Bản sắc văn hóa dân tộc trong tác phẩm của nghệ sĩ trẻ Việt Nam

Bài Tuan Anh

Trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ âm nhạc, hội họa, điện ảnh và thời trang, yếu tố bản sắc dân tộc vẫn được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm của nghệ sĩ Việt.

Chỉ vừa mới ra mắt, ca khúc À Lôi nhanh chóng tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội. Vốn là người con của Tây Bắc, rapper Double 2T đã kết hợp với Masew, một producer nổi tiếng với việc sử dụng các chất liệu dân gian, làm nên bản hit với thanh âm núi rừng và các từ ngữ dân tộc trong các bản rap. (“À lôi” hay “à lôi nỏ” là một câu nói cảm thán đặc trưng của người Tày, có nghĩa là “hả?”, “ôi trời”.)

Hai nghệ sĩ trẻ đã đem bản sắc văn hóa của người miền núi đến gần hơn với công chúng khi bài rap À Lôi vừa ra mắt đã đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng YouTube, thu hút hơn 8,1 triệu lượt xem.

Không chỉ có bài hát, các trào lưu lấy cảm hứng từ nhạc phẩm này như xu hướng biến hình trên nền tảng Tiktok cũng được hưởng ứng rộng rãi. Hình ảnh những cô gái, chàng trai bản nhảy múa trên nền bài nhạc sôi động thu về hàng trăm nghìn đến hàng triệu lượt xem.

Âm nhạc chuyển tải văn hóa dân tộc vốn đã tồn tại từ rất lâu. Tuy nhiên các nghệ sĩ trẻ càng vận dụng sáng tạo, phối kết hợp các yếu tố dân tộc với tinh thần thời đại khiến cho các sản phẩm của họ bùng nổ mạnh mẽ.

Không chỉ có bài hát “À Lôi”, các trào lưu lấy cảm hứng từ nhạc phẩm này như xu hướng biến hình trên nền tảng Tiktok. (Ảnh: Tư liệu)
“Bird

Bản sắc dân tộc trong âm nhạc Việt

Cùng chung một công thức, cách đây 10 năm, cụm từ “ai mặc noọng lái lai” đã quá quen thuộc với bao thế hệ 8x, 9x. Chúng ta có thể xa lạ với ngôn ngữ của các dân tộc Việt Nam, nhưng chắc chắn không ai không biết “Ai mặc noọng lái lai tiếng Thái có nghĩa là “anh yêu em”.

Ngay khi ra mắt, hình ảnh cô gái trẻ trong bộ trang phục dân tộc của ca sĩ Đoàn Thúy Trang giữa khung cảnh bảng lảng sương khói vùng Tây Bắc đã khiến nhiều khán giả trầm trồ. Sức hút của Tình yêu màu nắng kể từ ngày ra mắt cho đến bây giờ dường như vẫn chưa hề giảm sút, bất chấp thời kì bấy giờ mạng xã hội vẫn chưa phát triển bùng nổ.

Hình ảnh cô gái trẻ trong bộ trang phục dân tộc của ca sĩ Đoàn Thúy Trang giữa khung cảnh bảng lảng sương khói vùng Tây Bắc. (Ảnh: Tư liệu)

Để Mị nói cho mà nghe không chỉ là bản hit lớn của Vpop năm 2019, mà còn là sản phẩm mang tính bước ngoặt đưa Hoàng Thùy Linh và DTAP lên đỉnh vinh quang và góp phần đưa tên tuổi cô tiếp cận với khán giả nước ngoài. Yếu tố then chốt giúp “cô Mị” tạo điểm nhấn là âm hưởng Tây Bắc được lồng ghép thú vị trên nền nhạc EDM. MV Để Mị nói cho mà nghe tái hiện lại không gian văn hoá người dân tộc Mông với hình ảnh họp chợ, các trò chơi dân gian, tục bắt vợ… Sự xuất hiện của nữ ca sĩ trong trang phục của  dân tộc Mông với họa tiết và hoa văn sặc sỡ nổi bật phối cùng sneakers và sandals hiện đại càng tạo nên nét chấm phá thú vị mới mẻ cho tác phẩm.

rang phục người Mông phối với sneaker thời thượng của nàng Mị trong “Để Mị nói cho mà nghe” (Ảnh: MV ca khúc)

Bên cạnh đó, rất nhiều MV thú vị có sự tham chiếu bản sắc dân tộc như Bống Bống Bang Bang (365 band), Có thương nhau thì đứng làm trái tim em đau, Bùa yêu (Bích Phương), Thị Mầu ( Hòa Minzy),…

Ngoài ra, bản sắc dân tộc còn được thể hiện rõ nét trong giai điệu, tiết tấu, nhạc cụ. Tiêu biểu, Người yêu người ở đừng về” của Đức Phúc sử dụng yếu tố dân ca quan họ Bắc Ninh; Chân Ái (Orange, Châu Đăng Khoa, Khói), có sử dụng nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn tỳ bà, sáo,…; Rửa gần rơm lâu ngày cũng bén (Phùng Khánh Linh) có kết hợp giữa EDM và quan họ Bắc Ninh. Gần đây nhất, ca khúc Vũ trụ có anh của Phương Mỹ Chi cũng có kết hợp  của ca trù, nhạc ngũ cung và cả nhạc disco được lấy cảm hứng từ Disney qua các bộ phim hoạt hình cổ tích hiện đại,…

Ca khúc “Vũ Trụ Có Anh” của Phương Mỹ Chi

Nỗ lực đưa bản sắc dân tộc Việt Nam lan tỏa trong nhiều lĩnh vực

Ở thời điểm hiện tại, thể hiện bản sắc dân tộc không chỉ gói gọn trong âm nhạc mà còn bộc lộ qua những môn nghệ thuật khác, qua những nhân vật truyền cảm hứng.

