Kỹ năng 26/09/2022

Cách luyện trí não và thói quen để mua sắm đúng thứ bạn cần

Bài Tuan Anh

Khi phải đối mặt với những lựa chọn vô hạn, chúng ta gặp phải tình trạng suy giảm tâm lý được gọi là “quá sức”. Lúc mua sắm cũng vậy. Làm sao để "luyện não" trước cơn lốc giảm giá? Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu qua bài viết sau.

Thói quen mua sắm quá mức dẫn đến hiện trạng khi mở tủ quần áo, bạn sẽ thấy loạt trang phục còn nhãn mác, mới tinh chưa đụng đến. Thật ra, tình trạng này không chỉ có ở Việt Nam. Tính đến năm 2019, đàn ông Vương quốc Anh mất gần 12.000 bảng Anh trong việc mua quần áo và không mặc chúng, trong khi phụ nữ là 22.000 bảng Anh. Đây là vấn đề tồn tại nhiều năm và chưa có dấu hiệu suy thoái.

Nếu bạn không thực sự biết lý do tại sao mình lại mua những chiếc quần jean hay đôi giày đó, thì đã đến lúc chúng ta xem lại cách chi tiêu. Cùng ELLE Man tìm hiểu cách “luyện não” để tránh lãng phí.

Ảnh: Unsplash
Bạn

1. Bộ não phản ứng thế nào về thói quen mua sắm quá mức

Đôi khi thói quen mua quần áo đến từ… Dopamine

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mua sắm khiến chúng ta cảm thấy thoải mái vì não phản ứng với những kích thích mới lạ, chẳng hạn như một bộ quần áo mới, bằng cách giải phóng một lượng lớn chất dẫn truyền thần kinh dopamine.

Thường được gọi là “hóa chất tạo cảm xúc tốt”, dopamine ảnh hưởng đến cảm giác muốn được khen thưởng và tạo động lực. Những điều mới mẻ cũng kích hoạt hạch hạnh nhân – phần não xử lý cảm xúc và tăng cường độ nhạy giác quan của chúng ta. Hơn nữa, các nghiên cứu MRI trên não đã phát hiện mức dopamine tăng lên khi chúng ta đi mua sắm. Vì vậy, cảm giác hưng phấn này thường không liên quan đến thứ bạn-cần-thiết-mua, mà là muốn-vui-vì-thích-vậy-thôi.

Dopamine khiến bạn vui vẻ, nhưng cũng có thể làm bạn mù quáng. Nghiên cứu đã tiết lộ rằng dopamine làm tê liệt một vùng não của chúng ta được gọi là vỏ não trước trán (DPC), chịu trách nhiệm giúp chúng ta cân nhắc ưu và nhược điểm trong  việc đưa ra quyết định. Thiệt hại tạm thời đối với DPC khiến bạn “lạc lối”, đặc biệt nếu giá món đồ đó có vẻ tốt.

Nồng độ dopamine tăng lên cũng đi kèm với việc tăng adrenaline, tạo ra cuộc hưng cảm phê pha. Mua sắm như cuộc “chiến tranh hóa học” trong cơ thể bạn. Hãy luôn biết chắc bạn mua vì bạn cần, không phải là từ… hóa học cơ thể.

Ảnh: Unsplash

Hiệu ứng ám ảnh về mất mát

Ám ảnh về mất mát (Loss aversion) mô tả lý do tại sao đối với mỗi cá nhân, nỗi đau mất mát có sức mạnh tâm lý gấp đôi so với niềm vui đạt được.

Khi mua sắm, nỗi sợ hãi của bạn về việc bỏ lỡ một món đồ mà bạn nghĩ nó sẽ hấp dẫn sẽ chế ngự phán đoán của bản thân rằng bạn có thực sự mặc chúng hay không. Loại mua sắm mang tính chất phản ứng này làm tăng bạn sẽ ân hận về sau.

2. Cách rèn luyện trí não nhằm tạo thói quen tốt khi mua sắm

Kiểm tra cảm xúc bản thân

Trở thành một người mua sắm thông minh nghĩa là bạn đã xem xét, kiểm tra lại bản thân và cảm xúc của mình trước khi bỏ tiền mua quần áo. Bạn giữ mình sự kiểm soát để tự hỏi rằng đây có phải là sản phẩm bạn cần hay không.

Lập kế hoạch mua sắm

Khi mua sắm online không có chủ đích, bạn có thể ngồi hàng giờ để lướt xem sản phẩm và khả năng cao sẽ bị thu hút bởi những món hàng hấp dẫn.

Hãy lập một danh sách các sản phẩm cần mua và sắp xếp theo mức độ ưu tiên giảm dần. Thứ tự ưu tiên này tùy thuộc vào nhu cầu của bạn tại thời điểm đó. Trong trường hợp đã vượt quá mức chi tiêu cho phép trong đợt mua sắm này, bạn chỉ việc chuyển các món đồ ở cuối danh sách (nghĩa là những món đồ chưa thực sự cần thiết) sang đợt mua sắm tiếp theo.

Quy tắc 4-3-2-1

4 năm: Trước khi mua một thứ gì đó, hãy tự hỏi bản thân xem liệu bạn có còn sử dụng chúng trong thời gian bốn năm nữa hay không. Những người có thói quen mua sắm thiếu kiểm soát thường có xu hướng chọn món đồ nhanh lỗi mốt, không có tuổi thọ cao và sớm muộn gì chúng cũng tích tụ bụi trong tủ quần áo. Bạn hoàn toàn có thể tránh sự lãng phí này bằng cách hình dung con người tương lai của mình trong bộ trang phục. Nếu hình ảnh đó không phù hợp, hãy bỏ đi.

3 hoàn cảnh khác nhau: Nếu bạn có thể hình dung mình sẽ chọn trang phục đó trong ít nhất ba dịp khác nhau hoặc với ba bộ outfit khác biệt, đó là cách chắc chắn để biết nó có tuổi thọ hay không.

2 lần hít thở sâu: Trước khi đưa ra quyết định rằng nó có đáng tiền không, bạn có thể hít thở thật sâu để chống lại cuộc chiến tranh hóa học mà bạn đang âm thầm chiến đấu. Tất cả dopamine và adrenaline tràn vào hệ thống và khiến bạn mất tập trung. Hít thở sâu vài lần giúp làm dịu hệ thống thần kinh giao cảm – nơi kiểm soát các phản ứng không chủ ý của cơ thể và ngăn bạn phản ứng như vậy với thẻ tín dụng của mình.

1 đêm ngủ: Đặt máy tính xách tay hoặc điện thoại xuống, tạm quên shopee đang giảm giá hoặc món đồ đang được sales 70%, hãy đi ngủ. Điều này cũng có thể áp dụng nếu bạn tính nhắn tin dễ gây tổn thương cho người khác. Sau một đêm ngon giấc, có thể bạn sẽ thấy việc mua đồ là không cần thiết. Nếu bạn thức dậy và vẫn không thể ngừng suy nghĩ về điều đó, nó là một dấu hiệu cho thấy bạn đang muốn thật sự.

Ảnh: Unsplash

Giống như bất kỳ hoạt động nào mang đến cho bạn niềm vui theo chủ nghĩa khoái lạc, việc mua sắm nên được thực hành một cách có trách nhiệm. Thực hành chánh niệm là cách tốt nhất để quản lý một tủ quần áo chứa những thứ bạn thực sự muốn mặc và ngăn bản thân thốt ra: “Tôi không có gì để mặc”.

10

_________

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Thùy Dung

Tham khảo: elle.vn, mr. porter

No more