Kỹ năng 19/07/2022

Những điều nên và không nên khi trao đổi về vấn đề nghỉ việc

Bài ELLE Team

Sau một thời gian dài làm việc, bạn chợt nhận ra mình cần thay đổi công việc mới để nâng cấp bản thân. Dù háo hức với những thử thách mới, bạn cũng đừng nên bỏ qua những bước căn bản trong quy trình nghỉ việc để luôn giữ được hình ảnh chuyên nghiệp và sự đánh giá tốt tại công ty cũ.

Chấm dứt công việc hiện tại mà bạn đã gắn bó luôn là một quyết định không dễ dàng. Đó không đơn giản là hành động bạn gửi đơn xin thôi việc, rồi nhận được sự chấp thuận của cấp trên và thu dọn hành lý chuẩn bị rời khỏi công ty. Hơn thế nữa, đó là cả một nghệ thuật ứng xử. Dù ra đi vì bất cứ lý do gì bạn cũng nên để lại ấn tượng tốt với công ty cũ. Làm cách nào để ra đi trong sự văn minh, êm đẹp và để lại sự chuyên nghiệp. Sau đây là một số điều nên và không nên khi bạn trao đổi về vấn đề nghỉ việc.

6

Những việc nên làm trước khi nghỉ việc

Thông báo với sếp về quyết định nghỉ việc

Trước khi nộp đơn xin nghỉ việc chính thức, bạn nên thông báo đến sếp của mình về quyết định này. Đây là cách thể hiện sự tôn trọng đối với sếp, đừng để phòng nhân sự biết quyết định của bạn trước cả sếp quản lý trực tiếp. Bạn có thể thông báo bằng một cuộc nói chuyện ngắn vào cuối giờ làm việc hoặc thông qua email (nếu bạn cảm thấy ngại không biết nên mở lời thế nào).

viết mail cho sếp
Ảnh: pexels

Lý do xin nghỉ rõ ràng

Đảm bảo sự khéo léo và tế nhị trong buổi nói chuyện với sếp của bạn, dù sao sếp vẫn là cấp trên, những người đã giúp đỡ bạn ở quá khứ và có thể gặp lại bạn ở tương lai. Ngay cả khi, lý do nghỉ việc của bạn có liên quan tới mối quan hệ với sếp thì bạn cũng không nên để lại những lời lẽ tiêu cực, thiếu tôn trọng. Trước hết, cần đảm bảo xin nghỉ đúng quy định của công ty. Đó là một điều kiện giúp bạn không bị mất quyền lợi, và cũng giúp công ty của bạn có thời gian chuẩn bị công tác tuyển dụng nhân sự. Sau đó, hãy thông báo lý do xin nghỉ một cách lịch sự nhất, nhẹ nhàng nhất có thể. 

lí do nghỉ việc rõ ràng
Ảnh: pexels

Miêu tả chi tiết công việc bạn đang bàn giao

Hãy thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn với những đồng nghiệp. Nếu công việc của bạn liên quan đến nhiều bên khác nhau và có nhiều deadline khác nhau, hãy làm một file tổng hợp dưới dạng bảng. Nó nên có đầy đủ thông tin về tiến độ công việc, các mốc thời gian quan trọng, lẫn liên hệ cần thiết để đồng nghiệp tiện theo dõi khi đảm nhận.

Miêu tả chi tiết công việc bạn đang bàn giao
Ảnh: pexels

Tiếp tục công việc

Mặc dù bạn sẽ cảm thấy rất vui và nhẹ nhõm khi chuẩn bị bắt đầu một hành trình mới, đừng quên giữ sự tập trung để những tháng ngày ngắn ngủi còn lại vẫn làm việc hiệu quả. Sẽ tuyệt vời hơn nếu như trước khi bạn rời đi, các công việc và nhiệm vụ đều đã được hoàn thành một cách suôn sẻ. 

Tiếp tục công việc
Ảnh: pexels

Kết nối với đồng nghiệp

Thông thường sẽ rất hiếm khi bạn có thời gian để gặp gỡ đồng nghiệp cũ sau khi thôi việc, ngoại trừ những người thật sự thân thiết. Vì vậy, hãy tận dụng khoảng thời gian này để tạo những kỷ niệm đẹp với những cộng sự, thậm chí cố gắng giảng hòa những xích mích nếu có. 

thân thiện với đồng nghiệp trước khi nghỉ việc
Ảnh: pexels

Cảm ơn sếp và đồng nghiệp

Cho dù bạn nghỉ việc vì bất cứ lý do nào, hãy cảm ơn họ vì những cơ hội, sự giúp đỡ mà họ đã mang đến cho bạn trong thời gian còn làm việc cùng nhau. Bạn có thể gặp mặt trực tiếp hoặc gửi email cho đồng nghiệp để thể hiện thiện chí của mình. Đừng quên để lại những thông tin liên hệ để mọi người có thể giữ liên lạc nếu muốn.

Cảm ơn sếp và đồng nghiệp trước khi nghỉ việc
Ảnh: pexels

5

Những việc không nên làm trước và sau khi nghỉ việc

Nói xấu công ty và đồng nghiệp

Có nhiều trường hợp ta quyết định ra đi vì những mâu thuẫn. Thế nhưng, dẫu là lý do gì bạn cũng không nên lấy đó làm cớ trút giận trong những ngày làm việc cuối, hay kể cả khi đã rời công ty. Hình ảnh của bạn sẽ trở nên xấu đi rất nhiều ở một cộng đồng nào đó, khiến tài năng và những đóng góp của bạn bị lu mờ bởi những điều tiêu cực mà bạn đã làm.

Những việc không nên làm trước và sau khi nghỉ việc
Ảnh: pexels

Rủ rê đồng nghiệp cùng nghỉ việc

Mỗi một người sẽ có lối đi riêng trong sự nghiệp, bạn không nên đưa ra phân tích cho người khác hay lời khuyên rằng họ cũng nên nghỉ việc như bạn. Trong trường hợp thông tin bị rò rỉ, việc cho lời khuyên của bạn sẽ bị hiểu lầm là kích động xung đột nội bộ công ty.

Chia sẻ thông tin quan trọng của công ty cũ 

Nếu đã sẵn sàng bước qua một hành trình mới, thứ bạn nên đem theo là những hành trang kinh nghiệm. Không nên tiết lộ những thông tin bí mật hay mang những công việc liên quan để nói hay bàn tán ra bên ngoài. Điều này là tối kỵ nhất trong những việc không nên làm và sẽ khiến hình ảnh của bạn bị ảnh hưởng xấu, không chỉ tại công ty cũ, mà còn có thể là ở bất kỳ môi trường làm việc nào mà bạn gia nhập sau đó.

Những việc không nên làm trước và sau khi nghỉ việc
Ảnh: pexels

9

___

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Nhật Phương

Nguồn: The Balance Careers

No more