Nếu đang trong quá trình lên kế hoạch cho đám cưới của mình, rất có thể bạn và đối phương sẽ có những tranh cãi về nhiều vấn đề. Ngoài ra, buổi lễ này còn có sự tham gia của hai gia đình. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu 7 xung đột thường thấy khi tổ chức đám cưới và giải pháp tháo gỡ.
1. Vấn đề tiền bạc
Việc tổ chức đám cưới thường tiêu tốn một số tiền lớn. Đây là vấn đề mà các cặp đôi thường phải thảo luận với nhau và các thành viên khác trong gia đình. Điều này xuất phát từ thói quen chi tiêu khác nhau và quan niệm về giá trị của đám cưới của mỗi người.
Để ngăn chặn cuộc cãi vã này xảy ra, bạn nên ngồi lại với người bạn đời tương lai hoặc bất kỳ ai khác đóng góp vào đám cưới để lập một ngân sách hợp lý, trong đó bạn sẽ chia sẻ việc sẽ ưu tiên một số khoản chi tiêu nhất định hơn những mục khác. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thỏa hiệp với đối phương một số điều để đôi bên cùng đạt được thỏa thuận chung.
Nếu cha mẹ hoặc bố mẹ chồng/vợ tương lai của bạn chi trả một phần (hoặc toàn bộ) tổng hóa đơn, hãy thảo luận về chi phí họ đang trả và mức độ tham gia của họ vào đám cưới của bạn.
2. Truyền thống gia đình
Trong một số gia đình, có những truyền thống nhất định mà mỗi thế hệ đều phải thực hiện như việc cha cô dâu dắt con gái mình vào lễ đường, đeo nhẫn cưới của bà cố,… Nếu muốn tạo ra phong tục và nghi lễ của riêng mình, bạn và đối phương có thể khiến phụ huynh thất vọng.
Vì thế, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, hãy trò chuyện cởi mở và trung thực với gia đình của bạn và đối phương và lắng nghe phản hồi. Quan trọng nhất, bạn cần thỏa hiệp. Có thể bạn sẽ đưa vào một nghi lễ có ý nghĩa với mẹ của mình, đồng thời chấp nhận truyền thống khác từ đối phương.
3. Đối mặt với ý kiến khác nhau trong lúc chuẩn bị đám cưới
Đám cưới là ngày trọng đại của bạn và người bạn đời, vì vậy ý kiến của hai người luôn là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, mọi thứ có thể trở nên phức tạp khi có người khác tham gia chi trả một phần chi phí. Điều này đôi khi khiến họ nghĩ rằng mình có quyền quyết định cuối cùng. Ngoài ra, bạn bè và gia đình, dù với ý định tốt, cũng có thể khiến bạn căng thẳng khi liên tục đưa ra nhận xét về mọi chi tiết trong đám cưới.
Thay vì để những ý kiến mâu thuẫn làm mất đi niềm vui, bạn hãy hít thở sâu, tạm ngắt kết nối và suy ngẫm. Trải nghiệm của họ không phải trách nhiệm của bạn, nhưng hiểu được lý do họ hành xử như vậy sẽ giúp bạn tìm cách giải quyết tình huống.
Có thể họ thực sự vui mừng cho bạn, hoặc chỉ muốn bạn tránh lặp lại những sai lầm mà họ từng mắc phải. Dù lý do là gì, hãy cố gắng đặt mình vào vị trí của họ để nhìn nhận vấn đề, sau đó mới bày tỏ quan điểm của mình một cách khéo léo.
4. Gia đình của đối phương
Mỗi gia đình sẽ có truyền thống và thói quen khác nhau, vì thế bạn có thể gặp mâu thuẫn với người thân của bạn đời. Để giải quyết vấn đề này, bạn cần hiểu tôn trọng gia đình đối tác là rất quan trọng để xây dựng cuộc sống mai sau. Bên cạnh đó, hãy chia sẻ điều bạn muốn một cách khéo léo, cẩn trọng. Có thể là “Con đã mơ về ngày này cả đời, và có một số điều con thực sự muốn tự mình làm” hoặc là “Con trân trọng mọi thứ hai bác đang thực hiện. Nhưng phần còn lại, con muốn tự mình làm.”
5. Danh sách khách tham dự đám cưới
Quyết định mời ai (và không mời ai) đến dự đám cưới của bạn là một cuộc chiến phổ biến khác giữa các cặp đôi và thành viên gia đình. Nếu bạn và đối tác của mình có gia đình lớn và nhiều nhóm bạn bè khác nhau, quyết định này sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Giải pháp là gì? Sau khi bạn có được địa điểm và chọn ngân sách phù hợp, hãy xác định số lượng người bạn sẽ mời và cách bạn sẽ phân bổ số lượng đó cho cả hai gia đình. Hãy chắc chắn bạn đã dành thời gian để thảo luận về danh sách khách mời với đối tác, để cả hai cùng thống nhất.
Nếu cả hai gia đình đều có người muốn mời, hãy trò chuyện với họ về số lượng người tham dự tối đa và đưa ra số lượng khách hợp lý.
6. Bối cảnh tổ chức đám cưới và thời gian
Vì đám cưới là tôn vinh tình yêu của bạn lẫn người yêu, nên ý kiến của cả hai đều quan trọng như nhau. Tuy niên, khác biệt về bối cảnh tổ chức và thời gian có thể khiến mối quan hệ hai người căng thẳng: Ví dụ: Bạn muốn tổ chức tại bãi biển, còn đối tác thì hy vọng được dự tiệc trên núi cao,… Hãy thỏa hiệp, tôn trọng đối phương và tìm cách tốt nhất. Nên nhớ rằng, hai bạn cùng một đội.
7. Nhiệm vụ của mỗi người
Bạn và người yêu đang cùng nhau lên kế hoạch cho đám cưới, nhưng khối lượng công việc không phải lúc nào cũng được phân bổ đều. Một bên có thể cảm thấy họ đang làm tất cả những việc nặng nhọc, trong khi bên kia dường như không quan tâm và chỉ đồng ý máy móc. Và tranh cãi có thể nổ ra.
Một cách để tránh xung đột là cả hai bên viết ra mọi thứ liên quan đến đám cưới và phân công. Hãy chọn việc bạn hoặc đối phương thích thú hơn như bạn sẽ chọn áo cưới và đối tác chọn hoa. Đối với các nhiệm vụ còn lại mà cả hai bạn đều không thích, bạn có thể chia nhỏ các nhiệm vụ đó, để có sự phân chia đồng đều.
________
Bài: Thùy Dung
Tham khảo: brides