Ngày nay, áp lực công việc ngày càng gia tăng, khiến nhiều người dễ bị tức giận và đưa ra phán quyết sai lầm nơi công sở. Chính vì thế, học cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực rất quan trọng. Nó giúp bạn giữ gìn các mối quan hệ đồng nghiệp, đồng thời trở thành một cá thể vượt trội trong đội nhóm hoặc trong công ty.
Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu các kiểm soát cơn tức giận qua bài viết sau.
1. Thừa nhận sự tức giận của bản thân kỹ năng
Đầu tiên, bạn cần hiểu tức giận là một cảm xúc bình thường, và nó sẽ xuất hiện để phản ứng lại một điều gì đó mà tiềm thức bạn nhận định đó là một mối đe doạ. Điều hữu ích lúc này là bạn cần thừa nhận cảm xúc nóng giận đó, đồng thời xem xét một cách khách quan liệu nó có đáng hay không, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh khác nhau.
2. Luyện tập hít thở sâu
Khi cảm thấy tức giận, bạn hãy tập hít thở thật sâu để giúp bản thân bình tĩnh lại. Lúc này, não bộ sẽ được gửi thông điệp cần phải thư giãn, và giúp chuyển sự chú ý của bạn ra khỏi sự nóng giận. Bạn cũng có thể đọc một câu nói yêu thích để làm dịu bản thân, tập đếm từ 1 đến 10, hoặc nghe bản nhạc ưa thích để đánh lạc hướng khỏi cảm giác khó chịu.
3. Nói chuyện với người mà bạn tin tưởng tức giận
Trong tình huống không được thoải mái này, bạn có thể tâm sự cùng một người cho bạn cảm giác tin tưởng. Họ sẽ gửi đến bạn lời khuyên, hoặc nêu quan điểm từ một góc nhìn khác, đưa ra giải pháp cho cảm xúc của bạn. Điều quan trọng là bạn phải cẩn thận chọn lọc người tâm sự để đảm bảo quyền riêng tư.
Và một điều nữa, ngoài sự đáng tin, thì người đó cũng phải là một người biết lắng nghe, có sự đồng cảm, và hỗ trợ bạn xử lý tình huống một cách chuyên nghiệp.
4. Tìm cho mình một không gian
Nếu có thể, bạn nên rời khỏi văn phòng để tách mình ra khỏi tình huống khiến bản thân nóng giận. Bạn có thể cân nhắc đến giải pháp đi bộ một đoạn để phân bổ năng lượng và hít thở bầu không khí trong lành. Trong thời gian tản bộ này, hãy suy nghĩ về tình huống bạn đang mắc phải và suy nghĩ giải pháp khả thi để giải quyết. Điều này giúp bạn nhìn nhận vấn đề ở trạng thái bình tĩnh và có một góc nhìn rộng rãi hơn.
5. Tưởng tượng người bạn tôn trọng sẽ giải quyết vấn đề thế nào
Nhằm mở rộng tầm nhìn, bạn hãy tự hỏi bản thân xem người mà bạn luôn đề cao, hoặc sếp của bạn sẽ xử lý tình huống này như thế nào. Hãy thử hình dung bạn là người đó xem phản ứng của họ ra sao, có giống như bạn hiện tại hay không. Khi đưa suy nghĩ trực quan về cá nhân mà bạn tôn trọng, bạn sẽ tránh khỏi những phản ứng tiêu cực khi đối diện với cơn nóng giận.
6. Thảo luận về sự tức giận của bạn với các bên liên quan
Khi bạn đã bình tĩnh và suy nghĩ rõ ràng hơn, hãy chủ động lên lịch để gặp mặt các bên liên quan. Tuỳ thuộc vào tình trạng mối quan hệ của bạn với đối phương, bạn có thể xem xét việc mời một bên thứ ba như là trung gian hoà giải đôi bên. Khi trong cuộc thảo luận, hãy cố gắng sử dụng thái độ cởi mở, trình bày cảm xúc, tìm kiếm giải pháp thay vì đổ lỗi.
7. Phát triển kế hoạch hành động
Bạn cần vạch ra các bước cụ thể cần thực hiện để giải quyết sự cố ban đầu và giảm thiểu khả năng vấn đề xảy ra một lần nữa. Nếu sự tức giận có liên quan đến điều gì đó mà bạn có thể thay đổi, hãy tiến hành các hành động để thay đổi. Nếu cơn giận liên quan đến những điều ngoài tầm kiểm soát, bạn hãy cố gắng chấp nhận, và sử dụng thái độ tích cực để nhìn nhận vấn đề từ từ.
Học cách vượt qua những thử thách về mặt cảm xúc sẽ giúp bạn dần dần giảm được căng thẳng và tiếp tục đóng góp tích cực cho công việc.
8. Chú trọng vào những điều tích cực nơi công sở
Mặc dù có một số việc nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn nơi công sở, nhưng bạn được quyền chọn cách phản ứng với những hoàn cảnh đó. Bạn hãy cố gắng duy trì thái độ tích cực để phát triển trải nghiệm của bản thân, từ đó nâng cao hiệu suất công việc. Khi tiếp cận xung đột nơi làm việc, bạn hãy sử dụng tinh thần cởi mở, thái độ tích cực, điều đó sẽ giúp bạn làm gương cho đồng nghiệp, và dẫn đến hiệu quả tốt hơn.
_____
Bài: An An
Tham khảo: indeed