tuy nhiên, điểm đặc biệt ở tác phẩm lần này nằm ở động cơ bước vào chuyến phiêu lưu của cậu bé Mahito, nhân vật chính của tác phẩm. Có thể thấy ở đầu phim, việc nhân vật chim diệc liên tục nhắc đi nhắc lại về việc mẹ của Mahito vẫn còn sống, cộng hưởng với những giấc mơ kỳ lạ về người mẹ xấu số liên tục cầu cứu con trai mình trong biển lửa, đã khiến khán giả nhầm tưởng rằng hành trình của cậu là hành trình tìm kiếm người mẹ tưởng chừng đã chết của mình. Thế nhưng tất cả đã thay đổi kể từ khi người dì và cũng là mẹ kế của Mahito là Natsuko mất tích trong toà lâu đài, và cuộc hành trình của cậu bây giờ không còn là tìm kiếm mẹ ruột nữa, mà là tìm lại người mẹ kế. Tại sao lại có sự đảo chiều này?

 

Ở đầu phim, ta có thể nhận ra rằng, dù cho không có cãi vả, nhưng mối quan hệ giữa Mahito và Natsuko chẳng mấy gần gũi. Cậu luôn nói chuyện và đối xử với mẹ kế một cách nghiêm cẩn, vẫn gọi là “dì Natsuko” chứ không là “mẹ”. Sự đảo chiều giữa “mẹ ruột – mẹ kế” là cuộc hành trình Mahito chấp nhận những gì đang diễn ra trong cuộc sống của mình, chấp nhận rằng người mẹ hiện tại của cậu là dì Natsuko. Giây phút cậu gọi dì là “mẹ” trong căn phòng sinh nở ở thế giới sau lâu đài đã đánh dấu bước ngoặt trong nhận thức và cách nhìn nhận của cậu.

 

Ý nghĩa về việc chấp nhận mọi thứ như nó vốn xảy ra đã gợi nên một ý nghĩa khác, đó là trên hành trình trưởng thành, ta buộc phải chấp nhận rằng những gì ta luôn khao khát đôi khi sẽ không thành hiện thực.

ghibli
Mahito gặp người mẹ Himi lúc còn là một thiếu nữ ở thế giới bên kia tòa lâu đài. (Ảnh: Tư liệu)

Lý giải về bản chất của thế giới

 

Trong Thiếu niên và chim diệc, Hayao Miyazaki đặt ra câu hỏi: liệu rằng có tồn tại một thế giới đẹp đẽ tuyệt đối hay không? Và những điều đẹp đẽ ấy liệu có tồn tại mãi mãi?

 

Có thể thấy hầu hết các nhân vật trong phim đều không hoàn hảo, đều có những tính xấu và cả lỗi lầm. Người bố dù rất sốt sắng, nhiệt tình, nhưng ông hầu như chưa lần nào lắng nghe cũng như thấu hiểu tâm tư của con trai. Bà Noriko thì dùng mọi cách, thậm chí là bày mưu đổi chác để có được thuốc lá. Cậu bé Mahito tự dùng đá đập vào đầu mình để khiến cả nhà nháo nhào lên về những gì diễn ra ở trường. Và rồi ở đằng sau lâu đài, ngỡ như muốn xây dựng nên một thế giới hoàn hảo, vẫn là bộ máy thống trị với sự đứng đầu là vua vẹt cùng một lũ vẹt chỉ hành động như những cỗ máy được lập trình sẵn. Liên kết điều này với bối cảnh của phim là chiến tranh thế giới thứ hai, Miyazaki như muốn nói rằng, mầm mống của những cuộc chiến luôn bắt nguồn từ những góc tối sâu thẳm của con người khi được bộc lộ. Sự ganh ghét và bắt nạt của những đứa trẻ ở trường đối với Mahito chính là bước đầu, là khởi nguyên cho bạo lực về sau, và chính nó đã đánh thức góc tối trong tâm hồn của cậu, từ đó có thể dẫn đến những hệ luỵ về sau mà nếu không kịp thời ngăn chặn, mọi việc sẽ đi xa hơn cả những gì ta có thể tưởng tượng.

 

Nhưng liệu rằng ta có thể phá bỏ đi tất cả những thứ gọi là quyền lực, dã tâm để hướng đến một thế giới hoàn hảo tuyệt đối? Trong phim, vị Tháp chủ cũng là ông cố của Mahito mong muốn sẽ có người kế nhiệm mình để có thể giữ cho thế giới này luôn được cân bằng, luôn trở nên tươi đẹp, đồng thời cũng cho rằng cái thực tại mà Mahito đang sống là một “thế giới ngu ngốc” khi cậu bày tỏ nguyện vọng muốn được quay về. Và rồi tất cả những nỗ lực của Tháp chủ trong phút chốc đã hoá tro tàn, khi vua vẹt, vì thất bại trong việc xếp những hình khối biểu trưng cho sự “cân bằng” của thế giới, bèn tức giận nên đã dùng gươm chém phanh nó đi. Sự toàn vẹn tan biến trong khoảnh khắc.

 

Giây phút ấy dường như đã nói lên rằng, việc tạo nên một thế giới hoàn hảo đến cuối cùng chỉ là một sự ảo tưởng. Khi nào còn những xung động trong tâm hồn, khi đó thế giới vẫn luôn tồn tại cả bóng tối và ánh sáng, tồn tại cả những gì đẹp đẽ lẫn những gì khắc nghiệt nhất trong con người chúng ta.

ghibli

Thiếu niên và chim diệc cũng muốn nói rằng, cái đẹp là thứ vô cùng mong manh nhưng bất kỳ ai cũng muốn níu giữ nó. Nhiều người diễn giải bộ phim như lời tâm sự của Miyazaki về tương lai của Ghibli, khi giờ đây ông đã già và không tìm được người kế nhiệm. Bộ phim như ngầm hỏi khán giả, đặc biệt là những người hâm mộ lâu năm của Ghibli, rằng cứ nên tiếp tục tìm ra hậu duệ sáng giá để tiếp tục duy trì hãng phim, hay để hãng phim kết thúc với tất cả sự rực rỡ của nó? Hỏi rộng ra, con người ta có nên cứ mãi níu giữ hào quang dẫu nó đang lung lay hay từ bỏ nó ở thời điểm nó huy hoàng nhất?

 

Có thể thấy, Thiếu niên và chim diệc từ đầu đã chẳng mang tham vọng trở thành một đỉnh cao mới của Miyazaki nói riêng và Ghibli nói chung, chẳng mang tham vọng để trở thành một Vùng đất linh hồn khác. Nó dường như là một sự nhắc lại, một lời tỏ bày, một lời nhấn mạnh của Miyazaki về cuộc đời của mình, về tương lai của hãng phim, và về bản chất của đời sống.

hoạt hình
Đạo diễn Hayao Miyazaki, linh hồn của Ghibli. (Ảnh: Tư liệu)

Vì lẽ đó, Thiếu niên và chim diệc như một lời gợi nhắc rằng, dù thế giới mà ta sống hiện tại có bất ổn đến đâu, dù đời sống hiện tại có đầy rẫy những cay đắng thế nào, ta vẫn có thể đối mặt và chấp nhận nó một cách bình thản. Người mẹ của Mahito có thể không còn sống, nhưng cậu bé vẫn chấp nhận người dì Natsuko là mẹ mới của mình. Và ta hãy cứ tin vào những giấc mộng thần tiên ấy dù chúng có thể không có thật đi chăng nữa. Thế giới này thật bất toàn nhưng cũng đẹp đẽ bởi thứ niềm tin đó.

ELLE

_______

Bài: Nam Lê

No more