Tẩy tế bào chết giúp bạn cải thiện đáng kể nhiều vấn đề về da như: kết cấu, sắc tố, mụn, nếp nhăn,… Tuy nhiên, nếu sử dụng sai, nó có thể phản tác dụng. ELLE Man sẽ đưa ra những điều mà bạn cần biết về tẩy da chết, cách sử dụng cũng như lưu ý cơ bản.
Phân biệt các loại tẩy tế bào chết
Như bạn có thể đã biết, các sản phẩm tẩy tế bào chết được chia thành hai loại chính: vật lý (ví dụ như khăn tẩy da chết) và hóa học. Tẩy tế bào chết vật lý thường sẽ chà xát lên trên bề mặt da nhiều hơn bằng các loại khăn hay bông chuyên dụng.
Mặt khác, các chất tẩy tế bào chết hóa học dưới dạng toner, serum hoặc mặt nạ thường hiệu quả hơn. Về cơ bản, chúng hoạt động bằng cách hòa tan liên kết giữa các tế bào, vốn là chất keo giữ các tế bào da lại với nhau. Bằng cách này, nó loại bỏ các tế bào da chết trên bề mặt.
Bạn nên ưu tiên sử dụng phương pháp hóa học. Nó hiệu quả hơn vì chứa những thành phần có tác dụng điều trị những vấn đề cụ thể da, bao gồm kết cấu, mụn và sắc tố. Tuy nhiên, nếu bạn thích sử dụng tẩy tế bào chết vật lý, hãy nhớ xoa nhẹ nhàng, đừng quá mạnh tay.
Tẩy tế bào chết vật lý:
Tẩy tế bào chết hoá học:
Lựa chọn loại acid
Acid tẩy tế bào chết được chia thành hai loại chính: alpha hydroxy acid (AHA) và beta hydroxy acid (BHA).
AHA có hiệu quả nhất trong việc luân chuyển tế bào và loại bỏ tế bào da chết trên bề mặt. Glycolic acid được coi là tiêu chuẩn vàng. Nó là một trong những thành phần tái tạo bề mặt hiệu quả nhất. Glycolic acid có thể giúp kích thích collagen, cải thiện kết cấu và tình trạng da xỉn màu, đồng thời mang lại làn da sáng hơn. Tuy nhiên, sử dụng sản phẩm không đúng cách có thể gây kích ứng, dẫn đến tình trạng tăng sắc tố.
Bạn nên kết hợp với một loại kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng và chọn công thức với tỷ lệ phần trăm thấp. Nhưng nếu bạn vẫn muốn một loại AHA khác nhẹ hơn, hãy sử dụng mandelic acid.
Đối với BHA, chúng thường ở dạng salicylic acid và có thể thấm sâu hơn để loại bỏ dầu và bụi bẩn. Nói tóm lại, chúng là một lựa chọn tuyệt vời cho những người bị mụn, mụn đầu đen và da dầu.
Nếu da rất nhạy cảm, bạn có thể thử sử dụng các sản phẩm chứa acid từ trái cây hay bột enzyme khi rửa mặt. Và hãy tránh sử dụng acid trên vùng da mới cạo râu vì có thể gây ra tình trạng mẫn cảm.
Tần suất sử dụng
Tần suất sử dụng phụ thuộc vào độ mạnh của sản phẩm và loại da của mỗi người. Nếu là sản phẩm dịu nhẹ thì bạn có thể dùng hàng ngày. Đối với những sản phẩm mạnh, hãy sử dụng 1-2 lần/tuần.
Bạn nên tẩy tế bào chết vào buổi tối, vì acid có thể khiến da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Đặc biệt, hãy luôn sử dụng kem chống nắng vào buổi sáng. Nếu bạn đang muốn đưa một loại acid mới vào chu trình chăm sóc da, hãy bắt đầu chậm với nồng độ thấp và sau đó tăng dần đến mức có thể chịu được.
Tuy nhiên, nếu làn da của bạn trông xỉn màu và có thể thấy da dày sừng, khô, sần sùi và bong tróc, bạn nên đẩy số lần tẩy da chết lên. Đối với những người dùng đã quen với acid và muốn tác động lên nhiều vấn đề cùng lúc, hãy sử dụng sản phẩm chứa nhiều loại acid khác nhau.
Mặt khác, việc tẩy da chết quá mức có thể dẫn đến nổi mụn, mất nước và khô da do hàng rào bảo vệ da bị bong tróc quá mức. Nếu da của bạn đỏ, cảm thấy đau và nhạy cảm hơn, hãy tạm dừng để phục hồi và giảm tần suất sử dụng, đồng thời tìm một sản phẩm nhẹ nhàng hơn.
Sử dụng các dịch vụ chuyên nghiệp
Nếu bạn đang phải đối mặt với kết cấu da không đều màu, sẹo hoặc tìm kiếm làn da mịn màng, trẻ trung hơn trong khoảng thời gian ngắn, hãy đến các phòng khám da liễu hay spa chuyên nghiệp để được peel da hóa học. Tùy thuộc tình trạng mà bạn sẽ có các chất peel khác nhau.
Bảo vệ và phục hồi tế bào chết
Nếu bạn đã làm tổn thương da do tẩy tế bào chết quá nhiều, hoặc da đang hồi phục sau quá trình peel, bạn cần quay lại những điều cơ bản. Hãy dừng tất cả các hoạt chất mạnh, bao gồm cả retinol. Đơn giản hóa việc chăm sóc da với sữa rửa mặt ẩm, chọn loại kem dưỡng nhẹ nhàng có chứa ceramides và hyaluronic acid, bảo vệ da hàng ngày bằng kem chống nắng. Bạn nên làm điều này trong vài ngày hoặc vài tuần nếu cần. Khi da tốt hơn, bạn có thể sử dụng lại sản phẩm tẩy da chết nhẹ nhàng và tăng dần tần suất và nồng độ.
Đối với việc chăm sóc sau điều trị, bạn phải sử dụng kem chống nắng SPF50+ phổ rộng để giúp bảo vệ làn da tốt nhất.
__________
Bài: Vĩnh Khang
Tham khảo: Mr Porter