Chánh niệm là một khái niệm đã dần trở nên quen thuộc và gần gũi đối với con người trong xã hội hiện đại ngày nay, hay còn biết đến với danh từ “Mindfulness”. Đây được xem là một phương pháp trị liệu tâm lý, giúp chúng ta tập trung và nhận thức về cơ thể, tâm trí và cảm xúc của chính bản thân mà không bị bất cứ điều gì làm xao nhãng.
Luyện tập chánh niệm mang lại những lợi ích bất ngờ cho cả sức khoẻ tinh thần lẫn thể chất. Qúa trình này sẽ trở nên đơn giản hơn nếu bạn biết cách vận dụng vào những thói quen trong đời sống hằng ngày. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu qua bài viết sau.
1. Đón vào ngày mới cùng việc luyện tập chánh niệm
Mỗi sớm mai thức giấc, bạn hãy dành ra vài phút để tập trung vào bản thân mình. Hôm nay bạn thấy thế nào? Có những cảm xúc gì đang tồn tại bên trong? Bạn có thấy cơ thể mình đau ở đâu không? Một vài câu hỏi, cũng có thể khiến bản thân mình cảm thấy tốt hơn.
Ngoài ra, một cuộc tản bộ, hít thở không khí trong lành buổi sáng và vận động cơ thể cũng là liều thuốc hữu ích cho thể chất của bạn. Kết hợp với điều đó, hãy để tâm trí mình được ngắm những tán cây ven đường, vài ngôi nhà mà bạn đi qua, thưởng thức thiên nhiên cũng là một cách để luyện tập sự “tỉnh thức”.
2. Tập trung chú ý và duy trì từng nhịp thở đều đặn
Hiện thức hơi thở (hay còn gọi là mindful breathing) là một phương pháp luyện tập giúp bạn tập trung vào luồng không khí trong cơ thể khi hít vào và thở ra, để cảm nhận nó qua mũi, ngực hay bụng, bất kì cách thức nào bạn cảm thấy phù hợp.
Nhưng không phải bài luyện tập này lúc nào cũng thuận lợi, vì tâm trí con người là một mớ hỗn độn. Vì vậy khi bắt đầu thấy đầu óc hơi lơ đễnh, bạn hãy từ từ tập trung lại vào hơi thở của mình. Đây là cuộc hành trình bên trong chính bản thân mà bạn cần luyện tập để giúp mình tránh khỏi những luồng suy nghĩ tiêu cực.
Nếu bạn muốn luyện tập hiện thức hơi thở để trở thành thói quen hằng ngày, hãy đặt lời nhắc trong điện thoại và nghiêm túc lên kế hoạch để thực hiện. Khi việc luyện tập diễn ra thường xuyên, thì việc hiện thức hơi thở sẽ thành thói quen mà mỗi ngày bạn sẽ làm nó trong vô thức. Điều này không chỉ có ích cho tâm hồn bạn tránh khỏi những tiêu cực và lo lắng, mà còn hỗ trợ rất tốt cho sức khoẻ tim mạch của bạn.
3. Tập trung vào các giác quan của bạn
Bạn có thể thực hiện điều này bất kì lúc nào. Tất cả những gì bạn cần làm là chuyển hoá sự chú ý của bạn sang những điều đang diễn ra xung quanh. Đây là một cách lý tưởng để đưa sự “tỉnh thức” vào trong mỗi thói quen hằng ngày.
Ví dụ như, khi bạn rửa bát, hãy tập trung vào cảm nhận dòng nước nóng hay lạnh đang chảy, những gợn bong bóng xà phòng trên tay, và mùi hương của nó. Khi bạn đi bộ, hãy thử chú ý đến cảm nhận của từng nhịp chân khi chạm xuống mặt đường, sự uyển chuyển của cánh tay trong từng bước đi. Hoặc khi bạn ăn uống, hãy cảm nhận kết cấu của đồ ăn thức uống, hương vị, và cảm giác như thế nào khi thưởng thức nó.
Khi bạn cảm thấy khó chịu ở đâu đó, hãy để tâm trí của bạn tập trung vào những phần cơ thể bị ảnh hưởng khi căng thẳng xảy ra, ví dụ như vai, lưng, hàm. Đây là cách đánh lừa giác quan, khi bạn tập trung vào cơ thể bên ngoài, phần bên trong sẽ được loại bỏ bớt những lo toan và tiêu cực.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng kỹ thuật 5-4-3-2-1, thực hiện nó sẽ giúp bạn kết nối tốt hơn với thế giới xung quanh,
– 5 điều bạn thấy
– 4 điều bạn nghe
– 3 thứ bạn ngửi
– 2 cái bạn chạm vào
– 1 cái bạn nếm được
4. Thực hành chánh niệm trong các mối quan hệ thân mật
Điều này khiến bạn tập trung vào cơ thể của bản thân, người đồng hành, và những trải nghiệm tương đồng trong từng khoảnh khắc. Đây là sự luyện tập bao gồm việc quan sát, bày tỏ và lắng nghe những mong muốn từ các phía, đồng thời cũng thể hiện sự hiếu kì, sự đường hoàng tử tế, và sự chấp nhận.
5. Chánh niệm ngay trong sự chờ đợi
Chờ đợi là một điều xảy ra thường xuyên trong thời đại này: Xếp hàng chờ tính tiền trong siêu thị, chờ đèn xanh đèn đỏ, chờ có bàn khi đi ăn ở một nhà hàng nào đó. Điều này cũng giúp bạn thực hành chánh niệm. Thay vì cứ nhìn vào màn hình điện thoại trong lúc chờ đợi, hãy hít thở thật sâu, tập trung vào những điều thú vị đang diễn ra xung quanh, ngửi xem không khí đang loáng thoáng mùi hương gì,…
6. Dành thời gian để thiền định mỗi ngày
Ngồi thiền là một nền tảng trong việc luyện tập “tỉnh thức” đối với nhiều người. Bạn có thể dành ra 5 phút, 20 phút hoặc lâu hơn để ngồi yên trong một không gian thoải mái và điều chỉnh trạng thái tỉnh thức của mình. Nhiều người áp dụng phương pháp thiền định và có sự chỉ dẫn để giúp họ thực hiện. Nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu, bạn có thể tìm những người thầy về thiền định, hoặc hiện nay cũng có nhiều ứng dụng trên điện thoại như Calm, Headspace, hoặc các kênh Youtube uy tín, có khả năng giúp ích cho bạn rất nhiều.
__________
Bài: An An
Tham khảo: psychcentral