Về nhân vật truyền cảm hứng, tại s ân khấu Miss Universe 2018, H’Hen Niê đã ghi tên mình vào top 5 người đẹp nhất hành tinh với câu trả lời ứng xử truyền cảm hứng: “Tôi đến từ một dân tộc thiểu số, thay vì tảo hôn, tôi đã lựa chọn đi học. Nếu tôi làm được, các bạn cũng làm được”.

Cộng đồng quốc tế từng xôn xao với khoảnh khắc hoa hậu H’Hen Niê trong trang phục truyền thống của dân tộc Êđê trao lại vương miện cho người kế nhiệm của cuộc thi hoa hậu hoàn vũ Việt Nam. H’Hen Niê khoác trên mình bộ váy đen với hoa văn giản dị, bước đi trên đôi chân trần và toả sáng giữa một rừng nhan sắc với váy áo lộng lẫy.

H’Hen Niê và màn Final Walk bằng chân trần với trang phục truyền thống người Êđê. (Ảnh: Tư liệu)

Trong các bộ môn nghệ thuật khác, bản sắc văn hóa dân tộc Việt cũng được thể hiện rõ nét. Trong điện ảnh, Song Lang của đạo diễn Leon Lê không chỉ mang câu chuyện Việt Nam đầy mỹ cảm đến với thế giới, mà còn làm xúc động chính những khán giả trong nước môn nghệ thuật truyền thống cải lương đang dần mai một. Hay như Tấm Cám: Chuyện chưa kể, bất chấp những tranh cãi về kịch bản, bộ phim này cũng góp phần giúp công chúng rầm trồ trước những cảnh quay hoành tráng và hoàn toàn thuần Việt ở Ninh Bình với di tích cố đô Hoa Lư (đền vua Đinh), chùa Bái Đính,…

Song Lang (Ảnh: Tư liệu)
Vẻ đẹp Việt Nam trong bộ phim “Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể”

Trong lĩnh vực khác, rất nhiều người trẻ tiếp tục gửi gắm văn hóa Việt vào tác phẩm của mình như Giang Giô luôn đặt chất liệu văn hóa dân gian vào trong tranh của mình. Hay gần đây, Vietnam Centre – một tổ chức văn hóa phi lợi nhuận do các du học sinh Việt Nam tại Úc sáng lập năm 2017 với hơn 100 thành viên thường trực – đã tạo được tiếng vang khi cho ra mắt Dệt nên Triều đại – dự án nghiên cứu, phục dựng và biên soạn bộ sách song ngữ Việt – Anh giới thiệu trang phục Việt Nam qua các thời kỳ. Tác phẩm này đã được đưa vào Thư viện Quốc gia Úc, Thư viện Đại học Harvard và nhận được phản ứng tích cực của công chúng.

Bộ ba tác phẩm Tam đa Phúc – Lộc – Thọ của họa sĩ Giang Giô
“Dệt nên Triều đại” – dự án nghiên cứu, phục dựng và biên soạn bộ sách song ngữ Việt – Anh giới thiệu trang phục Việt Nam qua các thời kỳ. (Ảnh: Tư liệu)

Tại ELLE Fashion Show 2022, yếu tố văn hóa Việt đã được thể hiện khéo léo trong lĩnh vực thời trang, qua  4 thương hiệu nội địa: KHAAR, SUBBTLE LE NGUYEN, HANOIA và CHATS by C.DAM. Dù khác nhau về phong cách, triết lý thiết kế và hướng đi, cả 4 nhà thiết kế đều tìm thấy cảm hứng từ văn hoá truyền thống Việt Nam. Âm nhạc trong show diễn này cũng là sự pha trộn giữa thanh âm đương đại với điểm nhấn cổ truyền đậm chất Việt Nam, kết hợp với ánh sáng và hiệu ứng đặc biệt nhằm tạo nên cảm xúc bùng nổ.

Tại ELLE Fashion Show 2022, yếu tố văn hóa Việt đã được thể hiện khéo léo trong lĩnh vực thời trang. (Ảnh: DAINGO Studio)

Có thể thấy, kho tàng văn hoá Việt Nam là nguồn tư liệu phong phú và bất tận. Với những góc nhìn trẻ trung, tích cực và mới mẻ về văn hoá và bản sắc dân tộc, giới trẻ đặc biệt là các nghệ sĩ đang nỗ lực khẳng định cá tính riêng của mình khi kết hợp những nét đẹp truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm nghệ thuật. Điều này hứa hẹn những dấu ấn văn hóa mới trong tương lai.

4

_____________

Bài: Thanh Ngô

No more