Kỹ năng 27/07/2016

Phở, bún chả & ba đời tổng thống Mỹ

Bài Trúc Đoàn

[Tạp chí ELLE MAN - 7/2016] Từ những chuyến ghé thăm của ba đời Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, người trẻ Việt có thể học được những bài học nào về giá trị của văn hóa, về sự khác biệt và thái độ khởi nghiệp?

Phía sau tiêu điểm

Một trong những ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với truyền thông Việt Nam về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama (từ ngày 22-25/5) là việc ông ghé ăn bún chả và uống bia ở một quán nhỏ Hà Nội. Hành động giản dị của người quyền lực nhất thế giới, bỏ qua mọi khoảng cách về địa vị, văn hóa, tôn giáo, đã thuyết phục và chiếm trọn vẹn đủ cung bậc tình cảm của mọi người dân Việt Nam và thế giới.

Phở, bún chả & ba đời tổng thống Mỹ
Tổng thống Mỹ Obama trong buổi trò chuyện với nhóm thủ lĩnh trẻ YSEALI sáng ngày 25/5.

Quán phở 2000 bên hông chợ Bến Thành nay vẫn được gọi là “phở Tổng thống” sau chuyến ghé thăm bất ngờ của Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 2000. Hương vị có thể thay đổi sau bao năm nhưng danh vị của quán phở này vẫn không mai một. Du khách vẫn nườm nượp tới đây để thưởng thức phở Việt Nam và chụp hình với… ảnh tổng thống Mỹ.

Tổng thống George .W. Bush cũng thăm Việt Nam vào năm cuối nhiệm kỳ năm 2006. Một trong những địa điểm đoàn ngoại giao Mỹ-Việt chọn ghé thăm ở TP.HCM là tiệm Phở 24 cũng gần chợ Bến Thành. Phở 24 từ đó có cơ hội phát triển tại nhiều quốc gia như Indonesia, Philippines, Campuchia, Nhật Bản… sau khi được nhiều người nước ngoài nhận biết đến thương hiệu hơn.

Bỏ qua mọi hào nhoáng của sự kiện đã qua, ba chuyến thăm Việt Nam của ba vị tổng thống Mỹ vẫn còn những điều khiến nhiều người trẻ Việt Nam cần suy nghĩ. Đó là những bài học về giá trị của văn hóa, về sự khác biệt và thái độ khởi nghiệp. Ba tổng thống Mỹ tới ăn phở, ăn bún chả hay uống bia đơn giản vì đó là những gì gần gũi nhất trong đời sống ẩm thực và văn hóa của người dân Việt Nam. Tiếp cận những giá trị này là cách tiếp cận ngoại giao nhanh nhất và thuyết phục nhất với người dân nước sở tại. Nghệ thuật ngoại giao này cũng cho thấy giá trị của văn hóa nếu được khai thác đúng cách sẽ trở thành một đại lộ đưa bạn đến bất cứ chân trời nào.

Phở, bún chả & ba đời tổng thống Mỹ

Như chính UNESCO khẳng định, di sản văn hóa luôn được coi là tài nguyên du lịch quan trọng, yếu tố không thể thiếu trong nhiều chương trình du lịch. Đảo quốc Singapore chỉ có bề dày lịch sử hơn 50 năm. Không chỉ hiếm hoi về tài nguyên, hòn đảo nhỏ bé tách ra từ Malaysia này còn hiếm hoi cả về di sản. Vì thế, ngoài những công trình khổng lồ hay những trung tâm mua sắm hào nhoáng bậc nhất thế giới thì những di sản văn hóa được đảo quốc vô cùng chú trọng. Du khách Việt Nam có thể bất ngờ khi thấy chỉ một cái tay vịn thô mộc của cây cầu thời thuộc địa cũng được gìn giữ như một điểm đến du lịch và giáo dục. “Nếu bến thuyền này không được gìn giữ từ hôm nay, thì mai sau con cháu chúng ta còn lại những gì? Nó có thể tầm thường ngày hôm nay nhưng trở thành báu vật mai sau”, người hướng dẫn viên đã trả lời thắc mắc về việc một tay vịn “tầm thường” như vậy có đáng được giữ gìn hay không.

