Bạn có thể đã nhảy dây rất nhiều khi còn nhỏ, và chắc hẳn đó là một trò chơi thú vị. Nhưng bài tập này còn mang lại nhiều lợi ích hơn mà bạn có thể chưa biết. Nhảy dây không chỉ giúp đốt cháy calo, mà còn là một cách hiệu quả để bạn luyện tập sức bền và cải thiện vóc dáng. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu những lợi ích và cách đưa nhảy dây vào buổi tập của bạn.
I. LỢI ÍCH CỦA NHẢY DÂY
1. Cải thiện sức khỏe tim mạch
Nhảy dây là một bài tập tuyệt vời để cải thiện sức khỏe tim mạch. Việc nhảy liên tục trong một khoảng thời gian sẽ yêu cầu cơ thể bạn phải bơm nhiều máu và oxy hơn đến các nhóm cơ đang hoạt động, làm tăng nhịp tim và nhịp thở để đáp ứng nhu cầu. Theo thời gian, nó giúp tăng độ khỏe của tim và cải thiện dung tích phổi, từ đó giúp bạn tập luyện lâu hơn.
2. Tăng cường cơ bắp
Nhảy dây huy động các nhóm cơ: bắp chân, đùi, mông, vai, bắp tay trước, và cơ bụng. Không chỉ dừng lại ở việc cải thiện sức mạnh cơ bắp, nó còn tăng cường sức bền, cho phép cơ bắp hoạt động lâu hơn và tăng sức mạnh bùng nổ cho những chuyển động nhanh, đột ngột thường gặp trong các môn thể thao.
3. Xây dựng xương chắc khỏe
Khi nhảy, cơ thể bạn phản ứng với áp lực tạm thời lên xương do lực tiếp đất, bằng cách nay sẽ làm xương mạnh và dày hơn.
4. Cải thiện sự phối hợp và thăng bằng
Nhảy dây đòi hỏi sự phối hợp giữa tay, chân và thân trên, đồng thời giữ nhịp điệu ổn định. Hơn nữa, bạn cần có sự cân bằng tốt để duy trì trọng tâm và cho phép chân đẩy khỏi mặt đất theo cách lặp lại.
5. Thú vị
Đây là một bài tập vừa vui vừa hiệu quả. Hơn nữa, bạn có thể thay đổi kiểu nhảy, cường độ và tăng độ khó để thêm phần thử thách. Khi cảm thấy thích thú với bài tập, bạn sẽ duy trì nó được tốt hơn.
II. BẠN CẦN GÌ NGOÀI NHẢY DÂY ĐỂ GIẢM CÂN?
Mặc dù bạn có thể đốt nhiều calo từ nhảy dây, nhưng nó không đủ để hỗ trợ giảm cân lâu dài. Thay vào đó, giảm cân bền vững sẽ cần một lối sống lành mạnh toàn diện, bao gồm ăn một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và quản lý mức độ căng thẳng.
Bạn nên kết hợp nhảy dây với các hình thức tập luyện khác để tối đa hóa thể lực. Một chế độ tập luyện toàn diện sẽ bao gồm tập luyện sức mạnh (ví dụ: tập tạ hay Pilates), cardio.
III. KẾT HỢP NHẢY DÂY VÀO LỊCH TẬP NHƯ THẾ NÀO?
1. Tập luyện sức bền
Khi tập sức bền, bạn hãy nhảy dây càng lâu càng tốt để tăng sự dẻo dai cho cơ tim. Bạn nên nhảy chậm, cường độ vừa phải, không cần nhảy nhanh nhất có thể.
Sử dụng đồng hồ bấm giờ để theo dõi xem bạn có thể nhảy bao lâu với một tốc độ không đổi mà không cần dừng lại. Khi bạn đã quen, hãy tăng thời gian nhảy, tốt nhất trong khoảng 20-30 phút mà không cần dừng lại.
2. Khởi động đầu buổi
Nếu bạn muốn nhảy dây để khởi động cơ bắp trước khi tập luyện, hãy thử nhảy trong 3-5 phút với tốc độ vừa phải, đều đặn.
3. Kết thúc buổi tập
Để kết thúc buổi tập, hãy cố gắng tăng nhịp tim lên cao nhất có thể bằng cách hoàn thành bài nhảy dây nhanh, cháy hết mình. Hãy thực hiện 100 cái nhanh nhất có thể, sau đó nghỉ một chút và tiếp tục thực hiện 100 cái đến khi đủ 500 cái. Dành 10-15 phút để hoàn thành.
4. Nhảy dây giải lao
Nếu bạn đã ngồi quá lâu và muốn vận động, hãy nhảy trong vài phút. Thực hiện một vài lần trong ngày để cộng dồn và mang đến cho bạn một lượng endorphin.
_____
Bài: Vĩnh Khang
Tham khảo: Healthline