Sống thử trước hôn nhân từng bị coi là điều cấm kỵ, nhưng giờ đây đã trở nên phổ biến và được chấp nhận hơn. Nếu bạn và người yêu đang hạnh phúc, việc chuyển đến sống chung có thể nảy ra trong tâm trí bạn. Tuy nhiên, bạn vẫn cần cân nhắc một số yếu tố trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu những yếu tố cần xem xét trước khi quyết định sống chung và các ưu, nhược điểm tiềm ẩn của lựa chọn này qua bài viết sau.
I. HIỂU RÕ LÝ DO BẠN VÀ ĐỐI PHƯƠNG SỐNG THỬ
Có nhiều lý do khiến các cặp đôi chọn sống chung trước khi đưa ra cam kết dài hạn. Nghiên cứu chỉ ra rằng các nguyên nhân chính thường là để dành nhiều thời gian bên nhau, chia sẻ chi phí và đánh giá sự hòa hợp.
1. Để hiểu nhau hơn
Với nhiều cặp đôi, đây là cách hiệu quả để xem liệu họ có thực sự phù hợp trước khi quyết định tiến tới hôn nhân. Sống chung giúp bạn hiểu rõ thói quen, tính cách và hành vi của đối phương. Chia sẻ không gian sống cho phép hai người tìm hiểu nhau sâu hơn so với khi sống riêng.
2. Chia sẻ kinh tế
Tuy nhiên, sống thử không chỉ để thắt chặt mối quan hệ hay “chơi trò gia đình”—với nhiều người, đây còn là nhu cầu kinh tế. Chi phí sinh hoạt cao buộc nhiều người phải ở chung để giảm gánh nặng tài chính. Với nhiều cặp đôi, điều này trở thành một bước đi hợp lý trong mối quan hệ.
Sống chung trước hôn nhân có thể giúp bạn tiết kiệm chi phí, mang lại sự ổn định tài chính và tăng nguồn lực chung. Dù không lãng mạn, nghiên cứu cho thấy yếu tố này có thể làm tăng khả năng kết hôn.
Tuy nhiên, nếu sống chung chỉ vì áp lực kinh tế, có thể cả hai chưa thực sự cam kết với mối quan hệ như khi đưa ra quyết định này vì mong muốn thực sự.
II. VẤN ĐỀ CẦN CÂN NHẮC KHI SỐNG THỬ
1. Lý do sống chung
Yếu tố đầu tiên cần xem xét là động lực của bạn khi quyết định sống chung. Những cặp đôi chuyển đến ở cùng nhau vì tiện lợi tài chính hoặc để “thử nghiệm” mối quan hệ thường có xu hướng ít hài lòng và khó tiến tới hôn nhân.
Ngược lại, những cặp đôi sống chung vì mong muốn thực sự được gắn bó và phát triển mối quan hệ thường có nền tảng bền vững hơn.
2. Tuổi tác và trải nghiệm cuộc sống
Cả hai nên trải nghiệm việc sống độc lập hoặc sống cùng bạn bè trước khi sống chung, để hiểu rõ bản thân và các mối quan hệ cá nhân.
Khi đã có những trải nghiệm sống đa dạng, cả hai thường sẽ trân trọng nhau hơn và không cảm thấy mình bỏ lỡ các cơ hội mà bạn bè đồng trang lứa có được.
3. Hiểu rõ tác động của sống thử
Bạn cần hiểu rõ tác động của sống thử đến với cuộc sống của mình, bao gồm:
– Học cách chấp nhận mâu thuẫn và thỏa hiệp: Trước khi sống chung, bạn có thể dễ dàng tìm đến không gian riêng sau khi xảy ra mâu thuẫn. Khi sống thử, bạn phải chấp nhận cả mặt tốt và xấu của đối phương, đồng thời cam kết cùng nhau vượt qua những ngày vui lẫn những ngày khó khăn.
– Bạn đang đầu tư sâu hơn vào mối quan hệ: Sống chung đồng nghĩa với việc bạn đầu tư sâu hơn vào mối quan hệ. Sau bước này, thường sẽ là cam kết chính thức như hôn nhân, hoặc nếu không thành, sẽ là một cuộc chia tay phức tạp hơn do cuộc sống của cả hai đã gắn bó chặt chẽ.
– Sự tin tưởng: Sống chung cũng đòi hỏi bạn phơi bày những khía cạnh cá nhân mà trước đây có thể chưa được chia sẻ, từ những thói quen nhỏ đến những điểm yếu. Bạn cần tin tưởng đối phương và quyết định sống chung với niềm tin rằng mối quan hệ sẽ bền chặt hơn sau khi hiểu rõ hơn về nhau.
II. HIỂU VỀ MẶT TÍCH CỰC VÀ RỦI RO CỦA SỐNG THỬ
1. Tích cực
– Sống thử cho phép bạn khám phá cách cả hai cùng xây dựng cuộc sống chung mà không chịu áp lực hôn nhân.
– Hôn nhân thường được xem là cam kết khó thay đổi, đồng thời thường có sự tham gia của gia đình, bạn bè. Sống chung giúp bạn không chịu điều này, đồng thời giúp cả hai học cách sẻ chia với nhau trước khi cưới.
– Sống thử giúp cả hai học cách giải quyết vấn đề, củng cố mối quan hệ, và đối mặt với những căng thẳng chung với nhau. Điều này có thể làm bạn tự tin hơn khi đưa ra quyết định kết hôn.
2. Rủi ro
– Sống thử có thể gây ra khác biệt về quyết định cả hai có kết hôn hay không. Nếu một người chỉ mong sống thử lâu hơn, trong khi đối phương mong đợi hôn nhân sau bước này, nó sẽ gây ra mâu thuẫn.
– Gây ra rủi ro bạn đầu tư thời gian và năng lượng vào mối quan hệ này rất nhiều mà cuối cùng không đi đến hôn nhân.
_______
Bài: Thùy Dung
Tham khảo: verywellmind