Tổng

Sáng tạo và khác biệt

Phở là món ăn hàng ngày của người Việt Nam, xuất hiện ở mọi hang cùng ngõ hẻm, từ bình dân đến cao cấp. Cũng là quán phở nhưng được đầu tư bài bản trở thành hệ thống Phở 24, làm giàu cho những doanh nhân như Lý Quý Trung và mang hương vị phở Việt Nam đi đến nhiều quốc gia trên thế giới. Quán bún chả Hương Liên ở Hà Nội đã được lên chương trình truyền hình dài tập của kênh  CNN  tên là Parts Unknown. Cảnh ăn uống và trò chuyện của đầu bếp Anthony và Tổng thống Obama sẽ nằm trong tập chiếu vào tháng 9… Nếu quán “bún chả Tổng thống” này được đầu tư bài bản sẽ hoàn toàn có thể theo chân được Phở 2000 hay Phở 24 để phát triển mạnh hơn. Tại sao không phải là một hệ thống quán bún chả nhượng quyền trong và ngoài nước?

Chính cha đẻ của marketing hiện đại, Michael Porter, khi đến Việt Nam cũng từng đưa ra một gợi ý rất cụ thể là Việt Nam “hãy trở thành nhà bếp của thế giới” và xây dựng thương hiệu quốc gia bằng nền ẩm thực phong phú của mình.

Điều đó cho thấy, chỉ cần sáng tạo, bạn có thể tạo nên sự thay đổi lớn lao từ những gì bình thường nhất, nhỏ bé nhất. Cũng như trước đây, doanh nhân Lê Như Ái, chủ thương hiệu nước uống Sapuwa, thường kể câu chuyện khởi nghiệp của ông với ý nghĩa tương tự. Ông kể rằng, mình luôn có cảm giác “khao khát” mỗi lần đi qua xưởng bánh kẹo lớn của Kinh Đô. Ông khao khát có được xưởng sản xuất lớn như vậy. Để hiện thực hóa điều này, ông đã khởi nghiệp bằng điều đơn giản nhất là… bán nước lọc. Nước hút lên, tinh lọc và đóng vào chai trở thành thương hiệu Sapuwa nổi tiếng như hiện nay.

Phở, bún chả & ba đời tổng thống Mỹ

Phong trào khởi nghiệp (start-up) lan rộng khắp các nước đang phát triển, trong đó có cả Việt Nam. Chỉ cần một máy vi tính nối mạng, bạn có thể trở thành một doanh nghiệp hoặc kiếm tiền tỉ như Nguyễn Hà Đông với game Flappy Bird dẫn đầu Apple Store. Đó là sự thật nhưng đằng sau sự thật hào nhoáng đó có những điều trần trụi ít người muốn đối mặt là: số người thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ước mơ khởi nghiệp cũng dễ dàng trở thành ảo tưởng đối với nhiều bạn trẻ muốn tỉnh giấc sẽ trở thành triệu phú, tỷ phú, muốn nhanh chóng vươn ra thế giới…

Bên cạnh những giấc mơ lớn thì phong trào trà chanh, phô mai chiên, bún đậu… nở rộ tại TP.HCM rồi cũng sớm tàn. Khi một con phố nhỏ có tới 4 quán trà chanh, 5 tiệm bún đậu thì cơ hội cho phát triển gần như bằng 0! Hay nói như tỷ phú Bill Gates: “Bạn đã thất bại ngay từ lúc có ý nghĩ bắt chước y hệt người khác”.

Cả hai xu hướng này cho thấy chưa bao giờ khởi nghiệp là dễ dàng cả. “Có những người không bằng cấp mà vẫn thành công nhưng chưa từng có ai không học mà thành công cả”, cố CEO của Apple Steve Jobs nói về bài học của cuộc đời mình khi nhiều người ám chỉ tới quá khứ bỏ học của ông. “Muốn thay đổi thế giới thì phải thay đổi bản thân trước”, tỷ phú Trung Quốc Jackma, đồng thời là CEO của trang thương mại điện tử lớn nhất nhì thế giới, cũng nói về việc ông trượt đại học và phải nỗ lực khởi nghiệp.

Liệu

Hai huyền thoại về khởi nghiệp và tạo ra những đế chế khổng lồ về công nghệ này đều có ý rằng: con đường đến với thành công phải xuất phát từ đam mê, từ sự học hỏi chuyên cần và trên hết là thái độ với cuộc sống. Không phải khả năng mà chính thái độ tích cực mới là yếu tố quyết định thành công. Theo đuổi đam mê để trở thành động lực sống và làm việc của mình. Trên hành trình theo đuổi đam mê đó, đừng sợ thất bại. Bởi vì, mọi sai lầm đều là tài sản quý giá cho thành công sau này. Mỗi buổi sáng thức dậy, chúng ta có hai lựa chọn: tiếp tục ngủ với giấc mơ của mình hoặc thức dậy và hành động để hiện thực hóa ước mơ.

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

No more